Xung quanh chuyện Đạo Hiếu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1940 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên mặt đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi” (Xh 20,12). Người biết sống tinh thần đạo hiếu sẽ được Thiên Chúa chúc lành và ban ơn. Họ sẽ trở thành những tác nhân ảnh hưởng trên sự phát triển của xã hội như nắm men làm dậy cả khối bột.

 

Dẫn nhập


Ai đã từng nghe đến Á Châu chắc hẳn không thể không liên tưởng đến vùng đất được gọi là cái nôi của văn hóa và tín ngưỡng. Thật thế, lục địa Á Châu được thừa hưởng những truyền thống tôn giáo từ lâu đời và rất phong phú: Ấn Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và những truyền thống văn hóa mang đậm nét Á Đông. Việt Nam có lẽ từ xa xưa đã hội nhập Tam Giáo: Phật, Khổng, Lão với điểm gặp gỡ chung là Đạo Hiếu, tôn kính cha mẹ và thờ kính tồ tiên. Tinh thần hiếu thảo đối với Ông Bà tổ tiên, cha mẹ từ xưa đến nay luôn là điểm son trong nét văn hóa Á Đông nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Tâm thức của người Việt Nam ngàn đời là vậy, đời sống có nghĩa có tình, trọng chữ hiếu, thiên về tình cảm và luôn ưu tiên dành vị trí quan trọng cho các bậc sinh thành, coi việc hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã khuất là một bổn phận hết sức quan trọng và xem như là nền tảng để xây dựng các giá trị nhân bản. Vài nét chấm phá để nghĩ suy xung quanh chuyện Đạo Hiếu trước một thế giới đang ngày càng đổi thay, ở đây không có ước vọng nêu ra hết những vấn đề vô vàn của Đạo Hiếu, chỉ xin được nói lên những suy nghĩ đơn sơ từ cảm nhận của thế hệ con cháu đang sống trong thế giới xem ra những giá trị của Đạo Hiếu này đang dần dần bị lãng quên.


1. Đạo hiếu trong truyền thống người Việt Nam


a. Tinh thần đạo hiếu


            Người Á Châu nói chung và người Việt Nam nói riêng rất coi trọng chữ Hiếu và gọi nôm na phổ biến là Đạo Ông Bà hay Đạo Hiếu [1], dạy con cháu phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời. Một cách nào đó, chữ hiếu cũng là tiêu chuẩn để đánh giá tư cách của một con người. Các cụ ngày xưa thường dựa vào thái độ, cách đối xử với ông và cha mẹ, anh chị em theo “tinh thần hiếu đễ” mà cho thấy được người đó sống các giá trị nhân bản thế nào. Thậm chí coi việc báo hiếu với các ngài là việc quan trọng còn hơn việc đi tu nữa:


            Tu đâu cho bằng tu nhà

              Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.


Đạo hiếu không có gì là cao siêu xa vời nhưng rất gần với mỗi con người. Đạo dạy làm con, làm người mà con người hấp thụ được nơi gia đình thân thương. Có lẽ tinh thần đó đã đi sâu vào trong thơ văn, ca dao, tục ngữ và trở thành những câu thơ, câu hát nằm lòng khiến ai ai đã là những Việt Nam ắt hẳn cũng không thể không biết. Con trẻ mới được sinh ra chưa biết bập bẹ đã bắt đầu việc “hành đạo” của mình. Giáo dục trong gia đình cho trẻ thơ, điều mà người Việt Nam dạy con trẻ đầu tiên là đạo lý, lễ nghĩa “tiên học lễ, hậu học văn”. Ngay từ khi còn nằm trong nôi, qua lời ru ngọt ngào của mẹ, những câu hát của bà, mỗi đứa trẻ được nghe những lời dạy bảo yêu thương, ngày tháng dần qua đã đi sâu vào trong trái tim, tạo nên tâm thức của người Việt Nam tâm tình hiếu thảo, biết ơn đối với các bậc sinh thành:


Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.


Theo dòng thời gian, truyền thống tốt đẹp này được gìn giữ và phát triển bao đời và vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay dù vẫn có những vệt tối làm lu mờ truyền thống tốt đẹp khiến chúng ta thấy trăn trở. Nó vừa là những tình cảm tự nhiên vừa là một giá trị thiêng liêng được giao kết hài hòa và nhàm nặn trong tâm thức của người dân Việt qua quá trình xây dựng và phát triển đất nước, hun đúc nên đạo lý và tâm tình cao quý này, trở thành mạch máy huyết lưu thông trong con người Việt Nam đến nỗi có thể hãnh diện với nhân loại về truyền thống cao đẹp này. Có thể nói rằng Việt Nam với 54 dân tộc trải dài khắp 3 miền: Bắc, Trung, Nam và cho dù thuộc bất kỳ tôn giáo nào cũng luôn nghĩ đến công ơn của những bậc sinh thành ra mình, yêu thương phụng dưỡng khi các ngài còn sống cũng như thi hành các nghĩa vụ thiêng liêng khi các ngài đã khuất. Chẳng phải người Việt Nam đã được dạy rằng:


Công cha nghĩa mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân.


Bài học đầu tiên thường là những câu chào và hành vi cúi đầu tuy xem ra rất nhỏ nhưng là một hành vi phi thường giúp con trẻ hình thành nếp sống lễ nghĩa gia phong từ khi còn nhỏ. Các cụ ngày xưa đã đúc kết giá trị truyền thống ấy qua ca dao, tục ngữ và cho rằng “hiếu” là đứng đầu trăm nết “Trăm việc thiện, hiếu đứng đầu” nên với suy nghĩ và quan niệm này, bất hiếu [2] chính là tội lớn nhất và bị mọi người lên án nhiều nhất. Nền lễ giáo kim cổ của nhiều nước Phương Đông, trong đó Đạo Hiếu của người Việt Nam đều khẳng định tội bất hiếu là những tội lớn nhất của con người.


Biết bao tấm gương Hiếu Nhân danh tiếng trong lịch sử và văn hóa Việt Nam đã từng làm cảm động và gương sáng cho thế giới cũng như bao thế hệ con cháu mai sau như tấm gương Lục Vân Tiên trên đường đi thi, được tin mẹ qua đời đã bỏ cuộc thi trở về lo điếu tang mẹ khóc đến nỗi mù lòa đôi mắt. Bên cạnh tinh thần thẻo hiếu của những người thảo dân cũng không thiếu những tấm gương hiếu thảo của các bậc minh quân Thánh Thượng, của các vị anh hùng hào kiệt thật đáng cho bao đời khâm phục: Lê Thánh Tôn, bậc minh quân trị vì 1460 – 1497 đã tự tay chăm sóc mẹ lúc mẹ bị bệnh nặng, lo ăn uống, thuốc thang cũng như lo việc tang lễ, hậu sự cho mẹ. Nói người thì cũng nói ta, nói đi thì cũng phải nói lại, hãnh diện cũng có đó, tôn vinh cũng có đó, ngưỡng mộ và khâm phục cuộc sống có đó nhưng cũng thật sự băn khoăn, thao thức khi từng ngày từng ngày tinh thần đạo hiếu của các bậc con cháu, lễ nghĩa gia phong đang dần dần bị xem nhẹ và mai một, nhường chỗ cho những khuynh hướng sống tự do, vô cảm, thiếu sự quan tâm và chăm sóc hiếu thảo với các bậc sinh thành. Ngày ngày chúng ta chứng kiến nhan nhãn những cảnh con cái bất hiếu, chửi bới khinh thường cha mẹ đang xảy ra chung quanh chúng ta: trong đời thường, phim ảnh, phản ảnh trên các phương tiệnt ruyền thông… Có lẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra…??? Một môi trường thể hiện Đạo Hiếu rõ rệt nhất đó chẳng phải là tình gia đình, gia tộc, anh em bạn hữu đó sao?


b. Đạo Hiếu nối kết tìm gia đình và các mối tương quan


Đạo Hiếu đặc biệt được thể hiện rõ trong đời sống của gia đình, theo đó mối quan hệ trong gia đình đặc biệt được đề cao bởi vì đó là nguồn gốc, rường cộc và là nền tảng cho các mối quan hệ khác. Trong quan hệ gia đình thì chữ hiếu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người Việt rất coi trọng đạo hiếu, vậy nên những bậc đại hiếu, chí hiếu trong thiên hạ đều rất được đề cao, coi trọng, được người đời ca tụng, là tấm gương cho đời sau. Làm người mà không xem trọng và sống Đạo Hiếu thì phải nói “phi nhân”. Những kẻ làm con mà bất hiếu, bị xã hội chê trách, bị người đời lên án và sẽ phải nhận một hậu quả tất yếu. Đạo hiếu không kể đó là người sang hay kẻ hèn, người ở địa vị xã hội cao hay thấp mà cốt ở sự thể hiện lòng hiếu thảo của mình.


Với gia đình truyền thống Việt Nam ngày xưa, để tạo dựng một gia đình, ông cha ta đã đưa ra rất nhiều quy tắc, chuẩn mực “gia giáo” hay “gia huấn” để giáo dục từng thành viên trong gia đình cho biết cách đối nhân xử thế, tuân thủ theo những qui định chặt chẽ về đương ăn nết ở: ngôn ngữ trong nói năng, cách ăn mặc, cử chỉ điệu bộ với người trên, kẻ dưới như thế nào cho phải phép, không thể “cá đối bằng đầu, cá mè một lứa”. Gia giáo và gia lễ của mỗi gia đình có thể khác nhau nhưng chung qui người ta lấy chữ “nhân từ” để dạy cho các bậc làm cha mẹ thái độ cần có đối với con cái. Một thái độ đưa ra để dạy cho con cháu là lấy chữ hiếu, chữ “nghĩa” để dạy cho kẻ làm chồng, chữ “đoan chính” dạy cho người làm vợ, lấy chữ “lương” dạy cho anh, chị và lấy chữ “đễ” để dạy cho các em. Những bài học về cách ứng xử trong gia đình “kính trên nhường dưới”, “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”… Những lời dạy ấy đã thấm sâu trong tâm khảm mỗi con người hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên bản sắc ấy nếu không được trân trọng và gìn giữ thì với những đổi thay của xã hội nó sẽ mai một và “biến chất” theo năm tháng. Vốn tiếp nhận và chịu ảnh hưởng rất nhiều tinh hoa từ Nho Giáo, Phật Giáo, với người Việt Nam, gia đình chính là cái gì thiết thân và gần gũi với mình, họ coi trọng sự bền vững của gia đình, tôn ti trật tự, cung cách ứng xử theo cấp bậc.


Phải chân nhận rằng gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và đạo đức của con người, gia đình cũng là ngôi trường đầu tiên giúp con người sống các mối tương quan với người thân, với bạn hữu cách ý nghĩa và trọn vẹn. Nói đến Đạo hiếu không nên hiểu theo kiểu chu toàn Luật Thiên Chúa với vốn lý thuyết giáo lý suông bên cạnh những thực hành mơ hồ thiếu thực tế mà quên đi những giá trị nhân văn thuộc truyền thống văn hóa và tôn giáo của gia đình Á Châu nhưng là quá trình hòa nhập những nét đẹp truyền thống của cha ông, cách đối nhân xử thế hợp với đạo lý làm người trong việc thực hành niềm tin của mình. Trong sứ điệp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu họp lần thứ 8, sau khi khẳng định xác tín của mình về “gia đình là quà tặng quý giá và ân phúc Chúa ban cho vùng Á Châu”, các Giám Mục Á Châu đã đưa ra nhận định sau đây:


Chúng tôi hân hoan đọc được các tín hiệu của niềm hy vọng tràn ngập trong các gia đình Á Châu. Được thôi thúc bởi các giá trị và truyền thống về tôn giáo và văn hóa, nhiều gia đình đang nỗ lực kiên trì dấn thân cho những lý tưởng của đời sống gia đình. Họ múc lấy sức mạnh từ những giá trị mang tính Á Châu, như lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, siết chặt tình thâm gia tộc, tình thân ái giữa người với người, củng cố lòng hiếu khách, tôn trọng người già, đề cao lòng hiếu thảo, chăm sóc cho người trẻ. Duy trì được đời sống tâm linh và niềm tin tôn giáo trong gia đình, cảm nhận được sự thánh thiêng của hôn nhân, gia đình và con cái, là những yếu tố mang lại niềm vui và biến nhiều gia đình thành những vườn ươm cho ơn thiên triệu. Trước các gian truân trăm bề, họ luôn kiên cường chịu đựng. Gia đình Á Châu không ngừng được nâng đỡ bởi các giá trị đó và cũng của dân bản xứ và của các tôn giáo khác đã làm phong phú các gia đình Á Châu biết chừng nào. Những cuộc hôn nhân khác đạo và khác văn hóa cũng tạo những cơ hội thuận lợi cho sự phong phú thiêng liêng, và đã trở thành các biểu tượng về một tình yêu vô điều kiện vươn lên từ những vấn đề phức tạp về văn hóa và tôn giáo mà các cuộc hôn nhân này phải đối mặt. Hỡi các gia đình chúng tôi cám ơn các bạn vì các bạn đã bảo vệ được các giá trị đích thực và chúng tôi khuyến khích các bạn can đảm, kiên trì.


Cần phải nhìn nhận rằng bổn phận của con cháu sống trong trần đời, cần nhớ ân nghĩa đầu tiên, không những phải kính mến, phụng dưỡng, vâng lời khi ông bà cha mẹ còn sống mà còn lo an táng tử tế, cầu nguyện, xin lễ khi các ngài qua đời. Những ngày giỗ kỵ không thể thiếu những nén nhang, dâng hoa quả, mâm cơm để mong ông bà, cha mẹ về hưởng. Một điều thấy rõ nhất mà biết bao dân tộc Tây Phương cũng phải thán phục và ngưỡng mộ vì người Việt Nam sống tình gia đình rất thắm thiết và chan hòa. Tình gia đình, gia tộc luôn được trân trọng đề cao đặc biệt qua những ngày xuân mới. Là người Việt Nam, những dịp lễ Tết, dù có làm ăn, học hành, đi tu, công tác ở đâu xa… cũng tìm cách sắp xếp để trở về đoàn tụ với gia đình, con cháu quây quần, xúm xít chúc tuổi ông bà cha mẹ, ông bà cha mẹ lì xì cho con cháu cùng với lời chúc phúc đậm đà tình nghĩa yêu thương.


Bên cạnh đó, đây cũng là dịp hiệp thông con cháu với tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời bởi người ta tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu nên cũng không quên kính viếng, sửa soạn lại mồ mả cho tổ tiên. Những chuyện xảy ra trong gia đình cũng được trình bày với tổ tiên, với ông bà cha mẹ hay những bậc vị vọng của gia tộc để được tổ tiên chứng giám, chúc phúc và khuyên răn. Tự hào vẫn có đó, niềm vui vẫn có đó nhưng cũng không phải là không có trắc trở và lo âu với cách sống của Dân Việt.


Ngày nay dường như những nét đẹp văn hóa này đang bị mai một bởi cuộc sống kinh tế và lối sống thực dụng, những bữa cơm thân mật đượm tình gia đình có khi chỉ người vợ với đàn con thơ, người chồng thì mải mê với công việc hay la cà với bạn bè nơi các khu vui chơi, giải trí; có khi cả cha và mẹ đều mải mê với những dự án, kế hoạch, giờ tăng ca… bỏ bê đàn con thơ ở nhà muốn làm gì thì làm; rồi đến những lời hỏi thăm sức khỏe, thăm viếng của con cháu với ông bà cha mẹ cũng thấy thưa dần, họa may thì vài ba cú điện thoại thăm cho khỏi bị mang tiếng là “bất hiếu, bất trung”, nhiều gia đình đã vì đồng tiền, tấc đất mà sẵn sàng chửi bới, đánh đập, đưa nhau kiện ra tòa, thậm chí không thèm nhìn mặt nhau. Con cái chỉ vì lòng trí lúc nào cũng lo toan cho những vụ phân chia gia tài, tài sản mà có những thủ đoạn, hành vi, lời nói hỗn láo xúc phạm đến đấng sinh thành. Tất cả những điều ấy đang làm tổn thương các gia đình và làm đổ vỡ các tổ ấm, và nguy hiễm hơn nữa là nó đang tạo ra những gương xấu cho các thế hệ trẻ sau này.


Một số gia đình đã không hiểu hết ý nghĩa cap đẹp của tình thân gia đình mà ngộ nhận đó chỉ là những tập quán cổ hủ hoặc chẳng đem lại lợi ích gì cho con người thời nay nên loại bỏ nó, họ quên một điều xã hội bền vững là do gia đình bền vững nhờ tình thân gia tộc, nhờ mối liên kết thảo hiếu trong gia đình. Điều đáng tiếc hiện nay là thay vì gia đình là tổ ấm mà các thành viên có thể cảm nhận được sự nâng đỡ và cảm thông chia sẻ hay tìm được sự giúp đỡ, yêu thương, kính trọng thì một cách nào đó, nhiều gia đình rơi vào tình trạng sống dở chất dở “mải mê với cơm áo gạo tiền” mà đánh mất những tình cảm đáng trân trọng, đáng quý của gia đình, để rồi muốn báo hiếu, muốn làm một cái gì đó cho ông bà, cha mẹ thì đã muộn màng vì các ngài không còn nữa.


Cuộc sống hôm nay đang chịu tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, lối sống tôn thờ đồng tiền cùng với những sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tràn vào khiến cho Đạo hiếu trong không ít gia đình bị xâm hại. Trong vòng xoáy kiếm tiền, có người đã quên chăm sóc cuộc sống vật chất, tinh thần, tình cảm của cha mẹ già, tưởng rằng có tiền đưa về cho các ngài là xong bổn phận, là đủ những đã không biết rằng con người đâu phải chỉ sống vì tiền, nhiều thứ đáng quý giá hơn chứ!... Đã không thiếu tình trạng  “Cha mẹ nuôi con như Trời như bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”.


2. Đạo hiếu trong đời sống Kitô giáo


a. Đức Giêsu mẫu gương Hiếu Tử cho con người mọi thời


Đức Giêsu trong thân phận con người cũng đã sống lòng hiếu thảo ấy cách toàn vẹn trong cuộc sống của Ngài. Trước tiên, Ngài sống hiếu thảo với Cha trên trời bằng cách chu toàn ý Cha trong cuộc đời, thậm chí hiến tế cả mạng sống “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” [3]. Trong chương trình cứu độ nhân loại, Ngài cũng vâng phục đón nhận sứ mạng Chúa Cha trao, tuy Ngài cũng cảm thấy sợ hãi, bị bỏ rơi như một con người bình thường. Để Danh Cha được vinh hiển rạng ngời giữa muôn dân, Trái tim Chúa luôn thao thức, kết hiệp và đồng hóa tình yêu thảo kính Chúa Cha. Tấm chân tình đó khiến Chúa Cha phải thốt lên “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” [4]. Lòng vâng phục thảo hiếu với Cha trên trời lại được Đức Giêsu sống các triệt để trong đời sống làm con Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chính Chúa Giêsu, khi đến trần gian đã nêu gương hiếu thảo cho chúng ta: sống trong gia đình Nazarét vỏn vẹn ba mươi năm nhưng trọn ba mươi năm ấy là thời gian sống hiếu thảo, vâng lời cha mẹ trong tin yêu và phó thác.


 Người đi xuống cùng với cha mẹ, trờ về Nazarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta [5].


 Ngài không cậy dựa quyền năng siêu việt, không đòi hỏi phải được đề cao, không yêu sách để cai trị, áp đặt người khác thuận theo ý mình. Một mẫu gương hiếu thảo thiện hảo và tuyệt vời cho từng người trong chúng ta.


 b. Bổn phận thảo hiếu của người Công giáo


Đối với người Kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên nhưng còn là đòi hỏi của Thiên Chúa. Chính trong bản Thập Giới, không phải tự nhiên vấn đề thảo hiếu với cha mẹ được đặt sau ba giới răn nói về bổn phận con người đối với Thiên Chúa, giới răn “Thảo kính cha mẹ” được đặt lên đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan con người với nhau. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc thảo hiếu đối với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người Kitô hữu. Cũng như các giới răn khác, khi xúc phạm đến những điều được giáo huấn trong điều răn thứ 4 thì cũng là trọng tội trước mặt Thiên Chúa và xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Điều răn thứ 4 mở đầu cho các điều răn dạy về yêu người và là một trong các điều nền tảng của học thuyết xã hội của Giáo Hội. “Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” [6].