Đạo Mẫu (5)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4532 | Cật nhập lần cuối: 11/20/2018 10:53:18 PM | RSS

(tiếp theo)

Đây cũng là lúc những người ngồi dự xung quanh xán lại bên các ông Đồng hay bà Đồng nghe Thánh phán truyền về tương lai hay dâng lễ vật cầu xin bảo hộ, cầu tài lộc, xin chữa bệnh... Cũng có những ông Đồng, bà Đồng đáp lại những lời cầu xin, phán truyền bằng lời, hay chỉ bằng ánh mắt, điệu bộ bởi vì họ nhập đồng theo kiểu cấm khẩu.

Trong lúc Thánh ngồi nghe hát chầu văn, truyền phán thì cũng là lúc Thánh phát lộc. Người hầu đồng cũng như các con nhang, đệ tử đi dự hầu đổng đều với ước muốn được Thánh thần ban lộc cho bản thân và gia đình mình, khác với đi tu niệm Phật là để cầu phúc cho đời sau. Trong hầu đồng, lộc thánh gồm nhiều thứ, từ nén nhang cháy dở, đoạn mồi khi Thánh múa đến điếu thuốc, lá trầu, quả cau, các thứ bánh trái, hoa quả, một vài thứ vật dụng (như gương, lược, khăn tay, cặp tóc) tiền bạc... Đó là những thứ quà thiêng liêng của Thánh ban cho những ông Đồng, bà Đồng, cho những con nhang đệ tử tới dự cuộc hầu Thánh . Tùy theo từng vị Thánh hay sở thích của từng ông Đồng, bà Đồng mà việc truyền phán, phát lộc nhanh hay lâu, rồi sau đó Thánh thăng, tức Thánh xe giá hồi cung. Dấu hiệu Thánh thăng thường là lúc ông Đồng, bà Đồng ngồi yên, khẽ rùng mình, hai tay bắt chéo trước trán, hay che quạt lên đỉnh đầu... thì lúc đó hai người hầu dâng phải nhanh chóng phủ khăn đỏ lên hầu ông Đồng, bà Đồng, những người cung văn tấu nhạc và hát điệu Thánh xe giá hồi cung. Cũng từ đó ông Đồng và bà Đồng lại chuẩn bị nhập đồng vị Thánh khác. Khi vị thánh cuối cùng ra đi, thường là Thánh cậu hay Quan Hổ, Ông Lốt, thì ông Đồng hay bà Đồng cởi bỏ trang phục Thánh, tạ ơn các Thánh Tứ phủ, rồi cảm ơn những người cùng tới dự. Các ông Đồng hay bà Đồng sau buổi hầu thường cảm thấy khoẻ mạnh, vui tươi và mãn nguyện. Ông Đồng, bà Đồng đi mời các quan khách tới dự ăn bữa cơm lộc Thánh, mà tuỳ theo tính chất buổi lễ mà món ăn có sự thay đổi chút ít. Trên các mâm cơm bao giờ cũng có những phần lộc để người ngồi ăn mang về nhà, như oản, bánh, hoa quả...

Một cách khái quát nhất, chúng ta có thể nêu các đặc trưng cơ bản của lễ nhập hồn của các ông Đồng và bà Đồng:

Trước nhất, đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần. Một ông Đồng hay bà Đồng thôi nhưng trong một buổi lễ, tuỳ theo tính chất của buổi lễ trong năm hay tính cách đồng (căn đồng), theo nhu cầu của từng ông Đồng và bà Đồng mà họ làm giá (ghế) để cho các vị Thánh nào nhập. Đánh dấu mỗi lần vị thánh nào nhập và thăng là căn cứ vào nghi thức trùm khăn phủ diện lên đầu và ông Đồng, bà Đổng thay lễ phục cho phù hợp với danh tính của mỗi vị thần. Trong điện thần đạo Tứ phủ, có một số vị Thánh thường hay nhập hồn vào ông Đồng, bà Đồng, còn có loại ít thấy nhập hơn, thậm chí có vị Thánh người ta không rõ lai lịch và hầu như không bao giờ nhập đồng cả.

Trong nghi thức Hầu đồng, các vị thánh nhập hồn bao giờ cũng là các vị Thánh làm những điều tốt lành, phù hộ cho ông Đồng, bà Đồng và các con nhang đệ tử làm ăn may mắn, chữa khỏi các bệnh tật trừ đuổi rủi ro, ma quỷ quấy ám... Hơn thế nữa, các vị Thánh đó lúc sinh thời đều là những con người tài giỏi, có đức độ, có vị trí cao trong xã hội và đã từng mang lại danh tiếng, công ơn đối với dân, với nước. Điều này phân biệt với các hình thức nhập hồn khác, như nhập hồn không tự nguyện của người bị nhập hồn, nhập hổn của những ma quỷ dữ, mang lại tai hoạ cho người bị nhập và những người khác. Bởi vậy, trong nghi lễ hầu đồng, bao giờ cũng có nghi thức xin thánh nhập vào bản thân mình và như chúng ta thấy, không phải bao giờ những lời cầu xin ấy cũng được các Thánh chấp nhận, khác với nghi thức đuổi ma tà, do các ma quỷ dữ ám vào người nào đó để gây bệnh tật và những rủi ro...

Trong nghi thức hầu đồng, để cho Thánh nhập, người hầu phải "thoát khỏi trạng thái tâm sinh lý bình thường, họ không còn là họ nữa, mà chỉ là cái xác để Thánh nhập vào. Do vậy, tuỳ theo từng vị thánh mà con đồng có những hành động, tư thế, nét mặt khác nhau sao cho phù hợp với các vị Thánh đó. Để tạo nên trạng thái tâm lý như vậy, ông Đồng và bà Đồng phải tự thôi miên bản thân tạo ra trạng thái ngây ngất. Hỗ trợ cho trạng thái ngây ngất này, ngoài bàn thờ với hương khói các màu sắc mạnh của đồ thờ, quần áo; còn có vai trò của các chất kích thích như rượu, trà, thuốc lá, trầu; rồi tiếng trống, âm nhạc và và lời hát... bởi thế, hầu đồng, đứng về phương diện tâm sinh lý, là việc tự đưa cơ thể vào trạng thái ngây ngất, giống như kiểu tôn giáo ngây ngất rất phổ biến ở thế giới Đa Đảo, mà trong tác phẩm của M.Durand, ông đã có lần nhắc tới.

Một chức năng cơ bản của nghi thức nhập hồn của các Thánh vào các ông Đồng và bà Đồng là để chữa bệnh, đoán số và ban phúc lộc. Có không ít trường hợp những người phải chịu đội bát nhang với tư cách là con nhang của các Thánh hay mức cao hơn phải làm lễ trình đồng là do họ bị bệnh tật lâu ngày mà chạy chữa không khỏi. Những người này tin rằng, với việc các Thánh có chức năng chữa bệnh cứu người, nhập hồn vào người hầu đồng thì bệnh tật người đó ắt là mau khỏi Trên thực tế do chúng tôi quan sát hoặc những lời truyền tụng thì hiện tượng khỏi bệnh đã từng biết tới ở một số người. Điều này cũng không có gì là một khi chúng ta quan niệm rằng yếu tố tâm lý và tâm thần có tác dụng không nhỏ trong chữa lành bệnh cho con người. Do vậy, việc trở thành Ông đồng, Bà đồng không phải là hành động mang tính tự nguyện, mà là bắt buộc, nếu không sẽ bị Thánh hành, tức bị cơ đày.

Trong Hầu đồng, khi thánh nhập, tuỳ theo từng vị Thánh và căn đồng của từng ông Đồng hay bà Đồng, mà Thánh có thể truyền phán về tương lai của những người thỉnh ngài. Cũng có những người hầu đồng nhưng không hề hé răng truyền phán gì cả, gọi là hầu cấm khẩu .Việc hầu đồng để mưu cầu tài lộc cho bản thân mình, nhất là trước lúc làm ăn có tính chất được thua. Chẳng thế mà những người buôn bán hàng năm bỏ ra hàng cây vàng chi cho các buổi hầu thánh như thế. Ngày nay, việc lên đồng để mưu cầu tài lộc thường là mục tiêu hàng đầu.

2. Tháng Tám giỗ Cha tháng Ba giỗ Mẹ

Khuôn theo truyền thống Xuân thu nhị kỳ của lịch lễ hội dân tộc, nhưng với đạo Mẫu đó là tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ. Đạo Mẫu lấy Mẹ làm linh tượng, nhưng bên cạnh Mẹ lại còn có Cha. Nếu tháng ba, người người muôn nơi đổ về Phủ Giầy và các đền thờ Mẫu khác để giỗ Mẹ, ngày hóa của vị thần chủ đạo Mẫu - Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thì tháng tám là ngày kỵ Cha, Vua Cha Bát Hải Đại Vương, Đức Thánh Trần được thờ phụng chính ở đền Đồng Bằng (Thái Bình), đền Kiếp Bạc (Hải Hưng) và Bảo Lộc (Nam Định). Cũng chính vì vậy hội Phủ Giầy, hội Đồng Bằng và Kiếp Bạc không còn là những hội làng, hội vùng như nhiều ngày hội khác được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu, mà từ lâu đã trở thành những Quốc lễ, tiêu biểu nhất của Lễ hội Việt Nam cổ truyền.

a. Tháng Tám giỗ Cha

Tháng tám là tháng giỗ Cha, nhưng thời gian lại tập trung vào các ngày từ 20 đến 28 tháng tám, thời điểm âm thịnh dương sung. Về lai lịch tương truyền ngày 20 tháng 8 là ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngày 28 là ngày hóa của Bát Hải Đại Vương. Bời thế, từ ngày 15 đến 20 tháng 8 là ngày hội chính tại đền Kiếp Bạc, nơi thờ Đức Thánh Trần và tiếp đó, từ ngày 20 đến 28 tháng 8 là ngày hội chính ở đền Đồng Bằng, nơi thờ Bát Hải Đại Vương và Đức Thánh Trần (Bát Hải - Trần Triều). Đây là nói tới những nơi thờ tự chính, chứ trong đền Mẫu nào mà không có điện thờ Vua Cha Bát Hải, thờ Đức Thánh Trần, nên cứ tới tháng tám là kỵ Cha - mở hội. Đền Đồng Bằng thờ vua Cha Bát Hải Đại Vương nam sát bờ sông Đồng Bằng, xưa thuộc thôn Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phương, nay là xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nơi đây là vùng sông nước, thời xưa ăn thông với biển.

Khi đất nước có giặc, vua Hùng ra chiếu kêu gọi người tài ra giúp nước, con rắn lớn nhất hóa thành người, đem đoàn quan gồm cả thuồng luồng, rồng, rắn, cá sấu... đi đánh giặc. Sau chiến thắng trở về, ông được nhà vua phong là Trấn Tây A Nam Vĩnh Cống Bát Hải Đại Vương và dân Đào Động lập đền thờ, tôn là vị Thành Hoàng làng. Nơi đây, vào thế kỷ XIII, là mảnh đất quê hương của dòng họ nhà Trần, là địa bàn hoạt động quân sự của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chống quân Nguyên, nay còn để lại nhiều di tích, Tương truyền, Trần Hưng Đạo cùng tướng lĩnh của mình như Phạm Ngũ Lão đã từng đến ngôi đền thờ vị thuỷ thần này để cầu xin phù trợ diệt giặc. Sau khi Trần Hưng Đạo mất, ngôi đền này cùng thờ Đức Thánh Trần và hàng năm mở hội giỗ Cha vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.

Ở đây, theo quan niệm dân gian người ta có phần nào đồng nhất giữa Vua Cha Bát Hải Đại Vương thuộc dòng Long thần (Lạc Long Quân) với Đức Thánh Trần (Bát Hải - Trần Triều), ngày giỗ Vua Cha đồng thời cũng là ngày giỗ Đức Thánh Trần. Có nơi người ta còn coi Đức thánh Trần như Vua Cha, còn bên kia là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Điều này không phải là sự nhầm lẫn của dân gian, mà đứng ở góc độ nào đó thể hiện quy luật, hệ quy chiếu riêng của tâm thức dân gian. Trần Hưng Đạo không chỉ là vị anh hùng dân tộc, tiếng tăm lẫy lừng mà từ lâu đã trở thành vị Thánh - Đức Thánh Trần. Dòng dõi nhà Trần vốn là cư dân vùng sông nước vạn chài, đã từng lập chiến công "thuỷ chiến" với giặc Nguyên ở vùng sông nước. Trở thành vị thần, Ông cũng được quy về dòng thuỷ thần mà nguồn cội xa xưa là Long Vương.

Ở đền Đồng Bằng, trong hậu cung thờ vua cha Bát Hải Đại Vương, còn hai bên tả hữu là điện thờ Tam Toà Thánh Mẫu (phải) và Đức Thánh Trần cùng lO vị hoàng tử (con Long Vương). Trong những ngày hội giỗ Cha ở Kiếp Bạc và Đồng Bằng, ngoài nghi thức cúng tế tôn vinh Vua Cha Bát Hải Đại Vương và Đức Thánh Trần, còn có các nghi lễ liên quan tới sông nước và ma thuật trừ diệt tà ma.

Để tái hiện lại chiến công xưa của Bát Hải Đại Vương giúp vua Hùng diệt giặc và sau này Trần Hưng Đạo chống quân xâm lược Nguyên - Mông, trong ngày hội người ta tổ chức lễ rước các ở sông và hội đua thuyền. Các đoàn rước từ các địa phương, các đền miếu xuôi theo các dòng sông đều đổ dồn về bến sông Đồng Bằng trước đền Đồng Bằng hay sông Lục Đầu trước đền Kiếp Bạc. Đoàn rước gồm hàng trăm thuyền, trên đặt ngai, kiệu của Vua Cha Bát Hải và Đức Thánh Trần diễu hành trên sông. Trước khi đoàn rước trở về đền, người ta tổ chức đua thuyền giữa các làng, làng nào đoạt giải thì coi như sẽ gặp mọi sự may mắn, dân làng khoẻ mạnh, làm ăn tiến tới trong cả năm. Do vậy, đây không chỉ là trò vui thuần tuý, mà còn mang tính nghi lễ và phong tục.

Tóm lại, có thể nói việc tiến hành nghi lễ rước trên sông, mở hội đua thuyền, hát văn chầu và tiến hành các nghi thức lên đồng để trừ ma tà của dòng Thanh đồng là những nét tiêu biểu của ngày hội giỗ Cha tháng tám tại đền Đồng Bằng và Kiếp Bạc.

b. Tháng BA giỗ Mẹ

Giỗ Mẹ tháng ba diễn ra ở tất cả mọi ngôi đền thờ Mẫu, nhưng trung tâm vẫn là Phủ Giầy, nơi giáng sinh và cũng là nơi hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vào chính ngày mồng ba tháng ba.

Nếu lễ hội giỗ Cha tháng tám tiến hành nghi thức rước trên sông, gắn liền với các vị thuỷ thần, thì tháng ba giỗ Mẹ là đám rước trên bộ, rước từ đền Mẫu đến chùa, gắn với sự tích Thánh Mẫu quy y, nhận sự bảo trì của Phật Bà Quan Âm. Tương truyền trong cuộc Sòng Sơn Đại chiến giữa công chúa Liễu Hạnh và đạo sĩ của phái Đạo Nội được Triều đình phái tới, công chúa Liễu Hạnh đã bị mắc mưu của bọn đạo sĩ, các phép màu bị mất hiệu nghiệm, tình thế nguy kịch, nhưng đã được Phật Bà Quan ÂM ra tay giải cứu. Từ đó Mẫu Liễu chịu nghe kinh, tuân pháp, nhận áo cà sa, mũ hoa sen, chuyển hoá từ bi, chuyên làm việc thiện. Truyền thuyết này đã phản ánh sự thâm nhập giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và đạo Phật dân giã, mở đường cho sự thâm nhập các điện Mẫu vào các chùa và nghi thức rước Mẫu về chùa trong ngày giỗ Mẹ" trở thành nghi thức quan trọng nhất. Ngày 5 và 6 tháng ba ở Phủ Giầy đã diễn ra lễ rước từ phủ Tiên Hương và Vân Cát lên chùa Gôi và chùa Dần.

Related image

Di tích Phủ Dầy là một công trình kiên trúc đẹp, xây dựng từ thời Cảnh Trị (1663 – 1671) và đã qua nhiều lần trùng tu. Lễ hội chính ở Phủ Dày nhằm ngày mùng 3 tháng 3 â.l. - Ảnh: dulich24.com.vn

Hội Kéo chữ, Kéo gậy hay Hoa trượng cũng là một tục lệ diễn ra trong hội Mẫu Phủ Giầy. Truyền thuyết vùng này gắn hội Kéo chữ (Kéo gậy) với sự tích Bà Phùng (Trần) Thị Ngọc Đài, Thái Phi của chúa Trịnh Tráng. Việc kéo chữ được coi như một nghi thức tôn vinh tạ ơn của Bà Thái Phi đối với Mẫu Liễu Hạnh, người đã phù hộ cho Bà từ một con hát trở thành Thái Phi của chúa Trịnh. Thực ra, tục kéo chữ hay kéo gậy ở đây gắn với một hình thức nghi lễ cầu xin sự phán bảo của thần linh mà sau này dần dần đã được bác học hóa thành nghi thức giáng bút mang tính thưởng thức văn chương.

Hầu bóng là nghi lễ không thể thiếu trong ngày hội giỗ Mẹ tháng Ba. Hình thức hầu bóng này chúng tôi đã có dịp trình bày ở phần trên . Ở đây chỉ xin nhắc lại rằng, nghi thức hầu đồng thuộc dòng Đồng cốt này khác biệt nhiều với hình thức lên đồng của dòng Thanh đồng mang tính ma thuật trừ tà ma, thường diễn ra trong dịp giỗ Cha, đặc biệt là Kiếp Bạc.

Lên đồng/Hầu bóng là nghi lễ chính và rất quan trọng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ.

Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ phủ - Ảnh: btgcp.gov.vn

Như vậy, tục lệ Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ như là điểm qui tụ nét đắc sắc nhất của nghi lễ hội hè của đạo Mẫu người Việt. Ở đây nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ - âm dương tương khắc tương đồng, nguồn gốc tạo ra mọi hiện tượng vũ trụ, với hệ qui chiếu gia tộc trong ứng xử xã hội: Gia đình, cha mẹ và con cái - có âm dương, có vợ chồng, dẫu là thiên địa cũng vòng phu thê (Nguyễn Gia Thiều) được phóng đại và trở thành khung ứng xử xã hội, để từ giỗ cha mẹ, tổ tiên gia tộc trở thành giỗ tổ Hùng Vương, giỗ Cha - Mẹ của Đạo Mẫu.

(còn tiếp)

GS-TS Ngô Đức Thịnh

Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam

Nguồn: daomauvietnam.com

----------------------------------------------------------------

* Bài liên quan:

Đạo Mẫu (4)

Đạo Mẫu (3)

Đạo Mẫu (2)

Đạo Mẫu (1)