Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Biểu tượng văn hóa tâm linh của người Việt

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 706 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
UBND tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ văn hóa tâm linh - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc VN” tại thành phố Việt Trì. Tham dự diễn đàn quan trọng này, nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đã khẳng định, Luật Di sản văn hóa của VN hoàn toàn phù hợp và không trái với Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO. 


Biểu tượng tâm linh của người Việt
Hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đang đệ trình UNESCO xem xét vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại. Tại buổi Tọa đàm trên, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: “Tập quán, nghi lễ và lễ hội Hùng Vương là một di sản vô cùng quan trọng, tổng hợp nhiều biểu đạt văn hóa di sản khác nhau. Đó là những ký ức sống về thời Hùng Vương. Đó là những thực hành văn hóa liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương như phong tục, tập quán, lễ hội gắn với không gian văn hóa và sinh thái Phú Thọ. Di sản này có sức sống mạnh mẽ...”.


Mẫu số chung của con người ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới là hành vi tín ngưỡng tương đối phổ biến. Thế nhưng hiếm có đất nước nào như ở VN, đồng bào các dân tộc trên mọi miền tổ quốc đều xem mình có chung quốc tổ, chung một cội rễ. Hơn thế nữa, trong tiềm thức của họ, đức Hùng Vương đã trở thành đấng tối linh được ngưỡng mộ và thờ cúng như những vị tổ của dân tộc và hàng thập kỷ nay, hội Đền Hùng đã phát triển thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ… Đó chính là nét văn hoá độc đáo của Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở VN mà rất hiếm có hình mẫu tương tự ở các nước khác trên thế giới. Thậm chí, có nhà khoa học còn quả quyết, chủ thể của di sản hay đúng hơn là người thực hành di sản này chính là hơn 80 triệu người dân VN.


Nhìn nhận tôn giáo và tín ngưỡng văn hóa ở VN luôn có những giao thoa, tiếp biến, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng mục đích tối thượng của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đoàn kết đại dân tộc. Dùng hình ảnh rất tinh tế, ông nói rằng tín ngưỡng này là “ngọn đèn soi sáng đường đi của dân tộc, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết”. Thực tế không chỉ có 108 đền, đình ở Phú Thọ thực hành di sản này mà trên khắp đất nước VN từ Bắc tới Nam đều có những đình đền thờ cúng Hùng Vương. GS Phan Huy Lê đánh giá, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng mang tính tâm linh của VN có quy mô rộng lớn nhất. Không chỉ thờ chung một vị quốc tổ, tín ngưỡng này còn là biểu tượng văn hóa tâm linh của người Việt.


Cần sự hài hòa di sản vật thể với diễn xướng văn hóa phi vật thể

Theo thống kê, hiện có 60 làng thờ cúng Hùng Vương trên các địa bàn khác nhau của tỉnh Phú Thọ. Di sản vật thể liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương hiện còn 37 di tích, trong đó có 8 di tích đã không còn như xưa. TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia khẳng định: “Mối quan hệ di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể là một trong những vấn đề cần quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Báo cáo của UNESCO nhận định, chúng ta quan tâm đến phục hồi di sản vật thể nhưng cần hài hòa tổng thể giữa di sản vật thể và di sản phi vật thể”.


Thực tế, dù những năm qua di sản vật thể đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn nhưng vẫn còn có những di sản vật thể chưa được chú ý. Có những di sản vật thể vẫn bị người dân gọi là “miếu cấm trong rừng cấm” nhưng sau khi thực tế, điền dã, các nhà nghiên cứu đã xác định đó chính là Hùng Vương tổ miếu. Dù vậy không thể phủ nhận Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Hùng Phú Thọ đã và đang được đầu tư thành di sản vật thể quy mô của VN. Song nói cho cùng, di sản vật thể cũng chỉ là “cái vỏ” để chứa, cần phục hồi, chăm sóc di sản phi vật thể. Mà cụ thể, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể cần phục dựng nhiều hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian...


Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu đã thẳng thắn nhìn nhận, xung quanh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể cần phải giải mã, phát huy, tuyên truyền để di sản có thêm sức sống, lan tỏa đến mọi người dân. Đơn cử như tục giã bánh Dày, và tại sao lại phải dùng cối đá, chày giã phải là tre có đốt... Đấy chính là những điểm xuyết cần phải giúp người thực hành di sản và cả du khách hiểu rõ hơn cái hay cái đẹp của di sản. Mới đây, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, và thực sự đấy là nguồn động viên, “ghi điểm” cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang đệ trình UNESCO xét vinh danh. Nhưng để di sản “sống khỏe”, thấm sâu hơn nữa vào nhiều hoạt động phong phú cần phải có nhiều sinh hoạt, diễn xướng văn hóa phi vật thể được phục hồi, để tạo sự hài hòa giữa di sản vật thể và di sản phi vật thể cho Khu di tích lịch sử Đền Hùng nói chung và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng.


Vai trò của Nhà nước

Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay là mối quan hệ giữa Nhà nước và cộng đồng trong việc thực hành di sản, phát huy tính đại diện và đa dạng của di sản... Là người tham gia xây dựng nhiều hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể và nhiều lần “tháp tùng” di sản đệ trình UNESCO, TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, UNESCO không quá quan tâm đến vai trò của Nhà nước với di sản mà quan trọng là cộng đồng hiện tại quan tâm đến di sản, thực hành nó như thế nào?


Lẽ dĩ nhiên, di sản nào cũng có những câu chuyện. Nhưng điều quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản chính là phát hiện, xác định yếu tố nào của di sản đó có thể sống được bền vững trong xã hội hiện tại cũng như trong tương lai để phục hồi, phát huy. Dưới góc nhìn đó, TS Lê Thị Minh Lý khẳng định: “Với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chúng ta cần phải tăng cường vai trò của cộng đồng là chủ thể di sản, người thực hành di sản”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng là chủ thể văn hóa và kiến nghị cần phải có cách thức để giao cộng đồng làm chủ tế trong thực hành di sản này.


Nhằm làm rõ hơn yếu tố này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Khắc Xương khẳng định: “Không có Nhà nước thì không có Giỗ Tổ Hùng Vương như hiện nay”. Nhìn lại cả một tiến trình lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ tín ngưỡng văn hóa dân gian trở thành lễ hội quốc gia như hiện nay, GS Phan Huy Lê cho rằng: “Không có di sản nào tồn tại vững vàng mà không có vai trò của Nhà nước”. Trong khi đó, PGS. TS Đặng Văn Bài dẫn thẳng điều 25 của Luật Di sản văn hóa để khẳng định: “Luật Di sản văn hóa của VN hoàn toàn không trái với Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO”.


Phúc Nghệ

Nguồn: baovanhoa.vn