Phong tục “Lì xì” đầu xuân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2972 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Phong tục “Lì xì” đầu xuân

Người Việt Nam đã quen thuộc với phong bao lì xì đỏ thắm, nhưng liệu bạn đã cảm nhận hết ý nghĩa sâu xa của phong tục này? Xưa, lì xì là để xua đuổi… yêu quái, còn ngày nay thì sao?


Xuất xứ từ Trung Quốc, bao lì xì có rất nhiều giai thoại thú vị. Phổ biến nhất là câu chuyện kể về con yêu quái tên Tụy thường xuất hiện vào đêm Giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, khóc thét lên hoặc sẽ bị sốt cao. Trong một đêm giao thừa có 8 vị tiên đi qua một gia đình nọ, biết cậu bé con sắp gặp nạn liền hóa thành 8 đồng tiền. Bố mẹ cậu bé lấy giấy đỏ gói 8 đồng tiền lại và đặt dưới gối của con.


Nửa đêm con Tụy xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu cậu bé thì từ đồng tiền lóe lên những tia sáng vàng rực khiến Tụy hoảng hốt bỏ chạy. Thấy vậy, sáng hôm sau gia đình nhà ấy đem chuyện kể cho hàng xóm nghe. Từ đó nhà nào cũng làm theo. Rồi cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì màu đỏ cho trẻ con. Tiền đó gọi là tiền “Lì xì”, là mong muốn của những bậc cha mẹ muốn xua đuổi những điều xấu xa khỏi con mình, để chúng lớn lên mạnh khỏe và may mắn.


Không chỉ thế, phong bao lì xì còn mang theo cả những lời chúc tốt lành của người tặng gửi đến người nhận cho một năm mới phát lộc, phát tài. Xưa kia có

Phong tục “Lì xì” đầu xuân

một gia đình nghèo nọ có ba người con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì nên nghĩ ra cách lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì và nắn nót viết lên giấy 3 chữ: Phúc - Lộc - Thọ rồi cho vào đó. Sáng mùng một Tết, người cha tươi cười mừng tuổi 3 đứa con bằng 3 cái phong bì nhẹ hẫng. Chẳng ngờ ít ngày sau, nhà ông phát tài, tiền vô như triều cường.


Thời gian trôi nhanh, lại tới 30 tháng Chạp. Nhớ lại cái Tết nghèo khó trong năm qua, người cha lại tiếp tục tặng “chữ” cho con như trước với mong ước cuộc sống của các con vẫn luôn sung túc, phúc lộc vẹn tòan. Ai ngờ, khi ba người con bóc ra, mỗi người đều thấy vỏn vẹn chữ Phúc, còn hai chữ Lộc, Thọ không thấy đâu. Bốn cha con đang phân vân thì một vị thần xuất hiện: "Ta là phúc thần của đất này. Chữ Phúc đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phúc, lộc, thọ, vì có phúc mới hưởng được lộc, mới thọ được lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ Phúc để mừng tuổi đầu năm là đủ". Nói rồi, ông biến mất.


Sáng ngày mùng một Tết, ở gia đình nào cũng vậy, việc đầu tiên của trẻ con trong nhà là xúng xính mặc quần áo mới, xếp hàng, khoanh tay chúc Tết ông bà, cha mẹ và người thân trong gia đình rồi hớn hở nhận về những phong bao lì xì đỏ thắm với những tờ tiền mới tinh. Với con trẻ, đó là điều làm nên một cái Tết đúng nghĩa.


Bao lì xì cùng với bánh mứt, cây hoa, người thân sum vầy tạo nên một hình ảnh rực rỡ, đầm ấm, mang đậm tính truyền thống của cái Tết cổ truyền, và hình ảnh ấy sẽ ăn sâu vào tâm trí của chúng mãi cho đến lúc trưởng thành. Với người lớn, đó là niềm hạnh phúc khi chứng kiến con cháu đón nhận lời chúc may mắn của mình, là niềm vui khi cảm nhận được tình cảm nồng ấm mà các thành viên trong gia đình truyền cho nhau qua những phong lì xì. Lộc năm mới không phải tìm kiếm đâu xa, lộc trước nhất xuất phát ngay từ niềm hạnh phúc mà mỗi thành viên trong gia đình cảm nhận được khi trao và nhận phong bao mừng tuổi.


Phong tục “Lì xì” đầu xuân

Ảnh: ilovevietnam.wordpress.com


Ngày nay, không chỉ có người lớn trong gia đình lì xì con trẻ, con cháu mừng tuổi ba mẹ ông bà mà bạn bè, đồng nghiệp cũng lì xì cho nhau, cấp trên lì xì cho nhân viên… với những lời chúc năm mới phát tài phát lộc, may mắn chan hòa. Không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, nét đẹp ngày Tết này đang dần được mở rộng và lan tỏa ra cả xã hội. Người cho và người nhận, ai cũng được hưởng lộc may, cũng cảm thấy không khí Tết như rộn rã hơn khi cầm trong tay phong lì xì đỏ thắm.


*  *  *


Một truyền thuyết khác cho rằng, tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ đời nhà Đường (Trung Quốc). Năm đó, Dương Quý Phi hạ sinh một hoàng tử. Được tin mừng, vua Đường Huyền Tông đích thân đến thăm và ban cho Dương Quý Phi một số vàng bạc gói trong tấm giấy đỏ. Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng vừa là chiếc bùa hoàng đế ban tặng con trẻ để trừ tà. Việc này đồn đại ra ngoài dân gian, người ta bắt chước tặng tiền mừng và coi đây như món lộc trừ tai họa, mang lại nhiều may mắn cho trẻ con.

Tục “lì xì” là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới. Cuốn từ điển thời nay do Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học chẳng hạn, mục từ lì xì giải thích: "Lì xì là mừng tuổi (bằng tiền). Tiền lì xì cho các cháu ngày mùng một Tết". "Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10.


Tiếng ''lì xì'' có gốc là ''lợi thì'' trong tiếng Trung. Trong tiếng Quan Thoại, tục này được gọi là "hồng bao", trong tiếng Quảng Đông là “lợi thị” hoặc “lợi sự”. Dù được gọi với tên gọi nào, lì xì cũng mang nghĩa là tiền hên, tiền may mắn, điều lành, điều tốt…

Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo - không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày tết. Bao lì xì thường có màu đỏ, với người Châu Á màu đỏ là một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội.

 

ST + Thu Huyền

Nguồn: vnexpress.net và yeudulich.vn