Niềm tin của người ngoại đạo (Giải Viết Văn Đường Trường 2017)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1620 | Cật nhập lần cuối: 6/14/2017 4:53:06 PM | RSS

Niềm tin của người ngoại đạo (Giải Viết Văn Đường Trường 2017)Năm nay vào những ngày giáp tết thời tiết ở miền Bắc rất đẹp. Có cái nắng nhè nhẹ hòa trong tiết trời se lạnh làm cho những người con xa xứ trở về ai cũng hào hứng hẳn lên. Chỉ còn hai ngày nữa là tết, những chuyến tàu, xe vẫn còn đông nghịt khách. Theo sự phán đoán của bản thân, tôi nghĩ rằng người miền Bắc vào Nam làm việc nhiều nên hành trình đi ra sẽ đông khách còn lượt vào sẽ không có ai cả. Chính vì nghĩ như thế nên tôi đã không đặt vé xe trước. Tới ngày đi, tôi chạy đôn, chạy đáo, rồi gọi điện khắp nơi để kiếm vé xe nhưng chẳng còn hãng nào còn vé cả. Bây giờ tôi mới ngộ ra là người từ các tỉnh Quảng Bình trở ra đều đổ dồn về Hà Nội để làm việc và học hành, nên chuyện hết vé là đương nhiên.

Tôi vội vã chạy tới ga Hà Nội từ sáng sớm với hy vọng sẽ mua được một chiếc vé đi Huế trong ngày. Người mua vé xếp thành những dãy dài, tôi đến từ sớm nhưng vẫn phải đứng tận phía ngoài xa vì có những người họ còn đi sớm hơn tôi. Tôi lo lắng không biết đến lượt mình có còn vé không. Cuối cùng sau cả tiếng chờ đợi giờ cũng đến lượt tôi. Tôi hồi hộp. Tôi lo lắng. Trong lúc nhân viên gõ bàn phím máy vi tính để tìm tên tàu tôi đăng kí, tim tôi như ngừng đập. Tôi cầu nguyện. Sau một vài giây, nhân viên quầy vé lấy ra đưa cho tôi một tờ giấy và đọc số tiền để tôi thanh toán. Vừa vui mừng, vừa hạnh phúc tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa rồi cầm vé trên tay đi ra phía dãy ghế chờ. Từ giờ cho tới lúc tàu chạy còn cả mười tiếng đồng hồ, tôi chẳng biết đi đâu, cũng chẳng biết làm gì cho hết thời gian cả. Nếu là trước đây thì tôi sẽ bỏ hành lý ở nhà ga để đi khám phá Thủ đô, tìm tới đường Đinh Lễ để lao vào những cuốn sách như những con mọt vậy. Nhưng bây giờ tôi không còn hứng thú cho các việc ấy. Nhớ lại trong ba lô của mình có một cuốn báo Công giáo và dân tộc số đặc biệt để mừng xuân Đinh Dậu. Tôi lần giở từng trang và đọc ngấu nghiến, càng đọc tôi lại càng không ngăn được nước mắt. Số báo này chủ yếu là những bài viết của một số Đức Cha chia sẻ về ơn gọi và tuổi niên thiếu nơi gia đình cùng những động lực giúp các ngài bền tâm theo Chúa. Mặc dù vừa tạm biệt gia đình để trở lại nhà Dòng nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nhớ thương da diết. Đã mấy năm rồi tôi không được đón tết cùng gia đình, không được cùng bố mẹ và các em đi lễ giao thừa rồi gửi cho nhau những lời chúc đầu năm. Những hình ảnh về gia đình cứ theo đó mà hiện về trong tâm trí. Tôi nhớ lại tuổi thơ nơi gia đình, nhớ lại cách thức Chúa gọi tôi theo Ngài. Có những lúc, tôi phải cúi gằm mặt xuống để không ai thấy những giọt nước mắt đang ào ào tuôn chảy. Tay tôi vẫn cầm tờ báo, mắt thì dán chặt vào đó để mọi người nghĩ là tôi đang đọc một cách say sưa, nhưng thực ra mắt tôi không còn nhìn thấy dòng chữ nào cả. Tôi đang đọc lại đời mình trong tình thương của Chúa.

Còn một giờ đồng hồ nữa tàu mới khởi hành nhưng nhà ga đã mở cửa để đón hành khách đi chuyến TN5 lên tàu. Tôi vội lau khô hàng nước mắt còn đang chảy dở dang trên gò má, hít một hơi thật mạnh như để lấy tinh thần rồi khoác ba lô lên vai. Theo sự hướng dẫn của nhân viên nhà ga, tôi lên cầu thang, trình giấy tờ và được đưa tới con tàu mang tên TN5. Đảo mắt nhìn xung quanh tôi thấy mọi hàng ghế đã kín, duy hàng ghế của tôi thì vẫn còn trống một chỗ. Tôi vui mừng pha lẫn chút hy vọng. Hy vọng ghế đó không có người. Hy vọng tôi có thể ngủ một giấc thật ngon. Tôi nhắm mắt lại nhưng tâm trí vẫn đang tiếp tục dòng suy tư.

Tiếng còi tàu rú lên một cái thật dài báo hiệu đã đến giờ chuyển bánh. Tôi mở mắt ra, nhìn sang ghế bên cạnh và an tâm vì vẫn không có ai cả. Tàu từ từ chuyển bánh rời khỏi sân ga. Bỗng một người đàn ông bước tới. Trông chú ăn mặc rất đơn giản. Chú mặc chiếc áo sơ mi cộc tay cùng với chiếc quần jean đã phai màu. Khuôn mặt rắn chắc nhưng hơi gầy và có vẻ khá nghiêm nghị. Chú tiến về chỗ tôi rồi dừng lại, hỏi một cách lịch thiệp:

- Xin lỗi số ghế này là 70 hay 78 vậy?

- Là số 70 chú ạ. Tôi trả lời một cách nhanh chóng vì số ghế tôi đang ngồi là 69.

Chú nói cảm ơn rồi quay lại phía sau. Chú đi được vài băng ghế thì dừng lại. Tôi nghĩ là chú nhầm chỗ và tự an ủi chắc số ghế này không phải của người đó. Bỗng nhiên người đó xách ba lô lên tay, từ từ tiến về phía tôi. Chú dừng lại ở giữa hàng ghế rồi đưa ba lô lên gác, tôi ngồi nép vào trong để nhường ghế lại cho chú. Vì tâm trạng không được tốt nên tôi cũng không muốn bắt chuyện với ai cả. Tôi quay mặt ra ngoài ô cửa sổ để ngắm cảnh hoàng hôn đang buông xuống. Không biết vì lịch sự hay cũng có cùng tâm trạng giống tôi mà người đàn ông đó cũng không hỏi tôi một câu nào. Yên lặng một lúc, tôi cảm thấy bức bối và hơi ngột ngạt khi bầu khí có vẻ nặng nề. Tôi quay lại bắt chuyện làm quen với chú.

Sau một hồi nói chuyện, chú kể cho tôi nghe cuộc sống của chú và lý do chú vô Huế. Biết tôi hiện cũng đang sống tại Huế, chú hỏi nơi tôi ở. Tôi nói cho chú biết địa chỉ nơi tôi sống, bỗng chú nhìn tôi sững lại và hỏi.

- Cháu đang ở nhà thờ nào vậy?

- Ủa! sao chú biết?- Tôi ngạc nhiên

- Vậy đúng là sơ rồi, nhìn một cái là tôi đã nghi nghi, nhưng qua cách nói chuyện thì tôi biết chắc cháu là một tu sĩ.

Tôi hơi nghi ngờ không biết chú có đạo không, nhưng nếu có đạo chú đã không xưng hô như thế. Tôi hỏi để kiểm chứng.

- Vậy, chú là….?

- Tôi là người ngoại đạo nhưng cũng biết ít nhiều về đạo Công giáo.

***

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất cố đô, lại là cái nôi của Phật giáo nên gia đình chú đều theo đạo Phật. Chú thì không có ý niệm gì về tôn giáo và cũng chẳng hành lễ kính Phật bao giờ. Từ nhỏ, chú đã thích vẽ và vẽ rất đẹp nên từ khi học trung học cơ sở ngoài giờ học trên trường chú lại ra sông Hương, lên chùa Thiên Mụ hay các nhà thờ để ngồi vẽ. Khi lên trung học phổ thông, chú phát hiện ra có một nơi tuy hơi xa thành phố nhưng phong cảnh rất đẹp và cũng thật yên tĩnh để có thể tập trung vẽ. Đó là đồi thông Thiên An. Nhà chú ở Thôn Vĩ Dạ nên từ nhà lên Thiên An cũng khá xa, chạy xe đạp cũng phải mất cả tiếng đồng hồ, hơn nữa đường đi vòng vèo và có nhiều dốc nên chú chỉ có thể lên đó vào ngày chủ nhật. Trên đồi thông có một tượng Đức Mẹ rất lớn, đã trở thành nơi cho chú tựa lưng để ngắm cảnh và có lúc là nghỉ ngơi. Thi thoảng, chú nghe thấy tiếng chuông boong boong của một ngôi nhà thờ gần đó, lần theo tiếng chuông chú phát hiện ra trên đỉnh đồi là nơi tọa lạc của một Dòng tu rất lớn. Dòng Thiên An. Thấy tò mò về đạo nên chú hỏi mượn các thầy một cuốn sách về đạo để đọc, các thầy cho chú mượn cuốn sách Kinh Thánh trọn bộ cả Cựu Ước và Tân Ước. Vì thời đó còn rất hiếm sách nên các thầy chỉ cho mượn tại chỗ không được mang về nhà, thế là chú vui mừng ôm cuốn sách xuống đồi thông đọc rồi trước khi về thì lên trả. Thấy cuốn sách hay quá nên không chờ được tới chủ nhật, vậy là chiều nào chú cũng đạp xe lên Thiên An để đọc cho được cuốn sách đó. Cứ vậy suốt ba năm chú đã đọc xong cuốn Kinh Thánh trọn bộ một cách say sưa và kỹ lưỡng.

Nghe chú kể tôi thấy lòng mình như thắt lại. Bằng tuổi của chú khi đó tôi chỉ mới đọc xong cuốn Kinh Thánh Tân Ước, thế mà đã có lúc tôi đã rất tự hào so với bạn bè. Nghe chú kể về lòng mộ đạo của mình và thái độ kính phục của chú giành cho những người Công giáo tôi cảm thấy xấu hổ và có gì như chột dạ.

***

Thông thường trên các hành trình tôi đi, khi mọi người biết tôi là người Công giáo, hơn nữa lại là tu sĩ, họ thường hỏi tôi điều này điều kia về đạo. Còn chú thì không. Trái lại chú kể cho tôi nghe những câu chuyện của người Công giáo, như một nhà truyền giáo thực thụ. Đó là những câu chuyện về lòng tin, sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa đến phó cả mạng sống cho Ngài, rồi cả những câu chuyện về sự kém tin… Tôi đã từng đọc rất nhiều sách, nghe rất nhiều truyện nhưng những truyện chú kể rất ý nghĩa mà sao tôi lại chưa nghe bao giờ. Tôi hỏi chú đọc những truyện đó ở đâu? Chú nói đó là những truyện trong sách giáo lý được viết bằng tiếng nước ngoài. Hóa ra chú đã đọc cả sách giáo lý của đạo Công giáo, các sách thần học, sách lịch sử về đạo Công giáo rồi cả sách hạnh các thánh và nhiều sách khác. Chú và tôi trao đổi với nhau không phải giữa người có đạo và người ngoại đạo nhưng là như hai người đồng đạo, có lúc chú như là người thầy của tôi vậy.Chú nói:

- Người công giáo thật tuyệt vời vì có Chúa. Họ tin vào Chúa bằng một niềm tin tuyệt đối. Đó là những con người dám sống bằng niềm tin của mình.

Tôi cảm thấy hạnh phúc về điều đó nhưng cũng hơi ngượng ngùng, vì có rất nhiều người tin Chúa mà chưa sống niềm tin vào Chúa. Có những người chỉ tin khi họ xin gì được nấy hoặc khi họ gặp may mắn, hạnh phúc và rồi lại dễ dàng ngã lòng và xa Chúa khi gặp thử thách, gian truân. Chính bản thân tôi đã từng có lúc như thế. Tôi không ngần ngại chia sẻ cho chú về điều đó nhưng chú không tin.

- Không có đâu, tôi thấy người Công giáo thật tuyệt vời. Họ sống niềm tin đó bằng cả cuộc sống của mình.

Tôi im lặng. Niềm tin của chú quá mạnh, cứ để chú tin như thế có lẽ tốt hơn. Tôi xin Chúa cho điều chú ấy nghĩ là thật.

- Thế chú đã đến các nhà thờ bao giờ chưa?- Tôi hỏi.

- Rất nhiều.- Chú trả lời.- Khi ở Huế tôi đã từng tham dự thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam, rồi nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Trong thời gian học đại học ở Sài Gòn tôi đã tham dự lễ Giáng sinh và Phục sinh tại nhà thờ Đức Bà. Còn ở Hà Nội, tôi đã đi hầu hết các nhà thờ trong thành phố.

Chú cho biết mỗi khi xong việc tại xưởng in là chú lại ra công viên ngồi vẽ, nghe tiếng chuông của nhà thờ gần đó là chú ngưng vẽ để đến nhà thờ. Tuy nhiên không phải là tất cả mọi ngày vì công việc của chú ở xưởng in có khi nghỉ rất trễ. Chú nói khi đến nhà thờ, chú như quên đi tất cả mọi thứ bộn bề của cuộc sống, tâm hồn trở nên thư thái và bình an đến lạ thường. Chú còn chia sẻ là có hai nhà thờ mà chú cảm thấy ấm cúng và thích đến nhiều nhất đó là nhà thờ Thái Hà (Hà Nội) và nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (Huế). Nơi đó chú cảm nhận được sự gần gũi với Thiên Chúa hơn.

- Biết về đạo nhiều như thế, lại có lòng yêu mến Chúa đến vậy, chú có dự tính theo đạo không?

- Chú đáp lại mà không hề suy nghĩ: Tôi ước mong vào đạo lâu lắm rồi nhưng lại sợ mình quá tội lỗi không xứng đáng và cũng không đủ điều kiện để nhập đạo sơ ạ.

Tôi giải thích cho chú về những điều kiện để được chịu phép rửa tội theo đạo Công giáo cũng như những nghi thức cần thiết.

- Tôi trấn an chú: Chú yên tâm, về điều kiện thì con thấy chú không những đủ mà còn có dư là đằng khác. Giáo lý, Kinh Thánh chú đều nắm vững rồi, đức tin thì khỏi phải nói. Chú chỉ còn một bước cuối cùng là đến gặp linh mục để được rửa tội theo nghi thức Công giáo thôi.

- Thế việc nhận tên thánh bổn mạng thì thế nào? Mình có được tự chọn thánh bổn mạng cho mình không?

- Chú biết cả việc này à?- Tôi ngạc nhiên hết sức.

- Vì muốn theo đạo nên tôi đã tìm hiểu khá kỹ sơ à. Trong vài cuốn sách tôi đọc, đều thấy nhắc đến việc mỗi người có một vị thánh bổn mạng. Vì thế, tôi đã tìm hiểu về rất nhiều vị thánh trong Giáo hội Công giáo, không biết là đã hết chưa nữa.

Tôi quá bất ngờ trước những câu nói của một người chưa tin đạo mà lại biết nhiều về đạo đến thế. Trước đây tôi đã từng gặp những người trí thức ở đời. Họ biết về đạo rất nhiều, họ nói về Chúa cũng vanh vách nhưng những điều họ biết chỉ là biết theo lĩnh vực nghiên cứu khoa học hoặc là để làm giàu thêm kho kiến thức của họ. Họ hoàn toàn vô tín. Còn chú thì khác. Nhìn vào mắt chú, cách nói của chú, tôi đọc được khát khao được làm con Chúa, niềm xác tín vào một vị Thiên Chúa mà chú đã tin nhưng chưa được gặp. Điều tôi cảm kích nhất nơi chú đó là chú đã tự mình tìm đến với Thiên Chúa mà không qua bất kì một người nào cả. Tôi giải thích cho chú hiểu về việc nhận vị thánh bổn mạng, và tất nhiên trong trường hợp của chú không có gì để ngăn cản việc chú có thể tự chọn thánh bổn mạng cho mình cả.

-Vậy tôi sẽ chọn thánh Phêrô làm bổn mạng của mình sơ ạ.- Khuôn mặt chú rạng rỡ hẳn lên.

- Vì sao chú lại chọn thánh Phêrô mà không phải là một vị thánh khác?

- Vì thánh Phêrô được Chúa trao cho chìa khóa Nước Trời, người tội lỗi như tôi khó vào Nước Trời lắm nên chỉ có thể bám vào thánh Phêrô thôi.- Chú trả lời một cách hóm hỉnh

Không nín được nên tôi phá lên cười khiến mọi người xung quanh đều chú ý. Tôi nhè nhẹ cúi đầu xuống nói nhỏ với chú: Chú yên tâm, bữa nay không cần thánh Phêrô cho phép vẫn có trường hợp “vượt rào” để vào Thiên đàng đó. Thấy vẻ ngạc nhiên của chú, tôi lại tiếp tục cười. Tôi kể cho chú nghe về truyện thánh Giuse bắc thang cho một người tội lỗi vào Thiên đàng bằng cách vượt tường. Đó là câu chuyện tôi đã đọc được trong cuốn sách kể về các chuyện lạ của thánh Giuse để nhắc nhở ta thêm lòng yêu mến thánh cả và năng chạy đến cùng thánh cả hơn. Sau khi kể xong tôi trêu chú.

- Chú cẩn thận không là vừa lên tới cửa Thiên Đàng đã bị thánh Phêrô giữ lại, trao cho chùm chìa khóa với lời trăng trối: Đã đến lúc ta được nghỉ ngơi rồi, ngươi hãy tiếp tục công việc của ta cho tốt vào nhé.

Tôi và chú cả hai cùng cười vui vẻ.

Yên lặng một lúc, chú quay sang tôi nói nhỏ: Tôi không biết Chúa có tha thứ tội lỗi cho tôi không. Rồi chú kể cho tôi câu chuyện chú mới gặp vừa đây. Chú bảo, chú suýt đánh người vì họ xúc phạm nhân cách của chú. Trong lúc nóng giận, không kiềm chế được chú đã quát mắng họ, dọa đánh đòn họ. Nếu mọi người không ngăn cản thì hôm đó chú đã cho họ một trận đòn nhừ tử. Sau khi đã bình tĩnh trở lại chú hối hận vô cùng. Chú bảo người có đức tin không làm vậy đâu.

Tôi thực sự không hiểu sao một người chưa có đạo như chú mà lại thánh thiện như thế. Xét về sự hiểu biết thì chú hơn hẳn phần đông các Kitô hữu. Cho tới thời điểm này, tôi biết còn rất nhiều Kitô hữu không đến nhà thờ, kể cả ngày Chúa nhật. Có mấy ai đã đọc xong cuốn Kinh Thánh Tân Ước, có chăng họ chỉ đọc Lời Chúa của ngày Chúa nhật, ai tốt lành hơn thì đọc Lời Chúa cả các ngày thường. Còn hỏi về lịch sử Giáo hội thì ít ai có thể trả lời được lịch sử Giáo hội đã trải qua những mốc thăng trầm như thế nào? Ngay đến đời sống đức tin cũng sa sút hoàn toàn. Trước đây khi đời sống còn khó khăn, mọi người siêng năng tham dự thánh lễ, cùng nhau tổ chức các việc đạo đức. Tôi còn nhớ vào những thập niên 80, 90 linh mục trong địa phận của tôi còn ít lắm, mỗi cha coi tới 4, 5 giáo xứ và vô số các họ lẻ. Cho nên các giáo xứ chỉ có lễ ngày Chúa nhật, có khi phải 2, 3 Chúa nhật mới có một thánh lễ. Nhiều khi tới giờ lễ mà chưa thấy cha tới, cả nhà thờ ngồi đợi cả tiếng, hai tiếng đồng hồ mà vẫn rất vui vẻ. Thời nay mà thế chắc chẳng còn ai ngồi lại cả.

***

Màn đêm buông xuống từ lúc nào tôi cũng không để ý, ở ngoài kia xa xa những ánh đèn đường lấp ló sáng. Tàu vẫn chạy lắc lư, ánh đèn điện sáng trưng như ban ngày. Nếu không nhìn ra bên ngoài qua ô cửa sổ thì cứ ngỡ là trời vẫn sáng. Tôi mông lung nhìn về phía xa nơi những tia sáng nho nhỏ của dãy đường phố phát ra. Tôi thầm cảm ơn Chúa đã cho tôi gặp được chú để giúp tôi nhìn lại chính mình, canh tân chính mình. Có nhiều khi tôi cứ tưởng mình đang sống trong vùng ánh sáng chói chang của mặt trời nhưng tôi đâu ngờ đó chỉ là ánh đèn điện hào nhoáng dễ vụt tắt. Nhiều khi tôi cứ ngỡ mình luôn vững tin vào Thiên Chúa nhưng phải khi gặp thử thách mới biết mình yếu đuối và kém tin là nhường nào.

Tôi định chợp mắt một chút vì sáng nay dậy từ rất sớm, nhưng chưa kịp nhắm mắt chú lại bắt chuyện. Chú hỏi tôi tại sao người Công giáo tôn sùng Mẹ Maria còn người Tin Lành cũng thờ Chúa nhưng sao không kính Mẹ. Tôi kể cho chú nghe về cuộc li khai của anh em Tin lành và những lý do dẫn đến cuộc li khai đó và cả lý do vì sao người Tin lành không tôn sùng Mẹ Maria. Nghe xong, chú lắc đầu nói: Thật đáng tiếc! Chú nói Mẹ Maria là người Mẹ rất tuyệt vời, mẹ luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu mọi tâm tư nguyện vọng của tất cả nhân loại chứ không chỉ đối với người Công giáo. Chú bảo, vị thánh đầu tiên mà chú tìm hiểu đó là Đức Maria. Chú cũng đã từng đến linh địa La Vang không phải để cầu nguyện nhưng đúng hơn là du lịch, nhưng chú nhìn thấy ở nơi đó những con người đến với Mẹ bằng tất cả con tim, lòng yêu mến và sự cậy trông. Ngay tại Hà Nội, những người hàng xóm của chú đều là người lương nhưng chú nghe thấy họ truyền tai nhau về những ơn Mẹ ban cho và họ rủ nhau đi hành hương Đức Mẹ đầu năm thay cho việc lên chùa.

Tôi gật đầu lia lịa tỏ vẻ tán thành vì tôi đang có may mắn được phục vụ tại trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang. Hằng ngày tôi đón tiếp rất nhiều đoàn hành hương về bên Mẹ. Trong số những người đi hành hương không chỉ có người Công giáo nhưng còn có những người không theo tôn giáo nào hoặc theo các tôn giáo khác. Họ đến với Mẹ bằng lòng mộ mến và đã được ơn riêng của Mẹ. Có những người đến nhiều lần trong một năm hoặc ít là một năm một lần. Có người đến với Mẹ để tạ ơn và tri ân Mẹ; có người đến mang theo nỗi đau dày vò tâm can; có người đến đơn thuần để tỏ lòng yêu mến đối với Mẹ. Nhưng tất cả đều trút nơi Mẹ những tâm tư, nguyện ước như một đứa con thơ đang trút bầu tâm sự cùng với mẹ mình. Tôi thấy thật hạnh phúc vì được Mẹ Maria làm mẹ của mình.

Giờ thì đến lượt chú im lặng. Chú không nói ra, nhưng tôi biết chú cũng nói thật đáng tiếc cho người Công giáo chưa dám can đảm để truyền giáo như người Tin lành. Nhiều lúc tôi cũng đã thắc mắc tại sao người Tin lành họ nhớ Kinh Thánh đến thế, nói đến đâu là họ trích Kinh Thánh đến đó và đứng ở bất cứ đâu họ cũng có thể truyền giáo. Còn người Công giáo thì không. Phải chăng ta chưa ý thức được sứ mạng làm ngôn sứ của mình chăng?

Ms: 17-129
Giải Viết Văn Đường Trường 2017, Bản tin 13