Xuân Ly Băng - Hồn thơ và Tấm lòng Mục tử

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2640 | Cật nhập lần cuối: 8/18/2017 9:30:08 AM | RSS

Xuân Ly Băng - Hồn thơ và Tấm lòng Mục tử(trong tập lưu niệm Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng)

(Xuân Ly Băng trả lời các câu hỏi của Trăng Thập Tự, ngày 25.8.1988. Lâm Viên Lê Hữu Phước ghi lại từ băng nhựa)

"Đây là lời của người sắp chết nói với những người sẽ chết (cười). Tôi muốn nói với những người thuộc lớp tuổi của Cha, sinh sau tôi vài thập niên trong lãnh vực thi ca. Cha và nhiều anh em khác được Chúa ban tài năng. Tôi hy vọng Cha sẽ phát triển tài năng ấy và phát triển trong quỹ đạo của đời linh mục, trong đức ái, đức tin đối với Chúa. Cần trau giồi kỹ năng và phải viết ngay, đừng lần lữa. Bên cạnh đó, Cha phải tìm kiếm những mầm non trong Hội Thánh để nối dõi tông đường: Liên lạc gặp gỡ nhau, vun trồng, nâng đỡ nhau về thi ca và về đức tin. Có thế ta mới làm tròn nhiệm vụ Chúa trao phó và đáp ứng điều Hội Thánh chờ đợi." (XLB)

Hồi còn học ở chủng viện, tôi có được gặp cha Xuân Ly Băng một lần, rất chớp nhoáng, nhân một lễ truyền chức. Thế nhưng tôi rất kính mến ngài và ngài cũng thương tôi lắm. Các tác phẩm xuất bản sau này ngài đều tặng tôi một bản.

Ngày 24.8.1988, được tin ngài lên thăm Đà Lạt, tôi lên học viện Phanxicô Du Sinh chào ngài và xin ngài cho thực hiện một cuộc phỏng vấn thu băng vào sáng hôm sau. Muốn viết về ngài, giới thiệu ngài cho độc giả, nhưng tôi không được may mắn thụ giáo với ngài như nhiều người bạn của tôi, và cũng không có dịp sống gần ngài, cho nên tôi đành hài lòng với phương thức có vẻ cưỡng bức này. Rất may, ngài đã chiều ý tôi. Ngày 25/8, ngài đã ghé phòng làm việc của tôi tại Dòng Don Bosco và cha con nói chuyện hơn một giờ liền.

TTT: Thưa Cha, con rất vui mừng được gặp cha. Trong cơ hội bằng vàng này con ước mong cha cho biết đôi điều sau này chúng con sẽ cần dùng để giúp độc giả hiểu cha và các tác phẩm của cha hơn. Chắc hẳn, nói về mình thật ngại, nhưng xin Cha vì Hội Thánh mà vui lòng cho con biết.

XLB: Cám ơn sáng kiến của Cha. Tôi sẽ cố gắng trả lời, nhưng chắc chắn các câu trả lời sẽ không có gì sâu sắc lắm. Dù sao trong tình anh em, tôi xin phát biểu tự nhiên, có sao nói vậy.

I. TIỂU SỬ

H. Trước hết, xin Cha cho biết vài số liệu làm mốc về ngày, tháng, năm sinh; các trường Cha đã học qua, ngày thụ phong linh mục, các chức vụ và nhiệm sở đời linh mục của Cha.

Đ. Tôi sinh ngày thứ Sáu, 23.4.1926, khi còn nhỏ học chữ Hán rồi chữ Quốc Ngữ. Năm lên mười, thi đỗ sơ học yếu lược (1936). Thi xong, tôi được anh Trúc Thuỷ Hùng giúp làm đơn xin vào dòng Phanxicô, nhưng linh mục đỡ đầu là cha Phước không cho đi. Ngài muốn tôi làm linh mục triều. Năm 1938, tôi vào học ở Trường Tập (séminaire préparatoire). Trường này chỉ cách nhà ba cây số, nhưng ở tuổi ấy xa nhà ba cây số cũng đã thấy đau khổ lắm. Tiếp đó vào Trường Thử, học năm dự bị và các năm cours moyens: 1ère et 2ème année, rồi supérieure và đi thi primaire. Sau đó, vào trường La Tinh năm 1945, năm Ất Dậu, với trận đói kinh hoàng và sau đó là Cách Mạng Mùa Thu, đánh đổ Đế Quốc Pháp, giành độc lập.

Năm 1949, mãn trường La Tinh, tôi đi giúp xứ tại Đông Tháp.

Năm 1953, ra Hà Nội học Đại Chủng Viện Xuân Bích.

Năm 1954, di cư vào Nam, tiếp tục học Đại Chủng Viện Xuân Bích một năm Triết Học và bốn năm Thần Học ở Đại Chủng Viện Lê Bảo Tịnh.

Năm 1959, ngày 19-7, thụ phong linh mục.

Năm 1959-1963, dạy Việt văn tại Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự, Thủ Đức.

Năm 1963, Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự giải thể, tôi nhập vào giáo phận Nha Trang, được Đức Cha Piquet Lợi cho phụ trách giáo xứ Vinh Hương rồi về dạy ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển, Nha Trang, cũng phụ trách môn Việt văn.

Năm 1965, chính xứ Vinh Thuỷ, Phan Thiết.

Năm 1972, đổi vào Bình Tuy, làm Quản Hạt.

Năm 1975, sau ngày Giải Phóng, làm Đại Diện Giám Mục.

Năm 1987, Tổng Đại Diện.

Bây giờ, năm 1988, cũng nghĩ nhiều đến cái chết. Vừa qua, tôi mới làm một bài thơ có hai câu:

Các lớp cha anh chết cả rồi,
Nay mai cũng đến lượt mình thôi.

II. SINH QUÁN VÀ GIÁO DỤC

H. Xin Cha cho biết về sinh quán.

Đ. Sinh quán tôi là một họ đạo nhỏ, họ Hiệu Lân, thuộc xứ Xuân Phong, hạt Đông Tháp, địa phận Vinh; về hành chính dân sự thuộc làng Phú Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

H. Đâu là hình ảnh sâu đậm nhất khi nhắc đến quê hương?

Đ. Quê tôi là một vùng hạ bạn, gần biển. Chiều chiều, tiếng thông reo vi vu hoà lẫn tiếng sáo trúc. Trong làng, những bờ tre quanh vườn lã tã rơi những chiếc lá vàng. Hoàng hôn, chuông chùa ngân vang giữa miền quê thanh bình:

Đôi con cò trắng đi khập khiễng,
Đớp bóng hoàng hôn dọc đê điều.

Những đêm trăng, văng vẳng những câu hát ghẹo Nghệ Tĩnh của những đôi trai gái ở các làng bên cạnh. Những hình ảnh và âm thanh ấy đã đi vào tâm trí và đã ảnh hưởng không ít đến tâm hồn thi sĩ của tôi.

Phía tây Diễn Châu có núi Giăng Màn, có lèn Hai Vai, rất đẹp. Tôi có đến thăm vài lần. Phía nam có núi Mộ Dạ; tại đây có ngôi đền Cuông, tức đền thờ Thục An Dương Vương, cạnh đền có cái giếng mà tương truyền Mỵ Châu và Trọng Thuỷ đã tự tử. Khi nhỏ, tôi cũng nhiều lần tới chơi đây, và lòng thấy như huyền sử xa xưa sống dậy.

H. Xin Cha cho biết về gia đình, về hai Cụ, về các anh chị em của Cha? Những điều nổi bật trong giáo dục gia đình đã ảnh hưởng trên tâm hồn linh mục và tâm hồn thi sĩ của Cha?

Đ. So với bà con trong làng, gia đình tôi tương đối khá giả. Cha tôi là ông Phaolô Lê Nghi; mẹ là bà Anna Nguyễn Thị Hường. Cha tôi giỏi chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ nên được cử làm thư ký của Ban Hành Giáo, vì thế mà được gọi là ông Ký, ông Ký Khánh. Cha tôi mất đi khi tôi mới lên hai tuổi, để lại mẹ tôi hai lần goá chồng.

Với đời chồng trước, mẹ tôi sinh được hai người con gái. Khi chồng qua đời, mẹ tôi đã tính ở vậy nuôi con. Lắm người ve vãn nhưng mẹ tôi đã chối từ. Bà còn làm một bài thơ nói lên quyết tâm trung thành với người chồng đã khuất và gián tiếp trả lời những ai có ý ngỏ lời tán tỉnh. Thế nhưng về sau, nghe theo lời khuyên của mấy linh mục và những người thân quen, mẹ tôi đã nhận lời kết bạn với cha tôi, sinh được hai người con là anh tôi hiện đang sống ở Đức Minh, Đắc Lắc, và tôi. Thơ tôi có một phần nói về người mẹ, bởi vì hình ảnh mẹ tôi rất sâu đậm trong lòng tôi. Đó là một phụ nữ miền quê, chất phác nhưng giàu lòng đạo đức, giàu tình cảm thương con, chiều con, đảm đang xoay xở cho chúng tôi ăn học. Mẹ tôi không biết chữ. Tất cả sự giáo dục của bà đều dựa trên một đức tin sâu xa. Bà dạy tôi học kinh, học bổn. Sáng tối bà dẫn tôi đi nhà thờ. Bà chủ sự giờ kinh gia đình ban tối. Sáng sớm, vừa nghe gà gáy, bà xướng kinh cho cả nhà đọc theo và dâng mình cho Rất Thánh Trái Tim Chúa.

Cảm thấy bất lực trong việc giáo dục con cái, Mẹ tôi đã gởi tôi đến nhà xứ Phú Linh, lúc mới 5 tuổi. Tại đây, tôi được các cha nuôi dạy. Hằng ngày, tôi giúp lễ cho các cha. Khi thầy giúp xứ Phú Linh đi học thần học, mẹ tôi gởi tôi ra Thuận Nghĩa ở với cha Phước. Cha Phước rất thương tôi, chiều chiều ngài đích thân dẫn tôi đi viếng Mình Thánh Chúa. Ngoài việc học kinh bổn và tiếng Pháp, trong thời gian này tôi đã tiếp thu được lòng khao khát đạo đức và biết sống tinh thần kỷ luật.

Mẹ tôi rất giàu tình cảm. Còn nhớ trong thời gian ở Trường Thử, khi được về thăm nhà, tôi đọc cho mẹ tôi và chị Đào (lúc ấy đã hơn hai mươi tuổi) nghe chuyện Hai Chị Em Lưu Lạc, một câu chuyện thương tâm khá gần với hoàn cảnh gia đình chúng tôi. Cả mẹ tôi và chị tôi nghe chuyện đều khóc, khiến tôi cũng khóc theo.

H. Xin Cha cho biết sơ qua về việc giáo dục Cha đã nhận được ở Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện. Những vị thầy nào và những tác phẩm nào đã ảnh hưởng nhiều đến tâm hồn Cha?

Đ. Tôi vào Trường Tập (Tiểu Chủng Viện) từ năm 1938 đến 1943. Các bậc thầy nay đều đã chết. Tôi còn nhớ các vị Bề Trên là các cố Tây: Cố Martin, cố Légalle, … Còn các cha Việt Nam thì có cha Kính, cha Đậu, cha Khanh… Thầy Hiếu, thầy Quế, thầy Minh, thầy Đào, thầy Trương, thầy Sung, thầy Mỹ, thầy Khứ, thầy Phương, thầy Nghĩa…

III. HÀNH TRÌNH NGHỆ THUẬT

H. Nhờ đâu cha thích làm thơ? Bài thơ đầu tiên của cha làm trong hoàn cảnh nào? Tiếp đó điều gì thúc bách và nâng đỡ cha làm thơ, và in thơ vì mục đích gì?

Đ. Một kỷ niệm khó quên là khi mới nhập học ở Trường Thử, còn thiếu thốn đủ thứ, thầy Việt văn đã ra bài làm: viết thư về nhà xin tiền mua sách vở. Lá thư tôi viết được đánh giá là hay nhất lớp. Thầy dạy lớp văn nhận xét rằng tôi có khiếu nhà báo. Quả thật, khi đi học, tôi dốt toán nhưng lại giỏi văn.

Về thơ thì ngay từ nhỏ tôi đã làm thơ nhưng không biết mình làm thơ. Tôi chỉ làm theo cảm hứng của lòng mình. Lúc ấy tôi chưa biết luật bằng trắc gì cả, nhưng tôi ham đọc thơ của Tản Đà, Nguyễn Du… Những bài thơ như Thề Non Nước và cả những câu ca dao người ta vẫn đọc hằng ngày đã đi sâu vào tâm khảm và mỗi khi có cảm xúc, tôi bắt chước làm theo.

Bài thơ đầu tiên có thể kể là bài thơ đã làm năm 12 tuổi. Vào dịp Lễ Phục Sinh, sau cuộc picnic giải trí, tôi đã làm một bài lục bát nói lên cảm xúc của mình. Tôi còn nhớ thầy giáo dạy quốc văn đã cho bài đó 16 điểm trên 20. Sau đó, xúc động mạnh khi đọc bài văn tế mẹ của bà Cao Ngọc Anh, tôi cũng bắt chước làm một bài văn tế mẹ, mặc dù mẹ tôi còn sống. (Mẹ tôi chết năm 1945, khi tôi được 19 tuổi).

Phải nói thêm rằng thời kỳ ấy, lòng yêu nước trong tôi sôi sục mạnh mẽ. Thế chiến thứ hai xảy ra, tôi có làm thơ đả kích Hitler rồi làm thơ chống Tây. Còn nhỏ, chưa biết gì về chính trị, nhưng nghe nói đánh Tây là chính. Tôi cũng đã trình diễn thơ chống Tây của mình trước anh em chủng sinh, quanh lá cờ Việt Minh. Rồi nhiều người biết tôi. Ban tuyên truyền tỉnh Nghệ An kêu gọi làm thơ, tôi cũng làm một bài thơ về “Chiều kháng chiến”.

Để tập làm văn, tôi cũng có làm thơ tiếng Pháp và viết nhật ký đều. Tiếc là năm 1954, khi đi di cư, các tập nhật ký cũng như những tập thơ viết hồi nhỏ đều mất cả.

H. Xin Cha cho biết qua về các giai đoạn sáng tác và các thể loại.

Đ. Có thể chia làm ba giai đoạn:

- 1945-1953: Số bài chưa nhiều lắm, ý thơ có vẻ chưa sâu sắc, tư tưởng thần học cũng chưa có gì. Tuy nhiên lời lẽ dễ dàng, tươi mát, hồn nhiên… Cũng có một số bài sáng tác trước năm 1945, như bài Maria, làm trong dịp bị bệnh nằm ở nhà thương Xã Đoài, và như đã nói trên là những gì viết trước 1954 kể như mất hết.

- 1953-1975: Giai đoạn sung sức nhất. Tôi làm rất nhiều. Tiêu biểu nhất là tập Thơ Kinh. Bài Say Noel là bài đầu tiên được in báo. Đó là một kỷ niệm khó quên, đánh dấu bước đường nghệ thuật của tôi.

- Từ năm 1975 đến nay: Tôi chuyên làm thơ cầu nguyện, gom lại trong mấy tập Như Trầm Hương. Năm 1979, khi quân Trung Quốc đánh 6 tỉnh phía Bắc, tôi có viết một bài ca ngợi sức tranh đấu của người Việt Nam chống lại quân thù. Đó là bài sử thi Hùng Ca Dân Tộc, gồm sáu bài, trong đó có bài Chiến Thắng Nguyên Mông, bài Bình Minh…

Về thể loại, tôi làm cả thơ và vè. Thơ gồm nhiều thể. Còn vè là những bài nôm na giúp trẻ em học hỏi giáo lý Tin Mừng.

H. Về thơ, cha nghĩ phải có đặc tính nào mới gọi là thơ tôn giáo?

Đ. Phải khẳng định rằng thơ là để nói lên cái đẹp là Thiên Chúa. Những gì thuộc về Thiên Chúa đều đẹp. Chúng ta ca tụng Thiên Chúa bằng cái đẹp thể hiện qua văn chương, qua thơ ca. Đó là thơ tôn giáo rồi. Theo tôi nghĩ, thơ tôn giáo phải chân thật, phải thành tâm yêu Chúa, trung thực với lòng mình. Trong lời tựa tập Thơ Kinh, Đức Cha Phạm Ngọc Chi có viết: “Đạo là Thơ”. Tôi cũng đồng ý như thế. Đó là căn bản của thơ tôn giáo.

H. Về năm tập thơ: Thơ Kinh, Hương Kinh, Trầm Tư, Nỗi Niềm và Kinh Sầu Trên Quê Hương. Xin Cha cho biết mỗi tập ra đời trong trường hợp nào, với nét nổi bật nào và đánh dấu điều gì trong hành trình nghệ thuật của Cha?

Đ. Trong năm tập thơ ấy, bốn tập đầu đã in, còn tập Kinh Sầu Trên Quê Hương chưa in được. Nét chung các tập thơ đều diễn tả tâm tình tôn giáo, nói cách khác là nhìn thiên nhiên với cái nhìn đức tin. Ví dụ, những bài về quê hương thì nhìn quê hương dưới cái nhìn Kinh Thánh.

1. Thơ Kinh: Đây là tập đầu tiên, in năm 1956, được Đức Cha Phạm Ngọc Chi giới thiệu. Các bài trong tập này được viết từ năm 1945 đến 1956. Đây là thời gian tôi sáng tác khá nhiều. Một số bài đăng báo, được bạn đọc hoan nghênh, cổ võ. Cha Hồng Phúc và anh Hà Châu ở báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khuyến khích tôi sáng tác thêm để in.

Thơ Kinh là tập thơ cầu nguyện trong sự đẹp nên gọi là thơ kinh. Những bài đắc ý nhất là Nhớ Xưa, Chuông Chiều, Say Noel. Bài Nhạc Sầu Do Thái là một bài đầy kỷ niệm của thời gian học ở Hà Nội. Dịp tết năm ấy, nhà xa, tôi phải ở lại trường. Tâm trạng sinh viên xa nhà trong dịp tết buồn không kể xiết. Nhớ nhà, nhớ quê, buồn buồn, tủi tủi, tôi liên tưởng tới thân phận lưu lạc của người Do Thái…

Thơ Kinh gồm những bài tôi sáng tác trong thời gian ở Tiểu Chủng Viện, Đại Chủng Viện cũng như thời gian giúp xứ. Những lúc rỗi rảnh tôi thường làm thơ để cầu nguyện.

2. Hương Kinh: Tập này được cha Cao Văn Luận giới thiệu và cha Bửu Dưỡng đề tựa. Đa số các bài trong tập này dài hơn các bài ở tập Thơ Kinh. Tôi đắc ý nhất các bài Tụng Ca Đức Trinh Nữ Maria, Trường Ca Máu Đỏ, Phóng Sự Trở Về. Bài này đã được nhiều nơi dàn dựng thành kịch.

3. Trầm Tư: Phạm Việt Tuyền đề tựa. Tư tưởng có chiều sâu hơn. Ngay tựa đề đã nói lên điều đó. Sau khi tập này ra đời, Uyên Thao viết một bài trên tập san Giáo Dục, cho rằng Xuân Ly Băng dùng thơ để truyền đạo, để phục vụ tôn giáo. Anh Nguyễn Vĩnh đã viết một bài trả lời Uyên Thao, nêu rõ: “Thơ là thơ, dù nhuốm mùi đạo hay không nhuốm mùi đạo. Dù ca ngợi cái gì mà hay thì vẫn gọi là thơ hay”. Tiêu biểu trong tập này là các bài Thanh Âm, Tôi Tìm Người Yêu…, muốn gợi cho người đọc tìm về đạo qua âm thanh và màu sắc của thiên nhiên.

4. Nỗi Niềm: Tập này không có gì đặc sắc lắm, nhưng cũng đánh dấu một bước mới trên đường nghệ thuật. Vẫn là thơ tôn giáo nhưng nghệ thuật được nâng cao hơn. Các bài nổi bật là Nhân Sinh, Sông Mẹ Thuyền Trôi.

5. Kinh Sầu Trên Quê Hương: Được sự động viên nâng đỡ của Bàng Bá Lân, Vũ Hoàng Chương, Trụ Vũ, và do sự giới thiệu của Trụ Vũ, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã định phổ nhạc cho một số câu thơ… Thế nhưng tập này không in được vì bộ phận kiểm duyệt thời ấy cho rằng tập thơ quá nặng tư tưởng phản chiến, không cấp giấy phép. Tập này có nhiều bài tôi rất thích, như Đêm Cuối Cùng, Chiến Tranh Và Hoà Bình, nhất là Lời Mẹ Việt Nam.

H. Xin Cha cho biết lai lịch và những điều cần lưu ý về tập Bài Ca Thương Khó.

Đ. Lúc đầu tôi không có ý định viết thành một trường ca. Tôi có thói quen khi nằm bệnh thì đóng cửa làm thơ. Năm 1964-1965, trên giường bệnh, tôi nghĩ miên man đến Chúa hấp hối trong vườn Ghetsêmani và viết khoảng 100 câu lục bát. Cha Benoit Phương tới thăm, đọc, khen hay và động viên tôi viết thêm cho đầy đủ. Rồi làm thêm cả thảy được 700 câu thì mất hứng, phải ngưng. Hai năm sau mới làm tiếp độ hơn 1000 câu. Rồi sửa lại, bổ sung cho có đầu có kết. Sau một năm nữa mới tạm ổn. Năm 1969 in ra, vẫn còn nhiều khuyết điểm, nên người khen cũng có, người chê cũng có. Nhiều thân hữu chân thành góp ý, nhờ đó tôi có thể hoàn chỉnh thêm. Nay thì đã sẵn một bản chép tay có minh hoạ.

H. Xin Cha cho biết đôi điều về các tập thơ cầu nguyện Như Trầm Hương.

Đ. Các tập này gồm những bài viết sau ngày giải phóng, theo hướng giúp các tín hữu cầu nguyện bằng sự đẹp và cầu nguyện với cái đẹp tuyệt đối, với cội nguồn của cái đẹp là Thiên Chúa. Tập đầu gồm 16 bài. Khi gởi cho nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ xem thử, nhóm này đã chọn hai bài đưa vào sách Phụng Vụ. Mấy năm gần đây tôi vẫn viết tiếp và gom thêm các tập Như Trầm Hương II và III.

H. Những nhà thơ nào đã ảnh hưởng nhiều trên Cha?

Đ. Khi còn nhỏ, học theo chương trình Pháp, nhờ học văn chương Pháp, tôi biết và chịu ảnh hưởng của Paul Verlaine, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, đặc biệt là Lamartine. Nguồn ảnh hưởng thứ hai là Thơ Mới Việt Nam: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh, nhất là Hàn Mạc Tử. Khi coi xứ ở Vinh Thuỷ, Phan Thiết, gần di tích kỷ niệm của Hàn Mạc Tử là lầu ông Hoàng, càng không thể quên Hàn Mạc Tử. Dĩ nhiên còn phải kể văn thơ cổ điển Việt Nam: Nguyễn Du, Ôn Như Hầu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến. Khi học Hán văn thêm để giúp nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, tôi còn có dịp đọc nhiều thơ Đường.

H. Xin Cha cho biết cảm nghĩ về Hàn Mạc Tử.

Đ. Nói về Hàn Mạc Tử, tôi nhớ lời Alfred de Vigny: “Hãy đánh vào tim tôi, thiên tài sẽ vọt ra”, hoặc một lời khác: “Mà câu tuyệt vọng là câu tuyệt vời”. Hàn Mạc Tử nằm trong trường hợp đó. Tài năng của Hàn Mạc Tử bùng nổ mạnh mẽ trong đau thương nên thơ Hàn Mạc Tử hay. Có thể nói bệnh tật cộng với tài năng đã làm phát sinh một Hàn Mạc Tử Tuyệt vời. Tiếc là Hàn Mạc Tử chết quá sớm. Nhưng cũng có thể chính vì Hàn Mạc Tử yểu mệnh mà thơ Hàn Mạc Tử mới hay đến thế.

H. Nói đến nghệ thuật, đến thơ, là nói đến sự diễn tả tình yêu và ca ngợi tình yêu. Xin Cha cho biết suy nghĩ và cảm nhận của Cha về tình yêu.

Đ. Khi học về văn chương cao học, cha cũng đã biết tư tưởng nhân loại có những lieux communs, những điểm chung lớn: Thiên Chúa, tình yêu, Tổ Quốc, gia đình và sự bất tử, vv… cho nên nói đến nghệ thuật là phải nói đến tình yêu. Thơ cũng là để diễn tả và ca ngợi tình yêu.

Tình yêu thì có nhiều dạng, tuỳ đối tượng: yêu Thiên Chúa, yêu Tổ Quốc, yêu anh em, yêu đồng bào. Gần gũi và sôi động nhất trong kinh nghiệm loài người là tình yêu nam nữ. Phần tôi, từ nhỏ đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, cho nên tình yêu nam nữ này đã không xâm nhập được vào tôi. Đinh Hùng nói nơi tôi tình yêu ấy đã được gạn lọc. Còn tôi muốn diễn tả trái tim tôi như một cái ly, đã chứa đầy rượu của Thiên Chúa thì không còn chỗ để rót rượu của loài người vào. Tình yêu tôi hướng trọn về Thiên Chúa, cho nên khi nói tôi yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật,… thì là yêu trong tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Suy nghĩ về tình yêu, tôi cho rằng con người là kết quả của tình yêu nên không thể không yêu được, nhưng phải tìm ra đối tượng đích đáng để yêu, rồi cuộc sống theo đó mà được hoà điệu. Về mặt tương đối, tôi nghĩ tình yêu nào cũng cao quý, miễn là phải liệu sao đi trong quỹ đạo của lý trí.

IV. HÀNH TRÌNH THEO CHÚA

H. Câu hỏi về tình yêu vừa rồi cũng là một bước chuyển tiếp sang hành trình đức tin. Xin Cha cho biết tình yêu của Cha đối với Thiên Chúa đã qua những bước phát triển nào? Có những thăng trầm nào? Đâu là điều xuyên suốt?

Đ. Điều này đơn giản thôi. Tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa tương đối bình lặng, không có vấn đề nào đáng kể. Có thể nói là liên tục. Chỉ có một thời gian hơi sóng gió là các năm 1946-1949, chủng viện đóng cửa, tôi phải sống ở ngoài. Tuy nhiên tôi vẫn hoạt động tông đồ, ham thể thao, thể dục, lại thích đàn, sáo, đánh cờ, vv… Chính những sở thích ấy đã thu hút tôi, giữ cho tình yêu tôi luôn được trung thành với Chúa, không bị cạnh tranh vì tình yêu nhân thế. Cho nên, có thể nói, Chúa đã giữ cho tình yêu của tôi đối với Ngài được êm đềm, không bị khủng hoảng.

H. Còn mối tương quan của Cha đối với Chúa thì đã phát triển thế nào?

Đ. Khi tôi còn nhỏ, tình yêu đối với Chúa nặng phần tình cảm và bề ngoài, nhưng càng lớn lên, tình yêu càng đi vào chiều sâu. Càng về sau, nhờ học hỏi, đọc sách, nhất là đọc và suy gẫm Kinh Thánh, đức tin và tình yêu tôi ngày càng đổi mới và sâu đậm. Tôi đã không có cơ may trải qua những đêm tối tâm hồn như Thánh Nữ Têrêxa Avila hoặc Thánh Gioan Thánh Giá. Nơi tôi, mọi sự có vẻ diễn tiến cách tự nhiên, bình thường. Tôi chỉ gặp Chúa cách đơn giản trong vạn vật, trong thiên nhiên, qua con người, cỏ cây, bông hoa, tiếng gió, ánh mặt trời, vv… Vâng, đó là một ân huệ Thiên Chúa ban cho tôi mà tôi luôn luôn cảm tạ.

H. Trong một bài viết trên tập kỷ yếu Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự cách đây 25 năm, Cha có cho biết đoạn Tin Mừng đánh động Cha nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Từ và cảnh phòng Tiệc Ly. Khi Giuđa bỏ đi, Gioan viết: “Và bấy giờ là đêm tối”. Đêm tối ở ngoài trời và đêm tối trong lòng kẻ phản bội. Còn hôm nay, sau 29 năm đời linh mục, đoạn Tin Mừng nào ăn sâu vào lòng Cha nhất?

Đ. Như đã nói, thời còn trẻ, tôi sống trong một đức tin nặng phần tình cảm và bề mặt cho nên các đoạn ấy khiến tôi xúc động nhiều, thật hợp tình hợp lý. Còn nay thì đánh động nhất là những câu Tin Mừng mà Chúa đòi mình phải kết hợp sâu xa với Chúa: “Thầy là cây nho, các con là cành”, “Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con”, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, “Ai yêu mến Thầy và giữ lời Thầy, Thầy sẽ tỏ mình cho người ấy”. Tôi đã thấy rõ Chúa đã tỏ mình cho tôi qua các biến cố trong cuộc sống. Chúa luôn luôn yêu thương tôi và hiện diện với tôi.

H. Điều gì nơi Chúa Giêsu thu hút Cha nhất?

Đ. Ở tuổi 62 của tôi hiện nay, Đức Giêsu không phải là huyền thoại, không phải là một tình cảm bên ngoài. Đức Giêsu là một thực tại, vừa thần linh vừa lịch sử, là sự sống của mỗi Kitô hữu, cho nên mọi sự nơi Chúa, từ con mắt, trái tim, cuộc sống, lời nói và tóm lại là cả cuộc sống của Chúa đều thu hút tôi. Có điều là làm sao để diễn tả tất cả những điều ấy thành thơ. Cách đây mấy tuần, có người hỏi tôi: “Chưa thấy Cha khai thác đề tài bí tích Thánh Thể?” Câu hỏi khiến tôi suy nghĩ nhiều. Quả thật, để làm thơ về bí tích Thánh Thể rất khó. Cũng như, làm thơ về Hội Thánh không dễ chút nào. Vì làm sao để Hội Thánh trở thành một hình ảnh gợi cảm? Cũng như làm sao để chút bánh chút rượu đã trở nên Mình Máu Chúa có thể biến thành lời thơ? Quả là khó! Điều đó đòi sự sống mình phải có cường độ thật cao, nghệ thuật thật lớn,… Tôi hy vọng những năm cuối đời hiện nay sẽ thực hiện đôi phần.

H. “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Xuân Diệu đã viết câu ấy theo suy nghĩ của ông, nhưng nếu đọc theo ngôn ngữ Kinh Thánh, ta cũng có thể thấy ở đó tình cờ hội đủ các biểu tượng Kitô giáo liên hệ đến hồn thơ Kitô hữu: Gió khiến liên tưởng đến Thánh Thần, Trăng nhắc đến Đức Trinh Nữ, Mây nhắc đến sự hiện diện của Thiên Chúa, như mây phủ trên khám Giao Ước. Xin Cha cho biết thêm kinh nghiệm bản thân trong việc chiêm niệm qua thiên nhiên.

Đ. Trong câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời, nhưng tôi muốn lưu ý để khỏi dừng lại ở bề mặt. Ta thấy Thiên Chúa, nhưng thấy thế nào, có rõ nét không? Thấy rồi có cảm mến, con tim có rung động không? Làm sao để đem Chúa từ trong ánh trăng, từ gió vào trong khối óc, trái tim, rồi từ đó trào ra nơi ngọn bút? Tôi còn nhớ một câu thơ Đức: “Gió đập vào cửa sổ và nói với tôi về Thiên Chúa Tình Yêu”.

H. Cha làm nhiều thơ về Đức Mẹ. Xin cho biết tại sao? Điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất? Lòng yêu mến Đức Mẹ bắt nguồn từ đâu?

Đ. Nói về Mẹ Maria là nói đến cả một trời yêu, vì Maria có nghĩa là biển, có nghĩa là cay đắng. Lòng yêu mến Đức Mẹ cũng do bẩm sinh, có thể do đức tin của người mẹ và huyết thống của gia đình. Rất có thể từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã cảm được lòng yêu mến Đức Mẹ. Trong bài Nhớ Xưa, tôi đã nói đến điều đó.

Còn hỏi điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất, thì phải nói rằng toàn thể Đức Mẹ đều gây cảm hứng dạt dào cho tôi, từ khuôn mặt, ánh mắt, đến tấm lòng từ mẫu…

H. Vậy thì những kỷ niệm nào của cố cụ bà đã giúp Cha cảm nhận nhiều về tình yêu Đức Mẹ?

Đ. Mẹ tôi chỉ là bà mẹ quê chất phác, chỉ biết thờ chồng nuôi con, cho con ăn học, dạy con tin cậy mến, dạy con đọc kinh, đi nhà thờ, chứ không có gì sâu sắc như mẹ của thánh Gioan Bosco hay mẹ của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tuy nhiên, với tôi, nhìn mẹ của mình là đã thấy Đức Mẹ rồi… (cười)…

H. Có những đề tài Kinh Thánh nào cha mong làm thơ mà chưa làm được?

Đ. Có, tôi có ước mơ làm sao có khả năng, sức khoẻ và hoàn cảnh tốt để diễn tả nhiều đề tài lớn trong Kinh Thánh thành trường ca. Rất nhiều đề tài lớn lao trong Kinh Thánh có thể dệt thành những áng thơ Việt bất hủ, như Abraham và Isaac, Xuất Hành, bài ca của Myriam sau khi Dân Chúa vượt Biển Đỏ, Giuđích, Esther. Trong Tân Ước thì chính cuộc đời của Phaolô cũng là một bài thơ vĩ đại… Nhưng nay tôi đã già, lại mắc bệnh tim, sẽ chẳng còn làm được gì mấy. Các cha trẻ sau này cố gắng thực hiện…

H. Xin Cha cho biết suy nghĩ của Cha về việc dùng văn hoá Việt Nam để diễn tả đức tin và việc làm cho đức tin thấm vào văn hoá.

Đ. Câu này có hai vế:

- Dùng văn hoá để diễn tả đức tin: Đó là niềm thao thức lớn nhất của tất cả những anh em có đức tin, cách riêng là những người có ơn gọi làm văn hoá. Mà văn hoá, đúng hơn là nghệ thuật, dù khác nhau, từ âm nhạc, hội hoạ, kịch, điêu khắc vv… làm sao để dùng tất cả mà diễn tả đức tin. Đức tin không thay đổi nhưng cách diễn tả phải thay đổi cho phù hợp với cách cảm nhận của Dân Tộc và của Thời Đại.

- Làm cho đức tin thấm sâu vào văn hoá: Đức tin phải được diễn tả bằng những sắc thái phù hợp với Dân Tộc, những gì Dân Tộc cảm nhận được và dung nạp được thì mới tồn tại trong Dân Tộc, chẳng hạn cách kiến trúc nhà thờ, âm nhạc trong phụng vụ, lễ phục của linh mục, vv… cũng phải có sắc thái Việt Nam và tính cách Đông Phương thì mới thấm sâu được vào cái hồn đông phương của Việt Nam.

V. LINH MỤC VÀ THI SĨ

H. Trong kinh nghiệm của Cha, đời tận hiến và tâm hồn thi sĩ có tương giao biện chứng như thế nào? Cản trở hay nâng đỡ nhau? Bóp nghẹt hay nuôi dưỡng nhau?

Đ. Thành thực mà nói thì rất khó dung hoà, bởi vì hai ý niệm linh mục và thi sĩ dường như không đi đôi với nhau. Linh mục, nhất là linh mục coi xứ, thì phải mực thước, phải luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các tâm hồn, còn người thi sĩ dường như lại tiêu biểu cho những người không ép mình vào khuôn khổ. Trong tâm trí mọi người, anh thi sĩ có vẻ lôi thôi, lếch thếch, chẳng có gì là kỷ luật… Hiểu như vậy thì có lẽ nơi tôi, con người thi sĩ phải nhường chỗ cho con người linh mục. Cả những bận tâm hằng ngày cũng vậy. Chẳng hạn lắm khi đang có cảm hứng nhưng bổn phận mục tử réo gọi, như đi giúp bệnh nhân, tiếp khách, vv… thì lại phải hy sinh cảm hứng để phục vụ anh chị em mình. Như vậy, hiển nhiên là có thiệt thòi cho phương diện nghệ thuật, nhưng tôi chấp nhận điều ấy.

H. Làm sao Cha dung hoà được?

Đ. Tôi dung hoà được con người thơ và con người linh mục là nhờ ảnh hưởng giáo dục gia đình và lòng ham mê thể dục, thích đá bóng, thích tập võ. Có thể nói, tôi không phải là con người ẻo lả, yếu ớt.

H. Cha có bài thơ nào nói lên tâm tình linh mục?

Đ. Khi tôi in tập Hương Kinh xong, một số anh em dạy ở chủng viện đề nghị tôi làm một bài ca tụng chức linh mục. Tôi đã làm bài Tụng Ca Chức Linh Mục. Có người cũng đã phổ nhạc. Nhưng thành thực mà nói, tôi không thấy ưng ý với bài đó. Làm thơ theo đơn đặt hàng mà rung cảm chưa đến độ chín thì không đạt. Lẽ ra đừng để ai bắt mình làm thơ cả. Cũng như con chim, nó thích hót thì nó hót chứ bắt nó hót không được, mà có bắt được nó hót, có lẽ nó cũng hót không hay.

H. Nhân đây xin Cha chia sẻ cho các linh mục đàn em, cụ thể là cho bản thân con đang ở trước mặt Cha đây, đôi tâm tình linh mục của Cha.

Đ. Năm nay tôi làm linh mục đã 29 năm. Nếu phải chia sẻ một kinh nghiệm thì kinh nghiệm của tôi thật quá đặc thù, bởi vì có lẽ Chúa đã sinh ra tôi khác với nhiều người. Tự nhiên tôi nhìn thấy Chúa đang ở trong mọi sự. Rồi khi được học siêu hình, tôi lại khám phá ra hữu thể và những nét siêu vượt (les transcendentaux) của hữu thể và cũng là của Thiên Chúa, tôi càng cảm nghiệm sự hiện diện sâu sắc của Thiên Chúa trong thiên nhiên. Mà trong thơ, thiên nhiên rất hệ trọng: Một ánh trăng, một tiếng gió lọt vào khe cửa, tiếng chim kêu, bông hoa nở, vv… trong tất cả tôi đều khám phá thấy Thiên Chúa. Thêm vào đó, là những dịp đi đây đi đó như hôm nay, mình càng khám phá ra Thiên Chúa. Và cứ thế mà sống cuộc sống tạ ơn.

Nhưng dù sao, cuộc sống cũng không tránh khỏi những khuyết điểm, những sai lầm trong cầu nguyện cũng như trong giao tiếp với tha nhân. Điều cần là luôn gặp Chúa như một người Cha, chân thành tâm tình với Chúa, thú nhận mọi sự với Chúa, bởi vì Chúa biết ta hơn chính ta biết ta… Chịu ảnh hưởng tội nguyên tổ, làm sao mình tránh khỏi những tư tưởng lệch lạc, cả những tư tưởng thiếu trong sạch, những tư tưởng ham danh, bị chê thì buồn, được khen thì tự đắc,… Chiều về cứ lấy tâm tình một người con biết quỳ gối trước mặt Cha mà xin tha thứ.

Đó là tâm trạng riêng tôi. Còn nói về hoàn cảnh mục vụ chung của các linh mục thì quá bận rộn. Công việc thật phức tạp. Có ngày 15, 16 đám khách; có ngày 25, 30 người; đâu có thể chỉ ngồi đó mà làm thơ, mà tiếp xúc với Chúa… Đó là chưa kể phải giao dịch với chính quyền… Cũng may mà tôi không biết xu nịnh chính quyền, nên thời nào tôi cũng được nể trọng.

Cần nhất là sống đàng hoàng, hữu xạ tự nhiên hương. Đừng tham lam, đừng mê tiền. Đừng xa hoa. Đừng để sa lầy vào vấn đề tình cảm. Ngược lại, cần biết yêu thương mọi người. Lịch sự và khiêm nhường nhưng thẳng thắn. Lại phải có một học thức vững vàng cho người ta nể trọng. Dù dưới lớp áo lao động vất vả, mình vẫn là con người hiểu biết. Biết nhiều mà nói ít thì người nghe sẽ nể hơn là nếu mình ba hoa. Đừng bao giờ tự phụ, nhưng hãy khiêm nhường. Đối với Bề Trên phải biết kính trọng. Đối với người dưới phải biết yêu thương. Đối với anh em, phải xuề xoà thân ái…

H. Xin Cha cho vài kinh nghiệm bản thân về đời sống khiết tịnh linh mục.

Đ. Kinh nghiệm cá nhân tôi là phải đứng về phía tích cực thật nhiều thì phía tiêu cực sẽ đỡ mệt. Tức là phải yêu mến Chúa thật nhiều, yêu mến Tin Mừng thật nhiều. Bản thân tôi có thuộc lòng Lời Chúa nhiều đoạn, cách riêng là Tin Mừng Gioan. Say sưa yêu Chúa, yêu Lời Chúa, yêu mến Đức Mẹ, yêu những gì thuộc về Chúa. Như cái ly đầy rồi, không rót thứ khác vào được. Khi mình đã say đắm Chúa thì cũng trở thành nhạy cảm, hễ sai sót chút gì là mình sẽ không chịu được, sẽ đẩy nó ra ngay.

H. Hiện nay Cha đang giữ trách nhiệm lớn trong một giáo phận. Xin Cha cho biết nỗi ưu tư lớn nhất đối với Hội Thánh, đối với các con chiên của Cha.

(Tới đây giọng của cha Xuân Ly Băng trầm lắng xuống, gương mặt đăm chiêu. Không khí trong phòng tôi cũng dường như đổi khác cho đến cuối câu chuyện).

Đ. Là người có trách nhiệm, tôi ưu tư và bận tâm nhất về hai điểm:

- Thứ nhất là vấn đề kế thừa, khiến tôi rất băn khoăn âu lo. Hội Thánh là một tổ chức xã hội, có yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh. Phần nhân sự thật quan trọng. Ưu tư của tôi là làm sao bảo đảm được sự kế tục; làm sao cho các chủng sinh, các linh mục tiếp nối sự nghiệp của các Tông Đồ, của chính Chúa…

- Thứ hai là Dân Chúa đang đói khát, đang sống trong môi trường thiếu cỏ xanh. Đau đớn hơn, họ không phân biệt được đâu là cỏ, đâu là thức ăn độc hại. Làm sao để giúp họ tìm đúng loại thứ ăn? Làm sao để cho nguồn thức ăn được phong phú? Không những là vấn đề của ngày nay mà cả ngày mai.

H. Theo Cha, trong việc đào tạo giáo dân, đâu là điều thiết yếu không thể thiếu?

Đ. Theo tôi, việc gieo vào lòng họ một đức tin tinh tuyền là hệ trọng hơn cả. Người có trách nhiệm phải phân biệt được cái chủ yếu và cái thứ yếu. Nếu hoàn cảnh và thời giờ không cho phép thì phải truyền đạt được cái chủ yếu, là đức tin ban ơn cứu độ, là đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tới năm 2000, tập thể Kitô hữu sẽ là thiểu số giữa những người không tin. Phải giúp cho cả người tin và người không tin thấy được cái tinh tuý của đức tin.

Về phía Giáo Hội phẩm trật, cũng phải thay đổi cơ cấu sao cho phù hợp kịp thời với các biến chuyển của nhân loại. Phải làm sao giảm bớt tính cơ cấu nặng nề để đi sâu vào đại chúng. Hội Thánh ở Nam Mỹ đã thực hiện nhiều điều, nhưng cũng đừng đi quá đáng. Làm sao các tổ chức giáo hội quần chúng phải hài hoà với quyền bính giáo phẩm, nếu không sẽ dễ dàng biến chất và tan rã.

H. Còn vai trò của gia đình trong Hội Thánh ngày nay?

Đ. Vai trò giáo dục đức tin của các gia đình là điều không thể thiếu. Các giáo lý viên phải kết hợp với các gia đình, làm sao để các gia trưởng ý thức được, hiểu được nhiệm vụ tiên tri, nhiệm vụ tư tế và nhiệm vụ vương giả của họ. Đó là điều Giáo Hội hoàn cầu đang thao thức, mối thao thức đã được diễn tả rõ qua Thượng Hội Đồng Giám Mục về vai trò và chức năng của các gia đình gần đây.

H. Nếu có cơ hội tổ chức lại các Tiểu Chủng Viện, chúng ta phải nhấn mạnh điều gì?

Đ. Trước hết phải giáo dục nhân bản về những điều sơ đẳng như ngăn nắp, thứ tự, trung thực, lịch sự. Cần hướng dẫn người chủng sinh biết sống bí tích, yêu mến Lời Chúa, nguyện ngắm yên lặng để nhận rõ Chúa và nhận rõ chính mình. Cần giúp họ biết kết hợp sâu xa với Chúa Kitô, theo sát tinh thần Ngài. Đồng thời phải phù hợp với các đòi hỏi của thời đại và xã hội, biết hài hoà giữa đời sống kết hợp với Thiên Chúa và đời sống phục vụ anh em. Ưu tiên vẫn phải là tương quan với Thiên Chúa, nếu không sẽ lệch lạc.

H. Con xin quay lại một chút với thơ. Thơ Cha chịu ảnh hưởng linh đạo nào?

Đ. Thơ tôi có nỗi nhớ Nước Trời. Đó là do ảnh hưởng của sách Gương Phúc. Khi còn nhỏ, tôi nghiện sách Gương Phúc, nên tôi có được ba điều:

- Nhớ Nước Trời

- Không bị những sự thế gian ràng buộc

- Say sưa những tình tứ về Thiên Chúa

Có thể nói đó là một linh đạo cánh chung, như lời thánh Phaolô nói: Ai khóc thì cứ như không khóc, ai mua sắm thì như chẳng được gì… Tôi rất nặng tình với Quê Hương trên trời nhưng không quên Quê Hương trần thế. Cuộc sống trần thế là sống trên Quê Hương Việt Nam nên mình gắn bó với Quê Hương Việt Nam, cầu nguyện cho lòng người dân Việt yêu thương nhau.

H. Và ở tuổi Cha hiện nay, nỗi hoài vọng Nước Trời chắc là càng thêm mãnh liệt?

Đ. Vâng, đó là ý chính của những bài thánh thi Kinh Tối tôi viết thời gian gần đây trong các tập Như Trầm Hương.

H. Có những điều gì Cha muốn nói với chúng con nhưng tình cờ con chưa hỏi tới?

Đ. Đây là lời của người sắp chết nói với những người sẽ chết (cười). Tôi muốn nói với những người thuộc lớp tuổi của Cha, sinh sau tôi vài thập niên trong lãnh vực thi ca. Cha và nhiều anh em khác được Chúa ban tài năng. Tôi hy vọng Cha sẽ phát triển tài năng ấy và phát triển trong quỹ đạo của đời linh mục, trong đức ái, đức tin đối với Chúa. Cần trau giồi kỹ năng và phải viết ngay, đừng lần lữa. Bên cạnh đó, Cha phải tìm kiếm những mầm non trong Hội Thánh để nối dõi tông đường: Liên lạc gặp gỡ nhau, vun trồng, nâng đỡ nhau về thi ca và về đức tin. Có thế ta mới làm tròn nhiệm vụ Chúa trao phó và đáp ứng điều Hội Thánh chờ đợi.

TTT: Con xin chân thành cám ơn Cha.

Lm. Trăng Thập Tự
Nguồn: tgpsaigon.net