Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ (1928-1950) [2]

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 674 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


III. NAM TRIỀU VÀ THỰC DÂN PHÁP Ở TRUNG KỲ KHÔNG NGỪNG CẤM ĐẠO CAO ĐÀI


Những biến động, rối ren liên tiếp ở Trung Kỳ đầu thế kỷ 20 khiến cho ngay từ khi đạo Cao Đài vừa mới ra đời ở Nam Kỳ được hai năm (1926-1928) thì thực dân Pháp và Nam Triều đã sớm tìm nhiều cách ngăn chặn không cho đạo Cao Đài phát triển ra Trung Kỳ.


Liệt kê theo trình tự thời gian, mười hai sự kiện sau đây bao gồm các lệnh cấm đạo ban hành từ trung ương (Huế) cùng với những vụ đàn áp ở địa phương là hậu quả của chính sách cấm đạo.


1. Thứ Năm 26-01-1928 (04-01 Mậu Thìn)


Thông Tư ngày 04-01 năm Bảo Đại thứ Ba cấm truyền đạo Cao Đài ở Trung Kỳ. Nội dung như sau:


“Cơ Mật Viện thông tư các nha tại kinh đô và các phủ, tỉnh, đạo tại ngoại:


Chiếu theo khoản thứ 13 trong hòa ước năm 1884, thời được truyền giáo giảng giáo trong bản quốc duy giáo Thiên Chúa mà thôi, ấy là thuộc về đồng tôn và các ông giám mục, linh mục, giáo sĩ về giáo La Mã ([1]) mới được truyền thọ giáo pháp.

 

Gần đây nghe được có tân giáo tức là hội Tin Lành và đạo Cao Đài truyền giáo tại xứ Nam Kỳ đã nhiều, mới đây đã tràn ra vài tỉnh phía Nam Trung Kỳ, nếu hai giáo ấy truyền bá càng ngày càng nhiều, người tin theo càng ngày càng đông, thời những kẻ hiếu sự không khỏi mượn đó mà làm rối loạn cuộc trị an trong bản hạt, mà nhơn dân phải mắc lầm, tức như tụi Võ Trứ và Trần Cao Vân năm trước đều nhơn sự truyền giáo mà phiến loạn, cho đến họa cập bình dân thiệt là gương trước mắt.

 

Vậy nên thương đồng với với các quan công sứ, cấm chỉ tân giáo ấy và đạo Cao Đài, chớ cho truyền bá lưu hành trong hạt Trung Kỳ; hễ không tuân thời chiếu luật nghĩ trị. Khoản nầy đã thương quý Khâm Sứ đại thần ý hiệp. Vậy nên thông tư cho các quan biết mà làm.” ([2])

 

Thông Tư trên ban hành lúc Bảo Đại còn đang học ở Pháp (từ năm 1922). Cuối năm 1925 Vĩnh Thụy về Huế chịu tang Khải Định, rồi lên ngôi lấy hiệu Bảo Đại (08-01-1926), xong lại trở qua Pháp học tiếp cho đến tháng 9-1932 mới trở về Việt Nam.

 

2. Chủ Nhật 20-5-1928 (02-4 Mậu Thìn)

 

Khâm Sứ Trung Kỳ Jules Friès ([3]) ra Nghị Định số 1321 cấm quyển Thánh Ngôn Thần Tiên Đại Pháp (Messages des Grands Esprits de France) do Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) xuất bản tại Sài Gòn, tiếng Pháp và dịch quốc ngữ. Khoản thứ Nhất của Nghị Định này nói rõ rằng: “không cho đem sách ấy thâu nhập, truyền bá, phát mại và tàng trữ trong hạt xứ Trung Kỳ.”


Nghị Định số 1321 cũng đã được Cơ Mật Viện thông tư cho các bộ, nha tại Kinh và các tỉnh xứ Trung Kỳ ngày 13-4 năm Bảo Đại thứ Ba.([4])

 

3. Thứ Ba 06-3-1929 (25-01 Kỷ Tỵ)

 

Thông Tri số 40 ngày 25-01 năm Bảo Đại thứ Tư cấm theo đạo Cao Đài và truyền đạo Cao Đài hay “Phật Giáo chấn hưng” ở Trung Kỳ.([5])


Một số sử liệu Cao Đài cho biết trong năm 1929 Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) ra Huế, sau đó Thượng Giáo Sư Vương Quan Kỳ (1880-1939) ra tỉnh Bình Định truyền đạo. Cả hai tiền bối đều thất bại vì lịnh cấm đạo liên tiếp trong hai năm 1928-1929 của Bảo Đại (vẫn đang ở Pháp).

 

4. Năm 1932 (Nhâm Thân)

 

Giáo Sư Thái Gấm Thanh (Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh) ra tỉnh QuảngNamtruyền đạo, bị bắt và trục xuất vềNam.

 

Hai thanh niên làng Bất Nhị (phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là Lê Văn Liêm (1908-1934, con ông Lê Văn Hội và bà Trần Thị Cải, tức Mục Cưu) và Trần Công Ban (1906-1977, con ông Xã Xước, tức Trần Công Trác) vào làm ăn ở Sài Gòn, rồi cùng nhập môn ở thánh tịnh Bồng Lai (Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương) của Cao Đài Tiên Thiên. Năm 1932, hai vị Liêm và Ban về quê truyền đạo, bị bắt... Bà Mục Cưu phải bán gia sản, chuyển gia đình vào Nam.([6])


5. Thứ Tư 19-6-1935 (19-5 Ất Hợi)


Từ Huế, Thượng Thư Bộ Lễ Tôn Thất Quảng gởi các quan tỉnh Trung Kỳ Thông Tri (tiếng Pháp) số 1104, ngày 19-6-1935, nội dung như sau:

 

“Nhiều tỉnh vừa mới báo cáo cho tôi biết về hoạt động của các người truyền đạo Cao Đài trong dân An Nam ở Trung Kỳ. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở các ông rằng việc theo đạo Cao Đài và truyền đạo Cao Đài hay ‘Phật Giáo chấn hưng’ vẫn còn bị cấm ở Trung Kỳ, chiếu theo các quy định vẫn còn hiệu lực của Thông Tri số 40 ngày 25 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ Tư (ngày 06-3-1929), và những người vi phạm các quy định đó sẽ bị truy tố. Tôi yêu cầu các ông xem xét kỹ việc các Tri Phủ, Tri Huyện dưới quyền thông báo cho dân chúng biết về lệnh cấm này và các quy định của Thông Tri này phải được chấp hành nghiêm nhặt.


Qua các quan Công Sứ ở các tỉnh, xin các ông vui lòng báo cáo ngay cho tôi biết về bất kỳ một biểu hiện nào có tính cách Cao Đài.”

 

Trước khi ban hành, Thông Tri này được Đổng Lý Văn Phòng Patau (được ủy quyền thay mặt Khâm Sứ Trung Kỳ Maurice Fernand Graffeuil) duyệt ở Huế ngày 22-6-1935.([7])


6. Tháng 7-1935 (tháng 6 Ất Hợi)


au khi khánh thành thánh tịnh Thanh Quang (phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), hai tiền bối Trần Công Ban (1906-1977) và Nguyễn Quang Châu (1912-1955) bị nhà cầm quyền địa phương hỏi cung và phạt mỗi người hai tháng tù treo.([8])

 

7. Tháng 8-1936 (tháng 7 Bính Tý)

 

Sau khi an vị thánh sở tại làng Trung Lộc, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), hai tiền bối Trần Công Ban và Nguyễn Quang Châu bị bắt, bị kết án ba tháng tù giam.

 

8. Thứ Bảy 27-3-1937 (15-02 Đinh Sửu)

 

Bảo Đạo Cao Triều Phát (1889-1956), chưởng quản Hiệp Thiên Đài Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo, ra tỉnh Quảng Nam. Là cựu nghị viên Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial de Cochinchine), với tên tuổi của một nhân sĩ miền Nam, tiền bối có nhiệm vụ ngoại giao với nhà cầm quyền địa phương để giúp tín đồ Cao Đài ở Trung Kỳ bớt phần bị đàn áp.([9])

 

9. Thứ Tư 05-3-1939 (15-01 Kỷ Mão)


Nhân kỷ niệm năm năm hành đạo (1934-1939) của đoàn truyền giáo Trung Bắc, Đại Hội Vạn Linh được tổ chức tại thánh thất Trung Thành (Đà Nẵng). Nhưng nhà cầm quyền cản trở: Một số chức sắc bị bắt, kết án treo từ vài tháng tới hai năm. Thánh thất các nơi bị đóng cửa (như thánh thất Trung An, Trung Quang, Linh Bửu...).

 

10. Những năm 1940 (Canh Thìn) - 1943 (Quý Mùi)


Mức độ đàn áp đạo Cao Đài càng gia tăng khốc liệt trên cả nước. Nghị Định số 72 ngày 03-5-1940 của Toàn Quyền Đông Dương Joseph Jules Brévié ([10]) cấm treo cờ phướn có dấu hiệu chữ Vạn. Các thánh sở Cao Đài thường gắn chữ Vạn trên mái, nóc vì thế đều bị liên lụy. Lý do có lịnh cấm này vì trong Thế Chiến thứ Hai (1939-1945), lá cờ Đức Quốc Xã có dấu hiệu chữ Vạn nghiêng.

 

Tại Trung Kỳ, các nhà lao Dakto (huyện Dakto, tỉnh Kon Tum), Trà Khê (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), Phú Bài (huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên), v.v... giam giữ nhiều tín đồ Cao Đài Trung Kỳ.

 

11. Tháng 4-1946 (tháng 3 Bính Tuất)


Các tiền bối Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982), Trần Quốc Luyện (1920-1994), và Huỳnh Thanh (1921-1985) rời Trung Kỳ ra thủ đô Hà Nội tiếp xúc Bộ Trưởng Nội Vụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947, đồng hương Quảng Nam) và Bộ Trưởng Tuyên Truyền Trần Huy Liệu (1901-1969) để tìm cách giải quyết các biện pháp mà chính quyền địa phương đang thi hành khiến cho tín đồ Cao Đài nhiều tỉnh miền Trung phải chịu nhiều ách nạn.([11])

 

12. Chủ Nhật 06-8-1950 (23-6 Canh Dần)


Dụ số 10 gồm năm chương, bốn mươi lăm điều, do Quốc Trưởng Bảo Đại ký tạiVichy(Pháp). Mở đầu Chương thứ Nhất (Nguyên tắc), Điều thứ Nhất định nghĩa:


“Hội là hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích thuộc về tế tự, tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu.”


Kết thúc ở Chương thứ Năm (Tổng tắc), Điều thứ Bốn Mươi Bốn quy định: “Chế độ đặc biệt cho các hi truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô và các Hoa kiều lý sự hội sẽ ấn định sau.”

 

Như vậy, Dụ số 10 đã xem các tôn giáo không phải Thiên Chúa Giáo đều là “hội” (associations, societies). Nói cách khác, vì Dụ này mà đạo Cao Đài bị nhà cầm quyền kỳ thị tín ngưỡng.

 

Dụ số 10 sau đó được hướng dẫn ở Thông Tư số 34-PTT/CP ngày 20-9-1950 của Phủ Thủ Tướng, lại được hướng dẫn thêm ở Thông Tư số 1036PC ngày 07-11-1950 của Thủ Hiến Trung Việt gởi các Tỉnh Trưởng và Thị Trưởng ở Trung Việt.([12])

 

IV. NHÌN LẠI VÀ SUY GẪM

 

Mười hai sự kiện chọn lọc liệt kê ở phần III trên đây là những mốc quan trọng trong lịch sử truyền đạo Cao Đài ra miền Trung. Ôn lại như thế để có thể suy gẫm về con đường phát triển của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (giáo quyền trung ương đặt tại Đà Nẵng). Con đường ấy đã được hàng hàng lớp lớp những người con áo trắng miền Trung chung sức xây đắp nên với những viên đá rất đẹp, rất bền bỉ mà mọi thử thách của nhân tâm cùng thế sự chỉ làm tăng thêm vẻ sáng đẹp và tính bền chắc của phẩm chất.

 

Chủ Nhật 08-7-1956 (01-6 Bính Thân) tại Đà Nẵng đã long trọng thiết đại lễ lạc thành Trung Hưng Bửu Tòa (nay ở số 69 đường Hải Phòng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) và chính thức thành lập Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, thay cho danh xưng trước đây là Cơ Quan Truyền Giáo Trung Việt. Bấy giờ Hội Thánh này có khoảng một trăm ngàn tín đồ và năm mươi thánh thất.

 

Theo Ngô Bái Thiên,([13]) trước tháng 4-1975 Hội Thánh Truyền Giáo đã thiết lập được khoảng từ tám mươi đến một trăm thánh sở (thánh thất, nhà tu…) dưới sự cai quản của khoảng bốn ngàn chức sắc, chức việc. Về mặt tổ chức, sau tháng 4-1975, Hội Thánh Truyền Giáo không bị giải thể, chỉ bị thu hẹp hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành. Nhờ vậy thực lực Hội Thánh hầu như vẫn được bảo toàn.


Tính đến ngày 31-12-1999, ngoài cơ sở trung ương là Trung Hưng Bửu Tòa, Hội Thánh Truyền Giáo có năm mươi mốt cơ sở ở hai thành phố và mười một tỉnh, với gần ba trăm chức sắc, một ngàn năm trăm bốn mươi chức việc và khoảng năm mươi ngàn tín đồ. Hội Thánh cũng có bốn văn phòng đại diện tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, QuảngNam, Quảng Ngãi.


Theo Báo Cáo Tổng Kết Đạo Sự 1996-2000, Hội Thánh Truyền Giáo đã thiết lập được một hệ thống chặt chẽ từ trung ương đến các xã, trải rộng khắp mười sáu tỉnh, thành phố (từ ven biển miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn), với năm mươi ba họ đạo và bốn cơ sở đạo.([14])


Hiện nay, theo số liệu thu thập vào tháng 6-2012, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có được:


- Sáu mươi mốt họ đạo (với họ đạo Trung Hải mới thành lập vào tháng 4-2012 tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

- Mười cơ sở đạo.

- Lập được năm văn phòng đại diện Hội Thánh tại bốn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, QuảngNam, Quảng Ngãi và thành phố Hồ Chí Minh.

- Hội Thánh thiết lập được một hệ thống từ trung ương đến các xã trải rộng khắp mười bảy tỉnh, thành phố.


Các con số thống kê lược kể trên đây phản ánh phần nào những thành quả ngày càng tăng lên một cách đều, chắc và mang nhiều tín hiệu lạc quan. Niềm lạc quan này có những cơ sở nhất định mang tính di sản truyền thống của đất nước và con người miền Trung, mà Ngô Bái Thiên có lần cảm nhận về những ưu thế của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài như sau:


“Cái tố chất ‘khai phá, gan góc, kiên nhẫn, chịu thương chịu khó…’ vốn là cá tính lưu truyền của người dân miền Trung từ hàng mấy ngàn năm vẫn đang tiềm tàng hay tràn chảy trong cộng đồng Truyền Giáo Cao Đài. Có lẽ đây cũng là một yếu tố mang tính bản sắc để giải thích vì sao trong hoàn cảnh khó khăn, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài vẫn vượt lên được và tăng trưởng vững chắc.

 

Đa số tín đồ là nông dân, dân nghèo thành thị, phần lớn phải tha hương lập nghiệp. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ chức sắc, tín đồ là trí thức, viên chức, giáo viên, tiểu thương, tiểu chủ, do đó họ rất nhạy bén, năng động.” ([15])

 

Quả thật, tất cả những gì hôm nay có được đều là bông trái do công dày của biết bao tiền bối khai sơn phá thạch. Các vị đã liên tục ươm trồng, vun tưới bằng tâm chí can trường, với máu thịt sắt son của bản thân, dòng tộc, xóm làng. Sau hơn nửa thế kỷ, dẫu chưa hết những khó khăn chướng ngại, nhưng bước đường tương lai của Hội Thánh Truyền Giáo đang có thêm nhiều thuận lợi hơn trong nỗ lực hoàn thành sứ mạng hoằng đạo và đồng thời tiếp tục định hướng góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng một Hội Thánh Cao Đài duy nhất như hoài bão của các tiền bối miền Trung.([16])

 

Phú Nhuận, 17-3-2006

Bổ sung tháng 6-2012

HUỆ KHẢI

(còn tiếp)


Mời xem thêm: