Ghi nhớ công đức Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 723 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

GHI NHỚ THÁNH HUẤN & CÔNG ĐỨC của ĐỨC GIÁO TÔNG VÔ VI ĐẠI ĐẠO

 


LỜI GIỚI THIỆU

Đức Lý Thái Bạch Đại Tiên Trưởng là Nhất Trấn Oai Nghiêm trong Tam Trấn Oai Nghiêm Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, kiêm Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo.


Hằng năm, toàn đạo cử hành lễ Vía của Ngài vào ngày 18 tháng 8 âm lịch.


Riêng Cơ Quan PTGLĐĐ có thông lệ thiết lễ kỷ niệm nội bộ, đồng thời thuyết minh giáo lý xưng tụng công đức của Đức Giáo Tông.


Quyển sách nhỏ này là một sưu tập những bài xưng tụng trên, được mở đầu bằng các thánh giáo của Ngài.


Công đức của Ngài trong Đại Đạo TKPĐ như trời biển, thiển nghĩ ghi nhớ ơn sâu của Ngài không gì bằng ôn lại lời dạy được đơn cử trong vô số thánh huấn Ngài ban ân từ thuở Thầy khai Đạo.


Rất mong sưu tập khiêm tốn này sẽ góp thêm ánh đuốc đạo lý sáng soi con đường tu học hành đạo cho các cấp nhân viên CQPTGL.
Quyển sách chỉ lưu hành nội bộ Cơ Quan.


Ban thực hiện sưu tập

________________


THÁNH GIÁO ĐỨC GIÁO TÔNG
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 04-3 Quí Sửu (06-4-1973)

THANH MINH ĐỒNG TỬ, Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, Thiên ân hướng đạo, chào chư liệt vị đàn tiền. Vâng lịnh Tôn Sư, Tiểu Thánh đến báo đàn, chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp. Tiểu Thánh xin chào chung, xuất ngoại ứng hầu. Thăng.


Tiếp điển


THI
GIÁO TÔNG THÁI BẠCH giáng cơ tiền,
Bổ túc chương trình đạo Vĩnh Nguyên,
Cho lễ khánh thành ngày sắp đến,
Hầu chia trách nhiệm với chư hiền.

GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, Bần Đạo mừng chư hiền đệ hiền muội đàn trung. Bần Đạo miễn lễ chư hiền đồng an tọa nghe Bần Đạo phân giải.
Chư hiền đệ hiền muội! Trên cương vị Tam Trấn Oai Nghiêm, Bần Đạo có trách nhiệm trước Đấng Chí Tôn cùng Tòa Tam Giáo để dìu dắt nhơn sanh trên đường đạo pháp. Còn ở về cương vị Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một sự đồng hành như chư hiền đệ muội có trách nhiệm trong Cơ Quan Đạo.


Thế nên sự thành bại hưng vong, tiến thối, hư nên do hàng tín hữu gây ra thì Bần Đạo cũng như chư hiền có trách vụ đều thọ lãnh công hoặc tội của hàng tín hữu trước Đấng Chí Tôn và Tòa Tam Giáo.


Từ lâu, chư hiền đệ muội cũng như các hàng Thiên phong chức sắc khác đều có lòng thành kính nể Bần Đạo hoặc Đức Quan Âm Bồ Tát, hoặc Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân, như có những quyền uy tối thượng dưới Đấng Chí Tôn. Do lòng thành kính nể đó khiến chư hiền xem sự cách biệt quyền uy và nhiệm vụ giữa chư hiền đối với Tòa Tam Trấn Oai Nghiêm. Lòng mến yêu kính nể ấy rất tốt, nhưng chư hiền không nên xem có sự cách biệt ấy, bởi lẽ mà Bần Đạo vừa phân giải ở đoạn trên.


Chư hiền đệ muội còn nhớ lời Thiêng Liêng thường dạy cũng như lời dạy gần đây nhứt của Ngọc Lịch Nguyệt mới đây: “Phật là bậc tu được đắc thành còn nhơn sanh là hàng sẽ thành Phật”.


Chư vị Tiền Khai Đại Đạo là những hàng sứ đồ làm trước và đi trước. Chư hiền cũng như các sứ đồ khác là những người làm đang làm, đang đi, còn đoàn thanh thiếu niên là đoàn sẽ làm sau và đi sau.


Các Tòa thánh, Thánh thất, Thánh tịnh đã được xây cất trùng tu trước thì được khánh thành trước, các Tòa thánh, Hội thánh, Thánh thất, Thánh tịnh đang hoặc sẽ được xây cất trùng tu sau thì sẽ được khánh thành sau.


Một xâu chuỗi dài thiên lý cứ tiếp nối nhau mãi mãi, mặc dầu sự xây cất trùng tu hoặc hành sự có khác nhau về hình thức, về danh từ hoặc về địa phương, nhưng sự biến chuyển đặt để ấy đều nằm trong định luật của thiên lý. Mỗi một thế hệ đi qua đều có một lớp người đảm trách phần vụ cho thế hệ đó. Tuy đồng hành nhưng đồng thành hoặc đồng đắc hoặc không thành đắc là do công tâm trì thủ nhẫn nại hoặc không của mỗi sứ đồ hành giả có giống nhau hoặc khác nhau mà thôi. Vì nhơn sanh là nhơn sanh chung trong đức háo sanh của Tạo Hóa, còn đạo là đạo chung, guồng máy luân lưu chung của Đạo, của Lý. Mỗi một nhơn sanh là mỗi phần tử, mỗi cấu tử trong cái toàn thể. Mỗi tôn giáo, giáo hội, thánh đường đều là mỗi cấu tử của Đạo. Thế nên, dầu đó, dầu đây, dầu nhĩ, dầu ngã đều là định luật chung trong sự luân lưu của Đạo.


Chư hiền đệ muội là những người giữ vườn và tiếp nối phát triển khu vườn đạo. Chư hiền là thần thánh tiên phật trong thế hệ tương lai. Thế nên chư Tiên Phật thường khuyên dạy chư hiền đệ muội mỗi mỗi người đều phải cố gắng học, tu hành để đắc vị thần thánh tiên phật.


Sự kính thành lễ bái đối với chư Tiên Phật để thể hiện lòng quí mến công nghiệp đạo đức của các vị ấy để noi gương dọn mình tu hành để thành chánh quả, chớ không có nghĩa thành kỉnh lễ bái để thành kỉnh lễ bái hoặc để cầu xin sự hộ trì âm phò mặc trợ.


Chư hiền thường được Thiêng Liêng chỉ dạy tu hành phải tín ngưỡng nơi chánh tín chớ đừng mê tín. Chánh tín nơi lãnh vực này là phải hành chánh đạo để đắc chánh quả như chư Tiên chư Phật. Còn cầu cạnh xin hộ trì cho thành chánh quả mà không lo tu học và hành theo chánh lý, chánh đạo, đó là mò kim đáy biển, là mê tín, để làm trò cho đời mỉa mai tôn giáo.


Chỉ có mình biết tu học, tu hành mới cứu mình thoát vòng luân hồi chuyển kiếp, siêu sanh liễu tử, đắc quả bồ đề mà thôi.


Mỗi một thời kỳ Thượng Đế mở đạo là một thời kỳ mà trình độ tiến hóa của nhơn sanh thay đổi. Thế nên pháp đạo cũng do sự tiến hóa đó mà dẫn dắt nhơn sanh đi từ chỗ mê tín đến chánh tín, đi từ chỗ âm thinh sắc tướng đến vô vi chi đạo, đi từ chỗ cầu cạnh van xin được thành đạo đến chỗ tự độ, tự tu, tự cứu …
Chư hiền cũng như các sứ đồ khác đều đã trải qua các thời kỳ nhứt, nhì phổ độ rồi. Thế nên ngày nay, được duyên hạnh ngộ chư Tiên Phật dẫn dắt pháp môn vô vi chi đạo tự tu tự cứu. Còn những hình thức khác đều là những công quả xây dựng nền tảng âm chất để trợ duyên cho sự tu học thành chánh quả mà thôi.


Những hình thức vừa kể trên đó là hành đạo độ đời, tài thí, pháp thí, vô úy thí, xả thân hành thiện,v.v… Tất cả đều là phương tiện để xây dựng nền tảng vững chắc cho lâu đài thành chánh quả.


Bởi lý đó, nên chư Tiên Phật thường tập giao phó một số phần việc cho chư hiền linh động điều hành guồng máy hành đạo ở Cơ Quan cũng như giải quyết một số vấn đề khác trên đường hành đạo mà không ỷ lại sự chỉ dạy của Thiêng Liêng.


Chư hiền vẫn còn nhớ: Mấy nhiệm kỳ đầu của Cơ Quan mỗi lần có lễ hoặc Đại Hội Thường Niên, chính Thiêng Liêng phải soạn thảo chương trình hoặc dạy chư hiền làm dự thảo trình Thiêng Liêng chỉnh đốn. Cũng như việc soạn bài giáo lý để in thành quyển Thánh Giáo Sưu Tập. Buổi đầu Thiêng Liêng phải dạy lập đàn giáng cơ kiểm duyệt từng trang, từng hàng, từng chữ, từng dấu chấm phết hoặc xuống hàng.


Sau này Thiêng Liêng giao phó tập chư hiền dùng hết tâm thần và sự hiểu biết trong đời tu học, hành đạo của mình mà linh động sắp xếp hành đạo. Hành đạo thế nào cho thích hợp hoàn cảnh, thích hợp khả năng phương tiện, thuận thảo lòng người tức là hạp lý Trời, ắt được chấp thuận và nên việc.


Thiêng Liêng muốn tập chư hiền đệ muội tự tu, tự hành, tự học, tự tín, để có quan niệm thần thánh hóa mình nên hàng chí thiện, chí mỹ, chí nhân. Vì hiện tiền trên đường hành đạo được nhơn sanh nhìn nhận minh chánh, được đồng bạn đồng môn đồng bào, đồng chủng mến yêu kính nể, xứng tác phong đạo hạnh ở hiện tiền thì quả vị thần thánh tiên phật bên kia thế giới không xa đó vậy chư hiền đệ muội.


Trái cây khởi thủy từ trổ bông búp đến hoa nở, rụng nhụy kết quả thành trái. Từ trái non đến trái già qua trái chín phải trải qua các giai đoạn các thời kỳ của nó, chớ không phải mới thấy trổ bông búp đó rồi có trái chín ngay trong khoảnh khắc.


Sự tu hành đắc đạo cũng vậy, cũng phải trải qua giai đoạn biến đổi từ tâm hồn của con người. Không phải mới thấy một người đang trụy lạc sa đọa trong trường hư hỏng, vừa mặc áo đạo ăn chay đôi ngày, đọc kinh đôi trang rồi Phật độ đắc liền quả vị đâu, trong lúc nội tâm chưa cải tiến, tác phong đạo hạnh chưa sửa đổi, đạo học chưa hiểu gì, trí tuệ chưa hướng thiện, thánh tâm chưa mở, thánh sự chưa hành, thánh ý chưa bắt chước noi theo.


Mấy dòng đạo lý Bần Đạo vừa nêu, đó là mở đầu cho việc hành đạo của chư hiền đệ muội Cơ Quan trong những ngày sắp tới nói riêng và trong thời gian hành đạo ở tương lai nói chung.


(…) Sau đây Bần Đạo để lời dạy chung chư hiền đệ muội có tâm đến hầu đàn hôm nay, mong đợi chỉ dạy về sự tu học, có hiền lại muốn được mách cho biết những tiền kiếp của mình.


Cười! Đó là Thiên cơ. Nếu biết được, hại nhiều hơn lợi. Vì biết bao nhiêu là ân với oán. Nếu ân thì phàm tâm dấy động trong chỗ tình nghĩa ái ân hạ đẳng, còn oán thì lòng tự ái chưa diệt, chẳng ích chi. Bần Đạo chỉ phân như vầy: lo việc dọn mình từ thân xác được thanh tịnh tinh khiết nhẹ nhàng đến tâm hồn thư thái, bác ái mở rộng, lòng đạo phát sanh, huệ trí sẽ do đó phát triển hầu hiểu được thánh ý, trau dồi mở mang thánh tâm, thực hành thánh sự sẽ trở thành Thánh nhơn tại thế và đắc thánh vị sau khi căn viên quả mãn. Có chế ngự được phàm tâm thì đạo tâm mới có cơ phát triển sanh hóa. Còn các hình tướng đồng bóng, cốt chàng, đó là những chơn linh còn thấp để dẫn dắt trình độ ở vào hàng mê tín. Đừng vội chê đó là ma quái giả dối, cũng đừng vội theo, làm theo rồi ngăn trở bước tiến của mình. Thời buổi vàng thau lẫn lộn, ngọc đá chưa phân, rán tìm Tiên Phật thì được sự dắt dìu đến đường chơn chánh, nhược bằng muốn tò mò, toại nguyện hạ tánh thì gặp ma quỉ dắt dìu vào đường mê tín.


THI
Tiên Phật thương đời xuống thế gian,
Dụng lời chơn chánh để khuyên răn,
Minh tâm sáng ý dò chơn bước,
Hầu khỏi ma vương dẫn lạc đàng.


THI
Đàng về nẻo đạo gẫm không xa,
Chẳng phải tây phương cõi Phật đà,
Đạo vốn hư vô trong vạn loại,
Và trong tâm nội của mình ta.


THI
Ta là thiên hạ vốn con người,
Con của Thiên Tôn chốn cõi Trời,
Tam bửu, tam tài thiên địa giống,
Biết tu biết dưỡng đắc mà thôi.


THI
Thôi bấy nhiêu lời để nhủ khuyên,
Khuyên chung đệ muội rán tu hiền,
Hiền nhân sống sót thời tao loạn,
Từ giã ban ơn lại cõi Tiên.
Thăng.

 ______________________


THÁNH GIÁO ĐỨC GIÁO TÔNG
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 11-8 Bính Dần (14-9-1986)

THANH MINH ĐỒNG TỬ chào chư Thiên ân hướng đạo. Có Đức Giáo Tông lâm đàn giáo Đạo. Vậy, chư Thiên ân đệ muội thành tâm nghinh tiếp. Tiểu Thánh xin xuất ngoại ứng hầu. Lui.


Tiếp điển


GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH, Bần Đạo mừng chư đệ muội.


Bần Đạo đến hôm nay để cùng chư đệ muội tiếp tục con đường sứ mạng. Vậy chư đệ muội đồng an tọa chú ý nghe Bần Đạo dạy:
Này chư đệ muội! Cơ Đạo hiện nay lâm vào tình trạng bế tắc. Lý do cộng nghiệp chúng sanh dẫy đầy mà chư môn đệ của Đức Thượng Đế còn non tài kém đức và khả năng công phu đạo hạnh chưa đủ sức giải trừ để cơ đạo vươn lên giai đoạn khai thông. Chư Thiên ân đệ muội phải nhận thức rõ ràng Sứ Mạng Lịch Sử của mình để hoàn thành sứ mạng Thiêng Liêng giao phó. Vậy thế nào là Sứ Mạng Lịch Sử?


(…) Cười! Cười! Tam Kỳ Phổ Độ là một giai đoạn quan trọng trên lịch sử diễn tiến của nhân loại trong kỳ Hạ nguơn. Đây là thời kỳ có một không hai trong quá trình tiến hóa tâm linh nhân loại vì được diễm phúc hồng ân lớn lao duy nhất: Thượng Đế giáng trần lập đạo cứu độ và tận độ nhân loại cũng đang thời kỳ tiến cơ mạt kiếp, ác nghiệp chồng chất bao đời cũng đến hồi tác động với muôn vàn tai họa khủng khiếp.


Sự chênh lệch cách xa, một bên trí năng phát minh khoa học và một bên đạo đức lương tri, tạo nên tai họa khủng hoảng mờ mịt không lối thoát. Hoàn cảnh lịch sử, thời điểm lịch sử, phải có giải pháp lịch sử, sứ mạng lịch sử và tất nhiên con người sứ mạng lịch sử. Điều này có nghĩa cụ thể là trong giai đoạn lịch sử này, không làm tròn sứ mạng có một không hai thì vĩnh viễn không còn cơ hội nào khác để thực hiện cả. Đó là điều mà chư Thiên ân đệ muội phải tâm tâm niệm niệm xét suy cho thấu đáo.


Chắc nghe đến đây chư Thiên ân đệ muội sẽ tự hỏi thế làm gì bây giờ?


(…) Theo Bần Đạo thì hãy tự đặt câu hỏi là mình đã làm chưa và làm được gì rồi. Vì đường lối, phương pháp Ơn Trên đã nhiều lần dạy bảo và kế hoạch từng năm cũng đã dạy, giờ chỉ chủ yếu thực hành, thi hành tích cực có phương pháp, có qui trình, chia từng việc từng phần.


Nhìn chung toàn nền đạo hiện nay chỉ có Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý có nhiều công phu tu học, nghiên cứu và đóng góp tích cực xây dựng giáo lý Đạo trong tương lai, lại nên chư Thiên ân đệ muội nắm chắc hai phần việc:
- Trước nhất là nghiên cứu giáo lý đạo theo chiều sâu và chiều rộng.
- Phần nữa là công phu, lập hạnh, vừa công phu tịnh luyện vừa bồi công lập đức. Tóm lại, đó là hai lãnh vực trí năng và đạo hạnh. Trí năng để thuyết minh giáo lý soi sáng cho người tu học, cho mọi người, mọi tầng lớp, mọi nơi, mọi dân tộc và mọi trình độ văn minh. Đạo hạnh để thể hiện cụ thể tôn chỉ giáo lý đạo làm gương mẫu cho nhân sanh. Sống nếp sống đạo trong sinh hoạt hàng ngày, nhất nhất đều thể hiện lý đạo.


Chư Thiên ân đệ muội hãy làm thế nào cho giáo lý đạo có một căn bản lý luận vững chắc khoa học và khai triển sâu rộng mọi mặt. Giải đáp các vấn đề then chốt của triết lý siêu hình hiện đại khoa học v.v...Các việc này có tầm mức vô cùng quan trọng. Vì muốn độ người phải có trí thức siêu việt hơn đời, phải ưu thế trên mặt trí năng tư tưởng. Nhưng Đạo là lẽ sống, là hạnh phúc nên phải thể hiện cụ thể chân lý cao siêu ấy trong mỗi người qua nếp sinh hoạt hàng ngày, tác phong đạo hạnh thuyết phục mọi người xung quanh dễ cảm, dễ phục, vừa lành vừa hay, vừa ích lợi, vừa chân thật, đó là những yếu tố quan trọng tiến đến thành công trong lãnh vực tâm lý xã hội.


Chư Thiên ân đệ muội hãy là một Thích Ca, Khổng Tử, Jésus của thời đại, mới mong thực hiện sứ mạng lịch sử cơ Đạo Kỳ Ba.


THI BÀI
Giáo lý đạo vô vàn sâu rộng,
Khắp thế gian chứa đựng không cùng,
Hãy đem mắt huệ mà trông,
Chỉ cho nhân thế con đường siêu sinh.
Kìa bé nhỏ hạt nhân nguyên tử,
Vẫn chuyển nhanh trật tự rành rành,
Muôn loài muôn vật trong trần,
Lớn như vũ trụ tinh vân cũng đồng.
Ai khéo vẽ hạt nhân quĩ đạo,
Ai đặt bày cơ Tạo xoay vần,
Thiên điều qui luật công bằng,
Thông linh kỳ diệu quyền năng của Trời.
Trong muôn vật, loài người linh tánh,
Đặc biệt là có đặng tự do,
Tự do thì phải biết lo,
Tìm đường siêu thoát, chớ dò theo ma.
Trong nhân giới Đạo là qui luật,
Tiêu chuẩn là đạo đức chí nhân,
Khuyên đời giác ngộ lẽ chân,
Khuyên người dốc chí ăn năn làm lành.
Đem tư tưởng đấu tranh tư tưởng,
Mượn tĩnh tâm nuôi dưỡng thiện tâm,
Hằng ngày hằng khắc lo chăm,
Vun chồi tâm đạo, diệt mầm cỏ hoang.
Lý đơn giản vài hàng ngắn gọn,
Nói cho người chấp nhận thật gay,
Muôn vàn học thuyết giãi bày,
Cốt sao tâm phục mới hay độ người.
Đạo hạnh phải rạng ngời chính khí,
Tác phong luôn giữ thế khiêm cung,
Chí thành, chân thật, khoan dung,
Khuyên đi nhắc lại dày công cũng thành.
Phép dẫn đạo tâm thanh ngôn hạnh,
Tiếp giao người biết tánh hiểu tình,
Làm cho thắm thiết chị anh,
Đức tin ân điển sẽ thành đạo tâm.

Bần Đạo dạy bao nhiêu, chư đệ muội ghi nhớ. (…) Bần Đạo ban ơn lành chư đệ muội. Thăng.

___________________


Từ nhà thơ Lý Bạch
đến Đức Lý Đại Tiên Trưởng
Giáo Tô