Giá trị những lời nguyện hằng ngày của tín đồ trước mặt Đức Chí Tôn vô hình

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 614 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn sáng lập tại Nam Bộ Việt Nam, đại đa số tín đồ là nông dân có đức tin tín ngưỡng chân thành với thiêng liêng và lòng thiết tha yêu nước, yêu dân tộc, yêu chuộng hòa bình do bản chất hiếu hòa vốn có của người Việt ở Nam Bộ, được Ơn trên truyền dạy Tân Tôn Giáo bảo trì nền Văn hóa cổ truyền dân tộc qua Nghi lễ Tôn giáo, để thể hiện thực rõ nét Tôn giáo dân tộc. Hay nói cách khác: Đạo Cao Đài là Tôn giáo phát sinh từ nền Văn hóa đặc thù khu vực Đồng bằng Nam Bộ, hoặc nền Văn hóa đặc thù khu vực hình thành Đạo Cao Đài, bởi vì thời gian xuất hiện Đạo Cao Đài cũng là thời gian định hình Xã hội Nam Bộ.


Quan điểm bảo trì Văn hóa Cổ truyền dân tộc đặc thù khu vực của Đạo Cao Đài theo tinh thần cởi mở của người Việt ở Nam Bộ, sẵn sàng đón nhận tinh hoa tốt đẹp từ bốn phương… từ tinh thần đó, Ơn trên nêu Tôn Chỉ “Tam Giáo Quy Nguyên, Ngũ Chi Hiệp Nhứt”, xóa định kiến, xóa kỳ thị, hòa hợp tín ngưỡng, hòa đồng nhơn loại, mang tính đại đoàn kết xã hội loài người. không phải vay mượn hay chấp vá như người ta từng xuyên tạc… điều này xin hẹn dịp khác chúng ta sẽ bàn thêm. Hôm nay, tôi chỉ nhắc nhở những việc làm thực tế mà hàng ngày chư môn đệ của Chí Tôn nguyện ước, cần thực hiện thật tốt trong đời sống với đạo và xã hội.


Người theo Đạo, chí tất yếu hướng thiện và hướng Thượng, bước đầu của đời tu hành sửa mình trở thành người tốt, có ích lợi xã hội, phát huy Đạo đức Tôn giáo trước xã hội nhân quần làm cho nền Đạo ngày càng sáng tỏ, có tốt Đạo mới đẹp đời, Đạo đức tốt thì đời sống đẹp hay là Tôn giáo tốt thì xã hội đẹp.


Muốn làm được những tốt đẹp như trên đã nói, trước hết chúng ta thực hiện những điều ta hứa trước mặt Chí Tôn mỗi ngày bốn lược trong khi niệm hương, mở đề là câu kinh:


“Đạo gốc bởi lòng thành tin hiệp”, bao trùm cả Giáo lý, gói gọn tư tưởng Đạo đức vào bảy chữ của câu kinh, cái gốc của Đạo là sự thành kính, thành thật, tin tưởng và hòa hợp, thành tâm thật ý trong tín ngưỡng, trong sinh hoạt dẫn độ quần sinh và trong đời sống tu hành sẽ đi đến thành công đắc quả. Có thành thật, thành kính với lòng trong sáng không gợn chút tà niệm nhỏ nhen, mới phát xuất được tư tưởng chân chính, có đức tin thiêng liêng, niềm tin nhân loại, tín nhiệm lẫn nhau phát xuất tình thương yêu, hòa thuận, đoàn kết là thuận đạo, ngược lại là trái đạo.


Cũng từ câu kinh trên, các đấng thiêng liêng từng dạy chúng ta “Hiệp nhứt tư tưởng, thuần túy Đạo đức”.


Hiệp nhứt tư tưởng không phải buộc tất cả xoay về một ý nghĩa giống nhau, không được nghĩ khác. Hiệp nhứt những ý thức trưởng thành, những tương đổng để linh động hóa tiềm năng vô cùng của con người vốn sâu thẳm làm nét kẽ lưỡi cưa theo đúng ni đúng mực… Hiệp nhứt tư tưởng có ý nghĩa rất rộng là cùng đi trên tiêu chuẩn giống nhau theo chủ thuyết “Thuần túy đạo đức” của đấng Chí Tôn đã dạy.


Thuần túy đạo đức được mô tả trong hình dạng trung hòa không thiên lệch, thể theo lòng Trời mà phát tiết ra hành động. Thuần túy đạo đức không phải tách rời mọi hoạt động xã hội mà là hòa nhập vào xã hội để phát huy giá trị đạo đức của Tôn giáo trong sinh hoạt xã hội thường ngày.


Hiệp nhứt tư tưởng để tiến đến thống nhứt lý tưởng thực hành đạo đức thuần túy, bước đầu ta cố gắng thực hiện những câu khấn nguyện của ta với đấng Chí Tôn mỗi ngày bốn lượt sau khi niệm kinh:


Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai: Lời ký hứa để thực hành cụ thể, không đợi quyền năng vô hình làm thay.


Bởi đạo lý Hư vô bàn bạc trong không gian và tất cả đều hấp thụ sự sinh tồn bởi đạo. Cái đạo vĩ đại vô cùng, vô tận chúng ta không thể hiểu hết được.


Lời nguyện Đại Đạo hoằng khai của chúng ta xuất phát từ nơi chí thành, chí kỉnh tận nơi đái lòng tín ngưỡng. Muốn đem Đại Đạo đưa ra cho thiên hạ tất phải qua trung gian thiên hạ tức là con người. Đó là những Thiên mạng có trách nhiệm thay Thầy hành đạo, trách nhiệm đó không chỉ riêng cho hàng Thiên phong Chức sắc mà là việc chung của cả chư môn đệ Chí Tôn, bất cứ ai có tâm thành vì đạo, có nhận thức đạt được lý đạo đều là nhân tố hoằng khai Đại Đạo bất cứ hình thức nào.


Hoằng khai Đại Đạo không chỉ tuyên truyền rao giảng, mà tự bản thân người Thiên phong, Tín hữu toát lên được những cơ bản Đạo đức Tôn giáo, thì xã hội mới thấy được chân giá trị của nền đạo. Người xưa có bảo “Ngôn giáo bất như thân giáo” thực chí lý ta rao giảng thật nhiều về đạo mà bản thân ta chưa có đạo thì không hiệu quả, mà cụ thể hơn hết là bản thân mình trong mọi hoạt động nên làm Đạo đức chân chánh, làm tiền đề cho Đạo đức Tôn giáo.

Đạo đức là đầu mối sinh hoạt xã hội, đối với bản thân không hủy hoại tinh thần hay thể xác, vì nó là tinh anh của Tạo hóa ban cho, đối với gia đình phải thật sự xứng đáng với vị trí của mình, vì đó là đơn vị của xã hội, đơn vị của Tôn giáo,. Đối với xã hội, lấy Nhân, Trung, Nghĩa xử thế tiếp vật. Người sống có đạo đức, không có những oán thù trong cuộc sống, không kỳ thị mà luôn có tình thương và ban bố tình thương, không cầu phước mà luôn thực hành ban phước… Từ đó đem chân truyền pháp nhiệm của Chí Tôn đưa vào cuộc sống, chúng sinh tiếp nhận để trở lại lẽ sống tự nhiên của nhân bản, của Chơn như.


Thiên nhiên là Đạo, “Dưỡng dục quần sanh thống ngự vạn vật”. Nhựt – Nguyệt, Âm – Dương, mưa nắng điều hòa để cho sự sống trên quả đất quân bình, cái Đạo của trời đất rất êm đềm, lặng lẽ mà rất huyền diệu nhiệm mầu, chúng ta nguyện hoằng khai Đại Đạo tất phải hành động theo đúng cái Đạo của trời đất, thể hiện Công bằng, Từ bi, Bác ái trong êm đềm lặng lẽ mà rất ích lợi cho nhân loại xã hội. Hoằng khai không phải quảng cáo phô trương hoặc làm phép lạ để kích thích tò mò, mà phải đưa lẽ thật Đạo lý siêu nhiên, tự nhiên và Đạo đức Tôn giáo đi vào đời sống thật sự.


Nhì nguyện phổ độ chúng sanh: Nói chung tất cả mọi vật có sự sống tại mặt đất từ tế vi đến bậc cao nhất là con người. Phổ độ chúng sinh thì phải tận dụng quyền năng nhân bản của mình đối với mọi vật, mọi người, không tàn hại bất cứ vật gì, cần phải ban bố tình thương theo đức háo sanh Thượng Đế, phổ độ không phải rù quến, bắt ép hoặc tranh thủ giành giựt nhiều người theo Tôn giáo mình cho đông đảo, cũng không phải thu mình trong vỏ ốc chờ đợi huyền linh thiêng liêng, mà cần phát huy nội lực, phát huy đạo đức, làm cho chúng sinh nhận thức được đạo đức vốn chân chính của Tôn giáo qua sinh hoạt đạo đức bản thân, được xã hội  nhìn nhận vào đánh giá cao, từ đó mới có tự giác về với Đạo lần đưa xã hội đến Chân, Thiện, Mỹ, nếp sống sẽ được đạo đức văn hóa, muốn phổ độ chúng sinh mà tự bản thân ta giữ chưa tròn pháp giới, còn tham, sân, si, tật đố, Đạo đức thể hiện chưa đầy đủ, chưa thật sự chân chính, hòa thuận thương yêu nội bộ chưa tốt, thì vấn đề phổ độ chúng sinh không hiệu quả, trái lại còn làm cản ngại đức tin, niềm tin của chúng sinh, có tác hại lớn lao về giá trị Tôn giáo, vì chúng sinh sẽ đánh giá thấp về cái đạo…


Tam nguyện xá tội đệ tử: Xin xá tội đệ tử trong đó có mình. Nhưng khi xưng tội phải biết mình đã phạm tội gì, sau khi xưng tội tất phải chừa tội.


Thường thì trong cái ích kỷ hẹp hòi của chúng ta luôn muốn được trên xá tội cho mình, nhưng không bao giờ tha thứ lỗi lầm cho người khác. Nếu bản thân mình muốn được xá tội, thì hãy tha thứ tất cả những lỗi lầm bất cứ ai đem đến cho mình, để tâm hồn của mình được nhẹ nhàng thư thái.


Các Giáo chủ đời xưa đều có dạy: “Từ bi, hỉ xả cho chúng sinh” Hay là: “Nhẫn, nhẫn, nhẫn, oan gia trái chủ tùng thử tận. Nhiêu, nhiêu, nhiêu thiên tai vạn họa nhất đề tiêu” Hoặc “Nếu các ngươi tha lỗi cho người ta , thì cha các ngươi ở trên Trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi”.


Thiên Thượng chí công, không vì đa lễ cầu xin mà được phúc, không vì thiếu lễ thiếu cầu xin mà buộc tội, tội lỗi do chính mình gây nên ràng buộc cho mình, cần phải tự mình mở dây ràng buộc, bằng cách xá tội cho anh em mình, mở rộng tình thương, nâng đỡ cho chúng sinh trên đường tấn hóa đó là cái đức hạnh đầu của môn đệ Chí Tôn. Xin xá tội cho mình mà khư khư buộc tội người khác là ích kỷ hẹp hòi, trái lời cầu nguyện, chưa đủ tư cách là môn đệ Đức Giáo chủ Cao Đài.


Tứ nguyện thiên hạ thái bình: Nội dung của ba câu trên gần như giải đáp câu nầy khá rõ. Muốn cho thiên hạ thái bình thì bản tâm mỗi con người có thái bình trước. Trong khi bản tâm của ta còn chứa nhiều thị dục, tham lam, si mê, ái ố, chấp ngã… phát xuất từ hành động xấu cho xã hội thì lời nguyện không đạt.


Chơn như bất động, tự lòng phải thanh tịnh bình thản trước mọi sự việc, không cố chấp, không vương vấn hoàn cảnh bởi nhân tâm quanh mình. Thái bình được xuất hiện từ nội tâm của mỗi con người và nhân rộng ra quảng đại nhân sinh tác động vào xã hội, mỗi người có được tâm định, bình tĩnh thì thái bình sẽ đến. Thiên hạ thái bình không dễ có, bởi nhân tâm xã hội. Tuy nhiên là môn đệ Chí Tôn, phát tâm cầu nguyện thiên hạ thái bình, thì tự nơi mình phải thật sự có thái bình trong tâm linh bằng sự chí thành, chí kỉnh với thiêng liêng và với xã hội.


Ngũ nguyện Tịnh, Thất an ninh: Ở đây tôi không nói Ngũ nguyện Đại Đạo Quy Nguyên, vì có nội dung và ý nghĩa khác.


Câu nguyện nầy mới nghe qua sẽ ngạc nhiên, tại sao Đạo Cao Đài chủ trương đại đồng nhơn loại, mà chỉ cầu nguyện riêng cho một đơn vị của mình yên lành mà thôi?


Thực chất đây là Đạo lý, Tam Đài Thánh Tịnh là Thánh Thể Chí Tôn tượng trưng Kiền Khôn Vũ trụ guồng máy Đại Đạo, Thánh thể siêu nhiên đó phải được bình yên, thì Kiền Khôn mới an tịnh, mới giữ gìn được bửu vật của Trời, Đất và của con người. Kiền Khôn an tịnh nhơn loại mới bình yên, phong hòa vũ thuận cuộc sống mới có an cư lạc nghiệp. Cụ thể hơn, một đơn vị của Đại Đạo bị mất an ninh nội bộ sẽ ảnh hưởng lớn cho nền Đạo, một bộ phận trong cơ thể bị đau thì toàn thân không khỏe mạnh.


Do vậy, tình thương yêu đoàn kết, đức độ lượng khoan dung và tha thứ lỗi lầm cho nhau là đầu mối cho an tinh Tịnh, Thất. Nếu chưa thật sự đoàn kết thương yêu Tịnh, Thất còn nhiều rắc rối nội bộ do chấp ngã tranh đấu, Tịnh, Thất chưa an ninh thì bốn câu nguyện bên trên hoàn toàn vô nghĩa, xem như là lừa dối Chí Tôn, trở thành con vẹt học nói mà không biết mình nói gì, trái lại còn tác hại to lớn đối với công cuộc mở Đạo độ đời của Chí Tôn, vì nền Đạo bị chúng sinh phê phán, xem nhẹ, đánh giá thấp.


“Tạo chúc cầu minh, đọc kinh cầu lý”. Chúng ta tụng kinh không chỉ kể lại thành tích Đạo đức của các Sư, Tổ để kính phục, cũng không phải tụng đọc để các đấng chấm công, hoặc đọc nhiều lần, nhiều ngày để đạt thành chánh quả. Cái sâu xa trong tụng kinh là tìm hiểu các đấng dạy gì để ta làm theo lời dạy đó, công phu là định tĩnh lắng lòng, kiểm điểm sinh hoạt của mình những điều đúng, điều sai để sửa chữa.


Kinh Cao Đài Ơn trên dùng chữ Việt, tiếng Việt, đặc biệt là ngôn ngữ của cư dân đồng bằng Nam Bộ, phổ vào thơ văn điệu lý dễ nghe, dễ hiểu, khỏi chờ đợi thích nghĩa. Mỗi ngày bốn lược chúng ta quỳ trước Đức Giáo Chủ vô vi niệm kinh, đầu đề là “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”, kết đề là “Ngũ nguyện Tịnh, Thất an ninh”, là những ký hứa trong chân thành tín ngưỡng, thực hiện tốt được những điều hứa đó thì đã hoàn thành một phần lớn sứ mạng của mình, đã trở thành Giáo sĩ truyền đạo hay là Sứ giả thái bình nhơn loại, khỏi phải đi tìm cái gì đó xa xôi, cao vợi và cũng không chờ đợi phép mầu nào từ vô vi ban đến, hoặc các đấng thiêng liêng sẽ làm thay cho mình.


Thiên kinh vạn điển bất quá hồi thiệt được gợi lại trong câu kinh:

“Làm người nhơn nghĩa xử tròn, Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa”


Cuối bài, tôi xin trích một đoạn Thánh ngôn của Đức Tôn Sư Đông Phương Chưởng Quản dạy về Đạo như: “Chư hiền đệ, hiền muội ý niệm như vậy thì tư tưởng mỗi người đều đồng nhứt theo đó, nếu sai một ly sẽ đi xa ngàn dậm.


Đường lối hướng về lý tưởng hay Mục đích của Đại Đạo là đem đạo cứu đời lập lại đời thuần lương Thánh đức nền tảng cốt yếu là như vậy, chớ thật sự không ngoài câu “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ” hoặc “Nhất trí bách lự”, nghĩa là con người cùng về một điểm giống nhau, bằng những đường lối khác nhau và cùng đạt tới sự hiểu biết duy nhứt, bằng những ý nghĩ suy gẫm khác nhau.


Bần đạo nói khác nhau, đây là những đường lối tạm mượn chớ không phải khác nhau về Tư tưởng, Tôn chỉ nêu trên”.


Thi

“Đâu là qui hiệp vạn tông môn,

Về một ngôi nhà của Chí Tôn.

Để Đạo, đời đây không nhạc sắc,

Cho người kia chẳng lạc linh hồn.”


Đạo là những gì sẵn có nơi mọi người, là những phép tắc khai triển nó ra để tự cứu rỗi, bảo mọi người cùng “làm theo đúng Đạo” để tự cứu lấy họ, chứ đạo không phải là đạo nầy, đạo nọ, hay đời nầy là cái gì không thuộc về đạo đâu. Đời là một kiếp sống đầy ảo vọng, thế thường hạn định trăm năm đó chư đệ muội.


Bần đạo ban ân chư hiền đệ, muội”…


Sau đây tôi xin đọc lại một bài kinh rất đầy đủ ý, ngôn ngữ cư dân Nam Bộ và tinh thần dân tộc trong chí thành tín ngưỡng.


Nghe lời khuyến thiện rất may,

Nguyện lòng niệm Phật ăn chay, làm lành.

Ngày ngày tập sửa tánh thành,

Đêm đêm tự tỉnh tu hành ăn năn.

Một là hối ngộ tội căn,

Hai là cầu đặng siêu thăng Cửu huyền.

Đương sanh hạnh hưởng phước duyên,

Trong nhà già trẻ miên miên thái bình.

Sau dầu đến chốn diêm đình,

Linh hồn trong sạch nhẹ mình thảnh thơi.

Luân hồi trở lại trên đời,

Tiền căng thì cũng Phật, Trời thưởng ban.

Cầu xin trăm họ bình an,

Nước giàu dân mạnh thanh nhàn muôn năm…

 

Hiến Pháp Huệ Chơn

Tạp Chí Cao Đài, Niên Đạo 87, Số 10 (07/2012), tr.25-28.