Kiến được Phật tâm thì liễu sanh tử

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1067 | Cật nhập lần cuối: 9/12/2021 11:15:31 AM | RSS

. . . 9.- Tuồng ảo hóa đầy vơi biển khổ,
Chán chường rồi tỉnh ngộ quày chân.
Biết ra là giấc mộng trần,
Men đường giải thoát, thiên chân cội nguồn.

10.- Đạo vô vi luôn luôn còn mãi,
Đời vô thường bởi tại hình danh.
Vô cầu chứng quả vô sanh,
Lòng mà Vô-Niệm chứng thành như chơi.
(Bát Nhã Thiền Sư, Minh Lý Đạo, trích bài Chữ Tâm)

***

Kiến được Phật tâm thì liễu sanh tử. . . "Vào vòng hiểm họa chúng sanh đồng phải thọ nạn tập thể như nhau. Những kẻ nhiều tội ác thì tất phải thọ quả ác. Người lương thiện thọ nạn như vậy tức là thọ phước. Vì sao? Vì những kẻ tội ác hiểm độc, nếu chết là hiểm nạn, chết là khổ não,chết là thoái hóa, chết là mất mạng, mất lộc, mất lợi, mất thân, mất thể.

Người hiền lương sống thường tu tạo phước đức, chết là hủy khổ sanh lạc, chết là chuyển nữ sanh nam, bần khổ sanh phú quý; nếu tướng mạo thô ác xấu tật , lại chuyển sanh tướng hảo, căn trí hạ liệt chuyển sanh nhà tôn quý, được gần gũi thiện nhân, học thông đạo lý thành bực đa văn.

Vậy lúc thọ hiểm nạn tuy đồng, vì khổ lạc đều khác hẳn, tất chẳng có gì là oan cả." (Đức Quan Âm Bồ Tát dạy trong quyển Quan Âm Phổ Chiếu Pháp Bảo Tâm Kinh)

“Như vậy, khi nhận và sống được trọn vẹn bằng Phật tâm thì trong tất cả mọi lúc, mọi nơi, mình đều thanh thoát, nhẹ nhàng, an lạc, còn gì trói buộc. Ngay khi còn sống trong cõi đời mà con người cho là đau khổ, là phức tạp mà mình vẫn an lạc, thanh thoát, nhẹ nhàng.

Rõ được cuộc đời thì không bị cuộc đời trói buộc, như vậy là liễu được sanh. Nếu hàng ngày thảnh thơi thì khi chết có bị níu kéo, có buồn đau hay vướng víu gì không? Nếu khi sống lo cho cái nhà sao cho đẹp thì khi chết tâm bị vướng kẹt dứt không đành. Còn hàng ngày tâm không vướng bận một điều gì thì khi nhắm mắt, vật nào mà có? Tâm không một vật thì an nhiên ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thoát.

Hàng ngày trong cuộc sống không bị hoàn cảnh chi phối, đó là liễu sanh. Khi chết không có gì vướng víu mà an nhiên giải thoát, đó là liễu thoát, là thoát tử. Như vậy, nguyên nhân được liễu sanh, thoát tử là do chúng ta nhận ra và sống trọn vẹn bằng Phật tâm chính mình. Đây cũng chính là chỗ chư Phật, chư Tổ dạy “Kiến Phật liễu sanh tử”.

Chư Phật, chư Tổ giải thoát sanh tử không ngoài việc nhận và sống bằng tâm Phật. Cho nên, nếu mình thấy được Phật tâm, nhận được Phật tâm và sống trọn vẹn bằng Phật tâm một cách liên tục thì sẽ có sức mạnh. Đó chính là năng lực làm cho cuộc đời này không chi phối được mình. Không chi phối chính là mình làm chủ được sanh tử, giải thoát được sanh tử. (https://truclambachma Thầy Tâm Hanh.net/.../238-kien-phat-lieu-sanh-tu...)

Theo thánh giáo Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, người tu trong Tam Kỳ Phổ Độ có thể hiểu cái “Phật Tâm chính mình là “ Cao Đài Nội Tại” :

“Đấng Chí Tôn, luôn luôn ngự trong tâm thanh tịnh của chư đệ muội. Phật thánh tiên luôn luôn hộ trì, chỉ cần chư đệ muội công phu tu tập cho thật dũng mãnh sáng suốt, dầu đạo pháp ở cấp bực nào cũng có thể tu chứng được.

Chư đệ muội hãy giữ Cao Đài nội tại cho thật vững vàng thì không sợ gì bị sa đọa trầm luân.

Ai chưa xây đắp Cao Đài thì hãy xây đắp. Ai chưa tìm thấy Cao Đài thì hãy tìm thấy. Ai chưa gõ cửa Cao Đài thì hãy gõ cửa, vì Cao Đài là tâm của vũ trụ, là thần, là gốc của con người. Cái có tên mà không tên, vì muôn loài vạn vật ra bởi đó, mà đó không bởi đâu sanh.

Chính tên Cao Đài cũng chỉ tạm mượn để chỉ cái gốc của con người cao quý nhứt mà con người gọi là tâm linh, là Nê huờn, là Ngọc châu viên giác, Liên hoa cung.

Lão phân như vậy để chư hiền đệ muội vững vàng trước sứ mạng hiện hữu của chính mình mà làm tròn trách nhiệm thiên ân.

Xây đắp được Cao Đài nội tại và vào đạo pháp đã có thì đâu đâu cũng là chùa, là thất của chư đệ muội. Mỗi người đều là huynh tỷ đệ muội đồng bào, hà tất phải lo chi đến điều tồn vong đắc thất của hình tướng nữa.”

“Tuy nhiên, Thiên ý và nhơn tâm hòa hợp thì còn, mà sai thiên ý, loạn nhơn tâm thì mất.

( Đúc Như Ý Đạo Thoàn Chơn ơn,(http://www.nhipcaugiaoly.com/post?id=18)

“Những người tu theo Chánh Pháp Đại Đạo trong buổi Tam Kỳ cần ý thức sâu xa, đừng thiên đừng chấp một chỗ một bên, mà lòng trở thành chướng ngại hạn hẹp, nhỏ nhen, thiếu lượng từ bi thì sao thấy được “tánh” mà thành được Đạo.

Kẻ hướng đạo người tùng pháp vượt ngoài lẽ tương đối mà nhập với đại trung đại nhứt, thì gọi là giải thoát; mà chưa vượt khỏi cặp mâu thuẫn kia thì đành muôn thuở lăn quay trong lẽ tiêu tức dinh hư, mãi mãi lên xuống nổi chìm, tử sanh ràng buộc trong biển khổ não phiền mờ mịt, trong vòng thức giác vô minh, làm sao thấy được chơn tâm tự thể mà lên bờ giải thoát.” (Long Hoa Giáo Chủ, Huyền Quan Đàn, Tuất thời, ngày 01/01-Bính Thìn, thứ Bảy, 31.01.1976 - Đại Đạo 51)

Thiện Chí
Nguồn: nhipcaugiaoly.com