Ký sự truyền giáo Âu châu năm 2012: Áo và Pháp

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 545 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Bài  I.   THUYẾT TRÌNH ĐẠO CAO ĐÀI TẠI VIỆN ĐẠI HỌC WIEN  (Áo Quốc)

           

 Suy tư về một chuyến đi truyền giáo ở Châu Âu


Triền miên suy nghĩ, máy bay của  hảng hàng không Austrian lăn bánh lúc nào tôi không hay. Mãi đến khi cô tiếp viên đến bên tôi khẽ gọi cài dây nịt an toàn, tôi mới chợt nhớ là máy bay sắp rời phi đạo. Lúc đó là 6 giờ 35 phút, chiều ngày thứ sáu 22 tháng 3 năm 2012, tại phi trường quốc tế Washington Dulles Airport Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ trực chỉ đi đến Viện Đại Học Wien (Vienna), ở Thủ đô Wien (Vienna) của nước Áo (Osterreich - Austria - Autriche) để thuyết giảng về Đạo Cao Đài.


Đây là lần đầu tiên, một Phái đoàn truyền giáo Cao Đài thay mặt Hội Thánh Cao Đài TTTN lảnh nhiệm vụ truyền bá Đạo Cao Đài ở Hải ngoại, với sự hướng dẫn của một chức sắc Hội Thánh là Lễ sanh Ngọc Cảnh Thanh. Trước kia, khi Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại còn hoạt động (1998-2006), cũng do Vị Trần Quang Cảnh hướng dẫn, với tư cách là Hội Trưởng Hội đồng Đại diện CQTGHN, nhưng nay với cương vị là một Đạo hữu. Phái đoàn truyền giáo Cao Đài đã đi đến nhiều nơi trên Thế giới, để thuyết giảng Đạo Cao Đài và đã được đón tiếp nồng hậu - hoặc được mời đến để thuyết giảng mà CQTGHN không có ngày giờ để đến với Họ - như ở các Đại Hội Tôn giáo thế giới, các Trung Tâm nghiên cứu Tôn giáo thế giới, các Viện Đại Học, các tổ chức về Thần Linh học ...,  nhưng chỉ được  coi như một cơ chế truyền giáo của một số tín đồ Cao Đài ở Hải ngoại, tự nguyện thành lập. Về bản chất pháp lý, cơ chế nầy không là đại diện cho tôn giáo Cao Đài, với cái nhìn khách quan của các cơ quan tôn giáo Thế giới nầy.  Vì thế mà Đạo Hữu Trần Quang Cảnh ngày nay hướng dẫn Phái đoàn Truyền giáo cần thiết phải có cương vị một chức sắc của Hội Thánh, và Phái đoàn truyền giáo bây giờ là Phái đoàn Truyền giáo của Hội Thánh Cao Đài TTTN, để đáp ứng nhu cầu truyền giáo hải ngoại đòi hỏi.


Chính những điều kiện nầy làm tôi băn khoăn trăn trở trong suốt cuộc hành trình, và còn ngay cả vài ngày trước khi lên đường. Chúng tôi thực hiện lời dạy của Đức Chí Tôn là truyền bá Đạo Cao Đài ra khắp thế giới. Đó cũng là tâm nguyện của mọi tín đồ Cao Đài.  ĐCT đã dạy: " Phải có một giáo lý mới mẻ mới mong kềm chế nhân loại trong sự thương xót chúng sanh", theo tôi, đó chính là giáo lý Cao Đài. Ngày nay, thế giới đang chìm đắm trong chiến tranh và bạo lực, khắp hoàn cầu tràn ngập thù hận vì  kỳ thị chủng tộc và phân chia  tôn giáo, không ít con người trở nên tàn ác vô luân, mất tính người. Thế giới đang tìm kiếm một phương thuốc khả dĩ trị được căn bệnh trầm kha đó. Họ hướng về giáo lý Cao Đài. Đó là trường hợp Giáo sư Tiến Sĩ Kazi  Nurul Islam, Khoa trưởng Phân Khoa Tôn giáo đối chiếu, thuộc VĐH Dhaka, Bangladesh. Đó cũng là trường hợp của Giáo sư Tiến Sĩ Lukas Pokorny, Giáo sư thuộc VĐH Vienna (Áo), và Viện Đai học Aberdeen  ở Scotland Tô Cách Lan (Anh), hoặc Giáo sư Tiến sĩ Joe Hobbs, thuộc VĐH Missouri, ở TP Columbia (TB Missouri - Hoa Kỳ), và nhiều vị khác nữa. Họ đã từng qua viếng Tòa Thánh Tây Ninh để nghiên cứu về Đạo Cao Đài, và đã ân cần mời một Phái đoàn Truyền giáo của Hội Thánh Cao Đài sang thuyết giảng Giáo lý Cao Đài cho các sinh viên của họ nghe. Xin ghi nhớ Thánh giáo: "Tòa Thánh là cội nguồn" và "Chi chi cũng do Tây ninh nầy mà thôi". TTTN là của Đạo Cao Đài chớ không của một nhóm người nào. Xa lìa TTTN là xa lìa Đạo.


Theo tôi, đây là thời cơ thuận lợi để phổ biến giáo lý Cao Đài khắp thế giới, để làm tư tưởng chủ đạo cho con người trên hành tinh nầy, mà tôi nghĩ có thể tóm gọn trong lời dạy của ĐCT, là: "Nhân loại là một, một về tôn giáo, một về chủng tộc, một về tư tưởng". Đạo Cao Đài  kêu gọi tạo dựng một thế giới Đại đồng  trên hành tinh nầy, vì  toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, giống tính, giàu nghèo, sang hèn ... đều do từ Thượng đế mà ra cả, nên tất cả đều bình đẳng, và các tôn giáo đều do Thượng đế lập ra, tùy trình độ văn hóa mỗi địa phương mà giáo đạo, nay đã đến lúc trở về nguồn cội ban đầu để khỏi sanh nghịch lẫn nhau. Đây là thần dược chửa bệnh tương sát tương tàn hiện nay trên hành tinh nầy. Việc truyền bá Đạo Cao Đài  ngay bây giờ,  như vậy đã có đủ 2 yếu tố là Thiên Thời và Địa Lợi. Chỉ làm sao có được yếu tố Nhân Hòa.


* Làm sao có được Nhân hòa?


Yếu tố Nhân hòa không khó đạt được, nếu chúng ta ghi nhớ lời dạy của ĐCT: "Đạo là Đạo, còn Chánh trị là Chánh trị. Các con chỉ vì Đạo, là phận sự các con, các con cũng chỉ biết Đạo mà thôi ". (TG ngày 5-2 năm Đinh Mão, dl 8-3 -1927, ĐSNK1, trg 349), và " Chánh trị với Đạo chẳng buổi nào liên hiệp cùng nhau. Thầy nói ít, các con hiểu nhiều". (TG ngày 15 tháng 9 năm Bính Dần TNHT trg 45). Cơ Đạo đã tan tác 37 năm rồi, đã đến lúc phải xây dựng lại. Xin hãy xóa bỏ hết mọi định kiến chính trị, để lo việc Đạo. Đã đến lúc mọi người tín đồ Cao Đài đoàn kết nhau để phổ truyền nền Đại đạo khắp năm châu. Tôi không nghĩ rằng tình hình chính trị trong nước biến chuyển sẽ tạo sự biến chuyển trong cơ đạo, rồi lớp người lãnh đạo Hội Thánh hiện nay phải ra đi, và một lớp người khác ở trong nước hoặc ở hải ngoại  sẽ lên thay thế, để tạo dựng lại cơ đạo theo đúng Pháp Chánh Truyền (PCT) và Tân luật (TL). Đây chỉ là "đường đi không đến ". Nếu chuyện đó có xảy ra thì tình hình đạo sự sẽ xấu hơn, cơ đạo sẽ rơi vào tình trạng vô tổ chức  do tinh thần chủ quan, phe nhóm, cục bộ, mỗi người một ý, sẽ đi đến tình trạng "sứ quân" trong cửa đạo. Cơ đạo lại một lần nữa bị xé ra nhiều mảnh, chống đối nhau, phỉ báng nhau, làm sao truyền bá đạo cho người ngoại quốc?


            Theo tôi, thời nào thế nấy, hoàn cảnh nào con người nấy, mỗi người đều có vai trò do ĐCT sắp đặt trước, để giữ gìn cơ đạo cho hợp với hoàn cảnh chính trị lúc đó. "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", là lời truyền khẩu trong dân gian, để nhắn nhủ con người xử thế sao cho hợp tình, hợp lý, mà vượt qua các trở ngại. Cơ đạo sẽ biến chuyển từ bước một, không thể một sớm một chiều trở lại như lúc mới lập Đạo, mà phải qua quá trình lâu dài đầy gian lao và nghị lực của những vị chịu trách nhiệm trước Đức Chí Tôn (ĐCT) mà giữ gìn cơ nghiệp của Đạo. Đức Thái Thượng Đạo Tổ đã dạy: "Nền Đạo chinh nghiêng, ấy cũng do Thiên định. Nước có trị loạn, đời có hưng vong, thì Đạo tất phải dùng thẳng quanh co, rồi mới đến thẳng rẳng đường ngay mà lập nên thể thống" (TG ngày 16 tháng 7 năm Giáp Tuất (1934). Những người chỉ trích công việc làm của Hội Thánh hiện nay, nếu tự đặt mình vào cương vị đó, sẽ phải lèo lái con thuyền đạo ra sao, trong hoàn cảnh hiện nay?


            Theo tôi, như Thánh giáo đã dạy: "Còn một mặt tín đồ, cũng còn quyền Hội Thánh". Hội Thánh là hình ảnh thiêng liêng bất tiêu bất diệt, do ĐCT lập ra, là hình thể ĐCT tại thế. Trở về với Hội Thánh là trở về với ĐCT, với Đạo, chớ không phải quy tùng một nhóm người nào. Họ chỉ đang thừa hành lệnh ĐCT mà điều hành Hội Thánh, và giữ gìn nghiệp Đạo. Lớp người nầy rồi sẽ ra đi, lớp người khác sẽ thay thế, Hội Thánh vẫn là Hội Thánh. Nhưng trở về với Hội Thánh không dễ dàng, nếu không tách định kiến chính trị ra khỏi Tôn giáo. Đây là vấn đề thời gian. Tôi nghĩ những người chống lại Hội Thánh hiện nay, đứng ở một góc cạnh nào đó của nhãn quan chánh trị, sẽ không có gì đáng nói. Mỗi người có một suy nghĩ riêng, đó là chuyện thường tình. Nhưng nếu đứng trên sự tồn vong hưng thịnh của nền Đạo chúng ta, theo Thánh giáo đã vạch ra, theo tôi, nên dừng lại mọi sự bất đồng, để tạo 2 chữ Nhân hòa.     Đạo Cao Đài hiện nay là đối tượng nghiên cứu của Thế giới, ứng với lời tiên tri "Đạo thành từ bên ngoài", cần phải từng bước xây dựng lại theo đúng PCT và TL  để phổ biến mối Đạo Trời, chớ không phải phá hủy đi để xây dựng lại từ đầu, như thế, e rằng không còn thời gian để đáp ứng nhu cầu truyền giáo hải ngoại. Đức Thái Thượng Đạo Tổ đã dạy: "Cơ Trời mầu nhiệm đối với đời mà máy Thiên cơ đối với Đạo, lại càng huyền vi thâm trọng hơn nữa, có lẽ tâm phàm dầu cao kiến đến đâu cũng chưa đạt thấu được". Mọi việc đều do Thiên cơ xoay chuyển, chúng ta cứ việc làm vì theo Thánh giáo, "mọi việc Thầy đã định trước ", và "các con muốn điều chi thì Thầy đã định rồi", và cũng theo Thánh giáo "Sứ giả của ĐCT đã có mặt ở khắp mọi nơi trên Thế giới". Phần chúng ta, theo tôi,  chỉ cần 2 chữ "Nhân Hòa". Nhưng làm sao đạt được 2 chữ Nhân Hòa đó, khi mà chính chúng tôi cũng đang băn khoăn  lo lắng là việc gì sẽ xảy ra sau khi chúng tôi về lại Hoa Kỳ? Mong rằng quý Huynh tỷ đệ muội khắp nơi cũng đồng ý với chúng tôi về yếu tố Nhân Hòa, để  suy xét việc làm của chúng tôi một cách cởi mở hơn. Chúng tôi chỉ là những người gieo hạt giống quý, để thế hệ nối tiếp, có thể vài thập niên sau, sẽ tiếp tục vung bồi và thâu thập kết quả. Tất cả chúng ta chỉ vì tương lai của Đạo, dù có quan điểm khác nhau, chỉ vì ở vị thế khác nhau, không thể quên câu " cùng nhau một Đạo tức một cha", mà chống đối nhau, nhục mạ nhau. Đúng hay sai sẽ do Thiêng liêng phán xét, tâm phàm chưa đạt thấu được, như lời dạy của Đức Thái Thượng Đạo Tổ.


            Mãi suy tư về 2 chữ "Nhân Hòa", tôi đã không để ý bản đồ trên TV nhỏ xíu trước mặt cho thấy chiếc máy bay Austrian chở chúng tôi đã vào không phận nước Pháp, nghĩa là chỉ còn non 2 giờ nữa, máy bay sẽ đáp xuống phi trường Wien (Vienne - Vienna). Các cô tiếp viên đem khăn cho khách lau măt, để chuẩn bị cho buổi ăn sáng. Chúng tôi đã vượt qua Đại Tây dương trong suốt đêm trường. Bây giờ là 7 giờ sáng, giờ địa phương nơi máy bay đi qua. Tôi uống vội ly cà phê viennoise. Giờ nầy, ở Thủ đô Washington đã quá khuya, quí Huynh Tỷ đang an giấc, và ở Cali, mới vào khuya, quí Huynh Tỷ bắt đầu đi ngủ, còn chúng tôi đang bắt đầu đến nơi miền xa lạ để  chuẩn bị đảm nhận một trách nhiệm không nhỏ đang đè nặng tâm tư chúng tôi. Chúng tôi đã ra đi trong âm thầm lặng lẽ, và  mong muốn lúc trở về Hoa kỳ cũng trong lặng lẽ, với tấm lòng bình thản, nhẹ nhàng cũa những người đã làm xong một sứ mạng thiêng liêng.


            Wien (tiếng Đức)! Vienne (tiếng Pháp)! Vienna (tiếng Anh)! đang hiện ra dưới bầu trời trong sáng của buổi sáng tinh sương của một thành phố miền trung Âu châu, trải dài  ở hai bên  bờ  dòng sông Donau (Danube) hiền hòa thơ mộng, mà theo thời gian nước lúc nào cũng xanh, là nguồn cảm hứng của  nhạc sĩ thiên tài Johann Strauss II  viết nên bản nhạc "Beau Danube bleu" bất hủ, để gói ghém mối tình lảng mạn của ông, như đi theo con tàu xuôi dòng sông Danube rồi không bao giờ trở lại.


            Chiếc Austrian đáp xuống phi trường  Wien lúc 8giờ 55 phút sáng ngày thứ bảy 23- 3- 2012. Bầu trời Wien xanh ngắt rất đẹp. Ánh nắng vàng nhạt chan hòa của cảnh trời đầu Xuân ở Âu châu,  như muốn đón chào  đoàn khách phương xa. Thời tiết  chỉ hơi se sẽ lạnh, dịu dàng làm mát lòng người, không như cách 2 tuần trước, sông Danube thơ mộng bị đóng băng, và thời tiết lạnh giá, tuyết phủ dày đặc khắp  Âu châu. Có lẽ ĐCT đã hộ trì cho phái đoàn chúng tôi.


* Sarah  Schoenberger: Cô sinh viên khả ái xinh đẹp của Viện Đại học Wien


Lo xong thủ tục nhập cảnh, chúng tôi vội lấy hành lý đi ra cổng phi trường Wien (Vienna). Hai chiếc "van" đang chờ chúng tôi, để đưa chúng tôi về khách sạn ở trung tâm thành phố. Cô sinh viên Sarah Schoenberger, mà chúng tôi thân mật gọi là Sarah, có nhiệm vụ tiếp đón chúng tôi ở phi trường, và là người hướng dẫn chúng tôi "đi đây, đi đó" trong những ngày ở Thủ đô Wien. Sarah khả ái, khá đẹp, là sinh viên của Phân khoa Thần học và  tôn giáo, thuộc VĐH Wien, thông thạo Anh ngữ, lẽ dĩ nhiên cả Đức ngữ là tiếng của quê hương của cô là nước Áo, và có lẽ cả Y, Pháp ngữ và tiếng Tây Ban Nha. Sinh viên ở Âu châu đều có học và thông thạo cả các ngôn ngữ nầy.


Từ phi trường đến khách sạn Boltzmann ở trung tâm thành phố độ 30 phút lái xe. Khách sạn nầy ở trong khu lưu trú của sinh viên, từ đây có thể đi bộ đến VĐH, nên VĐH đã chọn và thuê giúp cho chúng tôi, do đó tiền phòng được giảm 50%. Khách sạn nầy xinh xắn, khá đẹp, được đánh giá "4 sao" theo tiêu chuẩn ở đây. Chúng tôi vội ổn định chỗ nghỉ ngơi trong khách sạn để lấy lại sức sau gần 10 giờ dật dờ trên máy bay. Cô sinh viên Sarah cứ quấn quít theo chúng tôi hỏi thăm sức khỏe từng người, và hỏi ý kiến chúng tôi có hài lòng khách sạn nầy không, để cô nói Ban Quản lý phục vụ chu đáo hơn. 


Bổng nhiên tôi thấy buồn buồn như thiếu một cái gì. Đó là người bạn cao  quý mà  chúng tôi   mong đợi đã không đến được. Hình ảnh GSTS Kazi  Nurul Islam giờ nầy lại thiếu vắng, mà đáng lẽ ông phải  có mặt ở đây với chúng tôi, vì ông  cũng là thành viên của phái đoàn. Ông tự nguyện tháp tùng phái đoàn truyền giáo Cao Đài, để đến VĐH Wien giải thích tại sao ông đem môn Tôn giáo Cao Đài giảng dạy ở VĐH Dhaka, Bangladesh, để khuyến khích  VĐH Wien giảng dạy môn Tôn giáo Cao Đài ở đây. Ông đi riêng một mình từ Bangladesh qua Wien, chuyển đổi máy bay ở phi trường Hongkong. Rất tiếc, vì giấy tờ viết sai sao đó, mà đến phi trường Hongkong, ông không được qua Áo. Xin nhắc lại, ông là Khoa trưởng Phân khoa Tôn giáo đối chiếu của VĐH Dhaka, Bangladesh, đã hướng dẫn Phái đoàn của Phân khoa nầy viếng thăm TTTN vào năm 2009, và đã đem môn Tôn giáo Cao Đài vào chương trình giảng dạy chính thức ở Ban Cử nhân của Đại học nầy, và cũng bảo trợ cho nhiều sinh viên học về Tôn giáo Cao Đài  để lấy bằng Thạc sĩ  và Tiến sĩ Cao Đài giáo. Điển hình là Giảng sư Mohammed Jahanghir  Alam đã tốt nghiệp Thạc sĩ Cao Đài giáo ở VĐH Dhaka, Bangladesh, hiện đang du học ở Việt Nam trong 2 năm để học tiếng Việt ở Trường Đại học Khoa học nhân văn, TPHCM, và nghiên cứu Đạo Cao Đài, rồi sau đó sẽ viết luận án Tiến sĩ về Đạo Cao Đài.


Ngày thứ hai 26-3-2012 chúng tôi mới thuyết trình về Đạo Cao Đài ở VĐH Wien, nên chúng tôi có 2 ngày thứ bảy và chúa nhựt rỗi rảnh. Sarah hướng dẫn chúng tôi đi tham quan thành phố và các di tích văn hóa lịch sử. Ở nơi nào cô cũng giải thích tường tận cho chúng tôi hiểu. Dân ở đây nói tiếng Đức, và viết tiếng Đức, nên Sarah lại thêm một phận sự là chọn món ăn giùm chúng tôi, vì thực đơn viết bằng tiếng Đức. Dĩa đồ ăn ở Wien rất lớn, đối với chúng tôi, phải  2 người ăn mới hết, nên phải biết, mới gọi được dĩa vừa cho một người ăn. Phương tiện di chuyển của chúng tôi là đi bộ nếu đi gần,  còn đi xa, chúng tôi di chuyển bằng xe bus, tàu điện, xe điện ngầm. Nếu không có Sarah hướng dẫn thì chúng tôi không biết  nơi nào đón xe và chuyển trạm. Vóc dáng mảnh mai, Sarah đi rất nhanh nhẹn. Lúc nào cũng thấy nụ cười trên gương mặt xinh đẹp của cô. Vui tính và hồn nhiên Sarah rất gần gủi với chúng tôi. Do đó, tôi gợi chuyện và được biết chút ít về cô.


Sarah là sinh viên Phân khoa Thần học và tôn giáo, mỗi  ngày đến trường cô phải dùng phương tiện tàu điện cao tốc, vượt qua 200 cây số. Trong thời gian hướng dẫn phái đoàn truyền giáo Cao Đài, cô ở nội trú trong VĐH. Năm nay 23 tuổi, cô đã tốt nghiệp Cử nhân văn chương về Nhật ngữ và Hàn ngữ, đã chọn đề tài về Khổng giáo ở bậc Thạc sĩ, và đã được chấm đậu ưu hạng. Như vậy, ngoài Đức ngữ và Anh ngữ,  cô còn biết cả Nhật, Hàn, Hoa ngữ. Toàn là các ngôn ngữ khó thu thập. Cô cho biết sẽ tiếp tục học lấy bằng Tiến sĩ về Tôn giáo. Tôi hỏi cô chọn đề tài gì cho Luận án Tiến sĩ của cô. Cô nói hiện còn quá sớm, nhưng chắn chắn là đề tài về tôn giáo. Tôi nói, như vậy nên chọn đề tài về Đạo Cao Đài vì từ Khổng giáo qua Cao Đài giáo rất gần. Cô lặng thinh ngó về hướng tàu điện đang đến, rồi bảo: "Chúng ta cùng lên tàu nhanh lên", như để tránh trả lời câu hỏi của tôi.


Nếu cô chọn đề tài về tôn giáo, nhất là về Cao Đài giáo, thì quả thật cô có chơn mạng. Chọn con đường tôn giáo thường rất nghèo, trong khi ở Wien có nhiều trường Đại học kinh doanh, sau khi tốt nghiệp sẽ hái ra tiền. Một sinh viên Tô cách Lan (Anh) hẹn gặp Lễ sanh Ngọc Cảnh Thanh ở Áo, để nhờ hướng đẫn viết Luận án Tiến sĩ Cao Đài giáo, nhưng giờ chót không đi được, vì không tiền mua vé máy bay. Buồn thay. Cô Sarah cũng rất nghèo, còn phải làm việc để mưu sinh. Làm sao họ có đủ tiền qua Việt Nam ở 2 năm để học tiếng Việt và học Đạo, trừ khi có vị Mạnh Thường quân ra tay bảo trợ. Rất mong lắm thay. Đức Lý Giáo Tông đã nói trước: Tòa Thánh Tây Ninh (TTTN) là nơi người ngoại quốc đến học Đạo, Ngài muốn chọn nơi khác mà Đức Chí Tôn không chịu. Như vậy, thể theo Thiên ý, rồi đây sẽ có nhiều Mạnh Thường Quân ra tay giúp đở.


Thuyết trình về Đạo Cao Đài tại Đại học Wien (Vienna).


Sáng thứ hai 26-3-2012 chúng tôi được mời vào tham quan VĐH Wien, để chiều ngày hôm đó chúng tôi sẽ thuyết trình về Đạo Cao Đài ở đây. VĐH Wien (Universitat Wien - Universtty of Vienna) xây cất theo lối kiến trúc thời trung cổ ở Âu châu, rất nguy nga và đồ sộ. Viện  Đai học nầy  được thành lập vào năm 1365, là Đại học cổ nhất và danh tiếng nhất trong các quốc gia nói tiếng Đức, và là  một trong những Đại học lớn nhất, tọa lạc tại  trung tâm Âu châu. VĐH Wien hiện nay là Đại học lớn nhất nước Áo, có gần 90 ngàn sinh viên, và 180 Phân khoa. Riêng Phân khoa Thần học và Tôn giáo có trên 2000 sinh viên. Gần 75% nhân viên của ĐH nầy là các khoa học gia và Viện sĩ. Trải qua hơn 650 năm hình thành và phát triển, VĐH Wien luôn tự hào là chiếc nôi của nhân tài thế giới. Trường có 10 Giáo sư từng đoạt giải Nobel, trong đó có 5 người đoạt giải Nobel Y học. Hiện nay, VĐH có tới 50 giảng đường, trên 100 Phòng Hội nghị, nghiên cứu chuyên đề, 20 phòng thí nghiệm, và một thư viện khổng lồ. Trường có tới 60 cơ sở giảng day đặt khắp thủ đô Wien, cũng như có mối liên kết với nhiều Trường Đại học và Trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam  . Đặc biệt,  học sinh kinh thành Wien được hưởng chế độ giáo dục miễn phí đến bậc Đại học.


Phái đoàn truyền giáo chúng tôi đến nơi được Giáo sư Tiến sĩ Hans Gerald Hoedl, Khoa trưởng Phân Khoa Thần học và Tôn giáo của VĐH Wien, và GSTS Lukas Pokorny, hiện là Giáo sư môn Tôn giáo Á châu thuộc VĐH Aberdeen ở Tô cách Lan (Scotland - Anh quốc), và cũng là Giáo sư Phân khoa Thần học và tôn giáo, tiếp đón nồng hậu. Xin nói thêm về GSTS Lukas Pokorny. Ông là người Áo, có vợ là người Việt, quê ở Hải Phòng. Ông là "Phó Giám đốc chương trình nghiên cứu học tập" của Phân khoa nghiên cứu về Á đông của VĐH Wien, có bằng Thạc sĩ về chương trình tôn giáo đối chiếu, nghiên cứu về lịch sử, triết học và tôn giáo Hàn quốc. Ông còn có bằng Tiến sĩ (Ph.D) về Triết học. Ông đang nghiên cứu về tôn giáo Á đông, chú trọng đặc biệt về vai trò của Khổng giáo đối với những phong trào tôn giáo mới tại đây. Ông đã đi tìm hiểu các tôn giáo mới ở Nhật, Đại Hàn, Trung quốc, đã đến Việt Nam để nghiên cứu 2 tôn giáo Cao Đài và Hòa Hảo. Ông đã từng viếng thăm Sài gòn (9/7/2010) rồi nhờ HH Trần Quang Cảnh giới thiệu, ông được Giáo Sư Thượng Minh Thanh hướng dẫn đi viếng TTTN, Điện thờ Phật Mẫu, núi Điện Bà, Ao Thất Bửu, Trí huệ cung, Trí giác cung, TT Bình Thạnh và TT Gò Vấp. Ông mặc đạo phục Cao Đài lúc đi thăm viếng các nơi, và đến mỗi nơi đều tham dự các thời cúng. Ông chú ý tìm hiểu về Cơ bút và Hội Long Hoa.  Có lẽ vì thích thú nghiên cứu Đạo Cao Đài, nên ở trang bìa của tập kỷ yếu giới thiệu VĐH Aberdeen (Tô cách Lan),  ông đã in hình bên trong Đền Thánh TTTN lúc đang hành lễ.