"Lo tu cứu vớt nạn đời" - HT Truyền Giáo Cao Đài

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 626 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Bài phát biểu của đại diện Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài


Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát

 

Kính thưa: Đức Hồng y, quý vị chức sắc các tôn giáo, quý đạo hữu, đạo tâm. . .

                

Người tôn giáo Việt Nam nói đến Khổ Đau thường nghĩ tới Đức Phật, với Bốn Chơn Lý hay Tứ Diệu Đế.

Trong đó, trước nhứt là Khổ Đế (chơn lý về Khổ). Sanh ra là khổ, Già lão là khổ, Bệnh tật là khổ, Tử vong là khổ.

Cái khổ do bệnh tật thì thế gian này không ai tránh khỏi.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940) mà hôm nay chúng ta đang kỷ niệm 100 năm ngày sinh là một trường hợp rất điển hình của người làm chứng nhân cho nỗi khổ đau cùng cực trong tật bệnh hiểm nghèo.

Căn bệnh của nhà thơ có thể nói là một thánh giá mà ông phải vác trong tuổi thanh xuân vắn vỏi của mình. Những cơn đau xé nát tâm hồn, tả tơi thân thể của Hàn Mặc Tử đã nhiều lần tràn trề, tươm đẵm ra trang giấy:

“Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến

Thịt da tôi sượng sần và tê điếng

Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên…”

(Hồn Là Ai)

“Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh…”

(Rướm Máu)

Nhà thơ tên thật là Nguyễn Trọng Trí, là con chiên lành của Đức Chúa Kitô, có tên thánh là François.

Ắt hẳn trong khi ôm khổ bệnh François Trí đã thuộc lòng đoạn Phúc Âm mà Thánh tông đồ Matthêu (8:1-3) chép về việc Đức Giêsu chữa lành bệnh cho một người đồng một bệnh với nhà thơ:

“Khi Ðức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Chúa. Và kìa, một người bị phong hủi tiến lại, bái lạy Chúa và nói: ‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.’ Chúa giơ tay chạm vào người bệnh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi!’ Lập tức, người ấy được sạch bệnh phong hủi.”

Chúng ta không biết đã bao nhiêu lần nhà thơ đã thiết tha cầu nguyện để xin Chúa chữa cho mình lành bệnh. Chúng ta cũng thừa hiểu rằng không những cầu nguyện với Chúa Giêsu, François Trí còn biết bao nhiêu lần thành khẩn cầu nguyện với Đức Mẹ Maria:

“Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh,

Run như run thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng...

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn

Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi,

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.”

(Ave Maria)

Có rất nhiều người bệnh nhờ cầu nguyện mà đã lành bệnh, để làm chứng nhân cho Phúc Âm, như Thánh Matthêu (17:20) đã chép:


“Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hột cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ dời qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”


Cũng có rất nhiều người tuy đức tin kiên cố và lớn hơn hột cải rất nhiều, nhưng thiết tha cầu nguyện mà vẫn không khỏi bệnh!


Không khỏi bệnh, nhưng họ vẫn nguyện cầu và không hề mất đức tin. Bởi vì không khỏi bệnh để làm chứng nhân vác thánh giá, để bưng chén đắng của mình mà chiêm nghiệm Lời Chúa: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Matthêu 26:39)


Hoặc như lời kinh Cầu cho mình lành bệnh:

Ân hóa dục linh thiêng chiếu giám,

Đức từ bi thứ giảm bệnh căn;

Nếu như tội rất dữ dằn,

Phạt thêm đau đớn nhọc nhằn cũng cam.


Kính thưa …

Trong thời đại chúng ta càng ngày càng đông hơn những người đau khổ về thể xác và tâm hồn. Là người có tôn giáo, có đức tin, để vượt qua khổ đau chúng ta thường thành khẩn và thiết tha cầu nguyện với các Đấng Thiêng Liêng để mong được chan rưới hồng ân cứu độ.


Đối với những căn bệnh ngặt nghèo, chúng ta cầu nguyện. Có thể vì một bí ẩn nào đó, cái đau khổ của thể xác bệnh hoạn không qua khỏi, nhưng chúng ta được thanh thản tâm hồn, vững vàng hơn nữa đức tin để nhẫn nại trả nghiệp quả bản thân bằng những cơn đớn đau xác thịt.


Trong đạo Cao Đài vì thế, khi đọc bài kinh “Cầu Cho Người Lành Bịnh”, có câu nguyện rằng:

Có lòng tin tưởng Phật Trời

Cứu an thân thể thảnh thơi linh hồn

Xui kẻ bệnh tâm hồn nhẫn nại

Bền chặt gìn chẳng hoại lòng thiền

Bệnh nhơn đặng mãn tai khiên

Chịu điều khổ não chẳng phiền chẳng than


Kính thưa …


Khổ bệnh chỉ là một trong muôn vàn khổ đau của kiếp người. Đạo Cao Đài cũng cho rằng thế gian là biển khổ vô vàn sóng dữ, nhấn chìm chúng sanh trong đó. Người đạo Cao Đài cũng tin tưởng mãnh liệt vào Đức Quan Âm đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn.


Do đó, những khi cầu nguyện cho mình, cho người thân, cho đồng bào bá tánh vượt qua khổ đau, người đạo Cao Đài không quên cầu nguyện Đức Quan Âm Bồ Tát:

Phổ Đà Phật Tổ Tây Phương

Quan Âm Bồ Tát bốn phương vãng tuần

Tuy cao thăm thẳm chín từng

Ai người thiện nguyện sự mừng liền ban

. . .

Trong khi xảy việc bất tường

Vương mang bệnh hoạn giữa đường có khi

Oai linh ủng hộ tức thì

Tai qua nạn khỏi bịnh gì cũng an


Khổ đau trong cuộc sống, dù ở mặt này hay mặt khác, đều là “Nghiệp Riêng” của mỗi người và đồng thời cũng là “Nghiệp Chung” của toàn xã hội mà mỗi người phải chia sẻ, gánh chịu.


Là người có tôn giáo, để “cùng nhau vượt qua khổ đau” bản thân người đạo chúng ta càng phải tu đức để đem nguyện lành hồi hướng về chúng sanh, cầu cho chúng sanh tiêu tai giảm khổ. Về mặt vô hình hay siêu hình, chúng ta nương dựa vào uy lực và đức từ bi của các Đấng Thiêng Liêng cứu rỗi.


Là người có tôn giáo chúng ta cũng tin như lời kinh Sám Hối rằng:

Điều họa phước không hay tìm tới,

Tại mình vời nên mới theo mình;

Cũng như bóng nọ tùy hình,

Dữ lành hai lẽ công bình thưởng răn.


Do đó, người có lòng tin tưởng Phật Trời xem tai họa bệnh tật, dù là bệnh tinh thần hay thể xác, đều không ngoài luật nhân quả, để nhận thấy khổ đau đến với mình như là một thử thách để mình cố gắng vượt qua bằng sự ăn năm chừa lỗi và tu đức hành thiện, như lời kinh Cầu cho mình lành bệnh:


Tỉnh ngộ rõ luật Trời linh cảm,

Khổ hình vương đâu dám thở than;

Bịnh căn biết đặng tội mang,

Tôi nguyền sửa lỗi, thệ đoan làm lành.


Về mặt hữu hình, những người có tôn giáo xin hãy cùng hợp tác với nhau trong việc thiện để chung tâm hiệp sức xoa dịu nỗi đau khổ của chúng sanh.

Tin tưởng vào Đức Cao Đài là Thầy của mình, người đạo Cao Đài dù trong mọi hoàn cảnh, cho dù có như chiếc thuyền mỏng manh nhỏ bé bị xô dạt giữa biển khổ cuộc đời mênh mông bão táp, nhưng vẫn tin rằng với sự hộ trì của các Đấng Thiêng liêng và với sự tu hành tinh tấn của chính mình, mình sẽ vượt qua, như lời kinh Cứu Khổ:

   Nhờ Bồ Tát Như Lai lân mẫn,

Độ cho tôi tinh tấn tu hành;

Bền lòng chặt dạ kỉnh thành,

Lâm chung may đặng vãng sanh Thiên đường.


Với đức tin này và với tình cảm này, chúng tôi xin thành tâm nguyện cầu Các Đấng Thiêng Liêng từ bi trong các tôn giáo chan rưới ơn lành và tình thương yêu đến tất cả chúng sanh đang đau khổ, để tất cả cùng nhận ra ơn cứu độ huyền nhiệm đang đến với mình, nâng đỡ mình vượt qua mọi hoàn cảnh khổ đau.


Và với chúng ta, hôm nay cũng như ngày sau, xin nguyện cùng nhau lo tu; làm cho tốt Đời đẹp Đạo; sống cho thân thể mạnh lành, nuôi dưỡng linh hồn hòa đồng cùng Thượng Đế. Chỉ có tu mới cứu được thế gian này thoát khỏi hkổ đau.


Lo tu cứu vớt nạn đời,

Gieo mầm thiện quả về nơi ngươn thần.

(kinh Cầu An)

Rất tâm thành!

Xin cảm ơn quí vị.

Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát



Bài phát biểu ngày 27.10.2012 của đại diện

Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài

tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Tp.HCM