Mùng 9/1: Khánh Đán Đức Chí Tôn học lời Đức Chí Tôn dạy (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1227 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

I. MÙNG 9 [1] THÁNG GIÊNG ÂM LỊCH: ĐẠI LỄ VÍA ĐỨC CHÍ TÔN


- Đây là truyền thống của các dân tộc Đông Phương (Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…) từ xưa.

- Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Giáo) được Đức Chí Tôn khai mở cũng dâng lễ vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch.

Mùng 9/1: Khánh Đán Đức Chí Tôn học lời Đức Chí Tôn dạy (1)


Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,

Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian”.


Đạo thì vĩnh cửu chứ không có quá khứ, không có hiện tại, cũng không có tương lai, nên chúng ta chọn một ngày mà trong thế giới này chúng ta có được ý nghĩa nhất.


- Một là Mùa Xuân [2]: đức Nguyên của Đạo Kiền, tiếp theo là Hanh, Lợ, Trinh. Mùa Xuân hành Mộc, cây cối tốt tươi.


- Hai là tháng Giêng: tháng đầu năm,[3] tiết Lập Xuân, tháng tam dương khai thái Quẻ Thái (Địa Thiên Thái = sự Hanh thông, người xưa thường nói “hết cơn bĩ cực tởi hồi thái lai), thời tiết ôn hoà, quân bình âm đương.


- Mùng 9. Số 9 là số thành lớn nhất:


* Thiên nhứt sanh thuỷ, địa lục thành chi;

* Địa nhi sanh hoả, thiên thất thành chi;

* Thiên tam sanh mộc, địa bát thành chi;

* Địa tứ sanh kim, thiên cửu thành chi;[4]

 

- Tế Trời “cứ lệ thì trước vị Thượng Đế, Địa Kỳ bày lễ chay; tam tài và hoa quả chuối tiêu. Còn đôi bên tả hữu hành lang thì cứ thứ tự giãm bớt dần, đồ lễ không có ngọc liệu, sát sinh gì cả”.[5]


- Thời Tam Kỳ Phổ Độ, chúng ta mới được tế Trời.[6]

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy “Chư hiền đệ muội!


Hôm nay, ngày này, nơi thế gian và


* Cũng là ngày Khánh Đản ĐỨC CHÍ TÔN THƯỢNG PHỤ, Chư Phật, Chư Tiên khắp Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giới đều đến triều phục hỉ chúc thâm ân đức háo sanh Chúa Tể muôn loài vạn vật.


* Cũng ngày này khắp thế gian đều nhuần gội ánh Thiên Quan Tứ Phước, từ côn trùng thảo mộc đến thú cầm nhân loại đều thọ hưởng đức nguyên, sinh hóa, trưởng dưỡng, bảo tồn trong mùa xuân thái hòa an lạc.


Vậy chư hiền đệ muội là giới tu hành học đạo lý đã được am hiểu phần nào về cơ vận hành của thiên địa:


* hãy để hết tâm thành hướng về cõi hư linh để chiêm ngưỡng ân đức oai linh cao cả


* và hấp thụ ân điển phản chiếu của Đấng Từ Bi khả dĩ giúp cho sự tu học của chư hiền đệ muội được


* khai triển tâm linh, mở mang huệ ý, thân thể khang trang tráng kiện


* hầu đủ điều kiện để phụng cơ, phổ truyền chơn pháp giáo dân vi thiện.


 Thứ nữa, ngày này các Tòa Thánh, Hội Thánh đều tổ chức đại lễ triều kính CHÍ TÔN như Tòa Thánh Tây Ninh chẳng hạn. Nhưng trong buổi vận nước chưa an, quốc gia chưa bình trị thì các chùa miếu thánh đường cũng phải  chịu ảnh hưởng ấy nên có những nơi không hành lễ trang trọng về mặt hình thức như mong muốn theo lệ hàng năm.


Tuy nhiên CHÍ TÔN THƯỢNG PHỤ đã chứng minh chấp nhận tâm thành và nỗi ưu tư của bổn đạo tín hữu những nơi ấy. Vì tâm thành kỉnh, lòng mến thương, tức thì dao động cảm ứng đến CHÍ TÔN THƯỢNG PHỤ.


* Chư hiền đệ muội đã có duyên phúc được sinh vào chỗ tương đối an ổn và đang tổ chức cuộc lễ triều kính Thiêng Liêng là vì nhờ tâm đạo công đức chi nên cơ duyên hạnh phúc đã an bài cho được an ổn hầu tiện bề tu thân hành đạo hiến lễ.


* Vậy chư hiền đệ muội hãy hướng tâm linh vào những nơi xa xôi, những vùng bất hạnh để cầu nguyện đưa điển lành trợ duyên cho những nơi ấy.

Cũng nhân tiết Thiên Quan này Bần Đạo nhắc lại lời chư Phật Tiên thường dạy chư hiền đệ muội rằng:


* tâm có được ổn định dầu ngoại cảnh bất ổn cũng không hề chi.


* Chỉ có tâm mới là căn bản, là trụ cốt, còn ngoại cảnh chỉ là phụ thuộc mà thôi. Ví như sóng to gió lớn mặt biển ba đào nổi dậy nhưng đáy biển lúc nào cũng vẫn yên tịnh.


* Chỉ có tâm đạo mới chế ngự được mọi dục vọng, mọi loạn động, mọi ngoại cảnh. Bần Đạo hoan hỉ được thấy sự hiện diện của chư hiền lưỡng phái đông đủ trước đàn tiền.


* Bần Đạo mừng cho tâm đạo của chư hiền đó!


Có quan niệm được ý nghĩa của câu: “Đạo pháp trường lưu” mới xóa đi những gì ngăn cách, hầu đi đến chỗ đồng nhứt trong tam kỳ phổ độ. Đạo pháp ví như dòng nước. Nước nào đâu có hình tướng màu sắc. Sở dĩ có hình tướng, màu sắc là do hoàn cảnh, do tác dụng khi người đặt để nó mà thôi.”[7]

 

II. HỌC LỜI ĐỨC CHÍ TÔN DẠY VỀ NHẤT BẤT SÁT SANH.


Tầm quan trọng của ngũ giới cấm đối với người tu, Đức Chí Tôn trực tiếp ban 5 năm lời dạy về cấm sát sanh, cấm du đạo, cấm tà dâm, cấm tửu nhục, cấm vọng ngữ. Hôm này chúng ta học về giới thứ nhứt.


Đức Chí Tôn dạy: Bất sát-sanh

Thầy, các con [8]


Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong càn-khôn Thế-Giới thì khí Hư-Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-Cực.


Thầy phân Thái-Cực ra Lưỡng-Nghi, Lưỡng-Nghi phân ra Tứ-Tượng, Tứ-Tuợng biến Bát-Quái, Bát-quái biến-hóa vô cùng, mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng-sanh.


Các con đủ hiểu rằng: Chi-chi hữu-sanh cũng do bởi chơn-linh Thầy mà ra, hể có sống, ắt có Thầy. Thầy là cha của sự-sống, vì vậy mà lòng háo-sanh của Thầy không cùng tận.


Cái sống của cả chúng-sanh, Thầy phân-phát khắp Càn-Khôn Thế-Giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến-hóa.


Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên-sanh hay hóa-sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu mau đều định trước, nếu ai giết mạng sống, đều chịu quả-báo không sai; biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân-hồi mà ra đến đỗi ấy.


Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn-sanh điều ấy.


Thăng.


(còn tiếp)


Giáo sĩ Huệ Ý

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo


Chú thích:

[1] Trong Khang Hi tự điển có ghi: “Đông Chí Tự Thiên Vu Nam Giao, Hạ Chí Tự Địa Vu Bắc Giao. Cố vi tự Thiên Địa vi giao”. Nghĩa là ngày Đông Chí tế Trời ở gò phía Nam, ngày Hạ Chí tế Đất ở gò phía Bắc, cho nên Tế Trời Đất gọi là Giao.

Từ đời Vua Hùng Vương. Sách nghiên cứu văn học dân gian của Hoàng Trọng Miên (trang 308) có ghi: Vào đời vua Hùng Vương thứ 6, người con thứ 18 là Tiết Liệu đã được truyền ngôi vì biết làm bánh dày (hình tròn tượng trưng cho Trời), bánh chưng (hình vuông tượng trưng cho Đất) để cúng Trời Đất trong dịp đầu xuân.

Đại Nam Quốc Âm Tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của (xuất bản tại Sài Gòn năm 1896) giải nghĩa: “Ngày vía tức là ngày sinh. Thí dụ: mồng chín Vía Trời, mồng mười Vía Đất. Ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng thói tục hay cúng Trời Đất, hiểu là ngày Trời Đất sinh.”

Ở Việt Nam, đời nhà Nguyễn, lúc đầu mỗi năm tế Giao một lần vào tháng 2 âm lịch (tháng Mão). Đến năm 1890 (năm Thành Thái thứ 2), thì cách ba năm mới tế Giao một lần vào tháng 2 âm lịch. Bộ phận chuyên trách về lịch và thiên văn của triều đình là Khâm thiên giám sẽ chọn một ngày tốt trong tháng 2 âm lịch để tế Giao. Lễ tế Giao cuối cùng của nhà Nguyễn diễn ra ngày 23-3-1945 (10-02 Ất Dậu) dưới triều vua Bảo Đại. Trước đó ba năm, lễ tế Giao được tổ chức vào đêm 28 rạng ngày 29-3-1942, tức là giờ Tý ngày 13-02 Nhâm Ngọ.

[2] Một năm hai mùa tế lễ là Xuân, Thu.

Lễ tế Trời trong các triều đại phong kiến được tổ chức rất long trọng, nhà Vua phải thành tâm ăn chay tịnh tâm trong hai ngày để cử hành Đại Lễ. trong văn tế tại Đàn Nam Giao có những đoạn rất thành khẩn lược dịch ra như sau:

“ mênh mông không xiết, Dốc dạ kỉnh thành
Công đức vòi vọi, Cùng Trời Đất chung
Nhớ đức hiếu sanh, Sao cho xứng tình
Lễ phẩm dâng tế, Điềm tịnh hư không
Biết tâu gì được, Mong hợp mệnh Trời
Phúc lành ban xuống, Khắp chốn an vui

[3] chu kỳ thiên nhiên lại bắt đầu ở tháng 11 là nhứt dương sơ phục, tháng tý.

[4] (trước 1975, tại miền Bắc, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà công nhận ngày mùng 9 tháng giêng là lễ trọng hằng năm của Cao Đài Giáo và tín đồ được nghĩ để dâng lễ với tính cách là ngày phép chính thức được hưởng lương.

[5] Phạm Đình Hổ “Vũ trung tuỳ bút” (bản dịch Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến) nxb Trẻ, nxb Hồng Bàng tr.46, 2012.

[6] “Năm vua Lê Hiển Tông đang cư tang, … chúa Trịnh Thịnh Vương tự vào nhiếp tế, năm ấy thóc lúa mất mùa, giặc cướp tứ tung, thiên hạ ta thán đổ cho lỗi tại chúa Trịnh vào nhiếp tế.”

[7] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Ngọ thời, mùng 9 tháng Giêng Quí Sửu (11.2.73).

[8] Năm Mậu-Thìn (1928), Thánh ngôn Hiệp Tuyển.