Suy ngẫm về "Nhứt nguyện Đại đạo Hoằng khai"

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1702 | Cật nhập lần cuối: 9/12/2016 9:26:30 AM | RSS

Suy ngẫm về Người tín hữu Cao Đài mỗi khi kết thúc một buổi cúng kính đều đọc bài Ngũ Nguyện, mở đầu là “Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai”. Thiển nghĩ, lời nguyện lớn này không phải là sự phó thác cho Thiêng Liêng một công cuộc trọng đại ngoài sức người. Tâm nguyện ấy phải đi đôi với ý chí “phổ độ chúng sanh” thúc đẩy người tín hữu Cao Đài tự nhận vai trò tích cực trước Cơ Đạo.

- Đại Đạo nói đây là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Chính danh hiệu rất hàm súc, rất phổ quát này, cùng với Mục đích “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát” và Tôn chỉ “Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhất” đã đặt lên vai người tín hữu Cao Đài một sứ mạng trọng đại nên phải luôn luôn tâm nguyện “hoằng khai Đại Đạo”.

Đó là chí hướng, là tâm nguyện, nhưng muốn thực hiện được tâm nguyện trên thực tế, người tín hữu Cao Đài không thể cầu nguyện suông, mà phải dựa vào nền Giáo lý Đại Đạo, nêu lên 3 điều kiện hay 3 tiêu chuẩn then chốt:

1. Mỗi người tín hữu Cao Đài phải thực sự tu chứng (1). Tu chứng chưa phải là đắc đạo thành Tiên, mà đã hay đang tiến hóa tâm linh đến một giai đoạn nhứt định nào đó. Người tu chứng không phải chỉ là người giác ngộ, nhập môn vào đạo, giữ qui giới, thờ phượng cúng kính bình thường. Tu chứng tức đã diệt phàm tâm, hiện thánh tâm, thực sự vong kỷ vị tha. Bốn chữ “vong kỷ vị tha”, tuy ta thường nghe, thường nói, nhưng là một tiêu chuẩn quan trọng tiên quyết để đánh giá sự tu chứng. Có đạt được tiêu chuẩn này mới có khả năng:

- Cảm hóa được người khác, đem lại niềm tin dẫn đến sự giác ngộ ban đầu cho tha nhân,

- Tự nguyện góp phần vào công cuộc hoằng giáo độ nhân, lãnh lấy sứ mạng tự độ - độ tha tùy theo tiềm năng tiến hóa tâm linh.

2. Góp phần xây dựng hệ thống Giáo lý phổ quát, đáp ứng được nỗi khao khát một ý thức hệ nhân bản (2) phục hồi giá trị con người, đem lại ý thức về ý nghĩa cao quí của kiếp người, củng cố lòng tự tin để sống xứng đáng là chủ thể “tối linh” trong vạn vật.

- Giá trị phổ quát của Giáo lý Đại Đạo sẽ có hiệu quả:“không phải hiểu đơn thuần làm cho mọi người hiểu đạo là đủ, mà phải làm cho cơ đạo được thống nhất tinh thần, thông suốt mọi dân tộc, mọi lý thuyết và mọi hoàn cảnh.” (3)

- Từ giá trị nhân bản, con người sẽ có niềm tin mặc nhiên mang lấy Thượng Đế tính: Người với Trời đồng nhất nơi bản thể sâu thẳm của tâm hồn.

3. Người đạo Cao Đài phải có ý thức sứ mạng thật sáng tỏ. Theo đuổi mục đích “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát” dưới tôn chỉ “Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhất”, không phải để hoài cổ hay ca tụng các tôn giáo xưa và mơ ước hão huyền về một thiên đàng tại thế, mà phải chứng minh được khả năng xây dựng thế giới hòa bình, an lạc của con người tiến bộ toàn diện cả hai mặt nhân sinh (social life) và tâm linh (spiritual life). (4)

Ba trọng điểm nêu trên thuộc phần NHÂN, là những điều kiện thi hành sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ, nhờ đó tiếp nhận được nguồn năng lực phần THIÊN, lập thành thế THIÊN NHÂN HIỆP NHẤT đặc biệt của Cơ Cứu Độ Kỳ Ba.

Tóm lại, theo thiển ý,tu chứng, ý thức hệ Nhân bản, ý thức sứ mạng, là thế chân vạc cộng với Ân sủng Thiêng Liêng sẽ đem lại thực lực Hoằng Khai Đại Đạo, cứu độ vạn linh.

Sau cùng, có thể nói: để có chiếc chìa khóa “Hoằng khai Đại Đạo”, Cao Đài tôn giáo phải vượt lên tầm mức Cao Đài Đại Đạo và con người Cao Đài phải vươn tới con người Đại Đạo. (5)

Thiện Chí
26-6 Tân Mão (26.7.2011)
Nguồn: tapchiliengiaocaodai.org.vn

________________________
Chú thích:

(1) VẠN HẠNH THIỀN SƯ, Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 06-10 Nhâm Tý (11.11.1972): “Vấn đề tu chứngcũng là điều then chốt cần phải xét đến. Vì sau này, ngày mà đất nước sẽ thái bình, chiến tranh ly loạn sẽ chấm dứt, những hàng thiện căn trên thế giới sẽ đổ xô đến Việt Nam tìm hiểu học đạo pháp uyên thâm, lúc ấy phải có điều kiện thứ ba về khoa mục (danh mục những người khoa cử -NV) và tu chứng để làm căn bản sau này. Vậy chư đạo hữu khá dành thì giờ cho nhiều, tu học kỹ hơn nữa để xứng đáng là người giáo sĩ.”

(2) Nhân bản trong giáo thuyết Cao Đài không phải là triết lý “humanism” thời Phục Hưng của Triết học Tây phương xem con người là trung tâm của đời sống thế tục. (American heritage dictionary: humanism, philosophical and literary movement in which man and his capabilities are the central concern. The term was originally restricted to a point of view prevalent among thinkers in the Renaissance....) Ngược lại, Nhân bản Cao Đài là cái bản vị bẩm sinh từ Thượng Đế, khiến cho mỗi người đều có thể phát huy nhân tính, sống xứng đáng là con người thật sự, con người đúng nghĩa đứng trên vạn vật.

(3) Thánh giáo Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Hợi thời, 19-02 Bính Dần (28.3.1986): “Phổ thông giáo lý không phải hiểu đơn thuần làm cho mọi người hiểu đạo là đủ, mà phải làm cho cơ đạo được thống nhất tinh thần, thông suốt mọi dân tộc, mọi lý thuyết và mọi hoàn cảnh.”

(4) Thánh giáo Đức Trần Hưng Đạo, Thiên Lý Đàn, Tuất thời, 10-4 Ất Tỵ (10.5.1965): “Phục hưng tinh thần truyền thống cổ truyền của dân tộc dính liền với sự phục hưng văn minh nhân loại, để xây dựng một nguơn hội thái bình vĩnh cửu cho muôn người, tạo lập một Thiên đàng cực lạc tại thế...”

(5) Thánh giáo Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-4 Canh Thân (28.5.1980): “Quá khứ, hiện tại, vị lai, dòng sông muôn ngõ rồi cũng quy về biển cả. Sứ mạng Thiên ân của con người Đại Đạo là biển cả, là bản thể vô biên. Ai chưa ở vào chủ vị đó là chưa đạt đến sứ mạng cứu độ kỳ ba trong quyền pháp đạo.”