Tìm hiểu lập trường Đại Đạo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 945 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Mục đích, Tôn chỉ và Lập trường Đại Đạo là thế chân vạc của Cao Đài giáo như lời Thánh giáo của Đức Vạn Hạnh Thiền sư tả trong Kinh Đạo học Chỉ Nam của Minh Lý Đạo.


“Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay là Đạo Cao Đài, đứng trên Lập trường Thuần chơn vô giả, thể nhận các tôn giáo cũng do một Chơn Lý, nhưng tùy hoàn cảnh, địa phương và trình độ nhơn loại mỗi nơi, mà hiện ra Quyền Pháp cho hợp thời thế, để cứu độ chúng sanh. Hình thức có sai biệt, nhưng bổn thể của Đạo không hề thay đổi.


Tôn chỉ Đại Đạo dung hòa, không phân màu sắc tín ngưỡng, bình hành tâm vật, xu hướng đông tây kim cổ, vạn giáo nhứt lý.


Mục đích cứu cánh: Thiên Đạo giải thoát, Thế Đạo đại đồng, độ cả phần xác lẫn phần hồn, làm cho đời sống của loài người trên thế gian, năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà. Lấy sự yêu thương, bình đẳng cột chặt lẫn nhau, chẳng những riêng loài người, mà cho tất cả chúng sanh, cả thảy đều được che chở trong Quyền Pháp”.

{Đạo Học Chỉ Nam, Mục 2. Giản lược về giáo lý của các tôn giáo và học thuyết}


Mục đích: Cung cấp cho học viên khái niệm căn bản về “thái độ thể hiện quan điểm” của Đại Đạo trên đường hướng đến mục đích “Thế Đạo Đại Đồng, Thiên Đạo giải thoát” và thực hiện Tôn Chỉ “Quy Tam Giáo, Hiệp Ngũ Chi” hầu:


- Ứng dụng cho bản thân trên đường thực hiện Tâm pháp Cao Đài.

- Đối đãi với các tôn giáo bạn.

- Đối đãi cùng chánh quyền các cấp.


I. ĐỊNH NGHĨA LẬP TRƯỜNG


Chúng ta học thêm lời ơn trên dạy về lập trường Đại Đạo để hiểu các khái niệm cơ bản.


1. Nghĩa từ ngữ:

- Lập: đứng thẳng, đặt ở nơi nào

- Trường: chỗ đất rộng nhiều người tụ họp.

- Lập trường: chỗ mình đứng hoặc thái độ.


2. Nghĩa ứng dụng vào trường hợp Đại Đạo:

- Chỗ đứng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để kiện toàn trách nhiệm của mình.

- “Thuần Chơn vô ngã”: Hoàn toàn thuần túy chơn chánh không có ý riêng.


II. NHỮNG KHÍA CẠNH CĂN BẢN CỦA LẬP TRƯỜNG ĐẠI ĐẠO


Với người tín hữu Cao Đài:


Phá chấp ngã:

“Tình dân tộc đổi tình nhân loại,

Nghĩa nước non ra nghĩa Đại Đồng”.

(Đức Lê Đại Tiên)


Làm công quả âm chất.

“Vô công, vô kỷ, vô danh”


“Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao”.

(Thánh Ngôn Hiệp tuyển, 5 Mars 1927)


“Nếu các em chưa tìm hiểu lý tưởng mục đích cao cả của Đạo Cao Đài, cũng như nếu không biết đặt lý tưởng mình dung hợp với Đạo Cao Đài để xây dựng những gì cao cả, ích lợi thiết thực cho non sông Tổ Quốc, Đạo Lý và Nhân Loại, thì sự giữ Đạo Cao Đài không ích lợi gì. Chẳng khác nào các em giữ một món đồ cổ trong muôn vàn món đồ cổ khác…”

(Cao Triều Phát, 08.7 Kỷ Dậu (20.8.1969)


Với các tôn giáo:

“Người tín đồ cao Đài luôn luôn tôn trọng các xu hướng tín ngưỡng, đem tình thương hòa đồng khắp cả mọi giới, đem thiện cảm gieo rắc mọi nơi, để người người đều nhìn nhận cái lý duy nhất là cứu thế qua khỏi cơ tận diệt, hầu xây dựng hòa bình hạnh phúc nhân loại dưới ngưỡng cửa Đài Cao”.

(Đức Ngô Đại Tiên, Nam Thành Tt, 13.02 Bính Ngọ (1967)


Với nhà cầm quyền:

“Thuần túy đạo đức” là thái độ của người tu chân chánh.

Như vậy, chúng ta thấy ý “thuần chơn vô ngã” bàng bạc trong các Thánh giáo Cao Đài từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển đến Thánh Huấn Tiên Thiên, rồi Thánh Truyền Trung Hưng, v.v…


III. KẾT LUẬN


“Thầy chỉ nhắc các con một điều là con phải năng trau giồi lòng con sao cho được thuần chơn vô ngã. Đó là yếu tố căn bản cho sự thành công.


Còn khi lòng con chưa được thì đừng mong đến chỗ đại giác Chơn Tiên”.


Tóm lại, với Lập trường Đại Đạo: nếu hiểu và hành đúng.


Người tín hữu sẽ đạt kết quả cao trên đường bồi công lập đức (âm chất) hầu trở về quê xưa.


- Người hướng đạo hướng dẫn tín hữu thể hiện tốt quan điểm Tôn Chỉ Cao Đài “Vạn Giáo đồng nhất Lý”.

- “Thuần túy đạo đức” Người lãnh đạo tạo được sự tin tưởng của các cấp chánh quyền dù dưới chánh thể nào.


Mục đích Thế Đạo Đại đồng Thiên Đạo Giải thoát của Cao Đài giáo chỉ đạt được khi sự bồi công lập đức của người tín hữu Cao Đài được đặt trên nền tảng của tư tưởng và thái độ “thuần chơn – quên mình mà làm nên cho người”, là ngày viên thành sứ mạng tân độ như lời Đức Hưng Đạo Đại Vương dạy: “Giáp Tý hiệp không gian, nhược thiệt, nhược hư cảm hóa tam thiên thế giới, Bính Dần khai Đại Đạo vô nhân, vô ngã độ toàn cửu nhị nguyên nhân.

 

Đạt Tường

Tạp Chí Cao Đài, Niên Đạo 87, Số 10 (07/2012), tr.13-14.


-------------------------------------

 Chú Thích:

(1) Cao Đài Thống Nhất, Đức Chí Tôn, Nam Thành Thánh thất 23.8 Nhâm Dần (20.9.1962)

(2) Tứ đại Điều Qui, điều thứ 2.

(3) Đức Hưng Đạo Đại Vương dạy Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (Hồi ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật).