Tìm hiểu lời dạy của Đức Quan Âm Bồ tát: "Một tấc Quang Âm một tấc vàng"

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5201 | Cật nhập lần cuối: 8/14/2018 3:28:49 PM | RSS

Tìm hiểu lời dạy của Đức Quan Âm Bồ tát: Kính thưa quí đạo tâm quan khách, trong bầu không khí thành kính tưởng niệm công đức vô lượng vô biên của Đức Quan Âm, đấng Từ Hàng Phổ Tế trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đấng từ vô lượng kiếp đã lân mẫn đến cõi Ta Bà, dụng tâm Từ làm chiếc đò đưa người sang sông.

Hôm nay đạo muội xin tìm hiểu lời dạy của Đức Quan Âm Bồ Tát với đề tài Một Tấc Quang Âm Một Tấc Vàng

Qua hai phần

I. Ý nghĩa câu “Một Tấc Quang Âm Một Tắc Vàng”
II. Đường Lối Thực Hành

Một Tấc Quang Âm Một Tấc Vàng là câu đầu của bài thi tứ tuyệt do đức Quan Âm dạy tại Thánh Tịnh Ngọc Minh Đài vào ngày mùng Chín tháng Giêng năm Đinh Mùi (17.02.1967)

Một tấc QUAN(G) ÂM một tấc vàng,
Thương đời BỒ TÁT giáng trần gian,
Đem mầm chơn lý gieo cùng khắp,
Nhắc nhở nhơn sanh tỉnh mộng tràng.

Phần I: Ý NGHĨA

Một tấc quang âm một tấc vàng nhằm nhắc nhở rằng thời gian vô cùng quí giá.

1. Về nghĩa từ quang âm: Quang là ánh sáng, âm là bóng mặt rời. Quang âm chỉ bóng mặt trời. Ngày tháng trôi qua.

2. Thời gian vô cùng quí gia với các lý do sau:

• Thời gian không dùng tiền mua được.
Nhất thốn quang âm nhất thốn kim,
Thốn kim nan mãi thốn quang âm,
Thốn kim thất, khứ dung dị đắc,
Quang âm quá, khứ nan tái tầm.
(Một tấc thời gian: một tấc vàng,
Vàng không mua được tấc thời gian,
Tấc vàng mất đi dễ kiếm lại,
Thời gian qua mất khó lòng tìm)

• Thời gian trôi qua không bao giờ trở lại.

“Câu chuyện cuộn chỉ thời gian.

Chuyện kể rằng hồi xưa có một hoàng tử nhỏ tuổi luôn luôn mong ước làm sao cho mình mau lớn để được tự do làm những gì mình muốn.

Một hôm, có một vị thần trao cho Hoàng tử một ống chỉ và nói:

Con muốn thời gian đi nhanh thì kéo chỉ ra. Một vòng quay của chỉ là một năm, càng kéo nhiều vòng, năm đi càng nhanh.

Nhưng nên nhớ một điều khi chỉ kéo ra rồi sẽ không thể nào quấn lại được.

Hoàng tử hồi hộp, cầm cuộn chỉ, kéo mạnh một cái, Hoàng tử trở thành một thanh niên tuấn tú, rồi kết hôn với một công chúa xinh đẹp. Hoàng tử có một gia đình hạnh phúc, giàu có địa vị cao sang, vợ đẹp con xinh.

Thích thú quá, vị hoàng tử tò mò kéo cuộn chỉ thêm nhiều vòng, bỗng giật mình thấy mái tóc bắt đầu điểm bạc.

Nhìn lại trên tay, ống chỉ còn rất ít, Hoàng tử sợ quá, lật đật quấn chỉ lại, nhưng cuộn chỉ bổng biến mất.

Một bài tập đọc thời tiểu học rất sâu sắc.” (1)

• Thời gian trôi rất nhanh
Đức Quan Âm dạy
Ngày tháng chẳng đợi chờ hứa hẹn,
Máy quang âm như tiễn ly cung; (2)

• Tâm lý ít quan tâm đến thời gian

“*Theo ông Denis Waitley, một nhà văn, có hai thứ quý giá nhất trên đời mà mình chỉ biết giá trị của nó khi mất đi, đó là sức khỏe và thời gian.

*Samuel Smiles, một chính trị gia người Scotland sống cuối thế kỷ 19 thì lại quả quyết cho rằng thời gian là quý nhất, vì khi chúng ta mất tiền bạc, chúng ta có thể tìm kiếm lại bằng sự cần cù; mất kiến thức, chúng ta có thể bù lại bằng sự học hỏi; mất sức khỏe, chúng ta có thể bù lại bằng sự tiết độ và thuốc men; nhưng mất thời gian là mất luôn, chẳng tìm kiếm lại được bao giờ.” (3)

• Thời gian tâm lý: nhanh chậm do có được quan tâm hay không.

Trên mặt đồng hồ treo ở thánh đường Chester, Anh quốc, có ghi một câu nói:

“Khi tôi còn là một bé con, chỉ nằm khóc và ngủ, thời gian bò đi.
Khi tôi là thằng bé cười và nói, thời gian bước đi.
Kế đó, tôi trở thành một chàng trai, thời gian chạy đi.
Nhưng khi tôi đã già, thời gian bay đi. (4)

Tóm lại thời gian vô cùng quí giá vì thời gian trôi qua không bao giời trở lại, con người không thể nào kéo lùi lại thời gian. Đời người lại vô cùng ngắn ngủi, mà lại còn không thật, là giắc mộng, giấc mộng Kê Vàng, giắc mộng Nam Kha, giâc Mộng Huè, giâc mộng Huỳnh Lương.

Nhận định cuộc đời là giả tạm không phải yếm thế, xa lánh cuộc đời mà để cho con người nhận chân đâu là chân lý, đâu là lẽ thật trường tồn, để hoạch định cho mình một con đường chơn chánh để khỏi lạc lầm bàng môn.

Nhận định cuộc đời vô cùng ngắn ngủi, để tích cực tu hành, chí thành mà tu.

Phần II. ĐƯỜNG LỐI THỰC HÀNH

A. Đời Là Giả Là Tạm Nhưng Để Tá Giả Tầm Chơn,
Đó Là Con Đường Duy Nhất Để Tiến Hóa.

Đức Quan Âm nhắc lại lời Đức Thế Tôn dạy:

"Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệt, như điển
Ưng tác, như thị quán"

Và giải thích

“nghĩa là tất cả các pháp tướng ở cõi hữu hình này như thân thể, sự nghiệp, tiền của, đền đài, núi non, v.v... đều như giấc chiêm bao, như tuồng ảo hóa, như bọt nước phù bình, như vóc dáng chập chờn trên phên vách, như những giọt sương đọng trên nội cỏ ngàn cây, và cũng như lằn điện xẹt qua trước mặt.” (5)

I. Thân Tứ Đại Giả Tạm

1. Ý thức được sự vô thường giả tạm của thân tứ đại để đường tu được vũng vàng.

Có ý thức được mọi sự ở thế gian đều là giả tạm, mảnh thân tứ đại cũng phải chịu luật vô thường, thì đường tu mới vững vàng, quyết chí mà tu. Việc lập công bồi đức không còn là trường thi công quả nữa, mà là một cuộc chạy đua với thời gian.

Ngày tháng chẳng đợi chờ hứa hẹn,
Máy quang âm như tiễn ly cung;
Đặt chân lên cõi trần hồng,
Bao nhiêu sứ mạng Chín Trùng phó giao. (6)

2. Hiểu được sự cấu tạo của con người để biết được tầm quan tọng của thân tứ đại giả hiệp trên đường tiến hóa.

Về cấu tạo thì con người là một phần tử trong vạn hữu chúng sanh, cùng chung luật sanh trưởng thâu tàng. Nhưng con người là một bộ máy tối linh đến cõi đời ngoài tấm thân tứ đại còn thọ bẩm có phần trường tồn bất biến do Thượng Đế phát ban. Phần tường tồn bất biến được gọi với nhiều danh khác nhau: Thiên Tánh, Phật Tánh, Thượng Đế Tính, Chơn Nhứ, Lương Tri Lương Năng, Tâm…

Đức Quan Âm dạy rằng.

Chiếc thân tứ đại do Tạo hóa an bài trong luật tắc thiên nhiên mà có
Có để chi. Để đặt cho mỗi con người có một luật tắc riêng tư trong tạo hóa.
(7)

Luật tắc thiên nhiên của tạo hóa với luật tắc riêng tư của con người đồng lý vận hành. Nhờ đó Trời Người có thể ứng tiếp với nhau rất mật thiết, và cũng nhờ đó con người mau chóng hoàn tất cơ tiến hóa của mình.

Do đó việc nuôi dưỡng giữ gin tấm thân rất cần thiết để con ngời sử dụng hiệu quả trong việc lập công bồi đức và tu luyện

Thân tứ đại chác mua cảnh tạm,
Tướng lục trần mờ ám cựu ngôi;
Quang âm mấy chốc đưa thoi,
Sanh lòng hối tiếc khi coi lại mình. (8)

II. Pháp môn: phương tiện đưa giả tạm vô thường đến chơn thường hằng tại để thực hiện tình thương

1. Thế nào là chánh pháp- chánh pháp thể hiện tình thương

Pháp môn là chiếc bè đưa con người sang bờ giác, không có pháp môn, không về được. Giữa thời buổi chánh tà lẫn lộn, việc nhận định chánh tà không phải là dễ.

Đức Chí Tôn dạy:

Buổi Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự Lập pháp “Tam Kỳ Phổ Độ”, quỉ vương đã khởi phá khuấy chơn Đạo. Đến danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi.

Danh ta còn mượn. Trong Tam Kỳ Phổ Độ , Đức Chí Tôn dùng phương tiện cơ bút để lập đạo, một hình thức Thông Linh Học. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có cả một cơ cấu tổ chức gọi là Hiệp Thiên Đài để bảo vệ tính chơn lý trong các thông điệp nhận từ các Đấng Thiêng Liêng.

Ngai : Quyền pháp là tình thương, tình thương của Đức Chí Tôn.

Pháp môn nào không duy trì, làm sống lại tình thương đồng loại, hòa hợp thương yêu, bảo vệ chúng sanh thì không phải là chánh pháp.

Chọn đúng pháp môn là đã đi trên con đường bằng phẳng.

2. Chánh pháp đưa con người trở về phần trường tồn bất biến mà con người thọ bẩm từ Thượng Đế, được phân định với nhiêu danh:

Ngài Vương Dương Minh nói

Lấy hình thể bao la mà nói, thì gọi là Trời.
Lấy sự chủ thể sai khiến mà nói, thì gọi là Thương Đế.
Lấy chổ lưu hành vận dụng mà nói, thì gọi là mạng.
Lấy chổ phú bẩm nơi người mà nói, thì gọi là tánh.
Lấy chổ chủ sự sai khiến mà nói, thì gọi là tâm.

Đó là tùy theo mỗi trạng thái để phân định cái danh, kỳ thật cũng là Một. “Một ” nghĩa là không hai, thì bất cứ hình thái nào cũng trong Lẽ Một mà phát sanh, lưu truyền khắp đó đây. (9)

Đức Quan Âm gọi Lẽ Một đó là Đạo là Lẽ Thật, là tình thương

Lẽ thật ấy là đạo, là lòng vị tha bác ái, là cái Như Lai Tạng Tính. Cái Điểm Linh Quang không giới hạn, không biên cương… Chỉ có điểm Linh Quang Chơn Tánh hằng nhân từ bác ái mới to rộng khắp cùng vạn vật vũ trụ hàm linh. (10)

Giáo lý nhà Phật nói pháp môn vô lượng nhưng đường tu không hai, chỉ khi nào trở trở về Lẽ Một đó, thể hiện được tình thương, thể hiện được bản thể đại đồng nhân loại thì pháp môn đó mới là chánh pháp.

Ngày nay, sự ngăn ngại con người về địa lý không còn, nhân loại giao lưu xem như một nhà, nhu cầu bản sắc được quan tâm, được đề cao. Giữ gìn bản sắc nhưng không được đi ngược Bản Thể Đại Đồng Nhân Loại.

Bản Thể Đại Đồng Nhân Loại là tình tương, không thể vì giữ gìn bản sắc mà khiến cho các sinh linh chậm tiến hóa hơn bị đau khổ. Không thể nhân danh Đấng Chúa Tể Càn Khôn Vũ Trụ mà ngăn chận sự cảm thông trong tình người

Tóm lại, nhận thức cuộc đời là giả tạm để biết con người hữu hình hữu hoại, nhưng đó là bộ máy tối linh giúp con người thể hiện được sự hữu ích của minh tại thế gian, và thoát luân hồi sanh tử.

Pháp môn là phương tiện nhưng rất cần thiết, nếu pháp môn giúp con người thoát câu thúc của vô minh, trở về điểm thiện lương hằng có.

B. Nhận thức cuộc đời ngắn ngủi để chí tâm thành mà tu

Chọn được chánh pháp, đi được dúng dường thì chỉ cần chí tâm thành thì xem như đã thành công.

Đức Diêu trì Kim Mẫu dạy

Một chữ thành con cũng về nguyên.

Thời Tam Kỳ Phổ Độ là thời trùng hưng chánh pháp, tất cả các tôn giáo đều phục hưng chơn truyền để tận độ quần linh.

1. Đại Đạo Tam Kỳ là chuyến đò sau cùng của ngươn sau cùng của một cuộc Đại Tuần Hườn của trời đất. Cơ hội chỉ có một lần, cơ hội duy nhât, không có lần thứ hai, bỏ qua rất uổng, phải tận dụng thời gian tu học cho kịp chuyến đò cứu độ cuối cùng.

2. Đại đạo tam kỳ Phổ Độ là con đường tận độ

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nhằm đưa nhân loại trở về bản thể đại đồng, trở về tình thương, trở về Thương Đế bằng con đường Ngũ Chỉ.

Bất cứ dân tộc nào, thành phần nào, trình độ nào, địa vị nào đều nằm trong kế hoạch tận độ của Chí Tôn. Quĩ thời gian của con người, sự số gắng của con người tại thế gian này cho phép dừng ở chi nào độ nào thì xem như thành công ở mức độ đó. Và bước trước làm nền tảng cho bước kế tiếp.

“Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhơn Đạo. Nhơn Đạo bất tu, Tiên Đạo viễn hỹ.”

3. Là con đường tu tắt: nhảy lớp học.

Con đường tiến hóa có nhiều cấp học. Pháp môn tam công vừa tu thân vùa hành đạo, gồm cả hai phương diện tâm linh và nhân sinh . Công quả để trả nghiệp tiền khiên đồng thời làm nền tảng cho con đường tiến hóa tâm linh, công phu dể bình an tâm nội để con đường phục vụ nhơn sanh không bị ngăn ngại. Càng gia công thì càng được nhảy lớp học.

4. Là con đường ân xá: vận dụng luật cảm ứng.

Rốt ráo của Luật Ân Xá là vận dụng Luật Cảm Ứng. Đặc biệt sự lâm trần của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng làm mối cảm thông giữ trời người vô cùng nhạy bén, giúp đường tiến hóa trở nên dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn. Sự hộ trì của các đấng thiên liêng luôn luôn hiện diện chỉ cần con người hướng tâm thành đến các Ngài.

Đức Quan Âm dạy, người tu, bất cứ tu ở đâu, ở chùa, ở thánh thất thánh tịnh, hay tại gia

Hãy tạo cho mình một tư tưởng, hãy chọn cho mình một việc làm khả dĩ gọi là tư tưởng trong lành, việc làm đạo đức thanh cao thánh thiện . Đó là tự mình đã tạo cho mình có những phương tiện diệu dược , có đạo linh phù hộ mạng, và cũng có được nhịp cầu thông cảm cùng Phật Tiên Thánh để được hộ trì dắt dẫn ở kiếp hiện sanh và thoát thai thánh hóa ở kiếp lai sanh. (11)

KẾT LUẬN

Đức Quan Âm Bồ Tát dạy Một Tấc Quang Âm Một Tấc Vàng nhằm nhắc nhở con người nhận thức được điều may mắn đã được hưởng trong cuộc đời, trên đường tu.

Trước nhất là chọn được chánh đạo để đời không lỡ làng hối tiếc.

Bên cạnh hãy chắt chiu những gì mình đang có, trân trọng những lúc còn góp mặt với đạo sự, còn đứng trong hành ngũ người giác ngộ tầm tu, đừng tại bị mà xa rời hàng ngũ, diên trì chậm trễ.

Với tâm lý không nhận biết được giá rị những gì đang có, cơ hội đến mà không biết tận dùng thì khi qua rồi sẽ không bao giờ có cơ hội thứ hai. Thời ân xá, tôn giáo trùng hưng, phương tiện tu hành được đem đến tận chợ đời, điều kiện học tu chỉ cần có chí tâm thành, nếu không đậu khoa thi kỳ này thì chờ đến bao giờ.

Muốn ra khỏi cảnh trần tù,
Ngoài tâm chí đạo, ngút mù khó tan.
Cuộc đời nếu muốn trị an,
Ngoài giềng đạo đức, khó đàng nào hơn.
Phù trầm lưu thủy cao sơn,
Gởi người tu học tiếng đàn giác mê. (12)

19.06.Mậu Tuất
Thanh Bình

______________________
Chú thích:

(1) Viết theo http://www.songdaoonline.com/e633-cuon-chi-thoi-gian.html

(2) Đức Quan Âm, Huờn Cung Đàn, Tý thời, 07 rạng 08 - 4 Ất Tỵ (07-5-1965)

(3) Viết theo http://www.songdaoonline.com/e633-cuon-chi-thoi-gian.html

(4) Như trên

(5) Đức Quan Âm, Thánh Thất Tân Định, mùng 2 tháng 9 Tân Hợi (20.10.1971), Thánh Giáo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

(6) Đức Quan Âm, Huờn Cung Đàn, Tý thời, 07 rạng 08 - 4 Ất Tỵ (07-5-1965), Thánh Giáo Cơ Quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo

(7) Trúc Lâm Thiền Điện, 20 tháng 10 Quí Sửu (14.11.1973). Thánh giáo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

(8) Thánh Thất Bình Hòa, mùng 8 tháng 4 Canh Tuất (12.5.1970). Thánh giáo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

(9) Đạo Học Chỉ Nam. Chương 2, Tiết 2, Mục 2

(10) Thánh Thất Tân Định, mùng 2 tháng 9 Tân Hợi (20.10.1971). Thánh giáo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

(11) Đức Quan Âm, Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời mùng 6 tháng 4 Giáp Dần (27.04.1974)

(12) Đức Quan Âm, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, Rằm tháng 6 Giáp Dần, (2.8.1974)

Bài liên quan:

CQPTGLĐĐ: Lễ kỷ niệm ngày Thành đạo của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

Ảnh: Kỷ niệm ngày thành đạo Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và 28 năm phòng khám Phước Thiện (31.07.2018)