Tập sống trong tình thương Thượng Đế

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1090 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Tình thương là từ ngữ mà khi được nghe qua ai cũng cảm thấy cõi lòng ấm áp và hạnh phúc, ngược lại sự ghét khi nghe qua ta cảm thấy cái không khí ngột ngạt lạnh lẽo, khó chịu. Sự thương yêu, nó không có thật thể, nên không sờ và thấy được, mà lại quí báu vô ngần. Chúng ta chỉ cảm nhận và thấy được sự thương, sự ghét qua cử chỉ, hành động, ánh mắt, nụ cười và lời nói, v.v…


Thương là thứ nhựa sống được gắn liền giữa người với người, nó cũng đồng hành và đối lập với sự ghét. Vậy thương và ghét theo thói thường tình của con người ở thế gian này thì hết thương rồi tới ghét, hết ghét tới thương, thương ở chỗ này thì ghét ở chỗ kia, luôn thay đổi theo thời gian và cũng thay đổi theo hoàn cảnh thuậ, nghịch để được thương hay bị ghét, ấy là qui luật chung của con người trần tục mà không ai có thể đi ngoài và tránh khỏi.


Theo thuận ý, hoặc làm những việc có lợi thì được thương yêu, trìu mến, làm nghịch lại ý hoặc tổn thương đến danh dự và quyền lợi cá nhân mình thì ghét bỏ và thù hằn với kẻ đó, và cũng có thể còn tìm cách để làm hại, thói thường của con người là như thế đó. Cho nên chúng ta khó mà tìm được lẽ Công Bình trong đối xử qua lại với nhau, thường thì hai chữ Công Bình được gắn ở đầu môi, chót lưỡi, nên không có thể hiện được trong sinh hoạt thường ngày, bởi vì đa số con người còn lòng, tham, sân, si nên đã đánh mất công tâm của chính mình từ lòng tham dục ấy vậy.


Nhưng cũng có thứ tình thương không phai màu, tình thương ấy sẵn sàng ban rải khắp mọi nơi không phân biệt già trẻ, gái trai, sang giàu hay bần cùng khốn khổ và ngay cả loài cầm thú. Là một tình thương yêu tuyệt đối, như một dòng suối trong suốt ngọt ngào, mát mẻ được bắt nguồn từ một quá khứ xa xăm cho đến một tương lai vô tận.


Đã nói tình thương thì dù tình thương đó thế nào cũng gọi là thương chớ không thể gọi khác hơn được, tuy ngôn ngữ thì không khác về danh từ, nhưng tác dụng của nó thì lại khác, chúng ta không thể không công nhận được. (Đồng danh chớ không đồng tác).


Tình thương trong phạm vi nhỏ hẹp thường là thứ tình thương ích kỷ tổn nhơn như:


Thương yêu chính bản thân, thương yêu với đạo vợ chồng để duy trì nòi giống, thương yêu với gia đình, dòng họ và thương yêu chủng tộc quốc gia mình. Đây là các loại tình thương trong hẹp hòi ích kỷ, thương để rồi hãm hại với nhau và hại đến cả muôn loài vạn vật, chúng ta không thể không công nhận, thực tế chúng ta có thể suy gẫm qua một vài khía cạnh nhỏ trong tình thương ích kỷ sau đây như : Chúng ta thương yêu gia đình, muốn cho gia đình có một bữa ăn vừa ngon lại vừa bổ dưỡng, liền cắt cổ một hai con vật để làm bữa cho gia đình, trong khi thương gia đình đành giết sanh mạng kẻ khác, phản tác lại sự thương đó là sự ghét, và còn rất nhiều tình trạng lớn lao khác, thương để rồi tàn hại hàng vạn sanh linh không mến tiếc : Có chiến tranh phi nghĩa, chia phe nhóm để hại nhau vì quyền lợi, giết người cướp của.v.v…, có câu ngạn ngữ : (Người đàn ông khi đã biết yêu thương và lấy vợ, thì không còn biết sợ địa ngục nữa).


Có thứ tình thương cao thượng mà chúng ta không thể phủ nhận, ấy là tình thương của bậc Cha Mẹ thương con. Chúng ta thử suy gẫm vì thương con mà làm những việc xấu xa tội lỗi để đem lại sự no ấm hạnh phúc cho con mình, bất chấp mọi thủ đoạn miễn sau con mình có được tất cả thì Cha Mẹ vui lòng mặc dầu làm những điều ngoài ý muốn, những việc trái với lương tâm. Đây cũng là thứ tình thương thiêng liêng cao cả của bậc Cha Mẹ thương con vô hạn.

Tình thương yêu của đôi nam, nữ hay sự yêu thương của đạo vợ chồng để rồi sanh con đẻ cái mà xã hội từ xưa cho đến nay thường ca tụng , và nhắc nhở không ngừng trong các bài hát, bài ca.v.v… Đây là thứ tình thương đặc biệt và cũng là cái mầm, sẽ được nẩy nở và phát triển theo thời gian, để trở thành một tình thương cao thượng mà Đức Chí Tôn đã dạy cho chúng ta. Ngược lại nó cũng là cái nguyên nhân để dẫn đến sự ghét, rồi tàn hại lẫn nhau mà Thầy gọi đó là Quỉ vương vậy.


Lại cũng có thứ tình thương thiêng liêng cao đẹp nữa là tình thương yêu dân tộc đang bị ngoại xâm dày xéo, tình thương ấy nung đúc tinh thần bất khuất, trung kiên của những người con trong đất nước, quyết hy sinh xương máu của mình, đánh đuổi ngoại xâm dành lại độc lập hòa bình thật sự cho dân tộc.

Sống trong thời đại văn minh, con người bị ảnh hưởng theo sự đua đòi về vật chất, nên sa vào sự tham dục, ích kỷ, muốn cho mình được đầy kho, đầy vựa, nên hành động bất chánh, mất lẽ công bình, mất luôn cả tình thương chân thật ấy, tức xa dần cái Bổn Nguyên của chính mình.


Vào thời thượng cổ tổ tiên ta còn ăn lông, ở lổ sống từng đoàn, từng bầy thì còn gần cái Bổn Nguyên ấy, tình thương tuyệt đối ấy, vẫn còn được hiển lộ trong sự sinh hoạt đời sống qua lại hằng ngày, chưa có lòng tham lam ích kỷ, chưa biết tích lũy kho vựa riêng tư cho bản thân, gia đình hay chủng tộc. Sự sống còn tự tại, tự nhiên không phe, không nhóm, mỗi ngày chỉ biết hái trái chín trên cành ăn để mà sống, không có tư tưởng riêng tư, ích kỷ tranh giành lợi lộc, no cũng được, mà đói cũng không sao, quây quần bên nhau để cùng sống. Đây mới thật là thứ tình thương mà Đức Chí Tôn đã dạy cho nhơn loại chúng ta trong buổi hạ nguơn văn minh cùng tột nầy vậy. Thứ tình thương cao đẹp ấy là cái “Bổn” mà tất cả chúng ta đều có, chỉ cần phát huy thì được nẩy nở vậy. Anh Cả Giáo Tông Thiện Pháp dạy :


Thương yêu nguồn gốc ở nơi Thầy

Sanh hóa vạn loài khắp đó đây

Thế giới tạo thành ban sự sống

Muôn loài sinh động, tại trần nầy.


Trong Đạo Cao Đài chúng ta Đức Chí Tôn dạy đặt bảng thương yêu dưới trụ phướn hằng ngày và lá Phướn huỳnh được treo trên trụ phướn có hàng chữ “Thiên Khai Huỳnh Đạo Cao Đài Cứu Thế”. Ngụ ý Đức Chí Tôn dạy loài người phải thật sự tu hành để có được sự thương yêu thật sự ấy là cứu thế.

Đức Chí Tôn chọn đất nước Việt Nam để gieo giống Đạo Cao Đài trong khi dân tộc Việt Nam ta chịu bao cảnh đau thương, trong thời chiến tranh ly loạn, nhằm để ban rãi mối Đạo vàng hầu cải thiện lòng tham dục của loài người qua sự thương yêu chân thật. Có thương yêu chân thật mới đem lại hòa bình chân thật cho nhơn loại. Thầy dạy :


Các con giữ tình thương khắng khít

Mối liên hoan chằng chịt với nhau

Không phân sắc, tóc, da màu

Đồng chung nhơn loại, đồng chung con Thầy.


Con người vì lòng tham, sân, si, ích kỷ nên bị che khuất cái bổn tánh thiện lương từ Đức Chí Tôn ban cho, chính cái bổn tánh ấy là sự thương yêu chân thật vô biên, không thay đổi theo thời gian, là sự thương yêu đã có từ vô thủy, từ Thái Cực Thánh Hoàng, là bài học thương yêu mà mỗi Thánh tịnh địa phương thường đặt ở trước tiền điện, hay trong các văn phòng, ngụ ý là khuyên hãy đọc tụng nó, tập sống chung với nó, vì nó là chân lý là tình thương cao thượng không thể đem so sánh với tình thương ở cõi trần tục nầy, vì nó không phai màu, đổi sắc như những thứ tình thương ích kỷ của con người.

Đức Mẹ day :


Thương là tánh Phật với lòng Trời

Thương rộng tràn trề chẳng vực vơi

Thương trọn tình thương, thương của Mẹ

Thương còn khi ghét ấy là đời.


Người phàm phu tục tử một khi biết giác ngộ ăn năn tu hành thật sự thì sẽ được trở lại cái bổn tánh thiện lương, hầu thoát khỏi sông mê bể khổ. Cũng như tình thương yêu chân thật, nó được phát triển và đồng hành theo sự tu tiến của chúng ta, người tu cần nên buông bỏ lần cái Ngã to lớn tạm bợ bên ngoài, để tìm về cái chân ngã bên trong thì tình thương nó cũng được mở rộng theo vậy.


Chúng ta không thể phủ nhận tình thương ích kỷ, vì rằng nhơn loại đang hòa mình và sống theo lối tình thương ấy, trong đó có chúng ta, nhơn loại tranh đấu cấu xé với nhau vì cái danh, cái lợi làm nhiều việc tội lỗi thấp hèn, cũng vì ảnh hưởng chỗ tình thương ích kỷ. Trong tôn giáo là nơi tu hành, là nơi trau dồi thân tâm cho đến chỗ hoàn thiện, để được sống thanh cao, vậy mà cũng không thể tránh khỏi được chỗ tầm thường ích kỷ. Ta đang sống với tình thương ích kỷ, nhưng cũng nên hạn chế lần lần để diệt lòng tham dục, bới về tranh danh, đoạt lợi để được gần và trở lại cơ thể của sự thương yêu nơi đức háo sanh Thượng Đế.


Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Thầy dạy : “Điều Thầy vui hơn hết là muốn cho các con thương yêu giúp lẫn nhau, như con một nhà, phải đồng tâm hiệp chí, chia vui sớt nhọc cho nhau, nương đỡ dìu dắt nhau, đem lên con đường đạo đức, tránh khỏi bến trần ai khốn đốn nầy mà cả muôn triệu sanh linh đã chìm đắm, vì mồi phú qui, bả vinh hoa.

Thầy trông mong nơi các con, chớ nên vì chuyện nhỏ mọn phàm tục mà bức hẳn mối tương thân, tương ái thì chẳng phải là đức tánh của kẻ tu hành đó”.


Thầy dạy hãy xã kỷ, vị tha, thương yêu thật sự, chớ không được ghét, để giúp nhau là điều Thầy vui hơn hết và hãy coi nhau như anh em ruột để dìu nhau trên con đường đạo đức, ngược lại nếu ghét lẫn nhau thì không phải là đức tánh của kẻ tu hành thật sự.


Phật, Thánh, Tiên không có sự ghét, bởi vì những vị ấy đã loại bỏ sự ghét lần lần cho đến khi các ngài thành Đạo, nếu còn chút ích kỷ ghét ganh thì không đủ chuẩn để đạt đạo. Đạo Trời là tình thương, thứ tình thương thật sự bao la vô bờ bến tự có nơi nội tâm của mọi con người, nếu người có đạo tâm là người biết sống cho người khác, biết sống cho tập thể và biết sống cho xã hội, ấy là tình thương yêu chân thật của Thượng Đế ban cho mỗi chúng ta, ta hãy tập và sống chung với tình thương của Thượng Đế.


Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Đức Thường Cư Nam Hải dạy: Các em có hiểu vì sao mà phải khai rộng tình thương cho đến bác ái chăng?... Vì vạn vật do Đức Từ Bi mà sanh hóa trong cả thế gian, vậy vạn vật đồng nhứt thể. Tánh háo sanh của Đức Đại Từ Bi cũng nhân đó mà vô biên, vô giới. Còn chúng ta lại là một loài trong vạn vật, thì chúng ta cũng ở trong luật hóa sanh ấy. Vì vậy mà hễ giết một mạng sống thì đau lòng Đức Đại Từ Bi, mà hễ đau lòng Đức Đại Từ Bi, thì Thiên sầu, Địa thảm. Các em thử nghĩ, người tục có dám phạm đến oai Trời chăng?... Cứ do đó, thì ta đủ rõ rằng: Ta phải mở lòng bác ái thương xuống các vật yếu hèn, một là tránh khỏi sa vào luật quả báo, vì luật Thiên điều chẳng hề vị ai”.


Cho nên Thầy dạy hãy đem cái tình thương bao la vô bờ bến ấy mà thương yêu tất cả trong vạn loại. Tình thương ấy được ban cho mà không bao giờ lấy lại, đó là sự Thương yêu để giữ bền cơ sanh hóa của Thầy là (Bài Học Thương Yêu).


Bài học Thương yêu mà Thầy đã dạy cho chúng ta là thứ tình thương yêu tuyệt đối được trải rộng khắp trong bầu vũ trụ. Tình thương ấy được bắt nguồn từ khi lý Vô Cực hóa sanh Thái Cực, bởi Thầy dạy : “Thầy là Cha cả sự Thương yêu” cho nên Thầy ban rải sự thương yêu khắp trong muôn loài vạn vật, không chỗ nào không có sự thương yêu của Thầy vậy.


Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:


“Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận

Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường

Không lãnh vực, không biên cương

Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài”.


Chúng ta Tu Phước chưa gọi là đủ, mà còn phải tinh tấn trong Tu Huệ để được trở lại với chính Bổn Nguyên của mình là Chơn Như Phật Tánh, khi ấy không còn tánh tầm thường ích kỷ, tham, sân, si nữa, thì tình thương yêu chân thật cùng lúc được phát triển, ta không còn thương, ghét theo sự thường tình nhỏ hẹp nữa, mà ta được hòa với Cơ Thể của Sự Thương Yêu vậy.


Tình thương ích kỷ ví như ánh sáng của một đốm nhang, mà cũng là cái nguyên nhân để được kết quả là ánh sáng của vầng Thái Dương. Mong sao tất cả đều có được cái tình thương vô cực ấy, để được trải rộng khắp trong muôn loài vạn vật, hầu ban vui, cứu khổ mà không cần đòi hỏi, và cũng không bao giờ lấy lại.


Vậy chúng ta cùng nhau tập sống chung với Tình Thương Yêu Thượng Đế để được phát triển, cuối cùng trong kiếp tu hành, sẽ có được thứ tình thương không biên cương ấy là : “Đạo Tâm”, và nhớ đọc tụng câu : “Không có tôn giáo nào qua chân lý, không có phép mầu nào thắng được tình thương”. Bởi tình thương là chân lý, có tình thương là có tất cả…

 

 

Thanh Tâm

Tạp chí Cao Đài, số 8 (10/2011), tr. 12-14.