Lịch sử Dòng Anh Em Hèn Mọn - Dòng Nhất (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2205 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


V. NHÓM TU VIỆN VÀ NHÓM TUÂN THỦ (1328-1417)


56. Hai thế kỷ XIV và XV được đánh dấu bằng hai khuynh hướng chính xuất hiện trong nhiều Dòng tu, và đặc biệt trong Dòng Phan sinh. Một bên là nhóm Tu Viện, bên kia là phong trào canh tân được biết đến với danh xưng là Nhóm Tuân thủ.


57. Từ "tu viện" do chữ Latinh "Conventus". Lúc đầu nó được dùng để chỉ những loại nhà trong đó anh em sinh sống. Chúng ta đã ghi chú sự phân biệt giữa những nhà gọi là Tu viện và những nhà không phải là Tu viện của anh em. Những anh em nào sống trong những ngôi nhà đồ sộ của Dòng, có nhà nguyện riêng, bắt đầu được gọi là anh em "tu viện". Đức Giáo Hoàng Innôxentô IV nhắc đến những nhà thờ thuộc các Tu viện của Dòng vào thời giữa thế kỷ XIII. Vào đầu thế kỷ XIV, sự phân biệt giữa các cộng đoàn Tu viện và không phải là Tu viện trở nên rõ ràng hơn, nhất là đối nghịch với những ngôi ẩn viện thô sơ, nơi nảy sinh các cuộc canh tân của Dòng. Cuối cùng, từ Tu viện và Tuân thủ cho thấy sự phân biệt rất chính xác giữa hai gia đình trong dòng Phan sinh.


58. Chúng ta đã thấy những hậu quả của cuộc tranh cãi giữa Đức Giáo Hoàng Gioan XXII với Dòng, và việc chọn anh Gêrađô Eudes làm Tổng Phục vụ. Gia đình Anh em Thiêng Liêng chính thức bị giải thể nhưng sự thôi thúc phải canh tân trong Dòng không mất đi. Từ cùng những chiến tuyến của Anh em Thiêng liêng, những cuộc canh tân mới lại nảy sinh. Phía bên kia, các anh em Cộng đoàn lúc bấy giờ đã chọn một lối sống đối kháng trực tiếp với sự tuân giữ nghiêm nhặt Luật Dòng. Nhiều người nghiêng về phía khuynh hướng được gọi là Chủ nghĩa Tu Viện (Conventualism). Có những yếu tố khác góp phần làm cho đời sống tu trì trở nên nghèo nàn, đó là cơn dịch đen năm 1348, làm tiêu tan các Dòng tu, kéo theo hậu quả là sự tuyển chọn các ơn gọi mới không được kỹ càng.


59. Anh Gêrađô Eudes được đặt làm Thượng phụ Antiôkia năm 1342. Người kế vị là anh Fortanêriô Vassali (1343-1348). Dòng phải nhận một loạt những Hiến Chương có sẵn tạo nên rối rắm cho Lịch sử luật pháp của Dòng. Hiến Chương Biển Đức (Caturcenses) do Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XII trao cho Tổng Tu nghị Cahors năm 1337, thích hợp với một Đan viện hơn là với một Dòng hành khất.


60. Năm 1348, anh Vassali trở thành Giám mục Ravena và anh Guillaume Farinier (1348-1357) được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh công bố bản Hiến Chương gọi là "Hiến Chương Farinier". Hiến Chương này chấp nhận Hiến Chương Narbonne cùng với những luật lệ do hai trọng sắc "Exiit" và "Exivi" đề ra.


61. Sau khi được đặt làm Hồng Y, anh Farinier tiếp tục quản trị Dòng cho đến Tổng Tu nghị 1357, trong đó anh Gioan Bouchier được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh này chỉ nắm chức vụ một năm mà thôi, và anh Farinier lại đảm nhận trách nhiệm với tư cách là Đại diện cho đến Tổng Tu nghị năm 1359, khi anh Maccô Viterbô được bầu chọn. Năm 1366, anh Maccô được đặt làm Hồng Y và việc quản trị Dòng được trao vào tay Đức Hồng Y Bảo trợ, Đức Hồng Y Nicôla Besse, cho đến năm 1367 khi anh Tôma Frignanô được bầu làm Tổng Phục vụ (1367-1372). Năm 1373, tại Tu nghị Toulouse, anh Lêônarđô Rossi Giffonê đắc cử Tổng Phục vụ. Anh là Tổng Phục vụ cuối cùng của thời gian trước cuộc khủng hoảng lớn (1378-1417).


62. Năm 1378, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XI qua đời. Đức Giáo Hoàng Urbanô VI được bầu lên ở Rôma, nhưng các Đức Hồng Y chống lại ngài mãnh liệt quá đến nỗi họ chọn một Đức Giáo Hoàng mới, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII. Đức Giáo Hoàng này dời Tòa Thánh về Avignon. Những người kế vị Đức Giáo Hoàng Urbanô VI là Bônifaciô IX, Innôxentê VII và Grêgôriô XII. Người kế vị Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII là Bênêdictô XIII. Cuộc chia rẽ này trong Giáo Hội cũng lan đến các Dòng tu, trong đó các tu sĩ theo hướng này hay hướng khác, mỗi hướng có Tổng Phục vụ riêng. Tình trạng đau buồn này cho thấy nhu cầu canh tân là thiết thực, nhu cầu này không bao giờ thiếu trong lịch sử lâu dài của Dòng Phan sinh.


63. Phong trào canh tân của Nhánh Tuân thủ nảy sinh và phát triển trong giai đoạn từ 1334 đến 1354, và sau đó cách dứt khoát từ năm 1368. Điều quan trọng phải chú ý là chúng ta đang nói về Nhánh Tuân thủ ở Ý. Phong trào canh tân xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau, nhưng nguyên thủy nó không phải là một phong trào thống nhất. Chúng tôi sẽ gợi đến một phong trào canh tân tương tự ở Tây-ban-nha.


64. Năm 1334, anh Gioan Vallê, một đệ tử của anh Angêlô Clarênô, rút lui về ẩn viện Bruglianô gần Fôlinô, nhằm sống theo luật Dòng Phan sinh mà không theo những giải thích của các Đức Giáo Hoàng. Anh qua đời năm 1351. Lúc đầu, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI chống lại ý tưởng này, nhưng về sau, Ngài cho phép anh Gentil Spôlêtô tiếp tục cuộc canh tân cùng với những anh em khác. Họ sống trong các ẩn viện, đặc biệt tại Carcêri, gần Assisi. Không may, những anh em này thường bị coi như những môn đệ của Nhóm Fraticelli. Quả thực, họ có liên lạc với nhau. Bởi thế, Tổng Tu nghị Assisi năm 1354 quyết định dẹp bỏ phong trào mới này.


65. Trong những anh em ấy, có anh Phaolô Trinci vẫn hi vọng rằng cuộc canh tân sẽ thành công. Năm 1368, anh xin được phép anh Tổng Phục vụ Tôma Frignanô quay về Bruglianô cùng với những anh em khác. Ở đây họ sống trong sự nghèo khó cùng cực. Họ mang những đôi guốc gỗ, và dân chúng bắt đầu gọi họ là "Zoccôlanti". Lần lần họ bành trướng ra những ẩn viện khác nhau, trong số đó có ẩn viện Carcêri, Thánh-Đamianô, Grêxiô, Fontê-Côlômbô và Poggiô Bustônê. Năm 1380, anh Phaolô Trinci được đặt làm Tổng Đại diện cho 12 ẩn viện của phong trào canh tân ở miền trung nước Ý, với phép được nhận các tập sinh. Anh Trinci qua đời năm 1390, sau khi đã sống ở Bruglianô.


66. Người kế nhiệm anh là anh Gioan Stroncôniô, anh này qua đời năm 1418. Năm 1414, các Tu viện Cải cách ở Ý lên đến con số 34 nhà, và năm 1415, huynh đệ đoàn Porziuncula sát nhập vào phong trào canh tân của Anh em Tuân thủ, với điều kiện phải tiếp tục gởi hoa lợi của họ về cho Sacrô-Conventô ở Assisi.


67. Nhánh Tuân thủ ở Ý được tổ chức dựa trên những nền tảng vững chắc là bốn cột trụ vĩ đại của cuộc canh tân, đó là thánh Bernađinô Xiêna, gia nhập nhóm canh tân năm 1402; Thánh Gioan Capistranô, nhập Dòng Phan sinh năm 1414; anh Albertô Sartianô, gia nhập Nhánh Tuân thủ năm 1415; và anh Giacôbê Marche, là anh em Phan sinh từ năm 1416.


68. Nhánh Tuân thủ canh tân ở Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha phát triển độc lập với Nhánh ở Ý. Cả ba Tỉnh Dòng Santiagô, Aragon và Castille đều có những Tu viện canh tân riêng của họ, chúng được thành lập cách tự phát. Người quan trọng nhất trong số những nhà canh tân ấy là anh Phêrô Vilacre, anh bắt đầu cuộc canh tân khoảng năm 1403.


69. Khoảng năm 1390, một số anh em trong tỉnh Dòng Touraine ở Pháp xin được phép sống Luật Dòng cách nhiệm nhặt hơn. Họ lập huynh đệ đoàn Mirabeau, và sau này nhiều tu viện canh tân khác.


70. Lịch sử phong trào canh tân Ở Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha và Pháp rất phức tạp, và xin độc giả tìm đến những thư mục ở cuối tập này. Một điều chắc chắn và phải nhấn mạnh hơn cả : phong trào Tuân thủ không phải là một khối. Sử gia Phan sinh Holzapfel ghi : "Thật là cực kỳ ngây ngô nếu cho rằng Nhánh Tuân thủ từ Ý lan rộng ra băng qua dãy Núi Alpes".


71. Trong cuộc Đại Phân ly, anh Tổng Phục vụ Lêônarđô Rossi (1373-1378) quyết định vâng phục Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII ở Avignon. Những Tổng Phục vụ kế tiếp theo chiều hướng vâng phục Avignon là Angêlô Spôlêtô (1379-1391), Gioan Chevegneyô (1391-1402), Gioan Barđôlini (1403-1427). Đức Giáo Hoàng ở Rôma, Đức Urbanô VI tuyên bố cất chức Tổng Phục vụ của anh Rossi và bổ nhiệm anh Luy Đônatô (1379-1383). Những Tổng Phục vụ kế tiếp theo chiều hướng vâng phục Roma là Phêrô Conzano, Martinô Sangiogiô (1384-1387), Henri Alfiêri (1387-1405), Antôn Pirêtô (1405-1408), Guglielmô Suvêrêtô (1408-1409), Antôn Casia (1410-1415).


72. Trong nhiệm kỳ Tổng Phục vụ của anh Antôn Pirêtô, một số Đức Hồng Y từ Avignon quyết định cất chức cả hai vị Giáo Hoàng. Họ gặp nhau ở Pisena 1409, và bầu một anh Phan sinh, Phêrô Philarge Crêta, làm Đức Giáo Hoàng dưới danh hiệu Alexandre V. Thế là bây giờ có ba Đức Giáo Hoàng, một ở Rôma, một ở Avignon, và một ở Pise! Đức Giáo Hoàng Pise chỉ có một người kế nhiệm duy nhất, đó là Đức Giáo Hoàng Gioan XIII (đừng lộn với Đức Giáo Hoàng Gioan XIII Roncalli). May thay lương tri đã thắng thế, và công đồng Constance đã được triệu tập (1415-1418) để chấm dứt cuộc khủng hoảng lớn và canh tân Giáo Hội. Tháng 11 năm 1417, sau khi tất cả các Đức Giáo Hoàng đương nhiệm đều rút lui, Đức Martinô V được bầu làm Đức Giáo Hoàng duy nhất ở Rôma.


VI. TỪ KẾT THÚC CUỘC KHỦNG HOẢNG (1417) ĐẾN CUỘC PHÂN RẼ DÒNG (1517)


73. Tổng Tu nghị Forli (năm 1421), bầu anh Angêlô Salvetti làm Tổng Phục vụ. Người kế nhiệm anh là anh Antôn Masa (1424-1430). Những năm này đánh dấu một thời kỳ đáng lưu ý trong Lịch sử Dòng, đặc biệt liên quan đến sự lan rộng và tổ chức của Nhánh Tuân thủ.


74. Đức Giáo Hoàng Martinô V kêu gọi tổ chức một "Capitulum generalisum : "Đại Tổng Tu nghị" tại Assisi năm 1430. Tu nghị này công bố Hiến Chương mới (gọi là Hiến Chương Martinô). Linh hồn Tổng Tu nghị là anh Gioan Capistranô, anh muốn cho phong trào Tuân thủ ở lại trong sự hiệp nhất với Dòng. Anh tân Tổng Phục vụ, Juliên Caslê (1430-1442) chấp nhận nguyên tắc canh tân trong Dòng, nhất là mặt liên quan đến đời sống nghèo khó. Nhưng anh sớm đi ngược lại lời nói của mình. Ngày 23-8-1430, Đức Giáo Hoàng Martinô V trao cho Tổng Phục vụ thông diệp "Ad Statum", trong đó ngài ban phép cho anh em, qua những người quản lý, được giữ lại và quản trị bất cứ tài sản nào. Văn kiện này đánh dấu bản Hiến Chương vĩ đại của nhánh Tu viện trong Lịch sử của Dòng.


75. Khi Đức Giáo Hoàng Martinô V qua đời, vị Giáo Hoàng tiếp theo, Đức Eugène IV (1431-144?) là một nhà vô địch trong cuộc canh tân đời sống tu trì, và đặc biệt trong Dòng Phan sinh. Ngài cho phép các anh em Tuân nhủ được có những phó Phục vụ riêng. Năm 1431, ẩn viện Anverna thuộc về Anh em Tuân thủ và năm 1434, Đức Giáo Hoàng Eugène IV tuyên bố Anh em Tuân thủ là những người độc quyền chăm sóc Đất-Thánh. Năm 1437, Đức Giáo Hoàng đặt anh Bernađinô Xiêna là phó Tổng Phục vụ của Anh em Tuân thủ ở Ý. Từ bấy giờ Dòng Phan sinh được chia thành hai bên, một bên là những anh em "Sub ministris: Phục vụ cấp cao", đó là gia đình Anh em Tu viện đặt dưới quyền anh Tổng Phục vụ, bên kia là những anh em "Sub vicariis : phó Phục vụ cấp cao", đó là gia đình Anh em Tuân thủ, đặt dưới quyền anh phó Tổng Phục vụ. Nhưng cũng có những phân biệt khác nữa. Cùng một gia đình Tuân thủ được chia thành nhánh bên này và nhánh bên kia núi (phía tây-bắc và đông-nam núi Alpes). Anh em Tuân thủ Pháp và Tây-ban-nha vẫn cương quyết duy trì tính độc lập của mình. Năm 1439, trong lúc Đức Giáo Hoàng Eugène IV bị lưu đày, một ngụy Giáo Hoàng đã được bâu lên, Fêlix V, được các tỉnh Dòng Đức hỗ trợ, đến lượt các tỉnh Dòng Đức lại bầu anh Matthias làm Tổng Phục vụ của họ.


76. Năm 1442, anh Juliên Casalê qua đời. Tu nghị Padua, năm 1443, bầu anh phó Tổng Phục vụ Albertô Sartinô, một anh em canh tân, nhưng Anh em Tu việnchống đối anh mạnh quá nên anh đã phải đột nhiên từ chức. Anh Antôn Ruscôni gốc Cômô (1443-1449) được bầu lên thay. Anh Gioan Capistranô được đặt làm phó Tổng Phục vụ cho anh em Tuân thủ bên này núi, và anh Gioan Pêrgiốt Maubertlàm phó Tổng Phục vụ cho Anh em Tuân thủ bên kia núi. Con đường dẫn đến cuộc chia cắt hoàn toàn giữa gia đình Tuân thủ coi như không thể tránh được.


77. Năm 1446, Đức Giáo Hoàng Eugène IV công bố trọng sắc "Ut Sacra Ordini Minorum Religio", mở đường cho sự chia cắt thành hai nhánh Phan sinh của Dòng nhất. Trọng sắc cho phép Anh em Tuân thủ được quyền bầu chọn các phó Tổng Phục vụ của mình. Anh Tổng Phục vụ sẽ phê chuẩn họ, nhưng vẫn giữ quyền đi kinh lý tất cả các huynh đệ đoàn Anh em Tuân thủ. Không một Anh em Tuân thủ nào được vượt qua ranh giới anh em Tu viện. Các Anh em Tu việnđược tự do gia nhập phong trào canh tân của Anh em Tuân thủ.


78. Năm 1445, huynh đệ đoàn Aracoeli ở Rôma được trao cho Anh em Tuân thủ. Năm 1449, anh Gioan Capstranô được bầu lại làm phó Tổng Phục vụ của Anh em Tuân thủ, và năm 1450, anh Bernađônê Xiêna được phong thánh. Cuộc phong thánh của anh làm sáng giá cho chính nghĩa của Anh em Tuân thủ. Ngay trong nội bộ của Anh em Tuân thủ, tuy thế, mọi chuyện không phải êm thắm như chúng ta nghĩ. Có nhiều anh em ở Tây-ban-nha, Pháp và những nơi khác, quả quyết là họ theo canh tân, nhưng không phải dưới quyền các anh phó Tổng Phục vụ của Anh em Tuân thủ, mà là trực tiếp vâng phục anh Tổng Phục vụ, luôn là một anh Tu viện. Trong khi Anh em Tuân thủ phía tây-bắc núi Alpes theo Hiến Chương của Đức Giáo Hoàng Martinô, anh em phía đông-nam lại theo Hiến Chương Barxêlôna từ 1452 trở về sau.


79. Dưới tầm ảnh hưởng trực tiếp của anh Giacôbê Marche, ngày 02-02-1456, Đức Giáo Hoàng Callistô III công bố trọng sắc "Concordiae", nhằm mục đích hòa giải anh em Tuân thủ và anh em Tu viện. Anh em Tuân thủ được hỏi đã cho biết họ không thích hợp với anh em Tu viện.


80. Năm 1464, anh Phanxicô Rôvêrô được bầu làm Tổng Phục vụ (1464-1469). Về sau anh trở thành Đức Giáo Hoàng Sixtô IV (1471-1484). Anh em Tu việnđược nhận huynh đệ đoàn Các Thánh Tông Đồ ở Rôma, sau khi họ đã mất Aracoeli. Với tư cách Tổng Phục vụ và Giáo Hoàng, Đức Sixtô IV cố gắng hổ trợ cuộc canh tân trong Dòng, nhưng những cố gắng của ngài không mấy kết quả. Anh phó Tổng Phục vụ Tuân thủ, Marcô Bôlôgna, thất bại trong nổ lực bênh vực cuộc canh tân trong cuộc mật nghị, khi áp lực đòi hủy bỏ trọng sắc "Ut Sacra Ordinis" của Đức Giáo Hoàng Eugene IV.


81. Trong Tổng Tu nghị Urbinô(1475), anh Phanxicô Nanni, được coi như Samson, được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh ở lại chức vụ cho đến 1499. Anh giữ thế chừng mực trong việc theo hướng canh tân, và anh hoàn toàn hỗ trợ Anh em Tuân thủ. Nhưng anh không bằng lòng chút nào với những phương pháp của Đức Hồng Y Phanxicô Ximênes Cisnêros, một anh Phan sinh Tuân thủ, Tổng Giám mục Tôlêđô, ngài được vua Tây-ban-nha ban quyền để thúc đẩy cuộc canh tân trong tất cả các Tu việncủa Dòng ở Tây-ban-nha.


82. Một cuộc canh tân quan trọng xảy ra ở Tây-ban-nha thời gian này. Năm 1480, anh Gioan Puebla gia nhập Dòng. Sau một thời gian ngắn sống ở ẩn viện Carcéri, anh trở về Tây-ban-nha. Anh thiết lập ẩn viện Đức Bà các Thiên Thần ở Sierra Môrêna. Hạt Dòng các Thiên Thần thuộc quyền các phó Tổng Phục vụ Tuân thủ. Anh Tổng Phục vụ tương lai, anh Quinônes (1523-1527) xuất thân từ hạt Dòng này. Sau khi anh Gioan Puebla qua đời năm 1495, anh Gioan Guadalupe nắm quyền lãnh đạo hạt Dòng và đặt nó dưới quyền anh Tổng Phục vụ (thuộc Nhánh Tu viện). Anh em của anh bắt đầu được gọi là "Anh em Lúp dài" hoặc "anh em chân trần". Về sau họ được biết đến như những anh em Alcantara, khi anh Phêrô Alcantara gia nhập cuộc canh tân này. Có những cuộc canh tân khác ở Ý, chẳng hạn anh em Amadeiti, đặt dưới quyền anh em Tu viện.


83.Tổng Tu nghị Teri chọn anh Êgiđiô Đelfini làm Tổng Phục vụ (1500-1506). Anh cũng cố gắng làm dịu làn sóng và cổ võ cải tổ trong hàng ngũ anh em Tu viện, và anh xin sự giúp đỡ của Đức Giáo Hoàng Julius II (1503-1513) cũng đã là một anh em Tu viện. Anh triệu tập một cuộc "Capitulum generalissimum : Đại Tổng Tu nghị" ở Rôma năm 1506. Nhưng kế hoạch hợp nhất của anh bị đổ vỡ. Anh Tổng Phục vụ cuối cùng trước cuộc phân rẽ vĩnh viễn là anh Bernađinô Prati (1513-1517). Vụ việc lúc bấy giờ đã ở bên bờ gây cớ vấp phạm cho công chúng, và việc phân rẽ là con đường duy nhất cho Dòng. Đức Giáo Hoàng Lêô X (1513-1521) nhận thấy vụ việc sẽ như thế. Ngày 11-07-1516, Ngài triệu tập một cuộc "Capitulum generalissimum" ở Rôma ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 31-05-1517, trong đó tất cả các nhánh trong Dòng đều phải có mặt - Tu viện, Tuân thủ, Amadeiti, Coletta, Clarena, anh em Lúp dài.


84. Khi các nghị phụ gặp nhau, anh em sớm thấy rõ ràng rằng Anh em Tuân thủ không muốn có sự phân rẽ, nhưng họ cũng không muốn chấp nhận một anh Tổng Phục vụ không thuộc cánh canh tân. Phía bên kia các Anh em Tu việnxác quyết quyền chính đáng của mình là tuân theo những tuyên bố của các Đức Giáo Hoàng và những châm chước với tất cả sự bình an của lương tâm. Bởi thế, Đức Giáo Hoàng công bố trọng sắc "Ite vos in vineam meam : Anh em hãy đi làm vườn nho cho tôi" ngày 29-05-2517. Ngài thông báo cho Anh em Tu việnbiết rằng họ có thể sống độc lập, nhưng họ phải từ bỏ quyền được có một Tổng Phục vụ bầu chọn trong hàng ngũ của họ. Còn đối với các nhánh canh tân, Đức Giáo Hoàng truyền tất cả họ phải hợp nhất lại với nhau, bỏ các danh xưng của mình, và chỉ gọi bằng danh xưng duy nhất là "Dòng Anh em Hèn mọn". Từ trong hàng ngũ của họ, một Minister Genéralis totius Ordeinis Minorum : Tổng Phục vụ của toàn thể Dòng Anh em Hèn mọn" được bầu chọn, cho một giai đoạn sáu năm, luân phiên theo gia đình bên này và bên kia núi Alpes. Tuy thế anh em canh tân vẫn tiếp tục giữ tính từ Dòng Anh em Hèn mọn Tuân thủ cho mãi đến 1897.


85. Ngày 01-06-1527, anh Christophe Numai thuộc gia đình phía tây bắc núi Alpes được bầu làm tân Tổng Phục vụ. Anh Bernađinô Prati giao lại con dấu.

86. Ngày 14-06-1517, Đức Giáo Hoàng Lêô X công bố trọng sắc "Omnipotens Deus: Thiên Chúa toàn năng" hoặc " trọng sắc hòa hợp", Trong đó ngài truyền Anh em Hèn mọn Nhánh Tu việnphải có một "Magiter Generalis : Tổng Giám Đốc", anh phải được Tổng Phục vụ của Dòng phê chuẩn. Trên thực tế, lệnh này không bao giờ được chấp hành, vì Anh em Tu việntiếp tục hiện hữu như một Dòng hoàn toàn độc lập, với Vị Tổng Phục vụ riêng của họ.


87. Chúng ta hãy kết thúc những nhận định của chúng ta với lời của anh Holzapfel : "Hai phía, phía canh tân và phía không canh tân, thật khác nhau trong lối sống và trong thái độ của họ đối với Luật Dòng, đến nỗi họ không tìm ra chỗ trong một xã hội hợp nhất. Nếu cả hai phía đều được phép tiếp tục, sự phân rẽ hoàn toàn là giải pháp duy nhất. Bất cứ người bạn chân thành nào của Dòng đều than tiếc về chuyện đó, không quan trọng họ hôm nay thuộc gia đình nào trong Dòng. Thật là bất công nếu đồng hóa Anh em Tu việnngày nay đang giữ kỷ luật tu trì của họ với Anh em Tu việnkhông canh tân hồi thế kỷ 15, cũng giống như Anh em Hèn mọn ngày nay không lý gì phải bào chữa cho những lỗi lầm của Anh em Tuân thủ thời ấy."


(còn tiếp)


Nguồn: ofmvn.org


= = = = = = = = = =

Bài liên quan:

 

Lịch sử Dòng Anh Em Hèn Mọn - Dòng Nhất (1)