Lịch sử tâm lý học Tôn giáo (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 704 | Cật nhập lần cuối: 4/6/2022 12:20:24 PM | RSS

Lịch sử tâm lý học Tôn giáo (1)Các nhà tâm lý học tôn giáo muốn biết tôn giáo là gì dưới khía cạnh tâm lý. Công việc của họ là tìm hiểu cách thức mà niềm tin của một cá nhân hoạt động trong thế giới riêng của người ấy. Lĩnh vực Tâm lý học tôn giáo (Psychology of Religion) bao gồm nhiều dạng nghiên cứu vốn có cơ sở lý thuyết sâu rộng, để lý giải ý nghĩa và mô hình tâm lý của các nội dung, tư tưởng và thực hành tôn giáo mang tính tập thể và cá nhân. Chắc chắn tiền thân của các cuộc điều tra mang tính nội tâm và thực nghiệm được tìm thấy trong lĩnh vực tâm lý học tôn giáo, có thể được nhận thấy trong các bản văn của truyền thống tôn giáo mang tính huyền bí, hiện sinh, triết học, thần học và thơ ca ở cả Đông phương lẫn Tây phương. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIX, các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội đã có hệ thống hơn, và người ta cũng nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm hiểu các hiện tượng tôn giáo. Lịch sử ngành tâm lý học tôn giáo có thể được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 1880 đến Đệ nhị thế chiến, giai đoạn 2 từ thời kỳ hậu chiến đến những năm 1960, và giai đoạn 3 từ năm 1970 đến năm 2005.

Bài viết gồm 2 phần: Phần đầu tiên là việc dịch thuật và tổng hợp kiến thức từ một số tài liệu về tâm lý học tôn giáo. Phần thứ hai là một vài nhận định của tác giả về vấn đề tâm lý học tôn giáo dưới khía cạnh phương pháp luận, và ứng dụng thực hành; vài cảm nhận về trải nghiệm và bản chất tôn giáo nói chung.

Nội dung gồm:

1. Lịch sử tâm lý học tôn giáo
 Giai đoạn 1: từ năm 1880 đến Đệ nhị thế chiến
 Giai đoạn 2: từ thời kỳ hậu chiến đến những năm 1960
 Giai đoạn 3: từ năm 1970 đến năm 2005
 Các nguyên lý và truyền thống về mặt phương pháp luận
 Các mục tiêu chính
2. Một vài nhận định

1. LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC TÔN GIÁO

Trong số nhiều phân ngành trong chuyên ngành tâm lý học, “Tâm lý học tôn giáo” (Psychology of Religion) là một trong những phân ngành đầu tiên xuất hiện từ khoa học tâm lý học thực nghiệm, vốn chỉ mới được hình thành vào cuối thế kỷ XIX tại Âu châu và Hoa Kỳ. Thành công vượt bậc của khoa học vật lý trong việc tìm hiểu thế giới tự nhiên đã gợi ý cho các học giả ở thế kỷ XIX rằng, các phương pháp khoa học cũng có thể được áp dụng cho khía cạnh con người, từ đó làm nảy sinh lĩnh vực tâm lý học dưới góc độ khoa học (scientific psychology), cũng như các “khoa học nhân văn” (Human sciences) nói chung, và “khoa học tôn giáo” (Religionswissenschaften) nói riêng, hay cũng gọi là “nghiên cứu tôn giáo” (Religious studies).

Các học giả người Mỹ sáng lập tâm lý học tôn giáo bao gồm: Stanley Hall, William James, Edwin Starbuck, James Leuba, James Pratt, George Coe, Edward Ames, và George Stratton, đã hiểu thuật ngữ “religion” vốn chứa đựng cả lòng mộ đạo cá nhân và các truyền thống tôn giáo về mặt lịch sử. Sử dụng các phương pháp định tính và định lượng, các học giả này đã nhận được nhiều thành quả nghiên cứu về tôn giáo từ các nhà nhân học, xã hội học, ngôn ngữ học, sử học tôn giáo. Pratt, một trong những người đề xướng đầu liên, đã dành thời gian đi đến các quốc gia như Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm hiểu các truyền thống tôn giáo chính của Đông phương. (1)

Các nhà tâm lý học tôn giáo muốn biết tôn giáo là gì dưới khía cạnh tâm lý. Công việc của họ là tìm hiểu cách thức mà niềm tin của một cá nhân hoạt động trong thế giớiriêng của người ấy. Lĩnh vực Tâm lý học tôn giáo (Psychology of Religion) bao gồm nhiều dạng nghiên cứu vốn có cơ sở lý thuyết sâu rộng, để lý giải ý nghĩa và mô hình tâm lý của các nội dung, tư tưởng và thực hành tôn giáo mang tính tập thể và cá nhân. Chắc chắn tiền thân của các cuộc điều tra mang tính nội tâm và thực nghiệm được tìm thấy trong lĩnh vực tâm lý học tôn giáo, có thể được nhận thấy trong các bản văn của truyền thống tôn giáo mang tính huyền bí, hiện sinh, triết học, thần học và thơ ca ở cả Đông phương lẫn Tây phương. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIX, các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội đã có hệ thống hơn, và người ta cũng nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm hiểu các hiện tượng tôn giáo. Lịch sử ngành tâm lý học tôn giáo có thể được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 1880 đến Đệ nhị thế chiến, giai đoạn 2 từ thời kỳ hậu chiến đến những năm 1960, và giai đoạn 3 từ năm 1970 đến năm 2005.

1.1. Giai đoạn 1: từ năm 1880 đến Đệ nhị thế chiến

Đây là thời kỳ hình thành ngành tâm lý học tôn giáo với những đóng góp vượt bậc của một số nhà nghiên cứu. Mặc dù nền tri thức có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến từ châu Âu và Bắc Mỹ, thế nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh đó là những học giả có ảnh hưởng lẫn nhau, và sự hợp tác giữa họ có phạm vi quốc tế sâu rộng. Điều này được minh họa rõ nét bởi bức ảnh chụp chung nổi tiếng giữa Sigmund Freud (1856–1939), G. Stanley Hall (1844–1924), William James (1842–1910), và Carl Jung (1875–1961) tại
một hội nghị ở Đại học Clark năm 1909. Một số tạp chí đã được các học giả này thiết lập như Archiv für Religionspsychologie, Zeitschrift für Religionspsychologie, và American Journal of Religious Psychology and Education. Các chủ đề được nghiên cứu tỉ mỉ và khá đa dạng, từ cầu nguyện, hoán cải, huyền bí, cảm xúc tôn giáo, hiện tượng thần bí (paranormal), sự hồi sinh và phát triển tôn giáo, cho đến các vấn đề liên quan đến nghiên cứu đối chiếu tôn giáo và động lực tâm lý giữa tôn giáo, văn hóa và xã hội.

 Sự đóng góp của châu Âu

Ở Âu châu, những đóng góp có tầm ảnh hưởng lớn đến từ một vài quốc gia. Ở Đức, không thể không nói đến tác giả Wilhelm Wundt (1832–1920), được biết đến như người đặt nền tảng cho tâm lý học thực nghiệm (experimental psychology). Ông là người thành lập phòng thí nghiệm đầu tiên để nghiên cứu về hiện tượng tâm lý. Wundt đã tránh việc thu thập các trường hợp cá nhân về niềm tin tôn giáo để ủng hộ cách tiếp cận tâm lý về mặt lịch sử, dân tộc học và dân gian trong việc nghiên cứu tôn giáo. Con đường phân tích kinh nghiệm cá nhân về tôn giáo được giao lại cho người kế nhiệm của ông, đó là Oswald Külpe (1862–1915). Nhà tâm lý học Oswald Külpe là người đứng đầu Trường tâm lý Würzburg; ông đã sửa đổi lối nghiên cứu của Wundt để tạo ra một cách tiếp cận mới mang tính thực nghiệm trong việc tự xem xét nội tâm, vốn có thể áp dụng cho lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo. Học trò của Külpe là Karl Girgensohn (1875–1925), rất nổi tiếng tại Trường nghiên cứu tâm lý học tôn giáo Dorpat của ông, đã đưa ra bảng câu hỏi điều tra cùng sự kích thích các loại hình khác nhau về mặt tôn giáo trong việc bố trí phòng thí nghiệm. Ông kết luận rằng kinh nghiệm tôn giáo là một hiện tượng phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố: nhận thức, cảm xúc, tồn tại. Như David Wulff nhận xét trong tác phẩm Psychology of Religion: Classic and Contemporary (1997), các thành viên trường Dorpat, dựa vào việc bố trí phòng thí nghiệm nhưng chưa đụng đến các chi tiết mô tả, đã bảo vệ các yếu tố của cách tiếp cận tâm lý học tôn giáo dưới khía cạnh hiện tượng học (phương pháp này phát triển mạnh mẽ lúc bấy giờ nhờ học giả William James và các nhà lý thuyết nhân văn hiện sinh sau này trong các tác phẩm của họ), cũng như cách tiếp cận thực nghiệm (được các học giả Bắc Mỹ, cùng nhiều nhà lý thuyết trong các giai đoạn lịch sử nối tiếp thuộc lĩnh vực này áp dụng).

Ở Pháp, một cách tiếp cận riêng biệt về tôn giáo đã xuất hiện, xoay quanh những lý thuyết mới mẻ đầy sáng tạo của Jean Martin Charcot (1825–1893), và người học trò của ông là Pierre Janet (1859–1947). Thông qua các công trình nghiên cứu vốn đưa đến kết quả là sự nối kết các tiến trình tâm bệnh (pyschopathological processes) dựa trên lý thuyết về tiềm thức, sự phát triển của thôi miên, và việc phân tích tiền sử một số trường hợp bất thường về mặt tôn giáo, trường phái này khẳng định đã chứng minh được mối liên quan của các rối loạn tâm thần (đáng kể nhất là chứng cuồng loạn - hysteria) trong niềm tin tôn giáo của cá nhân, cùng những biểu hiện của chúng. Học giả nổi tiếng nhất của trường phái này là Sigmund Freud, người đã sáng lập lý thuyết phân tâm học.

Freud là một trong ba nhà tâm lý học tôn giáo có ảnh hưởng nhất vào lúc ấy (hai người còn lại là William James và Carl Jung). Từ bỏ thuật thôi miên và ủng hộ kỹ thuật liên tưởng tự do để tìm hiểu rõ hơn về động lực tâm lý của bệnh nhân, Freud đã vượt xa Charcot và Janet trong việc phát triển một lý thuyết hoàn toàn mới về tâm trí. Về cơ bản, lý thuyết này là một mô hình xung đột, phân chia tâm lý thành ba phần: vô thức hoặc bản năng (ID) (được xem như kho chứa của những ước muốn bị kìm nén và được thống trị bởi các quá trình của bản năng sơ yếu); bản ngã (EGO) (được xem như sự hiểu biết về các nhu cầu thực tế bên ngoài và được thống trị bởi ánh sáng của lý trí); siêu ngã (SUPER EGO) (tiếng nói của lương tâm). Ngoài ra, Freud còn phát hiện ra một dòng phát triển tâm lý tính dục, mà động lực trung tâm của nó được thống trị bởi sự tồn tại của các xung năng tính dục thời thơ ấu cùng phức cảm Oedipus; đồng thời ông cũng nêu lên lý thuyết về bản năng đã tác động đến sự phát triển của mối tương quan giữa bản ngã, bản năng và siêu ngã. Freud đã áp dụng lý thuyết của mình trong việc nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là tôn giáo, qua các tác phẩm như: Totem und Tabu: Einige Übereinstimmungen im Seelenleben der Wilden und der Neurotiker(1913), và Die Zukunft einerIllusion (1927). Ông tuyên bố tôn giáo là một dấu vết lịch sử, một loại bệnh thần kinh tập thể có tính ám ảnh phổ quát. Như một kiến trúc sư của thời hiện đại, Freud vẫn là một học giả lỗi lạc hàng đầu trong cách tiếp cận tôn giáo về mặt tâm lý, vốn bênh vực cho lối “chú giải về sự ngờ vực” (hermeneutics of suspicion), như cách nói của triết gia Paul Ricoeur.

Ở Pháp, các nhà tư tưởng công giáo như Henri Delacroix (1873–1937) và Joseph Maréchal (1878–1944), đã sử dụng các lý thuyết dưới ngưỡng (subliminal), các trạng thái tiềm thức, để nâng cao sự hiểu biết các tình trạng thần bí xét về mặt thần học. Trong khi đó, F. W. H. Myers (1843–1901) đã tác động mạnh đến các nhà nghiên cứu ở Bắc Mỹ, đặc biệt là William James, bằng cách bày tỏ ý kiến về việc những quan niệm (conceptions) về các tình trạng như thế có thể giúp giải thích hiện tượng thần bí thế nào.

Đặc biệt, Thụy Sĩ là nơi thể hiện sự ủng hộ đối với phương pháp tiếp cận vốn có thiện cảm với tôn giáo. Giáo sư Theodore Flournoy (1854–1820), người chiếm giữ một vị trí trong lĩnh vực tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Geneva, đã viết một vài tiểu luận và những quyển sách về việc phân tích các tiền sử (case histories) và tự truyện của mình. Ông ủng hộ lối tiếp cận hợp lý vốn nhấn mạnh đến thực tại thiêng liêng của bản thể, và cảnh báo rằng kinh nghiệm tôn giáo thì phức tạp. Lối tiếp cận này cũng thúc đẩy sự hợp nhất của các quan điểm sinh lý, sự phát triển, sự so sánh, để hiểu hơn về các trạng thái tôn giáo đặc thù. Flournoy, người bạn thân của William James, còn ảnh hưởng đến cả Georges Berguer (1873–1945), giáo sư tâm lý học tôn giáo, người cho rằng khuôn khổ về phương pháp luận của tâm lý học nhất thiết phải được giới hạn, để tạo ra khoảng không suy tư cho các quan điểm thần học.

Nhân vật quan trọng nhất gắn liền với lối tiếp cận ở quốc gia này là Carl Jung. Jung, người theo học cùng Janet, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Flournoy và James, và là người kế nghiệp của Freud. Ông được biết đến như nhà sáng lập lĩnh vực tâm lý học phân tích (analytical psychology). Trái ngược với lý thuyết cấu trúc tâm lý ba chiều của Freud, chủ yếu dựa trên sự phát triển vào thời thơ ấu và đánh giá tiêu cực về tôn giáo, việc bình ổn hóa (valorization) khả năng, theo Jung, có thể thay đổi của tôn giáo dựa trên các khái niệm có liên quan đến vô thức cá nhân và vô thức tập thể. Jung nghĩ rằng, bên dưới vô thức cá nhân của Freud là sự có mặt của vô thức tập thể ẩn chứa các “cổ mẫu phổ quát” (universal archtypes). Những cổ mẫu này được hình thành dưới các dạng thức (không có nội dung cụ thể) vốn chỉ được biết nhờ những biểu hiện văn hóa và tôn giáo của chúng. Trong khi thiết lập bộ khung lý thuyết để phân tích bản chất tôn giáo về mặt trị liệu (gồm cả các tôn giáo Đông phương mà Jung đã thúc đẩy nghiên cứu theo phương pháp này với sự thành công lớn hơn bất kỳ nhà tâm lý học nào trong thời đại của ông), tâm lý học tôn giáo của Jung cũng có xu hướng làm mờ đi làn ranh giữa tâm lý học tôn giáo (psychology of religion) và tâm lý học mang tính tôn giáo (religious psychology).

 Sự đóng góp của Bắc Mỹ

Những đóng góp đầu tiên trong lĩnh vực tâm lý học tôn giáo ở Bắc Mỹ chủ yếu đến từ hai nhân vật chính là G. Stanley Hall và William James, cùng các học trò của họ. Những học giả này tựa như một nhóm nghiên cứu có thiện cảm với tôn giáo. Nhiều người ban đầu bị lôi cuốn vào lĩnh vực giáo dục thần học (theological education) và mục vụ. Hall, người sáng lập Trường Tâm lý học Tôn giáo Clark (tại đại học Clark), ban đầu chịu ảnh hưởng bởi Wundt và đã thiết lập một phòng thí nghiệm để nghiên cứu tôn giáo dưới góc độ thực nghiệm. Đặc biệt lưu tâm đến sự hoán cải, sự tăng trưởng trong đời sống tôn giáo, yếu tố thần bí và giáo dục, Hall và hai sinh viên nổi tiếng của ông, là E. D.

Starbuck (1866–1917) và James Leuba (1868–1946), đã phát triển các bảng hỏi điều tra, phỏng vấn và lối tiếp cận tâm lý học tôn giáo bằng phương pháp thống kê. Hall đã phát triển quan điểm cho rằng tôn giáo là khả năng thích nghi xã hội trong tác phẩm Jesus, the Christ, in the Light of Psychology (1917). Ông cho rằng các nhân vật tôn giáo là hiện thân của những hình thức đạo đức cao hơn. Hall lập luận tâm lý học có thể giúp nhân loại hiện thực hóa những ý tưởng đạo đức này. Starbuck cũng đi theo hướng nghiên cứu này, và đã cho ra đời một nghiên cứu mang tính bước ngoặt mang tựa đề The Psychology of Religion (1899), tập trung vào mối quan hệ giữa thanh niên (adolescence) và sự hoán cải. Tuy nhiên, Leuba, trong tác phẩm The Psychology of Religious Mysticism (1925), đã thể hiện sự đồng tình rõ rệt đối với các phương pháp tâm sinh lý học (psychophysiology). Ông vẫn không bị thuyết phục về vấn đề thực tại thiêng liêng của bản thể. Leuba thậm chí còn tranh luận về tiềm năng tôn giáo để biến đổi cá nhân và xã hội về phương diện đạo đức. Leuba đã học cùng James, và James Bisset Pratt (1875–1944), một người nghiên cứu Phật giáo và Ấn giáo. Các nghiên cứu của ông, giống như Jung, là công cụ nâng cao nhận thức về giá trị của các truyền thống tôn giáo Đông phương.

W. E. Hocking (1873–1966), người kế vị James tại Đại học Harvard, đã tranh luận về một hình thức tâm lý thực dụng và dân chủ, và hình thức hoạt động xã hội của chủ nghĩa thần bí. Cũng cần nhắc đến nhà tâm lý học người Canada R. C. Bucke (1837–1902), tác giả của quyển sách kinh điển Cosmic Consciousness (1901), người đã trở thành một nhân vật quan trọng cho các nhà tâm lý học nhân văn và siêu cá nhân (transpersonal) sau này. Đóng góp lớn nhất của ông là quan niệm “ý thức vũ trụ” (cosmic
consciousness)
, một sự thấu tỏ mà ông đã tìm ra được qua các nghiên cứu của mình. Ông là người sớm ủng hộ thuyết vĩnh cửu (perennialism), và cho rằng ý thức vũ trụ nằm ở tâm điểm của mọi tôn giáo, loài người đang tiến hóa đến một hình thái xã hội chủ nghĩa không tưởng và đầy huyền nhiệm, tất cả các dạng tôn giáo hướng ngoại sẽ biến mất khi nhân loại hiện thực hóa khả năng vốn có của mình để đạt tới ý thức vũ trụ.

Mặc dù thực tế là trong thời kỳ này, chính Hall và các sinh viên của ông mới là những người được xem như tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học tôn giáo; nhưng chính James, tác giả của tác phẩm kinh điển The Varieties of Religious Experience (1902), mới là người tiếp tục gây ảnh hưởng trong lĩnh vực này. Mặc dù James không bao giờ phát triển một phương thức trị liệu nào giống như Freud và Jung, nhưng ông là thông minh nhất về mặt triết lý và có nhiều phát kiến nhất trong số những học giả ở Mỹ có đóng góp cho vấn đề này. James tuyên bố kinh nghiệm thì quan trọng hơn giáo điều tôn giáo, thần học, hay phẩm phục của giáo hội. Thông qua phương pháp mô tả và phương pháp hiện tượng học, ông đã biên soạn một tuyển tập đa dạng, trọng yếu và hấp dẫn nhất để luận bàn đến kinh nghiệm cá nhân về tôn giáo. James là người theo chủ nghĩa thực dụng, vốn thừa nhận hình thức duy nghiệm triệt để (xem kinh nghiệm kinh cá nhân về tôn giáo như cội nguồn để xác định bản chất của thực tại); đồng thời ông cũng đưa ra khả năng về một vũ trụ đa nguyên (điều tạo ra nghi ngờ về sự tồn tại của đơn nhất, bên dưới sự thật tuyệt đối). Trong khuôn khổ của sự thánh thiêng, hay xa hơn là khía cạnh tâm lý cá nhân, sự đánh
giá mang tính diễn giải về kinh nghiệm tôn giáo chủ yếu nhằm để đưa ra các phán đoán hiện sinh và phán đoán tâm linh.

Đến năm 1930, có sự suy giảm hứng thú về lĩnh vực tâm lý học tôn giáo trong học đường và các nền văn hóa. Benjamin Beit-Hallahmi (1974) đã viện dẫn một vài nhân tố liên quan đến điều này, như sự nổi dậy của Chủ nghĩa quốc xã (National Socialism), mối đe dọa của chiến tranh, đại suy thoái (Great Depression), sự phát triển của chủ nghĩa hành vi và phong trào thần học tân chính thống (một phong trào thần học bảo thủ vốn thách thức khả năng của tâm lý học trong việc nắm bắt chân lý tôn giáo), và việc cho rằng các phương pháp của tâm lý học kém đầy đủ, kém khách quan và ít có giá trị trung lập hơn. Tuy nhiên, người ta có thể nhận thấy sự khởi đầu của các mô hình lý thuyết như: tâm lý chiều sâu, nhân văn, hiện tượng luận hiện sinh; và việc gặp gỡ giữa các phương pháp nhân văn, thần học, và khoa học xã hội.

1.2. Giai đoạn 2: từ thời kỳ hậu chiến đến những năm 1960

Hậu quả của Đệ nhị thế chiến đã mang các nguồn lực mới vào lĩnh vực tâm lý học tôn giáo. Sự nhập cư đã đưa giới trí thức Âu châu, Á châu và Bắc Mỹ, vốn đại diện cho nhiều truyền thống tôn giáo, vào một cuộc đối thoại lớn hơn. Trong tác phẩm kinh điển The Triumph of the Therapeutic (1966), nhà xã hội học Philip Rieff (sinh năm 1922) viết rằng, trước đây mọi xã hội đều “tích cực” trong bản chất, nghĩa là được hướng dẫn bởi một hệ thống biểu tượng tôn giáo vốn tạo điều kiện cho sự dồn nén (repression), bảo đảm cho lòng trung thành của cá nhân đối với toàn thể cộng đoàn, và đưa ra các hình thức chữa trị về mặt tôn giáo để chống lại hiện tượng anomie (sự rối loạn).

Tuy nhiên, với sự tác động của tâm lý học, đặc biệt là tâm lý học chiều sâu của Freud và Jung, một chủ nghĩa biểu tượng mới mang tính kiểm soát đã thay thế sự độc trị của tôn giáo. Chìa khóa cho sự phát triển của văn hóa trị liệu đó là sự bình ổn hóa của cá nhân trên toàn thể cộng đồng và tạo ra một không gian văn hóa cho việc trị liệu, thông qua những nội dung của vô thức bị dồn nén trước đó. Do tác động to lớn của khoa học mới này, các nhà triết học, thần học và so sánh học đã sẵn sàng đối thoại với những đề xướng trong lĩnh vực tâm lý học tôn giáo, không chỉ đơn giản dựa trên nền tảng tri thức xuấtsắc của lĩnh vực này, mà còn vì do nhận thức (đúng đắn) của các học giả khi cho rằng tâm lý học đã trở nên một loại hình văn hóa của sự tự suy xét nội tâm (nội quan) vốn được ưa thích, thậm chí có ảnh hưởng to lớn.

Giai đoạn này chứng kiến sự mở rộng và tái tạo những cố gắng của giai đoạn trước chiến tranh. Những phát triển chính trong những năm 1950 và 1960 là tâm lý học bản ngã, tâm lý học phân tích, tâm lý học nhân văn – hiện tượng luận – và hiện sinh, các nghiên cứu hành vi và thực nghiệm; tâm lý mục vụ.

 Tâm lý học bản ngã (ego psychology)

Phân tâm học cổ điển của Freud diễn tả một bản ngã (ego) yếu ớt, bị vây quanh bởi các lực ép mạnh hơn từ bản năng (Id) và siêu ngã (super ego). Các nhà phân tâm học sau Freud - đứng đầu là con gái của ông, Anna Freud (1895–1982), rồi đến Heinz Hartmann (1894–1970), Ernst Kris, David Rapaport (1911–1960), và Erik Erikson (1902–1994) - đã trình bày hiểu biết tích cực hơn về bản ngã. Các học giả này cho rằng cái tôi có một nguồn năng lượng độc lập, cơ chế phòng vệ tinh vi hơn, khả năng thích ứng nhiều hơn, và có vai trò trung tâm trong tiến trình phát triển và biểu sinh vốn gồm nhiều giai đoạn tăng trưởng kéo dài trong vòng đời. Những tiến bộ của lý thuyết mới này cho phép giải quyết những sự cắm chốt (fixation) (2) và xung đột thuộc thời thơ ấu, giúp hình thành các đức tính như tin tưởng, chính trực, đồng nhất, quan tâm đến các thế hệ, và quảng đại. Erikson, học giả nổi tiếng nhất trong nhóm, đã dùng những tiến bộ này để đảo ngược sự đánh giá tiêu cực về tôn giáo của Freud. Ông phân tích các nhân vật gắn liền với tôn giáo như Martin Luther (tác phẩm Young Man Luther, 1958) và Gandhi (tác phẩm Gandhi's Truth, 1969) để chỉ ra tâm lý học bản ngã có thể soi sáng cho việc chữa lành, và khả năng biến đổi của tôn giáo như thế nào. Vào những năm 1960, Erich Fromm (1900–1980), trong tác phẩm Zen Buddhism and Psychoanalysis (1960), cùng với Herbert Fingarette (sinh năm 1921), trong tác phẩm The Self in Transformation (1965), đã sử dụng những hiểu biết về tâm lý học bản ngã để đóng khung Phật giáo như một công cụ chữa lành, tương ứng với mục đích tốt nhất của phân tâm học.

 Tâm lý học phân tích (analytic psychology)

Tâm lý học của Jung ngày càng có sức ảnh hưởng trong những năm 1950 và 1960, không chỉ bởi những nỗ lực của cá nhân ông – người đã viết nhiều quyển sách có ảnh hưởng nhất về mặt tôn giáo trong thời gian này (ví dụ như quyển Antwort auf Hiob [1952]), mà còn do những học giả diễn giải các tác phẩm của ông sau này, chẳng hạn Erich Neumann (1905–1960), James Hillman (sinh năm 1926). Trong giai đoạn này, tâm lý học của Jung còn có thể tiếp cận với các bài kiểm tra (test) bằng quan sát và thực nghiệm, và kiểm tra tương quan, thông qua việc tạo ra công cụ trắc nghiệm tính cách MBTI (Myers-Briggs Type Indicator), một bộ test dựa trên việc mô tả các loại tính cách theo Jung. Bộ test này vẫn là công cụ phổ biến được sử dụng để đo lường khuynh hướng tôn giáo. Tâm lý học của Jung còn có sự tác động đáng kể đến lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo dưới góc độ so sánh. Mircea Eliade (1907–1986), một trong những nhà so sánh học hàng đầu vào thời đại của ông, đã sử dụng lý luận của Jung khi lập luận vô thức tập thể ẩn chứa một chiều kích tôn giáo, với mục đích để cố gắng phục hồi sự linh thánh (xin xem tác phẩm Myths, Dreams, and Mysteries, 1960).

 Tâm lý học nhân văn - hiện tượng luận - và hiện sinh

Việc mở rộng các nỗ lực trước đó trong việc phát triển các nhân tố về hiện tượng luận, hiện sinh và nhân văn trong tâm lý học tôn giáo đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều cá nhân, trong đó có ba học giả được nêu lên trong bài viết này. Trước hết, sự đóng góp mang tính trọng tâm của Gordon Allport (1897–1967), qua tác phẩm The Individual and His Religion (1950), là một sự phân biệt giữa các hình thức mang tính nội tại và trưởng thành với các hình thức mang tính ngoại tại và kém trưởng thành hơn về khuynh hướng
tôn giáo.

Trước đây, người ta xem tôn giáo như một sự kết thúc trong nó. Allport liệt kê các đặc tính chỉ dẫn của một khuynh hướng như: khác biệt, năng động, chi phối, cần thiết, tự khám phá, toàn diện. Trong các hình thức ngoại tại về khuynh hướng tôn giáo, Allport cho rằng các cá nhân xem tôn giáo như một phương tiện, và thường bày tỏ các kiểu hành vi ích kỷ và để thỏa lòng ước mong. Quan điểm của Alport đã dẫn đến một thang đo mang tính tương quan thực nghiệm và có ảnh hưởng rất lớn; đó là Thang đo Khuynh hướng Tôn giáo, dùng để do lường các kiểu hành vi tôn giáo nội tại và ngoại tại.

Một tác giả khác là Viktor Emil Frankl (1905-1997). Ông là người chịu ảnh hưởng của triết học mang tính hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh, và kinh nghiệm của chính ông trong các trại tập trung Đức quốc xã. Ông đã sáng lập một hệ thống trị liệu được gọi là logotherapy (liệu pháp ý nghĩa) (xin xem tác phẩm Man's Search for Meaning, 1962). Cho rằng tôn giáo mang tính sâu rộng, không liên quan đến sự định đoạt hoàn toàn trong giai đoạn phát triển thời thơ ấu, và nhấn mạnh đến tính độc đáo của mỗi cá nhân cùng mối liên hệ mật thiết của bản thân với một Thiên Chúa có đặc tính con người, Frankl đã nhấn mạnh đến các vấn đề gắn liền với tự do cá nhân, tinh thần trách nhiệm, bản ngã siêu việt, lương tâm, ý muốn đạt đến ý nghĩa thực sự (will to meaning).

Cũng cần nhắc đến nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908–1970), người đã dành cả đời để xây dựng một lý thuyết tâm lý học, vượt trên và chống lại phân tâm học cổ điển cùng chủ nghĩa hành vi, trình bày chi tiết các giai đoạn phát triển của các hình thái ý thức cao hơn. Ông phân biệt giữa các nhu cầu cơ bản như: thể lý, an toàn, giao lưu tình cảm, được quý trọng và nhu cầu cao nhất là thể hiện bản thân (self-actualization). Nhu cầu thể hiện bản thân, một thứ bậc chung cho các trải nghiệm về niềm vui, sự trọn vẹn, sự thống nhất, là đạt đến đỉnh điểm trong các trải nghiệm đỉnh cao (peak-experiences) – một thuật ngữ nổi tiếng nhất của Maslow và là điều cốt yếu cho sự hiểu biết về tôn giáo của ông. Trong tác phẩm Religions, Values, and Peak-Experiences (1964), Maslow đã tán đồng tính vĩnh cửu vốn dựa trên các trải nghiệm đỉnh cao, phân biệt giữa các “legalists” (những người không nói và bám giữ sự hiểu biết quan liêu về tôn giáo) và “mystics” (những người nêu ý kiến, nắm bắt được bản chất tôn giáo nhờ vào kinh nghiệm của mình). Những trạng thái thần bí và trải nghiệm đỉnh cao, vốn được hiểu là cốt lõi của sự hợp nhất mọi tôn giáo dưới khía cạnh tâm lý học, có thể được nghiên cứu thông qua các phương tiện khoa học kỹ thuật. Do đó, Maslow ủng hộ một tôn giáo theo quy luật tự nhiên (naturalistic), không mang tính giáo hội (unchurched), tựa như một tổ chức về khoa học và tâm lý.

 Các nghiên cứu hành vi và thực nghiệm

B. F. Skinner, học giả chính của chủ nghĩa hành vi, xem tôn giáo là tiêu cực. Ông cho rằng tôn giáo là một dạng hành vi xã hội được xác định rõ, mà sự tồn tại liên tục của nó có thể được quy cho “điều kiện hóa từ kết quả” (operant conditioning) (bởi vì hành vi tôn giáo thì được củng cố), và nhu cầu của những người đứng đầu tôn giáo để duy trì quyền lực và kiểm soát. Mặc dù chủ nghĩa hành vi, ít nhất là ngay từ đầu, là một hình thức mới có tác động mạnh mẽ nhất trong số các học thuyết về tâm lý học trong giai đoạn này, nhưng nó đã gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh.

Như đã nói ở trên, các lý thuyết của Allport và Jung đã tác động đến các nghiên cứu thực nghiệm qua việc phát triển “Thang đo Khuynh hướng Tôn giáo” (Religious Orientation Scale) (Allport) và bộ trắc nghiệm MBTI (Jung). Thêm vào đó, sự nổi lên nhanh chóng về hứng thú đối với các tôn giáo Đông phương đã tạo nên động lực sáng tạo cho khoa học thực nghiệm. Các nghiên cứu thực nghiệm về thiền định (meditation) đã đo lường các tác động về mặt sinh lý trong các thực hành thiền định, yoga trên hơi thở, nhịp tim, sự kháng cự trên da, và hoạt động của não bộ. Tương tự, sự quan tâm đến các trạng thái ý thức bị thay đổi khi sử dụng các loại chất gây ảo giác (hoặc entheogens (3), một thuật ngữ mang ý nghĩa “chứa đựng Thượng Đế”), chẳng hạn LSD (Lysergic Acid), peyote và mescaline đã đưa đến nhiều nghiên cứu đo lường hiệu quả của chúng về khía cạnh niềm tin và lòng mộ đạo.

Những nghiên cứu này diễn ra trong bối cảnh văn hóa đầy biến động những năm 1960; cần lưu ý rằng, các nghiên cứu thực nghiệm này được tiến hành và phát triển bởi các nhà tâm lý và những cá nhân có liên quan đến phong trào khám phá tiềm năng con người. Với tư cách một nhóm, phong trào này đã bảo vệ các giá trị của sự lĩnh hội, tính tự nhiên, chất lượng của hiện tại (nowness), và việc nuôi dưỡng lòng mộ đạo mà xét về bản chất thì không mang tính giáo hội, nhưng mang tính huyền bí và kinh nghiệm.

1.3. Giai đoạn 3: từ năm 1970 đến năm 2005

Điểm nổi bật của thời kỳ này là không chỉ đề cập đến sự phát triển trong lĩnh vực tâm lý học “của” tôn giáo (4) (psychology “of” religion), mà còn là việc những sự phát triển này cho thấy một nền tri thức ngày càng trở nên sâu rộng hơn và bao quát hơn. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số lĩnh vực mới có liên quan như: lý thuyết quan hệ đối tượng, tâm lý học siêu cá nhân, nghiên cứu hành vi và thực nghiệm, thần học thực hành, đối thoại giữa tâm lý học và so sánh học, tâm lý học tôn giáo và nghiên cứu văn hóa.

 Lý thuyêt quan hệ đối tượng (Object-relations theory)

Mặc dù điểm nhấn riêng của Freud là về vấn đề phức cảm Oedipus, nhưng ông cũng đưa ra một bộ khung sơ khởi để xem xét thời kỳ phát triển tiền Oedipus (pre-Oedipal), và giai đoạn ái kỷ (narcissistic). Một vài học giả tiếp theo như Melanie Klein, D. W. Winnicott, Ronald Fairbairn, và Heinz Kohut (người sáng lập Tâm lý học cái tôi [Self psychology]), đã bổ sung những đóng góp về mặt lý luận và lâm sàng, giúp nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về làn ranh phát triển của tính ái kỷ. Trái ngược với điểm nhấn của Freud về bản năng và xung đột, các học giả vừa nêu nhấn mạnh đến các vấn đề có liên quan về sự chia tách (separation) và sáp nhập (merger), tiến trình lý tưởng hóa và đồng nhất hóa / nội tâm hóa, cùng sự phát triển của một cái tôi mang tính cố kết, lòng tự trọng và sự sáng tạo. Các loại nghiên cứu này không ngừng phát triển, đặc biệt là thành công của tác phẩm The Birth of the Living God (1979) của nữ tác giả Ana-Maria Rizzuto, trong đó, bằng cách sử dụng ý niệm “đối tượng chuyển tiếp” (transitional
object) của Winnicott, tác giả đã xây dựng một sự hiểu biết của niềm tin vào “Đấng nhân danh Chúa” (God Representation) dựa trên kỹ thuật lâm sàng. Điều này, vốn được tạo ra bởi các đối tượng nhân danh (người mẹ trong giai đoạn tiền Oedipus, người cha trong giai đoạn Oedipus, anh chị em ruột thịt, họ hàng, và những người quan trọng khác), có khả năng tiến triển với những thay đổi trong vòng đời, cùng những chức năng đảm bảo sự thích nghi với nhu cầu cần thiết của đờisống. Đối với các tôn giáo Đông phương, học giả Sudhir Kakar, trong các tác phẩm The Inner World (1981) và The Analyst and the Mystic (1991), đã làm sáng tỏ lối quan niệm và thực hành tôn giáo của Ấn giáo đặc biệt hữu ích cho việc phân tích lý thuyết tiền Oedipus như thế nào.

Nhìn chung, lý thuyết quan hệ đối tượng cho phép một sự đồng cảm rõ rệt đối với tôn giáo, một điều vốn vắng mặt trong lý thuyết của Freud. Một số học giả khởi đầu trong truyền thống này có vẻ gần với Jung trong việc khái niệm hóa chiều kích tôn giáo dưới khía cạnh siêu tâm lý (metapsychological) của một nhân cách (ví dụ, “ái kỷ vũ trụ” [cosmic narcissism] của Kohut, “Ồ” [O] của Wilfred Bion,“cái thật” [the real] của Jacques Lacan). Về mặt này, điều đáng chú ý – tựa như sự hiển nhiên trong tác phẩm Jung in Context (1979) của Peter Homans, trong đó cho thấy Jung như người đoán trước Tâm lý học cái tôi của Kohut – là các lý thuyết liên quan đến làn ranh phát triển của tính ái kỷ đã trở thành cầu nối (vốn đã được chờ đợi từ lâu) cho cuộc đối đầu thường kèm theo yếu tố bất đồng và cãi nhau giữa Jungians (những người ủng hộ Jung) và Freudians (những người ủng hộ Freud).

 Tâm lý học siêu cá nhân (transpersonal psychology)

Về cuối đời, Abraham Maslow đã đưa công thức của mình vào lĩnh vực tâm lý học nhân văn và trải nghiệm đỉnh cao một cách sâu sắc hơn nữa bằng cách đề xướng sự hình thành của một tâm lý học đầy hơi hướng tôn giáo. Được gọi bằng danh xưng “tâm lý học siêu cá nhân”, các học giả đề xướng lý thuyết này xem nó như một phần của truyền thống tâm lý học tôn giáo, bao gồm các nghiên cứu của James, Jung và R. M. Bucke. Bị ảnh hưởng bởi các tôn giáo Đông phương, cốt lõi của lý thuyết mới này được dành cho việc nghiên cứu các hình thái ý thức cao hơn về tâm lý và tôn giáo, bao gồm các trải nghiệm đỉnh cao, các hình thức hợp nhất của ý thức thần bí, cảm giác hạnh phúc, sùng kính, và kinh ngạc.

Bắt đầu từ cuối những năm 1960, những người ủng hộ lý thuyết tâm lý học siêu cá nhân đã tạo ra các hệ thống và chương trình hàn lâm, chuyên nghiệp cho hoạt động của họ, bao gồm các chương trình trị liệu tâm lý siêu cá nhân và một tạp chí mang tựa đề Journal of Transpersonal Psychology. Một số học giả trong giai đoạn này như Charles Tart, Ken Wilber, Stanislav Grof, và Michael Washburn, đã sử dụng nhiều cách tiếp cận tâm lý học khác nhau để ủng hộ nghiên cứu khoa học về các hiện tượng thần bí (paranormal) và mầu nhiệm (mystical). Học giả Tart đã viết nhiều về hiện tượng huyền bí, và Grof được biết đến với công trình nghiên cứu về các entheogens và khả năng của chúng trong việc làm sáng tỏ các nhân tố cấu trúc của ý thức tôn giáo, bao gồm các cổ mẫu của Jung.

Học giả Wilber đã trình bày rõ ràng về nền triết học vĩnh cửu, được rút ra từ các lược đồ ý thức trong các liệu pháp tâm lý Tây phương và truyền thống thần bí của thế giới. Ông biện luận cho thuật ngữ “phổ ý thức” (spectrum of consciousness), xếp theo thứ tự từ các hình thức vị kỷ thấp đến sự tan rã đặc tính tự thân của các hình thái Phật giáo và truyền thống Hindu Vedanta khác nhau. Mỗi cấp độ có thể được giải quyết, cả về mặt siêu tâm lý lẫn phương pháp trị liệu, bằng nhiều quan điểm tâm lý học Tây phương khác nhau. Cũng dựa trên nhiều liệu pháp trị liệu tâm lý khác nhau, học giả Washburn lập luận rằng, sự phát triển tâm linh thì có dạng xoắn ốc, và những nghiên cứu của ông tập trung làm sáng tỏ các dạng kinh nghiệm đặc trưng vốn được bày tỏ trong quá trình xoắn ốc theo chiều đi lên này.

 Các nghiên cứu hành vi và thực nghiệm

Một loạt các nghiên cứu dưới khía cạnh hành vi và thực nghiệm đã xuất hiện từ năm 1970. Sử dụng sự khác biệt độc đáo giữa khuynh hướng tôn giáo nội tại và ngoại tại của Allport, một vài học giả ứng dụng sự phát triển này vào việc phân tích thực nghiệm, bao gồm: Thang đo Quest (một lối nhìn đa sắc thái hơn về các hình thức nội tại của khuynh hướng tôn giáo), Thang đo Quan điểm Tôn giáo [Religious Viewpoints Scale] (phân biệt giữa tận tâm [phong cách tôn giáo cá nhân] và tự nguyện [hình thái được tạo ra mang tính xã hội] của tôn giáo); lý thuyết quy kết chung (liên kết tôn giáo với các vấn đề về lòng tự trọng, ý nghĩa và sự kiểm soát); lý thuyết đính kèm (xem xét các mối quan hệ bền vững được thúc đẩy bởi tôn giáo); lý thuyết đối phó (tìm cách phân tích tôn giáo như một phương tiện để đối phó với nhu cầu cấp bách của cuộc sống về mặt hiện hữu và xã hội). Lý thuyết vai trò xã hội đã cho thấy sự hữu ích trong việc phân tích cách thức mà động lực, hành vi và sự học tập đang diễn ra thế nào, thông qua việc xác định sự đồng nhất hóa các mô hình vai trò tôn giáo. Dựa trên các nghiên cứu về sinh lý học, dân tộc học, và sinh học tiến hóa, lý thuyết Sinh học xã hội (Sociobiology) có sứ mệnh tìm kiếm cơ sở sinh học cho mọi hành vi xã hội, đặc biệt tập trung vào mối quan hệ giữa tôn giáo, xã hội và các hình thái có liên quan đến lòng vị tha. Sự quan tâm liên tục đến các thực hành tôn giáo Đông phương đã tạo nên vô số bản phân tích trong phòng thí nghiệm. Đáng kể nhất là những nhà nghiên cứu sử dụng các khám phá trong việc nghiên cứu hai bán cầu não để chỉ ra cách thức những sự thần bí, biểu tượng, và việc thực hành của các truyền thống tôn giáo biểu thị sự hoạt động bên bán cầu phải (dành cho việc định hướng không gian, nghệ thuật và toàn bộ hoạt động liên quan đến tinh thần) và bán cầu trái (liên quan đến lý luận phân tích, ngôn ngữ và toán học) như thế nào. Hơn nữa, với sự ra đời của kỹ thuật chụp lại hình ảnh não bộ, và dựa trên các nghiên cứu về sinh lý học và tâm lý học tiến hóa, nhiều học giả khoa học thần kinh đã nỗ lực xác định ví trí cách chính xác hơn những khu vực nào của não bộ chịu trách nhiệm cho các dạng kinh nghiệm và hành vi tôn giáo cụ thể.

 Thần học thực hành (Practical theology)

Cuộc đối thoại giữa tâm lý học và thần học, cùng sự phát triển của tâm lý học mục vụ đã tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực thần học thực hành. Thật vậy, các chương trình trong lĩnh vực giáo dục và tham vấn mục vụ đã phát triển mạnh mẽ kể từ những năm 1970, trong nhiều chủng viện và đại học. Dựa trên nỗ lực của các nhà thần học và giới trí thức tôn giáo của thời kỳ trước, lĩnh vực thần học thực hành tiếp tục xoay quanh những người chủ trương Kitô giáo và Do thái giáo, thể hiện sự tinh tế rõ rệt về mặt lý thuyết trên những nỗ lực đối thoại trước đây. Một ví dụ điển hình là James Fowler. Trong tác phẩm Stages of Faith (1981), ông đã đưa ra lối tiếp cận về giai đoạn trưởng thành đức tin dựa trên lý thuyết tâm lý học bản ngã của Erikson, khuôn khổ phát triển nhận thức của Piaget, và học thuyết phát triển đạo đức được tìm thấy trong các tác phẩm của Lawrence Kohlberg.

Don Browning, người có một tác phẩm lớn trong lĩnh vực này mang tựa đề Religious Thought and the Modern Psychologies (1987), sử dụng một phiên bản đã được sữa chữa về phương pháp tương quan của Tillich để cố gắng tìm hiểu chân trời về tôn giáo và đạo đức của các lý thuyết tâm lý học khác nhau. Vì đã xác định tâm lý học không phải đơn giản là một khoa học trung lập nhưng liên quan tới các tác động đối với văn hóa và cá nhân, nó mang hàm nghĩa là một lý thuyết về tôn giáo và đạo đức, nên Browning
đã mang các kết quả phân tích này vào cuộc đối thoại với các giá trị văn hóa của đạo Tin lành, và các ý niệm đi kèm về nhân đức và ngã tính (selfhood).

Gioan Nguyễn Long Quân
Nguồn: tsthdm.blogspot.com

__________________________

Chú thích:

(1) David A. Leeming, Kathryn Madden, Stanton Marlan (Eds.), Encyclopedia of Psychology and Religion, New York: Springer, 2010, tr. 732.

(2) Cắm chốt là một cơ chế phòng vệ trong phân tâm học cổ điển của Freud, diễn tả việc tập trung, gắn bó quá mức về mặt tình cảm vào một người hay một đồ vật, không còn liên hệ với người khác hay có một hứng thú nào khác.

(3) Một loại chất hóa học, có nguồn gốc từ thực vật, được sử dụng để tạo ra một trạng thái ý thức phi thường, dùng cho mục đích tôn giáo hoặc tâm linh (theo https://en.oxforddictionaries.com/definition/us/entheogen).

(4) Tâm lý học tôn giáo (psychology of religion); tâm lý học mang tính tôn giáo (religious psychology).