Người tín hữu Việt Nam đầu thế kỷ XVII một thời sinh động

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4311 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

I. Những yếu tố thuận lợi


Dưới mắt các thừa sai, người dân Việt Nam như đã được chuẩn bị sẵn để đón nhận Tin Mừng. cha Buzomi ngay từ những ngày đầu truyền giáo đã biểu lộ niềm vui vì gặp được những người dân “thuần hậu, tốt lành”. Theo cha, người Việt có những đức tính dung hòa giữa người Hoa và người Nhật: không quá nghiêng về văn chương hay quân sự, không cao lớn cũng không quá thấp bé, không kiêu căng hay tự tôn… So với các nước trong khu vực, ở Việt Nam không có sự phân chia giai cấp chặt chẽ như Ấn Độ, hay tôn giáo độc tôn như Xiêm La, Ai Lao và Cao Miên. Vì thế theo cha, dân Việt sẽ dễ dàng đón nhận đạo lý, dễ đưa về với chính đạo.


Có lẽ vì dân Việt vốn là một dân tộc có tâm tình tôn giáo và tín ngưỡng. Đã từ bao thế kỷ, tại triều đình có tế đàn Nam Giao, tại xã thôn có nghi lễ Thành Hoàng,… giúp cho người dân dễ dàng tiếp nhận tôn giáo mới. Ngoài ra, Tam giáo gồm Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo đã chuẩn bị cho họ những ý niệm về từ bi, về tam cương, ngũ thường… và nhất là khát vọng tôn giáo. Quả thế, những giá trị luân lý trong “Mười điều răn Đức Chúa Trời” như: thảo kính cha mẹ, cấm giết người, cấm dối trá, không gian dâm, cấm trộm cướp… thì người Việt đã giữ từ rất lâu.


Cha João Cabral viết trong thư gửi Bề trên Cả:


Con nhận xét trong cõi phương Đông, chẳng có dân tộc nào có điều kiện thích hợp với Kitô giáo hơn dân tộc Đàng Ngoài. Đó là một dân tộc đơn sơ, ngoan hiền, không vương mắc những thói tật xấu xa, thường làm cho người ta khó thực hành các nhân đức Kitô giáo. [1]

 

Nếu cha Baldinotti nhận xét về dân Đàng Ngoài: “Đất nước này vừa lớn vừa đẹp, người dân hiền hòa, tự nhiên, tính tình dễ thương”, thì cha Christophe Borri đã mô tả sự hiền hòa và hiếu khách của dân Đàng Trong: “Dân chúng kéo đến gặp gỡ chúng tôi, hỏi han chuyện vãn, mời chúng tôi dùng bữa với họ. Nói chung, họ cư xử với chúng tôi một cách lịch sự, thân mật, như một dân tộc có văn hóa cao”.



Bối cảnh chúa Trịnh và chúa Nguyễn đang tìm cách quan hệ thương mại với người Bồ Đào Nha, cũng đem lại cho các thừa sai vài yếu tố thuận lợi. Nhưng các vị không vào phủ chúa với tư cách thương nhân hay chuyên gia quân sự. Dĩ nhiên nhập gia thì phải tùy tục, các vị hằng năm đều có quà cáp cho nhà chúa để “… lấy lòng nhà chúa, xóa nhòa những bất mãn hoặc để xin rút lệnh cấm đạo đã ban bố trước”. Quà mới lạ chứ không cần mắc tiền, như bản đồ thế giới, đồng hồ cát, đồng hồ bánh xe, hay máy bơm nước…


Nhờ một số thừa sai thông thạo về khoa học, thiên văn, địa dư… các vị được đón tiếp tại phủ chúa và được sự kính nể của các giới trí thức. Theo tài liệu của Dòng Tên, có đến 12 vị làm việc trong Thái Y viện và Khâm Thiên Giám của các chúa Nguyễn [2]. Việc đi lại trong phủ chúa và khả năng đoán chính xác các ngày nhật thực mà người Việt gọi là “gấu ăn trăng”, củng cố thêm uy tín cho các vị trước dân chúng. Tận dụng cơ hội, các thừa sai cố gắng thuyết phục một số quan lại trong triều phủ, để nếu họ không theo đạo, thì ít ra cũng có cảm tình với đạo, hầu giảm bớt những trở ngại sau này. Trong các bản tường trình, các cha đã kể cho chúng ta biết bao thành quả trong dân chúng nhờ sự trở lại của một viên quan hay một nho sĩ. Sau khi trở lại, đa số họ trở thành những tông đồ giáo dân rất đắc lực.


II. Những tông đồ giáo dân đắc lực


Các thừa sai tỏ ra rất tin tưởng và kêu mời những người tân tòng này cộng tác trong sứ vụ tông đồ. Danh sách của họ cũng khá dài. Bên cạnh Minh Đức Vương Thái Phi, ta từng thấy công chúa Catarina và quan Phaolô.


Nếu cha Pina rửa tội được cho cụ nghè Giuse, cụ nghè Phêrô và hòa thượng Manuel ở Quảng Nam, thì cha Buzomi thuyết phục được ông bà Inhaxu – Ursula ở Quy Nhơn và hòa thượng Đamianô tại vùng Nước Mặn. Cộng tác với cha Đắc Lộ, có cụ Gioakim, cụ bà Lina, ông Simon tại làng Văn No, và nhà sư Antôn làng Vũ Xá. Ngay khi đón nhận Tin Mừng, những người trên đều trở thành những tông đồ giáo dân đắc lực. Họ giúp các cha học tiếng, phụ giúp phiên dịch kinh sách, tích cực tìm nơi thờ tự, giới thiệu với bạn bè thân quen và dẫn họ đến tìm hiểu về đạo.


Công chúa Ngọc Liên con chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, sau khi được rửa tội, đã trở thành một người tín hữu gương mẫu và nhiệt thành trong việc bác ái. Cha Đắc Lộ đã viết:


Một bà nhân đức tên là Maria Mađalêna, vợ quan trấn thủ, đã làm nhiều việc thiện trong tỉnh Phú Yên. Bà còn sáng lập một bệnh viện để săn sóc tất cả giáo dân và người tân tòng bị chứng bất trị. Trong đám bệnh nhân có mấy người cùi sẵn sàng chịu phép rửa tội, để được sạch trong linh hồn. Mỗi ngày người ta giảng dạy mọi người điều cần thiết để chuẩn bị chịu phép bí tích ban ơn thánh. Có mấy bổn đạo cũ đến giúp và dự vào việc giáo huấn. [3]

 

Cha Đắc Lộ đã không cầm được nước mắt trước sự sốt sắng của tín hữu thời đó: họ tôn kính thánh giá, siêng năng xưng tội, rước lễ: đi lễ thì không ngại đường xa, sau lễ còn ở lại suy gẫm và đã có thói quen đọc kinh tối sáng tại gia đình. Có giáo dân khi đi xa còn mang theo bàn thờ di động.


Không bao giờ tôi giơ Thánh Giá lên mà không thấy họ sụt sùi chảy nước mắt. Cứ 15 ngày, họ lại đến xưng tội hoặc xem lễ. Mặc dầu xa nhà thờ chừng từ năm sáu dặm đàng, họ không bao giờ quên những ngày lễ. Họ tới vào ngày áp lễ để rồi trở về ngày hôm sau, sau các nghi lễ, nghĩa là rất muộn. Họ ở nhà thờ từ sáng sớm cho tới chiều tà. Họ thường quỳ, rất mực khiêm tốn. Thấy họ tôi không cầm được nước mắt.


Mỗi người đeo hai ảnh thánh giá, một ở cổ và một ở cổ tay. Họ nói ảnh thứ nhất làm thuẫn, ảnh thứ hai làm gươm đao. Không bao giờ họ đi hoạt động mà không đem theo một bàn thờ nhỏ, gấp lại khi tới nhà trọ. Mỗi sáng họ không bao giờ quên nguyện ngắm một nửa giờ. Đa số suy niệm về mầu nhiệm đạo thánh và họ được hưởng những êm ái Chúa ban cho những linh hồn trong sạch.


Cha Đắc Lộ còn quả quyết họ sống đạo đức và đơn sơ:


Nói thật, không gì làm cho tôi xúc động bằng thấy trong đất nước này có bao nhiêu giáo dân là bấy nhiêu thiên thần (…). Nếu tôi không ngăn cản thì họ sẽ rước lễ nhiều lần chứ không phải chỉ một tuần một lần. Họ xưng tội mà khóc lóc như thể họ phạm tội tày đình và thực ra tôi có thể nói, thường khi ngồi tòa, tôi khó thấy gì là tội để làm phép giải. [4]

 

Người tín hữu thời đầu đã tỏ ra tích cực trong đời sống đạo. Cha Đắc Lộ đã khen một thanh niên Quảng Nam đã nêu thắc mắc chí lý khi học về tội tổ tông [5]. Có lẽ vì thế trong cuốn Phép giảng tám ngày ngài viết: “Có phải mlẽ thì phải làm, chẳng phải thì chớ”. Hoặc: “ví bàng phải mlẽ thì thờ, chẳng phải mlẽ thì chớ”. [6]

 

Khi các thừa sai bị giam trong nhà, các tín hữu giả làm người ăn xin hoặc khoét vách từ nhà bên cạnh để đến thăm. [7] Nếu năm 1630, tín hữu Đàng Ngoài đã gửi thư cho đức Urbanô VIII, bày tỏ lòng trung thành và xin Ngài lấy tình hiền phụ mà săn sóc, [8] và viết một lá thư gửi cha Bề trên Cả dòng Tên Vitelleschi, xin ngài giúp đỡ cách nào để nhiều người trong nước được nhận biết thờ phượng Thiên Chúa. Thì năm 1640, các tín hữu tại Đàng Trong cũng đệ trình một bức thư xin Đức thánh cha ủy cho một linh mục thừa sai được ban bí tích thêm sức. [9]

 

Chắc chắn đông đảo tín hữu đã tích cực cộng tác với các thừa sai trong các tuồng kịch tôn giáo. Các thừa sai cho biết đặc biệt vào dịp lễ Giáng Sinh, ca kịch cộng với máng cỏ luôn thu hút đông đảo giáo dân và cả người ngoại đạo đến nhà thờ. Trong xứ Nam, các vị đã cho làm máng cỏ năm 1626 ở Thanh Chiêm và năm 1647 ở Hải Phố. Tại xứ Bắc, trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1634, tại Rum Nghệ An, đã có cuộc trình diễn hạnh tích các thánh Alexis và Eustache làm cho khán giả phải rơi lệ. Ở Lăng Cô, Huế, nhiều người đã theo đạo vì các bài hát về phép mầu nhiệm của lễ Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh 1642 được cử hành ở Kẻ Mlé (miền Tây?) cũng có máng cỏ, và ca kịch. Và Giáng Sinh năm 1648, khoảng 4000 giáo dân đã tụ họp tại Kẻ Bò, Thanh Hóa để xem diễn lại tuồng Josaphat. Trong buổi lễ, còn có những cuộc đối thoại và âm nhạc bản xứ.


Đặc biệt các thừa sai hâm mộ và đề cao tính thẩm mỹ dân Việt với thói quen vừa đọc vừa hát, đó là lý do tại sao các thi phẩm sớm ra đời và được phổ biến nhanh chóng. Cha Đắc Lộ biểu lộ sự bất ngờ khi nhận định về ảnh hưởng tập thơ của Công chúa Catarina: “Tác phẩm này rất có ích vì không những giáo dân tân tòng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê, mà cả nhiều người lương dân khi ca hát và thích thú về lời ca dịu dàng thì cũng học biết những mầu nhiệm về chân lý đức tin”. [10]

 

Các tín hữu tiên khởi không chỉ hỗ trợ các cha trong việc dịch kinh sách như cụ Gioakim Đàng Ngoài, họ còn chủ động góp phần trong dòng văn học công giáo thế kỷ XVII nữa. Một bản kinh bằng chữ Hán hiện một số nơi còn đọc trong ngày lễ giỗ, bắt đầu bằng bốn chữ Phục Dĩ Chí Tôn, còn gọi là Cảm Tạ Niệm Từ do thầy Phanxicô nguyên là hòa thượng ở chùa Phao soạn [11]. Tại Rôma hiện còn lưu giữ các lá thư chữ quốc ngữ của Igesso Văn Tín (1659) và tập Lịch sử nước Annam của Bento Thiện [12].


Về tài liệu bằng chữ Nôm, Gioan Thanh Minh người Bình Sơn, Quảng Ngãi (1588-1663) đã viết đến 15 thi phẩm, kể truyện các thánh Inhaxiô , Phanxicô Xaviê, Đaminh, Catarina, Mađalêna… “bằng lời thơ hết sức chải chuốt cùng với lòng thành kính lớn lao đến nỗi làm cho các truyện ấy được ưa thích bởi tất cả mọi người trong xứ”. [13] Và đặc biệt phải nói đến tập thơ lục bát bằng chữ Nôm “Sấm Truyền Ca”, do thầy giảng Lữ-y Đoan soạn trong giai đoạn này, mà chúng ta sẽ trình bày trong phần sau. [14]

 

Cha Đắc Lộ còn cho chúng ta biết vào năm 1629, khi các thừa sai bị giam lỏng tại Thăng Long, giáo dân đã chủ động sao chép các bài suy niệm để phổ biến và in lịch các ngày lễ trong đạo. Có thể cuốn lịch không nhiều trang, nhưng rõ ràng đã có việc in lịch công giáo: “Họ rất nghiêm túc trong tất cả những gì thuộc về việc đạo đức và để nhớ những ngày lễ và ngày chủ nhật, họ đã tìm cách soạn một cuốn lịch ghi nhớ các ngày lễ và ngày chay trong năm. Các thầy giảng đem đi in ở kinh thành rồi phát cho khắp xứ”. [15]

 

III. Những tâm hồn quảng đại dâng hiến


Hơn thế nữa, ngay từ thế kỷ XVII, trong số các tín hữu Việt Nam, đã có những tâm hồn sẵn sàng “từ bỏ mọi sự thế gian” để dấn thân phục vụ Chúa qua đời tu trì.


Về phía nữ giới, vào khoảng năm 1640-1664 có ba cô Monica, Nympha và Vitta thuộc tỉnh Đông, sống chung với nhau một nhà, khấn hứa trọn đời khiết trinh, “… có năm sáu cô gái khác cũng có quyết định như vậy và cùng tự nguyện trói buộc mình bằng những lời khấn ở khiết trinh trọn đời, tất cả đều đến họp với ba cô trong một nhà làm thành một tu viện trinh nữ sống đời sống các thiên thần”. [16]

 

Về nam giới, ngay từ đầu đã có một số bạn trẻ tháp tùng và cộng tác với các cha trong việc tông đồ. Cha Đắc Lộ đã có sáng kiến quy tụ họ thành “Hội thầy giảng”, có thể coi là một dạng tu hội, vì các thầy khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Các thầy rất đắc lực trong việc dạy giáo lý, chủ sự giờ kinh, thăm viếng người bệnh, khích lệ người khô khan, nhắc nhở các trùm trưởng, rửa tội người hấp hối và cả người lớn khi vắng thừa sai. Các thầy là chỗ dựa của giáo đoàn khi các thừa sai bị trục xuất, và là nguồn cung cấp những ứng viên linh mục tiên khởi sau này.


Hội Thầy Giảng được thành lập tại Đàng Ngoài ngày 27.04.1630, với ba thầy giảng đầu tiên là Phanxicô Đức, Anrê Trí, Ignatiô Nhuận. Trong thánh lễ và trước cộng đoàn, ba thầy lần lượt đặt tay trên sách Phúc Âm tuyên hứa: không lập gia đình, để chung tiền bạc của cải, và vâng phục thầy bề trên do các cha chỉ định. Thầy Phanxicô Đức được đặt làm bề trên. Nghi lễ rất cảm động khiến nhiều người đã khóc. Hai năm sau, cha bề trên Gaspar cho các thầy khấn vĩnh viễn.


Cha Đắc Lộ đã viết:


Có thể nói rằng từ đó giáo dân coi họ như cha và thầy vì rất kính trọng họ, còn họ, họ ăn ở nhân đức và làm gương tốt, rất có tín nhiệm trong giáo đoàn mới, đến nỗi không làm gì mà không có sự thỏa thuận và uy quyền của các thầy. Gương giảng dạy và đời sống tốt lành của họ đã thu hút được rất nhiều thanh niên noi theo, đến xin họ dạy dỗ và giúp mình trong chức vụ thiêng liêng và trần thế, làm thành một hội gần một trăm người rải rác trong nước và đem lại nhiều kết quả khôn lường còn tồn tại cho đến ngày nay. [17]

 

Rồi tại Hội An ngày 31.07.1643, mười thầy giảng Đàng Trong đã tuyên hứa, trong số này có ba thầy Ignatiô, Vinh Sơn và Anrê Phú yên. Trong hai năm 1644-1645, cả ba thầy đều sẵn sàng đổ máu vì đức tin. Riêng thầy Anrê Phú Yên đã được Đức Gioan Phaolô II suy tôn lên bậc chân phước ngày 05.03.2000.

Và trước đó, năm 1630 Hội Thánh Việt Nam đã có một chứng nhân đức tin là ông (anh?) Phanxicô: “Hoa trái đầu mùa giáo đoàn mới dâng hiến Thiên Chúa, lấy hương thơm xức và làm vui lòng hết các giáo dân xứ này và những thợ mới vừa tới”. [18]

 

Cũng giai đoạn ấy, khi 35 trong số 700 bổn đạo tại Quy Nhơn, ra thú nhận đã theo đạo mới, nên bị quân lính bắt giam; nhưng rồi quan chỉ chọn sáu người để xử án. Chuyện xảy ra sau đó cảm động đến nỗi cha Đắc Lộ thốt lên “ngục tù đã trở thành như thiên đàng”. Bởi vì, cha viết:


Tất cả đều muốn là sáu kẻ người ta chọn và không ai muốn nhường cho ai… Ai cũng gán cho mình có công trạng để được vinh quang chịu hành hình. Viên quan thấy vậy, không biết phải tức giận hay phì cười (…) Độc giả thấy cảnh trái ngược này: 29 người ra về không phải chịu hình phạt, thì mặt mày ủ rũ và chân bước chậm rãi, còn những người đeo gông thì nhanh nhẹn như có cánh. Khi tới trước mặt quan tòa, họ chờ nhận án tử hình mong muốn từ lâu. Nhưng họ bỡ ngỡ vì người ta chỉ phạt đòn và trượng ở chợ Hội An. Họ còn rất không bằng lòng khi thấy lính thi hành lệnh đã động lòng xót thương và chỉ thi hành cho có lệ thôi. [19]

 

Họ quả xứng đáng với lời khen ngợi của cha Đắc Lộ: “Ơn phép rửa đã tạo nên nơi mọi người một tinh thần đã phát sinh nơi các tông đồ và các vị tử đạo thời Hội Thánh sơ khai. Họ có một đức tin vững chắc đến nỗi không ai có thể nhổ ra khỏi lòng họ được”. [20]

 

Cuối cùng, xin nói đến nhận định của người đương thời về các tín hữu. Ngày 31.12.1632, trong bản báo cáo gửi từ Thăng Long về Macao, cha Gaspar d’Amaral đã ghi nhận rằng: “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau”. [21] Có lẽ đó cũng là lời giải thích cụ thể nhất lý do tại sao trong giai đoạn này Hội Thánh Việt Nam phát triển nhanh đến như thế.

 

Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, OP

Chia Sẻ (Nội San Thần Học – Mục Vụ - Tu Đức), số 69, 03/2013.

Chứng từ đức tin, nơi các nhà truyền giáo & các bậc tiền nhân, tr. 33-43.



Chú thích:

[1] F. de Montézon et É. Estève, Thư 2.11.1647. Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus, Paris 1858, tr.57.

[2] Xc. Kỷ yếu mừng 50 năm Dòng Tên trở lại phục vụ tại Việt Nam (1957-2007), tr 42.

[3] A. De Rhodes, Hành trình và truyền giáo. Bản dịch Hồng Nhuệ, UBĐKCG, Tp.HCM 1994, tr 105-106.

[4] A. De Rhodes, Hành trình và truyền giào. Sđd, tr 76-77. Nên biết thời đó tín hữu chưa được rước lễ hằng ngày, và điều kiện xưng tội là phải có tội. Đó là lý do nhiều người xưng lại tội cũ.

[5] A. De Rhodes, Hành trình và truyền giáo. Sđd, tr 98-99.

[6] Tinh Việt Văn Đàn, Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, Sài Gòn 1961, trang 11 và 22.

[7] A. De Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Bản dịch Hồng Nhuệ, UBĐKCG Tp.HCM 1994, tr 136.

[8] A. De Rhodes, Lịch sử Vưong quốc Đàng Ngoài. Sđd, tr 167.

[9] Manuel Ferreira, Noticias summarias das perseguicões da Mossam da Cochinchina, Lisbõa 1700, tr 187-288. Thường giám mục mới có quyền ban bí tích thêm sức. Các linh mục chỉ là thừa tác viên do ủy quyền.

[10] A. De Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Sđd, tr 106.

[11] Xc. “Truyện nước An Nam Đàng Ngoài chí Đàng Trong”, quyển thứ I – nói sự Đàng Ngoài, Philipphê Bỉnh viết tay tại kẻ chợ nước Portugal, năm 1822, tr 30.

[12] Đỗ Quang Chính. Lịch sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659, Ra Khơi, 1972, tr 107-129.

[13] Xc. Georg Schurhammar: Nền văn chương công giáo Phanxicô tại Việt Nam. Bản dịch Đỗ Văn Anh và Trương Bửu Lâm.

[14] X. Võ Long Tê, Lịch sử Văn Học CGVN, Sài Gòn 1965 tr 127. Lữ y Đoan (1613-1678) phổ biến tập thơ khoảng năm 1670.

[15] A. De Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Sđd, tr 160.