ĐGM Aveline: “ĐHY Tauran không bao giờ xem thường một bàn tay đưa ra”

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 529 | Cật nhập lần cuối: 7/12/2018 10:25:56 AM | RSS

ĐGM Aveline: “ĐHY Tauran không bao giờ xem thường một bàn tay đưa ra”Giám mục Jean-Marc Aveline là Giám mục phụ tá Marseille và là chủ tịch Hội đồng các quan hệ Liên tôn giáo của Hội đồng Giám mục Pháp trả lời các câu hỏi của báo Thập giá về công việc của Đức Hồng y Jean-Louis Tauran vừa từ trần ngày thứ Năm 05.07.2018.

Báo Thập giá: Đức Hồng y Tauran là nhà ngoại giao hơn là nhà thần học của đối thoại: vì sao năm 2007 Đức Bênêđictô XVI lại chọn Hồng y làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn?

Giám mục Jean-Marc Aveline: Hồng y Jean-Louis Tauran trước hết là nhà ngoại giao, ngài làm việc lâu năm ở Phủ Quốc Vụ Khanh dưới thời Đức Gioan-Phaolô II, là thư ký trong các bang giao với các Quốc gia. Ngài được đào tạo trong lãnh vực các quan hệ quốc tế.

Năm 2007, Đức Bênêđictô XVI đề cử ngài phụ trách đối thoại liên tôn khi Đức Bênêđictô XVI quyết định tái thành lập một bộ đặc biệt sau một thời gian Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đặt tạm thời dưới quyền Hồng y Paul Poupard, đã là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa. Hồng y Tauran là chuyên gia của ngoại giao Tòa Thánh, lúc này ngài đã đau, việc bổ nhiệm ngài vào chức vụ này chứng tỏ ý muốn của Đức Bênêđictô XVI, đặt tầm quan trọng trong việc Đối thoại Liên tôn và nhất là Đối thoại với Hồi giáo.

Làm thế nào ngài đảm đương được hồ sơ đối thoại liên tôn đặc biệt hồ sơ đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo.

Tôi nghĩ, Đức Hồng y Tauran là người ở đúng địa vị vào thời điểm đó. Sau những năm nhiệt thành, nhất là sau buổi gặp gỡ Liên tôn ở Axixi, các quan hệ Liên tôn vùng Địa Trung Hải trở nên gắn liền với các vấn đề chính trị quốc tế. Phải cần một người có khả năng giải mã các vấn đề đàng sau các thiện ý đối thoại, có khả năng gom lại những gì đã được hứa, nắm bắt được quan điểm của các bang giao liên tôn giáo.

Còn về việc hiểu biết các tôn giáo thì Hồng y vừa làm vừa học. Chức vụ của ngài buộc ngài phải đào sâu về hồi giáo và các tôn giáo Á châu. Ở Pháp, chúng ta hơi bị ám ảnh bởi Hồi giáo, nhưng ở địa vị đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn thì Hồng y Tauran đi Á châu rất nhiều.

Cha nói đến “quan hệ liên tôn giáo” nhiều hơn là “Đối thoại Liên tôn giáo”… Có phải đó là một trong các đặc nét đường lối của ngài? Cha giữ lại gì trong phương pháp của ngài?

Sự sáng suốt của ngài là phi thường và điều này cần thiết cho công việc của ngài. Ngài không ngây thơ tin, ngài hiểu rõ thái độ của người đối diện, biết họ có thật sự muốn đi tới hay không, ngài giải mã được. Nhưng động lực làm việc chính của ngài là không xem thường một bàn tay đưa ra.

Khi ngài được mời đến một tổ chức, hay đơn giản đến một buổi diễn thuyết quốc tế, ngài ý thức tất cả mọi khúc mắt có thể có, trong bối cảnh lúc nào cũng có sự pha trộn giữa tôn giáo và chính trị.

Tôi nhớ có lần tôi tháp tùng ngài một trong các buổi họp thượng đỉnh theo nghi thức này, ngài nói với tôi: “Trước hết chúng ta phải đi đến đây vì chúng ta có thể nói những gì chúng ta muốn nói mà những người khác không thể nói. Sau đó chúng ta nghe mỗi bên, ghi nhận và sau đó hỏi, vì sao lời của họ không qua hành động như họ đã nói”. Ngài chống loại chính trị cái ghế trống.

Và có phải vì lý do đó mà gần đây ngài đi Ả-rập Xê-út không?

Chắc chắn rồi. Tôi thấy đây là cả một sự can đảm phi thường của ngài, không những về mặt bệnh tật, mà còn là khả năng đi tới dù ngài biết con đường có nhiều khúc mắt. Nhân chuyến đi Ả-rập Xê-út này, ngài đã mạnh mẽ bảo vệ các tín hữu kitô sống ở đây, họ không có nơi để cầu nguyện. Với chế độ Al Azhar, mà Vatican có quan hệ nguội lạnh từ nhiều năm nay, Đức Hồng y Tauran luôn mong muốn xây dựng đối thoại và vì thế ngài luôn giữ cánh cửa rộng mở. Thái độ này của ngài mang tính Tin Mừng rất cao. Ngài chấp nhận rủi ro mình bị lừa hay bị thất vọng và ngài không sợ vì bất trắc mà phải đi lui.

Theo cha, đâu là mẫu đối thoại cần thiết cho ngày nay?

Tôi nghĩ chúng ta chưa ra khỏi giai đoạn trong đó các quan hệ Liên tôn giáo pha trộn với các vấn đề địa chính trị. Có lẽ bây giờ sự pha trộn này còn mạnh hơn ngày trước.

Tôi còn giữ lại trong đầu sự kiên trì của Đức Hồng y Tauran, khi ngài đến Lộ Đức trong kỳ họp Thường niên của chúng tôi, ngài nhấn mạnh đến việc phải đào tạo các linh mục hiểu biết các tôn giáo khác và hiểu Đối thoại Liên tôn giáo.

Trước hết đây là thái độ mang tính thiêng liêng. Cũng như ngài, tôi nghĩ thế giới ngày nay không thể không hội nhập chiều kích này vào sứ vụ, vào sự đào tạo của họ. Các hồ sơ giáo huấn từ Công đồng Vatican II có thể giúp đỡ chúng ta rất nhiều.

Marta An Nguyễn (dịch)
Nguồn: phanxico.vn