Giới thiệu Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2013

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 653 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Vatican (16.12.2012) – Sáng thứ Sáu 14.12.2012, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã tổ chức họp báo để giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 46 (1-1-2013) với chủ đề “Phúc thay ai xây dựng hòa bình”. Đức hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, chủ trì buổi họp báo với sự tham dự của Đức giám mục Mario Toso SDB, Thư ký.


Trước hết, Đức hồng y Turkson nói đến tính chất “cụ thể” của văn kiện này. Ngài nói: “Chủ đề Sứ điệp lấy từ Phúc âm, sẽ khiến chúng ta nghĩ rằng Sứ điệp mang tính thiêng liêng hay, có thể nói, lý thuyết. Tuy nhiên, Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng lại gắn liền với thực tế rất chặt chẽ. Sứ điệp khẳng định rằng ngay giữa những căng thẳng, xung đột và bạo lực, thực tế vẫn có rất nhiều người xây dựng hòa bình. Các mối phúc Tin Mừng cho chúng ta thấy lời hứa này là điều chắc chắn, vì là lời hứa của Thiên Chúa và không phải là điều sẽ đến nhưng đã được thực hiện ngay ở dưới thế.


Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho biết người xây dựng hòa bình phải làm gì để cuộc sống trở nên dồi dào sung mãn, tức là các chiều kích khác nhau của con người, lưu tâm đặc biệt đến các vấn đề ưu tiên và các vấn đề xã hội, có quan điểm đúng đắn về hôn nhân, gia đình và giáo dục, từ chối cầm súng vì lý do lương tâm và tự do tôn giáo, khủng hoảng lương thực và kinh tế. Khía cạnh tích cực này của Sứ điệp mở ra niềm hy vọng, phản ánh lòng yêu mến cuộc sống tròn đầy. Ngoài việc bảo vệ sự sống, Đức Giáo Hoàng còn soi sáng các vấn đề liên quan đến công lý, vì đây là điều thiết yếu để có một cuộc sống xứng đáng trong đó mọi người có thể thấy công lao của mình được công nhận.


Đặc tính thứ ba của Sứ điệp Hòa bình năm nay là khía cạnh giáo dục và sư phạm, gắn liền với sứ mệnh của Giáo hội là đào tạo lương tâm. Vì thế những người có trách nhiệm của các cơ quan giáo dục phải mạnh mẽ lên tiếng nhắc nhở, vì họ chịu trách nhiệm đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai về kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng để vượt qua cuộc khủng hoảng của thế giới toàn cầu hóa, kéo theo cuộc khủng hoảng tinh thần và đạo đức, đe dọa đến hòa bình và gây ra đủ thứ xung đột.


Tiếp theo, Đức giám mục Mario Toso, thư ký Hội đồng, nhấn mạnh rằng Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng mời gọi mọi người trở nên những người kiến tạo hòa bình bằng bảo vệ và phổ biến tất cả các quyền và nghĩa vụ của cá nhân và xã hội. Đứng trước “cuộc suy thoái kinh tế, chủ yếu do khủng hoảng tài chính gây ra, Đức Giáo Hoàng chống lại chủ nghĩa tự do cấp tiến và kỹ trị, vì điều đó có thể đem lại sự phát triển nhưng không có tiến bộ xã hội và dân chủ. Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo trước hết đừng cắt giảm các quyền lợi xã hội và quyền được có việc làm, đây là quyền căn bản và không được gạt ra bên lề.  Nếu không bảo vệ và thăng tiến các quyền về xã hội... thì cũng chẳng có các quyền dân sự và chính trị hay dân chủ thực sự.


Tóm lại, đây là văn kiện phục vụ sự tăng trưởng của một gia đình nhân loại thống nhất giữa các dân tộc và các nhóm, nhưng là thống nhất trong hòa bình, đặc biệt là bảo vệ sự sống từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Hòa bình và công ích đi đôi với nhau và phải được cùng theo đuổi chung với nhau, vì lợi ích của từng người và của mọi dân tộc.

(VIS, 14-12-2012)

 
Minh Đức
Nguồn: hdgmvietnam.org