Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (6) - Gioan Phaolô II

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1155 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


9. Đức Mẹ có lòng thương xót (Mẹ của lòng thương xót)

 

Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (6) - Gioan Phaolô IITrong bài hát Phục sinh đó của Giáo Hội còn vang dội với đầy đủ nội dung tiên tri những lời Đức Maria đã nói lên khi viếng thăm bà Elisabet, vợ ông Giacaria: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. Ngay từ giây phút nhập thể, những lời này mở ra một viễn tượng mới cho lịch sử cứu độ. Sau khi Đức Kitô sống lại, viễn tượng mới này trở thành lịch sử và đồng thời có thêm một ý nghĩa cánh chung. Từ lúc ấy, những thế hệ mới ngày càng nhiều hơn trong gia đình nhân loại bao la luôn nối tiếp nhau và những thế hệ mới của dân Thiên Chúa cũng nối tiếp nhau, những thế hệ này được ghi dấu Thập giá và sự Phục sinh, và “được đóng ấn tín”, ấn tín mầu nhiệm của Đức Kitô Phục sinh, sự mạc khải tuyệt đối về lòng thương xót mà Đức Maria đã tuyên xưng ở ngưỡng cửa nhà người chị em họ của mình: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

 

Đức Maria cũng là người đã có kinh nghiệm một cách đặc biệt và phi thường - hơn ai hết - về lòng thương xót và đồng thời vẫn một cách phi thường, đã nhờ lễ tế lòng mình mà có thể đích thân góp phần vào việc mạc khải lòng Thiên Chúa thương xót. Lễ tế kia được nối kết chặt chẽ với Thập giá của con Mẹ: Đức Mẹ đã đứng dưới chân Thập giá  trên Núi Sọ. Lễ tế của Đức Maria là sự thông phần đặc biệt vào việc mạc khải về lòng thương xót, tức là về sự trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa đối với tình thương của Ngài, đối với Giao ước Ngài đã muốn có từ đời đời và đã lập bên trong thời gian với con người, với dân, với nhân loại; lễ tế đó thông phần vào việc mạc khải đã được hoàn thành dứt khoát nơi thập giá. Không ai bằng Mẹ Đấng bị đóng đinh đã có kinh nghiệm về thập giá, chổ gặp gỡ lạ lùng giữa đức công bằng siêu việt của Thiên Chúa và tình thương: cái “hôn” lòng thương xót tặng cho đức công bằng. Không ai bằng Đức Maria đã đón nhận cách sâu xa như thế trong lòng dạ mình mầu nhiệm này: mầu nhiệm Thiên Chúa Cứu chuộc, mầu nhiệm đã được thực hiện trên Núi Sọ bằng cái chết của Con mình, kèm theo lễ tế của tấm lòng Mẹ và tiếng “xin vâng” quyết định.


Như vậy Đức Maria là người biết thấu đáo hơn cả mầu nhiệm lòng Thiên Chúa thương xót. Người biết giá của mầu nhiệm ấy và biết nó lớn lao biết chừng nào. Trong ý nghĩa ấy, chúng ta cũng gọi người là Mẹ của lòng thương xót: Đức Bà có lòng thương xót hay Đức Mẹ của lòng Thiên Chúa thương xót; mỗi tước hiệu này đều có một ý nghĩa thần học sâu sắc, bởi vì đều nói lên việc tâm hồn và tất cả con người Đức Mẹ đã được chuẩn bị đặc biệt để người có thể trước tiên, thông qua các biến cố phức tạp của Israel rồi thông qua các biến cố liên quan tới mọi người và toàn thể nhân loại mà thấy được lòng thương xót, ai ai cũng được hưởng phần “suốt đời nọ đến đời kia” theo ý định đời đời của Ba Ngôi Chí Thánh.

 

Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (6) - Gioan Phaolô IITuy nhiên, các tước hiệu trên đây mà chúng ta dành cho Mẹ Thiên Chúa cũng nói về Mẹ một cách chính yếu như về Mẹ của Đấng bị đóng đinh và về Mẹ của Đấng Phục sinh, như về kẻ đã chiêm niệm một cách phi thường về lòng thương xót thì cũng theo mức độ ấy “xứng đáng” hưởng lòng thương xót này trong suốt cuộc đời trần thế của mình, và đặc biệt dưới chân Thập giá của Con mình; sau cùng các tước hiệu ấy nói với chúng ta về Đức Mẹ như về một con người, qua sự tham dự một cách vừa kín đáo vừa khôn sánh vào công trình cứu thế của Con mình, được đặc biệt kêu gọi để làm cho tình thương mà Đức Kitô đã mạc khải gần gũi với loài người: tình thương được biểu lộ cụ thể nhất là đối với những kẻ đau khổ, những kẻ nghèo khó, những kẻ bị cầm tù, những kẻ đui mù, những kẻ bị áp bức và những kẻ tội lỗi, như Đức Kitô đã nói, bằng những lời nói của ngôn sứ Isaia, tại hội đường ở Nadaret, tiếp đến để trả lời cho những người do Gioan Tẩy Giả phái đến. 


Tấm lòng của người Mẹ Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục sinh đã tham dự một cách có một không hai và phi thường vào tình “thương xót”, tình thương xót này vẫn được biểu hiện nhất là khi tiếp xúc với sự dữ thể lý và luân lý - Mẹ đã tham dự vào tình thương xót này - và tình thương này không ngừng nơi Đức Mẹ và nhờ Đức Mẹ, được mạc khải trong lịch sử Giáo Hội và nhân loại. Sự mạc khải này đặc biệt có kết quả bởi vì, nơi Mẹ Thiên Chúa, nó dựa trên sự tế nhị đặc biệt của tấm lòng người Mẹ, trên sự mẫn cảm đặc biệt của Người, trên khả năng đặc biệt của Người biết tìm tới tất cả những ai đón nhận cách dễ dàng hơn tình thương xót từ một người Mẹ. Đây là một trong những mầu nhiệm lớn lao và đem lại sức sống của Kitô giáo, một mầu nhiệm gắn liền thật thâm sâu với mầu nhiệm Nhập thể.

 

Công đồng Vatican II nói với chúng ta: “Kể từ sự ưng thuận mà Người đã đem lại bằng lòng tin của mình vào ngày Truyền tin và đã giữ nguyên không do dự ở dưới thập giá, Đức Maria vẫn không ngừng tiếp tục làm Mẹ như thế trong nhiệm cục ân sủng cho tới khi tất cả những kẻ được chọn đạt tới vinh quang đời đời. Quả thế, sau khi Người lên trời, vai trò của Người trong công cuộc cứu chuộc không bị gián đoạn: bằng việc chuyển cầu không ngừng, Người tiếp tục nhận được cho chúng ta những ơn bảo đảm sự cứu thoát đời đời. Tình Mẹ khiến Người chăm lo cho các anh em của Con mình khi họ chưa đi hết con đường hành hương, hay khi họ còn ở giữa những gian nguy và thử thách, cho tới lúc họ về tới quê hương vạn phúc”.


(còn tiếp) 


Gioan Phaolô II 

Chuyển ngữ: UBGLĐT/HĐGMVN

----------------------------

Bài liên quan:


Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (1)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (2)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (3)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (4)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (5)