Tông thư “Totum Amoris Est - Tất cả thuộc về tình yêu” của ĐGH Phanxicô về thánh Phanxicô Salê (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 287 | Cật nhập lần cuối: 1/2/2023 9:47:53 AM | RSS

(tiếp theo)

Làn gió và đôi cánh

Tông thư “Totum Amoris Est - Tất cả thuộc về tình yêu” của ĐGH Phanxicô về thánh Phanxicô Salê (2)Lựa chọn đầu tiên là đọc lại và đề xuất lại cho mỗi người, trong hoàn cảnh cụ thể của họ, mối tương quan hạnh phúc giữa Thiên Chúa và con người. Về cơ bản, lý do tối hậu và mục đích cụ thể của Khảo luận chính là để minh họa cho người đương thời về sức hấp dẫn của tình yêu Thiên Chúa. Ngài hỏi: “Đâu là những mối ràng buộc mà Thiên Chúa Quan phòng thường dùng để thu hút trái tim chúng ta đến với tình yêu của Ngài?” (28). Lập lại lời của ngôn sứ Hôsê (11, 4) (29), thánh nhân định nghĩa những phương tiện thông thường này là “những mối tương quan nhân bản, lòng bác ái, và tình bạn”. Ngài viết: “Rõ ràng, chúng ta không bị lôi cuốn đến với Thiên Chúa bằng xiềng xích sắt, giống như trâu bò, mà bằng những lời mời gọi, dỗ dành và gợi hứng thánh thiện; đây là những sợi dây ràng buộc của Adam và của nhân loại, nghĩa là bởi những gì thích hợp và phù hợp với trái tim con người, vốn được phú bẩm một cách tự do” (30). Chính nhờ những mối ràng buộc này mà Thiên Chúa đã giải thoát dân Ngài khỏi ách nô lệ, dạy họ bước đi và nắm tay họ như cha mẹ làm với con mình. Do đó, không có sự áp đặt từ bên ngoài, không có lực lượng chuyên chế và độc đoán, không có bạo lực, mà là sự thuyết phục tôn trọng quyền tự do của con người. Thánh Phanxicô tiếp tục, chắc chắn đang nghĩ về nhiều câu chuyện cuộc đời mà ngài đã gặp phải: “Sức mạnh của ân sủng không phải để ép buộc mà là để lôi kéo trái tim. Ân sủng sở hữu một sức mạnh thánh thiện, không xâm phạm quyền tự do nhưng hướng dẫn tự do đến tình yêu. Ân sủng hoạt động mạnh mẽ, nhưng nhẹ nhàng đến nỗi ý chí của chúng ta không bị choáng ngợp bởi một hành động mạnh mẽ như vậy; dù thúc bách nhưng ân sủng không bóp nghẹt tự do của chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể đồng ý hoặc từ chối nghe theo những thôi thúc của ân sủng, tuỳ theo ý thích của chúng ta” (31).

Trước đó, thánh Phanxicô đã phác họa về mối tương quan này bằng một ví dụ gây tò mò từ khoa điểu học: “Có một loài chim, Theotimos, mà Aristotle gọi là 'apodans' (không chân), bởi vì chúng có đôi chân ngắn và yếu đến độ chẳng có tác dụng gì, như thể không có đôi chân này. Nếu chẳng may rơi xuống đất, con chim nằm yên đó, không thể tự cất cánh trở lại, bởi vì nếu không sử dụng chân hoặc bàn chân, chúng không thể bay lên và vỗ cánh. Do đó, chúng vẫn nằm rạp trên mặt đất và chết ở đó, trừ khi có một cơn gió mạnh nào đó, bù đắp cho sự bất lực của chúng, nâng chúng lên, giống như nhiều thứ khác. Trong trường hợp đó, nếu con chim đập cánh để đáp lại sức đẩy của gió, thì chính gió sẽ tiếp tục giúp chúng bằng cách đẩy chúng lên cao hơn nữa, giúp chúng bay càng lúc càng cao hơn” (32). Con người chúng ta cũng vậy: chúng ta được Thiên Chúa dựng nên để bay, để dang rộng đôi cánh đáp lại tiếng gọi của tình yêu, nhưng một khi bị rơi xuống đất, trừ khi chọn mở rộng đôi cánh trước ngọn gió của Thần Khí, chúng ta sẽ có nguy cơ chẳng bao giờ có thể bay được nữa.

Vì thế, đây là cách mà ân sủng của Thiên Chúa đến với chúng ta: đó là những mối ràng buộc quý giá và rất nhân bản của Ađam. Quyền năng của Thiên Chúa luôn có khả năng nâng chúng ta lên để lại cất cánh, nhưng lòng nhân từ khiến Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta. Việc chọn để cất cánh hay ở lại trên mặt đất là tùy thuộc vào chúng ta. Ngay cả khi ban ân sủng, Thiên Chúa sẽ không để chúng ta trỗi dậy nếu không có sự đồng ý của chúng ta. Do đó, thánh Phanxicô rút ra kết luận: “Hỡi Theotimos, nguồn cảm hứng của Thiên Chúa được ban tặng trước khi chúng ta nhận thức được nó, nhưng một khi đã nhận thức, thì chúng ta có thể đồng ý làm theo sự thôi thúc, hoặc từ chối và loại bỏ chúng” (33). Trong mối tương quan với Thiên Chúa, chúng ta luôn cảm nghiệm được sự tự do biểu lộ tình yêu sâu thẳm của Chúa Cha dành cho chúng ta.

Tuy nhiên, ân sủng này không bao giờ làm cho con người trở nên thụ động; đúng hơn, nó dẫn chúng ta đến chỗ nhận ra rằng chúng ta được đặt trước tình yêu của Thiên Chúa, và ân ban đầu tiên của Ngài hệ tại ở việc chúng ta chấp nhận tình yêu đó hay không. Vì thế, mỗi người có trách nhiệm hợp tác vào việc nhận thức, tin tưởng, dang rộng đôi cánh để đón làn gió của Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta thấy một khía cạnh quan trọng của ơn gọi làm người của mình. “Trong câu chuyện Sáng thế ký, Thiên Chúa ra lệnh cho Ađam và Êva phải sinh sôi nảy nở. Nhân loại có sứ mạng thay đổi, xây dựng, làm chủ thụ tạo theo nghĩa tích cực là sáng tạo từ nó và cùng với nó. Vì vậy, tương lai không phụ thuộc vào một cơ chế vô hình trong đó con người là khán giả thụ động. Không, chúng ta là những nhân vật chính, chúng ta là những người đồng sáng tạo” (34). Đó là điều mà thánh Phanxicô đã nhận ra và tìm cách truyền đạt trong sứ vụ linh hướng của ngài.

Lòng đạo đức thực sự

Lựa chọn quan trọng thứ hai là chủ đề về lòng đạo đức. Ngày nay, một lần nữa, kỷ nguyên mới đã đặt ra một số vấn đề. Có hai khía cạnh của vấn đề cần được hiểu và đánh giá lại hiện nay. Thứ nhất liên quan đến chính ý tưởng về lòng đạo đức, thứ hai là tính phổ quát và phổ biến của nó. Mở đầu của cuốn Dẫn vào Đời sống đạo đức, thánh Phanxicô nói rõ: “Trước hết, cần phải biết lòng đạo đức bao gồm những gì. Chỉ có một lòng đạo đức đích thực, nhưng lại có nhiều lòng đạo đức giả dối và hão huyền. Nếu không phân biệt được lòng đạo đức đích thực, bạn có thể rơi vào sai lầm và lãng phí thời gian để chạy theo một số việc đạo đức vô bổ và mê tín” (35).

Mô tả của thánh Phanxicô về lòng đạo đức sai lầm rất thú vị và luôn hợp thời. Trong đó chúng ta dễ dàng nhận ra chính mình, vì ngài làm cho câu chuyện thêm ý nhị bằng cách nói hóm hỉnh: “Người ăn chay cho rằng mình là đạo đức vì nhịn ăn, dù trong lòng đầy oán hận; và trong khi yêu thích sự kiêng bớt, không để một giọt rượu, hay thậm chí là nước, chạm vào lưỡi mình, nhưng họ lại không ngại nhúng lưỡi mình vào máu của người thân cận bằng những lời đàm tiếu và vu khống. Một người khác tự cho mình là người đạo đức vì suốt ngày lẩm bẩm cầu nguyện không ngừng, nhưng sau đó lại tuôn ra những lời lăng mạ, kiêu ngạo, và gây tổn thương cho người thân và hàng xóm của mình. Lại có người sẵn sàng bố thí cho người nghèo, nhưng lại không thể lấy ra một chút lòng thương xót nào để tha thứ cho kẻ thù của mình. Còn người khác sẽ tha thứ cho kẻ thù của mình, nhưng lại chẳng bao giờ nghĩ đến việc trả nợ nếu không bị công lý ép buộc” (36). Rõ ràng đó là những tệ nạn xảy ra ở mọi thời, kể cả ngày nay, và thánh nhân kết luận “tất cả những người này thường được coi là đạo đức, nhưng thực sự, họ không hề như vậy” (37).

Tuy nhiên, sự thật của lòng đạo đức đích thực nằm ở chỗ khác: gốc rễ sâu xa nhất của nó là từ sự sống của Thiên Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta. “Lòng đạo đức đích thực và sống động đòi hỏi phải có tình yêu đối với Thiên Chúa; thật vậy, nó không là gì khác hơn là tình yêu đích thực của Thiên Chúa, chứ không phải bất cứ tình yêu nào” (38). Trong ngôn ngữ sống động của thánh Phanxicô, lòng đạo đức “không gì khác hơn là sự tỉnh thức và năng lượng tâm linh, nhờ đó lòng bác ái tác động trong chúng ta, hoặc chúng ta hành động nhờ lòng bác ái, với sự nhanh nhẹn và trìu mến” (39). Như vậy, lòng đạo đức không đứng bên cạnh nhưng là một biểu hiện của lòng bác ái. Lòng đạo đức giống như ngọn lửa có liên quan với lửa: Lòng đạo đức gia tăng cường độ của lòng bác ái mà không làm thay đổi chất lượng của nó. “Tóm lại, có thể nói rằng lòng bác ái và lòng đạo đức không khác gì ngọn lửa với lửa. Lòng bác ái là ngọn lửa tâm linh, khi nó bùng cháy mạnh mẽ thì được gọi là lòng đạo đức. Do đó, lòng đạo đức không thêm gì vào ngọn lửa bác ái nhưng là ngọn lửa làm cho lòng bác ái trở nên sẵn sàng, tích cực và siêng năng, không chỉ trong việc tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa mà còn trong việc thực thi các lời khuyên và sự soi dẫn thiêng liêng của Ngài” (40). Hiểu theo cách này, lòng đạo đức không phải là một điều gì trừu tượng, trái lại, nó là một lối sống, một cách sống hòa mình vào cuộc sống cụ thể hàng ngày. Nó bao trùm và mang lại ý nghĩa cho những điều nhỏ nhặt: thức ăn và quần áo, công việc và giải trí, tình yêu và thiên chức làm cha mẹ, sự tận tâm trong việc chu toàn bổn phận... Tóm lại, nó soi sáng ơn gọi của mỗi người.

Ở đây chúng ta cảm nhận được chiều kích phổ quát của lòng đạo đức, vốn được khẳng định ngay từ những dòng đầu tiên của cuốn Dẫn vào Đời sống đạo đức: “Hầu như tất cả những người nghiên cứu về lòng đạo đức đều quan tâm đến việc hướng dẫn những người sống tách biệt với thế giới, hoặc ít nhất là họ đã dạy một loại đạo đức dẫn đến sự cô lập như vậy. Tôi có ý định đưa ra những lời dạy của mình cho những người sống trong thành phố, trong gia đình, tại tòa án, và những người, do hoàn cảnh sống của họ, buộc phải sống giữa những người khác” (41).

Đây là lý do tại sao những người nghĩ rằng lòng đạo đức chỉ giới hạn trong một khung cảnh yên tĩnh và hẻo lánh nào đó là hết sức sai lầm. Đúng hơn, lòng đạo đức dành cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh, và mọi người có thể thực hành nó theo ơn gọi của mình. Như Thánh Phaolô VI đã viết nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Thánh Phanxicô Salê, “Sự thánh thiện không phải là đặc quyền của bất kỳ giai cấp nào, nhưng là lời mời gọi khẩn thiết được gửi đến mọi Kitô hữu: “Xin mời bạn lên trên cho” (Lc 14, 10). Tất cả chúng ta đều được mời gọi leo lên núi của Thiên Chúa, mặc dù không phải tất cả mọi người đều theo cùng một lộ trình. ‘Lòng đạo đức phải được thực hành khác nhau tuỳ theo đó là người cao trọng hay người lao động, tôi tớ hay hoàng tử, góa phụ hay thiếu nữ,…. Hơn nữa, việc thực hành lòng đạo đức phải phù hợp với khả năng, công việc và bổn phận của mỗi người” (42). Sống giữa thành phố thế tục mà vẫn nuôi dưỡng đời sống nội tâm, kết hợp ước muốn nên hoàn thiện với từng trạng thái của cuộc sống, khám phá sự bình an nội tâm, không tách mình ra khỏi thế giới mà học cách sống trong đó, đánh giá cao nó, đồng thời duy trì một sự tách biệt thích hợp khỏi tính thế tục. Đó là mục tiêu của thánh Phanxicô, và vẫn luôn là bài học quý giá cho mọi người trong thời đại chúng ta.

Đây cũng là giáo huấn của Công đồng Vatican II về ơn gọi nên thánh phổ quát: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả các Ki-tô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành” (43). Mỗi người theo cách riêng của mình... “Chúng ta đừng nản lòng trước những mẫu gương thánh thiện dường như không thể đạt được” (44). Mẹ Giáo hội đề xuất với chúng ta những mẫu gương không phải để chúng ta cố sao chép nhưng để chúng ta được thúc đẩy bước đi trên con đường cụ thể mà Đức Chúa đã hoạch định cho mỗi người chúng ta. “Điều quan trọng nhất là mỗi tín hữu nhận ra con đường riêng của mình, phát huy điều tốt nhất nơi bản thân, những ân huệ riêng mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn mình” (x. 1 Cr 12,7) (45).

Sự xuất thần của cuộc sống

Tất cả những điều này đã khiến vị giám mục thánh thiện coi toàn bộ đời sống Kitô hữu là “sự xuất thần của công việc và cuộc sống” (46). Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn đời sống Kitô hữu với khuynh hướng thoát ly thực tế, hoặc khép kín co cụm, và càng không nên nhầm lẫn với sự vâng phục buồn tẻ và ảm đạm. Chúng ta biết rằng mối nguy hiểm này luôn hiện hữu trong đời sống đức tin. Thật vậy, “có những Kitô hữu mà cuộc sống của họ dường như là Mùa Chay mà không có Lễ Phục Sinh”. Trong khi chúng ta có thể hiểu được nỗi đau buồn của những người phải chịu nhiều đau khổ, thì “chúng ta phải để cho niềm vui đức tin dần dần hồi sinh giống như một niềm tin thầm kín nhưng vững chắc, ngay cả trong những lúc khốn cùng nhất” (47).

Cho phép niềm vui bừng dậy trong tâm hồn là điều mà thánh Phanxicô muốn nói về “sự xuất thần trong công việc và cuộc sống”. Nhờ đó, “chúng ta không chỉ sống một cuộc sống văn minh, trung thực và Kitô giáo, mà còn là một cuộc sống siêu phàm, thiêng liêng, đạo đức, và xuất thần, một cuộc sống mà trong mọi trường hợp đều vượt xa và vượt lên trên điều kiện tự nhiên của chúng ta” (48). lúc này, chúng ta ở những trang trung tâm, và sáng nhất của Khảo luận, nơi “sự xuất thần” được trình bày như một niềm hạnh phúc tràn đầy của đời sống Kitô hữu, vượt lên trên sự tầm thường của việc tuân giữ giới răn: “Chớ trộm cắp, chớ nói dối, chớ dâm dục, chớ thề gian; hãy yêu thương và kính trọng cha mẹ; chớ giết người: đây mới chỉ là sống thuận theo lý trí tự nhiên của con người. Nhưng hãy từ bỏ của cải, yêu thích khó nghèo, coi đó là tình nhân tuyệt vời nhất; coi sự sỉ nhục, bắt bớ và tử đạo là hạnh phúc và phúc lành; tự kiềm chế trong giới hạn của khiết tịnh; và cuối cùng, sống trong thế gian nhưng không theo sự khôn ngoan thế gian và lội ngược dòng bằng sự cam chịu, hy sinh, và từ bỏ mình: đây không phải là sống theo lý lẽ bình thường mà là siêu phàm, vượt ra ngoài và vượt lên trên bản thân chúng ta. Và bởi vì chẳng ai có thể vượt lên trên chính mình theo cách này nếu không được Chúa Cha hằng hữu lôi kéo, nên lối sống này phải là một sự ngây ngất và một trạng thái xuất thần liên tục của hành động và hoạt động” (49).

Đó là một cuộc sống tìm lại được những nguồn vui và chống lại cám dỗ của việc tự cho mình là trung tâm. Vì “mối nguy hiểm lớn của thế giới ngày nay, với chủ nghĩa tiêu thụ lan tràn khắp nơi, là sự cô đơn và đau khổ phát sinh từ lòng tự mãn, tham lam, tìm kiếm những thú vui phù phiếm, và từ lương tâm chai lỳ. Đó là một đời sống khép kín trong tư lợi, không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo; không còn nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, không còn cảm nhận được niềm vui thầm lặng của tình yêu; và ước muốn làm điều thiện cũng phai nhạt. Đây cũng là mối nguy hiểm thực sự đối với các tín hữu. Nhiều người trở thành con mồi của nó, và cuối cùng trở nên oán giận, giận dữ và bất mãn” (50).

Cuối cùng, đối với phần mô tả về “sự xuất thần của công việc và cuộc sống”, thánh Phanxicô bổ sung thêm hai chi tiết quan trọng vẫn còn giá trị cho thời đại chúng ta. Điều thứ nhất liên quan một tiêu chuẩn hiệu quả để nhận ra tính xác thực của lối sống này, trong khi điều thứ hai đề cập đến nguồn gốc sâu xa nhất của nó. Đối với tiêu chuẩn của sự phân định, ngài tuyên bố rằng, trong khi trạng thái xuất thần đòi hỏi sự từ bỏ bản thân thực sự, thì nó không có nghĩa là chạy trốn cuộc sống. Điều quan trọng là đừng bao giờ quên điều này, để tránh những sai lệch nguy hiểm. Nói cách khác, ai tự cho mình đang tiến đến gần Thiên Chúa, mà không sống bác ái với tha nhân, là đang tự lừa dối mình và lừa dối người khác.

Chúng ta tìm thấy ở đây cùng một tiêu chuẩn mà thánh Phanxicô đã áp dụng để đo lường phẩm chất của lòng đạo đức đích thực. “Nếu bạn thấy một người trong lúc cầu nguyện đạt tới sự ngất ngây khiến người đó nâng mình lên với Thiên Chúa, nhưng lại không có sự xuất thần trong cuộc sống, nghĩa là người ấy không sống một cuộc sống được nâng cao và kết hợp với Thiên Chúa, thông qua lòng bác ái liên lỉ, thì hãy tin rằng tất cả những trạng thái ngất ngây của họ đều rất đáng ngờ và nguy hiểm”. Kết luận của ngài rất sắc bén: “Vượt lên trên chính mình khi cầu nguyện, nhưng lại thấp hơn chính mình trong cuộc sống và hành động, trở thành thiên thần trong suy ngẫm, nhưng thú tính trong cuộc đối thoại, là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy những trạng thái ngất ngây và xuất thần như vậy chỉ là những mánh khoé và lừa dối của ác thần” (51). Đây chính là điều mà Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Côrintô trong “Bài ca đức mến”: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,2-3).

Vì thế, đối với thánh Phanxicô, trong khi đời sống Kitô hữu không bao giờ được miễn trừ sự xuất thần, thì sự xuất thần là không chân thực nếu tách rời khỏi đời sống Kitô hữu đích thực. Thật vậy, cuộc sống không có sự xuất thần có nguy cơ bị giảm xuống thành sự vâng lời mù quáng, một Tin Mừng đánh mất niềm vui. Mặt khác, trạng thái xuất thần không có sự sống dễ trở thành mồi ngon cho những ảo tưởng và lừa dối của Ác thần. Sự phân cực của đời sống Kitô hữu không phải là giải quyết và loại trừ nhưng là bảo tồn tính xác thực lẫn nhau. Điều này có nghĩa là, chân lý không tồn tại nếu không có công lý; thoả mãn mà không có trách nhiệm; tự phát mà không có luật pháp, và ngược lại.

Mặt khác, về nguồn gốc sâu xa của trạng thái xuất thần này, thánh Phanxicô đã khôn ngoan liên kết nó với tình yêu được biểu lộ qua Chúa Con nhập thể. Nếu, một đàng, đúng là “tình yêu là hành động và nguyên tắc đầu tiên của lòng đạo đức hoặc đời sống tâm linh của chúng ta, nhờ đó chúng ta sống, cảm nhận và di chuyển” và đàng khác, “đời sống tâm linh bao gồm toàn bộ hoạt động tình cảm của chúng ta”, thì rõ ràng là “một trái tim không có cảm xúc thì không có tình yêu”, và “một trái tim có tình yêu thì không thể không có cảm xúc” (52). Nguồn mạch của tình yêu thu hút con tim chính là cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. “Không có gì lay động trái tim con người cho bằng tình yêu”, và điều này thể hiện rõ nhất qua việc “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì chúng ta; Người đã ban cho chúng ta sự sống nhờ cái chết của Người. Chúng ta sống là vì Người đã chết, chết cho chúng ta, vì chúng ta, và trong chúng ta” (53). Những lời này có sức lay động; bởi vì chúng không chỉ cho thấy một tầm nhìn sáng suốt và sâu sắc về mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà còn biểu lộ mối dây tình cảm sâu xa giữa thánh Phanxicô và Chúa Giêsu. Sự xuất thần của cuộc sống và hành động không phải là một thực tại trừu tượng, nhưng tỏa sáng trong tình yêu của Chúa Kitô mà tột đỉnh là thập giá. Tình yêu đó, không hủy bỏ sự hiện hữu của con người mà làm cho nó tỏa sáng với một phẩm chất phi thường.

Chính vì lý do này mà thánh Phanxicô đã dùng một hình ảnh rất đẹp để mô tả đồi Canvê là “núi tình nhân” (54). Vì ở đó và chỉ ở đó, người ta mới hiểu rằng “không thể có sự sống nếu không có tình yêu, cũng không thể có tình yêu nếu không có cái chết của Đấng Cứu Chuộc. Ngoại trừ ở đó, mọi thứ đều là cái chết vĩnh viễn hoặc tình yêu vĩnh cửu, và toàn bộ sự khôn ngoan của Kitô giáo hệ tại ở việc biết lựa chọn cách khôn ngoan” (55). Do đó, thánh Phanxicô có thể kết thúc Khảo Luận bằng cách viện dẫn một bài giảng của Thánh Augustinô về đức ái: “Còn gì bền vững hơn đức ái, không bận tâm đến những thứ phù du nhưng đến sự vĩnh cửu? Vì có niềm tin không lay chuyển vào những lời hứa về cuộc sống tương lai, nên đức ái có thể bao dung tất cả mọi thứ trong đời hiện tại này. Đức ái có thể chịu đựng mọi sự trong cuộc sống hiện tại, vì nó hy vọng vào những lời hứa về cuộc sống tương lai. Quả thật, Đức ái không bao giờ kết thúc. Do đó, hãy suy gẫm về đức ái và đem ra thực hành qua việc sinh hoa trái của công bằng Và nếu bạn khám phá ra bất cứ điều gì khác để ca ngợi đức ái ngoài những gì tôi đã nói ở đây, hãy để điều đó được thể hiện trong cách sống của bạn” (56).

Đây là những điều đã được thể hiện trong cuộc đời của vị Giám mục thánh thiện của Annecy, và giờ đây, một lần nữa, được trao phó cho mỗi chúng ta. Xin cho dịp kỷ niệm 400 năm sinh nhật trên trời của Thánh Phanxicô Salê giúp chúng ta thành kính tưởng nhớ ngài; và nhờ lời chuyển cầu của ngài, xin Đức Chúa tuôn đổ hồng ân Thánh Thần trên hành trình của Dân thánh trung thành của Người.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 28 tháng 12 năm 2022

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (28.12.2022)
Nguồn: hdgmvietnam.com (01.01.2023)

___________________________

Chú thích:

(28) THÁNH PHANXICÔ SALÊ, Traité de l’amour de Dieu (Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa), II, 12: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 444.

(29) “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má ; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.”

(30) THÁNH PHANXICÔ SALÊ, Traité de l’amour de Dieu (Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa), II, 12: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 444.

(31) Ibid., II, 12: 444-445.

(32) Ibid., II, 9: 434.

(33) Ibid., II, 12: 446.

(34) Let Us Dream. The Path to a Better Future. In conversation with Austen Ivereigh, New York, 2020, 4.

(35) THÁNH PHANXICÔ SALÊ, Introduction à la vie devote (Dẫn vào Đời sống đạo đức), I, 1: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 31.

(36) Ibid.: 31-32.

(37) Ibid.: 32.

(38) Ibid.

(39) Ibid.

(40) Ibid.: 33.

(41) Ibid., Preface: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 23.

(42) Apostolic Epistle Sabaudiae Gemma on the Fourth Centenary of the Birth of Saint Francis de Sale, Doctor of the Church (29/01/1967): AAS 59 (1967), 119.

(43) CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế về Giáo hội Lumen Gentium, 11.

(44) Tông huấn Gaudete et Exsultate, 11: AAS 110 (2018), 1114.

(45) Ibid.

(46) THÁNH PHANXICÔ SALÊ, Traité de l’amour de Dieu (Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa), VII, 6: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 682.

(47) Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 6: AAS 105 (2013), 1021-1022

(48) THÁNH PHANXICÔ SALÊ, Traité de l’amour de Dieu (Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa), VII, 6: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 682-683.

(49) Ibid.: 683.

(50) Tông huấn Evangelii Gaudium, 2: AAS 105 (2013), 1019-1020.

(51) THÁNH PHANXICÔ SALÊ, Traité de l’amour de Dieu (Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa), VII, 7: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 685.

(52) Ibid.: 684.

(53) Ibid., VII, 8: 687, 688.

(54) Ibid., XII, 13: 971.

(55) Ibid.

(56) Sermons, 350, 3: PL 39, 1535.

* Bài liên quan:

TÔNG THƯ “TOTUM AMORIS EST - TẤT CẢ THUỘC VỀ TÌNH YÊU” CỦA ĐGH PHANXICÔ VỀ THÁNH PHANXICÔ SALÊ (1)