Tông thư Salvifici Doloris (10)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4595 | Cật nhập lần cuối: 3/16/2016 9:11:35 AM | RSS

(tiếp theo)

30. Như đã nói, dụ ngôn người Samari nhân hậu nằm trong Tin Mừng về đau khổ; dụ ngôn đó, cùng với Tin Mừng đó, xuất hiện trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, lịch sử Kitô Giáo, lịch sử con người và nhân loại. Dụ ngôn đó minh chứng rằng mặc khải của Đức Kitô về ý nghĩa cứu độ của đau khổ hoàn toàn khác biệt với thái độ thụ động. Trái lại, Tin Mừng là sự phủ nhận thái độ thụ động trước khổ đau. Trong lãnh vực này, chính Đức Kitô cũng hoàn toàn chủ động, và như thế Người thực hiện được sứ vụ thiên sai của mình đúng như lời ngôn sứ:

“Thần khí Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
Sai tôi đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
Băng bó những tấm lòng tan nát,
Tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
Loan tin cho người mù biết sẽ được sáng mắt,
Trả lại tự do cho người bị áp bức,
Công bố một năm hồng ân của Chúa”
(Lc 4,18-19; xc Is 61,1-2)

Sau cùng, xét theo nội dung cơ bản, dụ ngôn này cũng hòa nhập với diễn từ về ngày xét xử cuối cùng, một diễn từ gây kinh ngạc, được thuật lại trong Tin Mừng Mátthêu:

“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dành sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thành trời đất. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,34-36).

Người sẽ trả lời cho những người công chính hỏi rằng họ đã làm những điều tốt cho Người khi nào:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Với những người có thái độ khác thì sẽ bị phán xét ngược lại:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45).

Chắc chắn người ta còn có thể kéo dài danh sách những khổ đau đã khơi dậy mối xúc động, sự cảm thương, và thúc giục con người đảm nhận trách nhiệm, mà cũng có khi chẳng gợi lên gì cả. Trong trình thuật phán xét sau cùng, lời tuyên bố thứ nhất và thứ hai của Đức Kitô cho thấy hết sức rõ ràng rằng: việc “dừng lại” bên nỗi đau khổ của người thân cận, cảm thương và giơ tay nâng đỡ theo gương người Samari nhân hậu, điều đó thật quan trọng biết bao đối với sự sống đời đời của mỗi người. Trong chương trình thiên sai của Đức Kitô, tức là chương trình của Nước Thiên Chúa, đau khổ hiện diện trong thế giới để khơi dậy tình yêu, để làm nảy sinh những công việc của tình yêu đối với người thân cận, để biến đổi tất cả nền văn minh nhân loại thành “nền văn minh của tình yêu”. Trong tình yêu đó, ý nghĩa cứu độ của đau khổ được thể hiện tột cùng và đạt đến chiều kích trọn vẹn của nó. Lời Đức Kitô nói về cuộc xét xử sau hết cho phép chúng ta hiểu được điều đó với tất cả tính đơn giản và sáng sủa của Tin Mừng.

Những lời Chúa nói về tình yêu, về những hành vi bác ái cứu giúp người đau khổ còn cho phép chúng ta, một lần nữa, khám phá ra được nỗi đau khổ cứu độ của Đức Kitô nằm ở nền tảng mọi nỗi khổ đau của nhân loại. Đức Kitô nói rằng: “Đó là các ngươi đã làm cho chính Ta”, chính Người hiện diện nơi những người được đón nhận tình thương. Chính Người được nâng đỡ khi người ta nâng đỡ mọi nỗi khổ đau, không trừ điều gì. Chính Người hiện diện nơi người này hay kẻ kia đang phải chịu đau khổ, bởi vì sự đau khổ có tính cách cứu độ của Người đã mãi mãi rộng mở đối với tất cả mọi khổ đau của nhân loại. Và tất cả những người đau khổ cũng được kêu gọi một cách dứt khoát để trở thành những người tham dự vào “những nỗi khổ đau của Đức Kitô”. Cũng vậy, mọi người đều được kêu gọi để, bằng đau khổ của riêng mình, “hoàn tất những gì còn thiếu nơi những nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu” (Cl 1, 24). Đức Kitô cũng đã dạy con người phải biết làm điều thiện nhờ đau khổ, đồng thời phải biết làm điều thiện cho những người đau khổ. Qua hai khía cạnh đó, Người đã mặc khải ý nghĩa sâu xa của đau khổ.

VIII. Kết luận

Tông thư Salvifici Doloris (10)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo31. Trên đây là ý nghĩa thật sự siêu nhiên, và cũng là ý nghĩa nhân bản của đau khổ. Là ý nghĩa siêu nhiên bởi vì nó bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ thế giới. Mặt khác, là ý nghĩa nhân bản sâu xa, vì nơi Thiên Chúa, con người nhận ra chính mình, cùng với nhân tính, phẩm giá và sứ mạng của riêng mình.

Đau khổ rõ ràng là một phần thuộc về mầu nhiệm con người. Nhưng có lẽ đau khổ không bị bao trùm bởi bức màn quá huyền bí như mầu nhiệm con người. Cộng đồng Vat. 2 đã diễn tả chân lý này như sau: “Thật vậy, mầu nhiệm con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Bởi vì… Chúa Kitô, Ađam mới, khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, đã cho con người biết rõ về chính con người và thiên chức rất cao cả của họ” (Vui mừng và Hy vọng số 22). Nếu bản văn trên nhằm đến tất cả những gì đụng chạm đến mầu nhiệm con người, thì chắc chắn, cũng liên quan đặc biệt đến đau khổ của con người. Về điểm này, “việc bày tỏ chính con người cho họ và khám phá ra nét cao cả trong ơn gọi của họ” là điều hoàn toàn không thể thiếu được. Cũng thế, kinh nghiệm minh chứng rằng điều đó được xác nhận một cách bi đát. Ngược lại, khi đã hoàn toàn thực hiện, khi cuộc sống con người được soi sáng về điều đó, thì rõ ràng là thật hạnh phúc. “Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ” (Vui mừng và Hy vọng số 22).

Chúng tôi kết thúc những suy tư về đau khổ trong Năm Toàn Xá ngoại lệ để kỷ niệm công cuộc cứu độ.

Mầu nhiệm cứu độ trần gian gắn bó với đau khổ một cách lạ lùng, và ngược lại, đau khổ hướng về mầu nhiệm đó như đích điểm cao cả và chắc chắn nhất.

Trong Năm Thánh Cứu Độ, chúng tôi mong muốn liên kết chặt chẽ với tất cả những ai chịu đau khổ. Vì vậy, tâm trí của tất cả những ai đau khổ, những ai tin vào Đức Kitô, phải quy tụ lại với nhau dưới chân Thập Giá trên đồi Canvê, đặc biệt là những ai phải chịu đau khổ vì tin nơi Người, Đấng đã chịu đóng đinh và đã phục sinh, để cho hiến lễ đau khổ của họ làm cho lời nguyện xin của chính Đấng Cứu Thế - lời cầu xin cho mọi người hiệp nhất - được mau chóng thực hiện. Ước mong tất cả những người thiện tâm cũng quy tụ lại ở đấy, bởi vì ở bên Thánh Giá chính là Đấng Cứu Độ nhân loại, là người đau khổ đã đảm nhận nơi mình tất cả những khổ đau thể lý và tinh thần của nhân loại trong mọi thời đại, để cho nhân loại có thể tìm thấy, trong tình yêu, ý nghĩa cứu độ nơi những đau khổ của họ và tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc của họ. Cùng với Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, đã đứng dưới chân Thánh Giá, chúng ta hãy dừng lại bên tất cả những Thánh Giá của nhân loại ngày nay. Chúng ta hãy khẩn cầu các Thánh, qua bao thế kỷ, các ngài đã tham dự đặc biệt vào đau khổ của Đức Kitô. Chúng ta hãy xin các ngài nâng đỡ chúng ta. Và chúng tôi xin tất cả anh chị em, những người đau khổ, hãy giúp chúng tôi. Anh chị em là những người đau yếu, xin anh chị em hãy trở thành nguồn sức mạnh cho Giáo hội và cho nhân loại. Trong cuộc chiến ghê gớm giữa hai sức mạnh thiện và ác mà thế giới hiện nay đang bày tỏ cho chúng ta thấy, ước mong rằng những đau khổ của anh chị em, hiệp với Thánh Giá của Đức Kitô, sẽ chiến thắng.

Tôi xin gởi tới anh chị em rất thân mến phép lành Tòa Thánh.

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô.
Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu
Triều đại Giáo Hoàng của tôi
GIOAN PHAOLÔ II

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Trích "Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo", tr. 61-65

Tông thư Salvifici Doloris (1)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

Tông thư Salvifici Doloris (2)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

Tông thư Salvifici Doloris (3)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

Tông thư Salvifici Doloris (4)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

Tông thư Salvifici Doloris (5)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

Tông thư Salvifici Doloris (6)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

Tông thư Salvifici Doloris (7)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

Tông thư Salvifici Doloris (8)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

Tông thư Salvifici Doloris (9)- Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo