Thánh Phanxicô Assisi, con người của hòa bình (tt)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2644 | Cật nhập lần cuối: 10/7/2016 11:23:08 AM | RSS

(tiếp theo)

2.“Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23, 8; Lksc 22, 33)

Thánh Phanxicô Assisi, con người của hòa bình (tt)Một yếu tố đặc biệt khác tạo nên tinh thần hòa bình của thánh Phanxicô là tình huynh đệ phổ quát.Nguồn gốc của yếu tố này là một ý thức sâu xa về Thiên Chúa Tạo Hóa là Cha của muôn loài muôn vật.

Trước hết chúng ta cần lưu ý là Thánh Phanxicô đặc biệt yêu mến Kinh Lạy Cha, một lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ. Thánh nhân đã quảng giải lời kinh này của Chúa (1), rồi còn nhắn nhủ anh em trong bản Luật không sắc chỉ:

“Chúa đã phán: Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn luôn […] Khi anh em đứng cầu nguyện , anh em hãy nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Lksc 22,27-28).

Như vậy “cầu nguyện luôn luôn” đối với Phanxicô thường có nghĩa là nhẩm đi nhẩm lại Kinh Lạy Cha. Từ đó người ý thức Thiên Chúa là người Cha đặc biệt của Chúa Giêsu (2), rồi nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa là Cha của mọi người. Câu nói của Chúa Giêsu: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em đừng gọi ai dưới đất này là Cha” trong Mt 23, 8 đã được Thánh Phanxicô ghi lại trong bản Luật không sắc chỉ (Lksc 22, 33).

Thánh Phanxicô sống tình huynh đệ ấy không những đối với những anh em trong Dòng, mà còn đối với những người ngoài cộng đoàn, kể cả những vị khách bất ưng, như người đã nói: “Bất cứ ai đến với anh em, bạn hay thù, trộm hay cướp, anh em hãy tiếp đón tử tế” (Lksc 7, 14).

Một điều cần lưu ý ở đây là trong các bút tích để lại, Phanxicô rất nhiều lần nói đến bổn phận phải yêu mến thù địch. Vào thế kỷ 13, người Hồi giáo được xem như là kẻ thù số một của người Công giáo. Trong ngôn ngữ của giáo dân cũng như của các vị giảng thuyết danh tiếng, những người Hồi giáo được gọi là “những kẻ bất lương và nghịch đạo”, “những quân thù địch của Thánh giá Chúa Kitô”, “những con chó đáng phạt trong hoả ngục” (3)!

Trên môi miệng của Phanxicô, không ai đã bắt gặp được một lời lăng nhục đối với những người Hồi giáo. Trong chương 16 của Luật không sắc chỉ, Phanxicô dặn dò những anh em đi truyền giáo cho người Hồi giáo như sau:

“Các anh em ra đi, thì có thể sống giữa họ theo Thánh Khí bằng hai cách: Một là đừng tranh cãi hay chống báng, nhưng hãy tuân phục mọi người vì Thiên Chúa và tuyên xưng mình là Kitô hữu. Hai là khi thấy đẹp lòng Chúa, anh em hãy loan báo Lời Chúa…” (Lksc 16,5-7).

Thái độ của anh em trước hết phải là hoà nhã, không nói lời khiêu khích chống báng và tỏ ra phục tùng hết mọi người như lời thánh Phêrô Tông đồ đã dạy: “Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra: dù là vua, người nắm quyền tối cao, dù là quan, sứ giả của nhà vua để trừng phạt kẻ làm điều ác và khen thưởng người làm điều thiện, vì ý muốn của Thiên Chúa là anh em hãy làm điều thiện để bịt miệng những kẻ ngu xuẩn vô tri” (1 Pr 2,13-15).

Chương 22 của Luật không sắc chỉ càng cho thấy sự khác biệt giữa thái độ của Phanxicô và thái độ của phần đông các Kitô hữu đương thời:

“Hỡi tất cả anh em, chúng ta hãy lắng nghe Chúa nói: “Hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho những người oán ghét các con” (Mt 5, 44 ); vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng mà chúng ta phải bước theo vết chân, đã gọi kẻ phản bội mình là bạn hữu và sẵn sàng trao thân cho kẻ đóng đinh mình.

Vậy bạn hữu của chúng ta là những người vô cớ mà gieo ưu phiền và lo lắng, sỉ nhục và lăng mạ, đau đớn và cực hình, khiến chúng ta phải chịu tử đạo. Chúng ta phải yêu mến họ hết lòng, vì do những gian truân họ gây ra cho chúng ta, mà chúng ta được sống đời đời” (Lksc 22,1-3).

Chữ ‘thù địch’ trong câu nói của Phanxicô ám chỉ những người Hồi giáo vì họ gây cho chúng ta ‘chịu cực hình và chết vì đạo’. Gọi người Hồi giáo là ‘bạn hữu’, đó thật là một thái độ cách mạng của Phanxicô trong bầu khí Thập tự chinh thời đó!

Để có thể trở thành người anh em của mọi người, nhất là đối với các thù địch, thì yếu tố cơ bản là luôn luôn phải sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của họ. Để hòa giải Đức Cha Ghiđô với ông thị trưởng Assisi, Phanxicô đã cho viết thêm trong Bài Ca Anh Mặt Trời (cũng gọi là Bài Ca các thụ tạo) đoạn thơ sau đây:

“Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì những người biết thứ tha
nhân danh tình yêu Chúa,
và chịu bệnh tật ưu phiền.
Phúc cho ai chấp nhận trong an hoà,
vì lạy Chúa Tối Cao,
Ngài sẽ thưởng triều thiên”

Rồi Phanxicô đã cho mời ông thị trưởng tới tòa giám mục, để hai vị cùng nghe anh em hát Bài Ca anh Mặt Trời cùng với đoạn thơ mới được thêm.Sau khi đã nghe khúc ca trên, cả hai người ôm choàng lấy nhau và xin lỗi nhau.

Tha thứ cho các địch thủ của mình, điều đó không phải là dễ dàng. Vì thế, người ta phải cầu nguyện để xin ơn trên, như Phanxicô đã nêu lên trong Kinh Lạy Cha quảng diễn:

“Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con:
và khi chúng con không tha thứ trọn vẹn được,
thì lạy Cha, xin giúp chúng con tha thứ cho trọn vẹn,
để, vì Cha, chúng con có thể thực lòng yêu mến địch thù
và sốt sắng cầu bầu cùng Cha cho họ,
không hề lấy ác báo ác,
nhưng trong mọi sự, cố giúp đỡ họ trong Cha”

Thánh Phanxicô sống tình huynh đệ không những đối với mọi người, mà cả đối với loài thụ tạo vô tri vô giác. Bài ca Anh Mặt Trời là một chứng từ hùng hồn về tình huynh đệ đó: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Ông Anh Mặt Trời,… Chị Trăng,… Anh Gió, Chị Nước, Anh Lửa, Chị Đất…”, đến cả “Chị Chết”. Cái chết cũng nằm trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa Tình Yêu, nên cũng mang bộ mặt hiền hậu của người Chị.

Tôma Xê-la-nô, sử gia tiên khởi của Thánh Phanxicô, đã viết:

“Mùa màng và những vườn nho, những tảng đá, những rừng núi, những phong cảnh vui tươi, những suối nước, những chòm cây, đất, lửa, khí, gió, tất cả muôn loài được Phanxicô mời gọi cách chân thành đơn sơ hãy yêu mến và phụng thờ Chúa hết lòng. Mọi vật đều mang tên là anh, chị.Trực giác sắc sảo của lòng ngài đã cho ngài nhìn rõ cách phi thường mầu nhiệm của các thụ vật, vì từ bây giờ ngài đã sống sự tự do vẻ vang của con cái Chúa” (1 Cel 81).

Thánh Bônaventura giải thích một cách triết lý hơn:

“Càng đi lên về nguyên lý tiên khởi của vạn vật, thì Phanxicô càng cảm thấy một tình yêu chan chứa đối với chúng.Ngài gọi mọi loài là anh, chị, kể cả những loài nhỏ mọn nhất, vì ngài biết rằng tất cả đều phát xuất từ một Nguyên lý độc nhất” (Đại Truyện, VIII, 6).

Tình huynh đệ của Phanxicô đối với các loài thụ tạo được thể hiện không chỉ bằng cách gọi chúng là Anh, là Chị, nhưng sâu xa và cụ thể hơn thế nữa nhiều: đó là tôn kính và bảo vệ những hình thức sự sốngthấp hèn nhất trong trời đất, theo chứng từ của Thánh Bônaventura: “Ngài cảm thấy một tình yêu chan chứa đối với chúng”. Đàng khác, Phanxicô yêu mến các loài thụ tạo, không phải vì chúng mang lại lợi ích vật chất cho con người, nhưng vì chúng diễn tả, mỗi loài theo các thế của chúng, sự tốt lành và vẻ đẹp đẽ của Thiên Chúa đồng thời, một cách nào đó chúng gợi lại hình ảnh Ngôi Lời nhấp thể. Một chứng từ khác của Tôma Xê-la-nô rất rõ ràng về điều đó:

“Ngài (Phanxicô) yêu thương mọi loài với một lòng trìu mến chưa hề nghe nói đến bao giờ. Ngài nói về Chúa cho chúng nghe, và mời gọi chúng ngợi khen Chúa… Ngài kính cẩn khi bước lên các tảng đá, do tôn trọng Đấng được xưng tụng là Đá Tảng… Khi đốn củi, ngài cấm anh em không được đốn cả cây, để chúng có cơ hội đâm cánh nhánh mới.- Ngài dạy anh làm vườn phải để hoang các góc vườn rau, làm sao cho tới mùa, cỏ xanh và hoa muôn sắc có thể tôn vinh Thiên Chúa là Cha toàn mỹ của muôn loài… Trên đường đi, hễ thấy côn trùng là ngài lượm lên để chúng không bị người qua lại giẫm đạp dưới chân. Để cho bầy ong khỏi chết đói trong mùa đông giá rét, ngài truyền đem đặt mật và rượu ngon nhất cho chúng. Bất kể thú vật nào, ngài cũng gọi là anh chị em, tuy nhiên trong số các loài vật, ngài ưa thích nhất những con hiền lành. Ai có thể kể cho hết những điều trên? Nguồn Thiện Hảo, một ngày kia sẽ là tất cả trong tất cả, nay thực sự đã hiển hiện trong muôn vật trước mắt thánh nhân” (4).

Trong thông điệp hòa bình năm 1990, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói là nền hòa bình của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng, không những bởi cuộc chạy đua vũ trang, những cuộc xung đột tại nhiều đất nước, sự bất công giữa các quốc gia, mà còn bởi sự thiếu tôn trọng đối với môi trường. Người gọi đó là “một cuộc khủng hoảng về môi trường”. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ấy là con người đã sống cách ích kỷ, vô trách nhiệm và thiếu tôn trọng đối với sự sống. Ở cuối thông điệp, người nói: “Thánh Phanxicô mà tôi đã tuyên bố năm 1979 là đấng bảo trợ trên trời của những người bảo vệ môi trường, nêu gương cho các Kitô hữu về một sự tôn trọng đích thực và không chút dè dặt đối với sự toàn vẹn của tạo thành… Tôi mong rằng hứng khởi của Thánh Phanxicô giúp chúng ta luôn luôn có một ý thức sống động về “tình huynh đệ” đối với mọi loài, mọi vật mà Thiên Chúa Toàn năng đã dựng nên thật đẹp và thật tốt lành; tôi cũng mong rằng hứng khởi ấy nhắc nhở chúng ta có bổn phận nghiêm ngặt là tôn trọng và bảo vệ chúng một cách chu đáo, trong khung cảnh rộng rãi hơn và cao cả hơn của gia đình nhân loại” (5).

Tinh thần hòa bình của Thánh Phanxicô thực ra là chính tinh thần của Chúa Giêsu, một tinh thần mà thế gian không hiểu được như Chúa đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14, 27). Sự bình an mà Chúa Giêsu ban, phát xuất từ của lễ tình yêu của Người, như thánh Phaolô đã giải thích: “Chính Người (Đức Giêsu Kitô) là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2, 14).

Vì đã thấm nhuần lời Chúa dạy, nên Thánh Phanxicô ý thức một cách sâu xa Máu của Chúa Giêsu là “máu của giao ước” (6), máu của sự hòa giải. Trong Thư gửi cho toàn dòng, thánh nhân nói tới “Mình và máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trong Người mọi loài trên trời và dưới đất được hưởng bình an và được giao hòa cùng Thiên Chúa Toàn năng” (7). Chúa Giêsu đã thiết lập hòa bình giữa loài người nhờ Máu Người đổ ra trên Thập giá. Vì thế, khi các môn đệ của Chúa Giêsu muốn xây dựng hòa bình mà không muốn chấp nhận Thập giá, thậm chí còn muốn dùng những phương tiện của thế gian (óc thống trị, bạo lực, vũ khí…), thì đó không còn là hòa bình theo tinh thần của Chúa Giêsu nữa.

Norbertô NGUYỄN VĂN KHANH, OFM
(2011)


_______________________
Chú thích:

(1) Xem: Tác phẩm của Thánh Phanxicô: Kinh Lạy Cha quảng diễn. Trong bộ kinh này, trên 15 thánh vịnh, Phanxicô đã đặt trên môi miệng Đức Giêsu hơn 10 thánh vịnh; đàng khác các từ “Lạy Chúa” lại thường được đổi thành “Lạy Cha chí thánh ”. Từ đó người ta có thể kết luận rằng, đối với Phanxicô các thánh vịnh trước hết là lời kinh của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha, và vị Thiên Chúa được nhắc tới trong các thánh vịnh trước hết là Cha của Đức Giêsu.

(2) Xem: Tác phẩm của Thánh Phanxicô: Bộ kinh Vượt Qua.

(3) Giulio Basetti-Sani, Mohammed et Saint Francois, Paris 1939, p. 20-24.

(4) Tôma Celano, Hạnh Thánh Phanxicô, Quyển II, số 165.

(5) Gioan-Phaolô II, Sứ điệp Hòa bình năm 1990 (mang đầu đề trong Pháp ngữ là: Hòa bình với Thiên Chúa Tạo hóa. Hòa bình với tất cả loài thọ tạo), số 16..

(6) Kiểu nói này được Thánh Phanxicô nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các di cảo :x.Thư gửi Toàn Dòng, câu 18;Thư gửi các tín hữu, câu 7; Huấn ngôn 1,11.

(7) X.Thư gởi toàn Dòng, câu 13.

Thánh Phanxicô Assisi, con người của hòa bình