Vài suy nghĩ về tiếng đàn trong Giáo lý Phật giáo Hòa Hảo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1167 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đàn là một loại nhạc cụ mà ngày xưa các tao nhân mặc khách dùng để tiêu khiển những khi nhàn nhã. Sách Lã Thị Xuân Thu có chép lại mẩu chuyện rất cảm động về tình bạn của Bá Nha - Tử Kỳ thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng nhờ tiếng đàn mà hai người quen biết và kết bạn với nhau.


Bá Nha họ Du tên Thụy, người ở kinh đô nước Sở (nay là phủ Kinh Châu, tỉnh Hồ Quảng). Tuy là người nước Sở, nhưng làm quan cho nước Tấn, chức Thượng Ðại Phu.


Tử Kỳ, họ Chung tên Huy, nhà tại Tập Hiền Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông Hán Dương, là một danh sĩ ẩn dật, báo hiếu cha mẹ tuổi già, làm nghề đốn củi.


Sự tao ngộ và kết tình bằng hữu của hai người là một huyền thoại, nhờ tiếng đàn thấu hiểu lòng nhau. Bá Nha đàn. Tử Kỳ nghe tiếng đàn thấu hiểu lòng người khải đàn.


Khi Bá Nha tập trung tinh thần đến chốn non cao, khảy lên một khúc. Tiều phu khen rằng:

- Ðẹp thay vòi vọi kìa, chí tại non cao.


Bá Nha ngưng thần, ý tại lưu thủy, khảy lên một khúc nữa. Tiều phu lại khen rằng:

- Ðẹp thay, mông mênh kìa, chí tại lưu thủy.


Và lần cuối cùng Bá Nha đàn khúc nhạc “Thiên thu trường hận” bên mộ phần của Tử Kỳ và đập cây Dao cầm mà mình yêu thích  nhất, liền đó ngâm:


Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
Ðàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai?

Gió Xuân khắp mặt bao bè bạn,
Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!


Nhận sứ mệnh giáo dân độ chúng, xiển dương chánh pháp, Đức Giáo Chủ PGHH chu du khắp Nam Kỳ lục tỉnh giác ngộ quần sanh, tỉnh tâm tầm đạo, với một hoài bão là:

“Ước mơ thế giới lân hòa hảo

 Nhà Phật con tiên hé miệng cười”


Và cùng lời thệ nguyện:

“Đầu ngưỡng vọng đất trời minh chứng

 Tấm lòng thành quyết dựng đạo đời”


Giáo pháp của Ngài thật giản dị, bình thường phù hợp cho mọi căn cơ trình độ mà nghĩa lý thật thâm sâu siêu việt. Đức Thầy dụng pháp như người đời dụng đờn - một loại nhạc cụ rất gần gũi và phổ biến ở miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ - làm phương tiện pháp để giác tỉnh người mê về nẻo đạo, quy y Phật pháp. Có thể nói đây là một phương thức truyền giáo độc đáo có một không hai, đã đạt được một thành quả vô cùng to lớn, bởi nó hoàn toàn phù hạp với cơ cảm chúng sanh miền Tây Nam Bộ bấy giờ và cho đến ngày nay. Vì là giáo Pháp nên Ngài sử dụng một loại đờn khác đặc biệt nó không phải Dao cầm của Bá Nha, càng không phải Nguyệt cầm của Vương Thúy Kiều mà đây là cây đàn “vô tiền, khoán hậu” “không dây không phiếm” khải lên những khúc nhạc “học Phật tu Nhân” thật vi diệu êm tai, dễ đi vào lòng người. Đó là cây đàn. 


“Đờn ta vốn thiệt không dây

 Vô duyên khó biết lời Thầy nói xa”


“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng” Thánh nhân nói như thế. Còn đối với Đức Thầy thì “Kẻ xa thì mến đức ân / Làm cho người gần ghen ghét khinh khi”. Ngài:

“Dụng Bá Nha lên dây đàn khảy

Lo cho đời quên dóc ốm gầy”


Và khi bản pháp nhạc của Ngài tấu lên đã đánh thức lương tri hàng triệu triệu thiện nam tín nữ miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ:


“Đây trưng bày khuyên gìn cang kỷ

Đờn những câu tỉ mỉ rung hồn

Cho người lành dạ ái bắt nôn

Cúi đầu trước quy y Phật Pháp”

     

Chúng ta đã biết, giáo lý PGHH được chắt lọc từ tinh hoa của tam giáo “Phật, Lão, Nho” được gọi là “Tam giáo quy ngươn” và được Đức Thầy canh tân phương pháp cho phù hạp với thời đại, dạy con người tiến về cõi Phật bằng con đường lập thân cõi trần - làm tròn phận sự của một con người trong kiếp sống, kiến tạo cuộc sống xã hội có nề nếp, bình yên, ai nấy lo tròn bổn phận của mình bằng những đức tính quân tử thường hằng.


* Tam cang là ba giềng, ba mối đạo: quân thần cang; phụ tử cang; phu thê cang:

+ Đạo quân thần: quân xử thần tử thần bất tử bất trung.

+ Đạo phụ tử: phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu.

+ Đạo phu thê: chồng chúa vợ tôi, phu xướng phụ tùy.

     

Những điều đó không còn phù hạp với xã hội ngày nay nên Đức Thầy tiết tấu tam cang của đạo Nho thành:

+ Quân thần cang: thành tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào và nhơn loại (hai trong tứ đại trọng ân). “…Ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ quê hương đất nước khi bị kẻ xâm lăng giầy đạp…Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm”.


+ Phụ tử cang: thành tình yêu ông bà cha mẹ, (một trong tứ đại trọng ân), phụ từ, tử hiếu. “Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lãng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẩn trái với nhân đạo ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế ta còn phải báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bệnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ hường điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đọa trầm luân”


+ Phu thê cang: thành tình yêu thương thuận hòa, biết kính nhường, tôn trọng lẫn nhau.

     

“Tu cầu gia đạo vuông tròn

 Chồng hòa vợ thuận cháu con thảo hiền”

 “Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau”

      

Hơn nữa, Ngài còn dặn dò rất tế nhị: 


“Trẻ với già gìn hai chữ từ khiêm

Không còn thấy loạn luân nền cang kỷ 

Đạo tôi chúa chặt gìn câu chung thỉ 

Đạo thầy trò khắc cốt với ghi xương

Đạo cha con chặt chẽ chữ miên trường

Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác

Biết lễ nghĩa kính yêu cùng cô bác

Nội tông cùng ngoại tổ với cậu dì

Thêm kính nhường anh chị kẻ cố tri 

Mắt chẳng thấy lũ gian phi xảo trá

Đạo bè bạn bất phân nhơn với ngã

Chữ nghĩa tình sắt đá mãi bền gan”


* Ngũ thường là năm mối, năm đức tính: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Cũng được Đức Thầy giảng giải từng điều một rãi rác trong các tác phẩm văn xuôi và văn vần. Đại khái có thể nói gọn lại:


“Phận làm người hiếu thảo noi gương

Ấy chẳng qua là đạo luân thường”


*Còn về tam tùng, tứ đức là bổn phận người đàn bà, Đức Thầy cũng nhắc tới:


“Lớn lên phân gái cần chuyên

Làm ăn thì phải cho siêng mới là

Phải gìn dục vọng lòng tà

Đừng chiều theo nó vậy mà hư thân

Nghe lời cha mẹ cân phân

Tam tùng ven giữ lập thân buổi nầy.


“Đi thưa về cũng phải trình

Công, dung, ngôn, hạnh thân mình phải trau”

     

Đức Thầy trổi khúc “Gìn Khổng đạo” khuyên “gìn cang kỷ” để nhắc nhở mọi người biết giữ gìn và tuân thủ những nguyên tắc sống, những tục lệ chơn chánh - những thuần phong mỹ tục của cha ông - để kiến tạo nên một xã hội tốt đẹp, an lành và hạnh phúc. Đồng thời, khuyên răn những người gian ác hướng thiện, cải tà quy chánh và làm cho những người hiền lành nhơn đức, yêu mến tiếng đàn Pháp nhủ, mong tìm lấy chánh pháp, tinh tấn tu hành quy y Phật Pháp. Đấy là con đường thoát khỏi ngục tù trầm luân khổ hải. Đức Giáo Chủ PGHH trổi lên khúc nhạc huyền thâm tìm người tri âm hòa bản chung cùng:


“Cầu xin Phật tổ ra ơn

Lời Điên khuyên nhủ như đờn Bá Nha”

“Điệu đờn trổi khúc huyền thâm

Nhà nghề chọn bản tri âm đâu nào”

Và rồi chúng ta hãy lắng lòng nghe khúc nhạc sau:

“Lóng tai nghe rõ tiếng đờn


Không dây không phiếm oán hờn cũng không”

Đây là khúc Pháp nhạc “Tứ vô lượng tâm”: Từ, Bi, Hỷ, Xả.


Con người một khi không còn oán giận, hờn ghét, căm thù một ai, “oán hờn cũng không”  là đạt được “Tứ vô lượng tâm”.


+ Người không oán giận là biết thương yêu hết thảy mọi người (đức Từ); và thương xót những ai lầm lỗi (đức Bi).

+ Người không hờn ghét là vui vẻ, an lạc (đức Hỷ); bao dung tha thứ (đức Xả).


Như vậy, “oán hờn cũng không” là khúc nhạc “Tứ vô lượng tâm” mà Đức Thầy trổi lên để kêu gọi mọi người biết thương yêu lẫn nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau trong khi lầm lỗi, cõi lòng rộng mở tiếp đón những ai đã lầm lỡ biết nẻo chánh quay về, được vậy tâm hồn mới an nhiên tự tại, vui vẻ, an lạc, viên mãn. Như vậy mới rõ là:


“Đạo Pháp thường hay dung với hòa

Xét người cho tột xét thân ta

Nếu người rõ phận vui lòng thứ

Ta thứ được người người thứ ta”


Tóm lại, Đức Giáo Chủ PGHH sử dụng loại đàn “không dây, không phiếm” tấu lên những khúc nhạc du dương, thoát tục, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng thanh thản. Và Ngài đã biến lời pháp nhủ thành tiếng đàn thật vi diệu, thậm thâm mầu nhiệm:


“Học đạo lý như đờn trúng điệu

Hòa bản rồi thì cứ làm theo”


Nhân Huệ

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn