Cuốn sổ đời tên tuổi đã bôi…

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 466 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Hình như, mỗi lần xem những hình ảnh thế phát của những bậc chọn con đường “xuất trần thượng sĩ” tôi đều cảm thấy hoan hỷ, vì các vị ấy từ nay đã có một con đường. Con đường ấy không vướng víu nhiều đến lợi danh, luyến ái thường tình nên chắc chắn sẽ không mang “đá” trên lưng, không để những thứ như danh, sắc, tài, thực, thùy đè nát cuộc đời, trôi lăn qua những miền sanh tử. 


Xuất gia là một lựa chọn dũng cảm, tuyệt vời. Có người đã nhận xét như thế để tán thán hạnh nguyện từ bỏ của người vừa thế phát.


ảnh Thế phát.jpg

Lễ thế phát xuất gia


Tất nhiên, lựa chọn và cách sống, cách hành xử… của một con người là kết quả của một hay nhiều nhân duyên tương tác, tương tức nhau trong “trùng trùng duyên khởi”. Không phải tự nhiên mà người nào đó chọn con đường xuất gia mà phải có nhân-duyên. Nhân đó là cái nhân được hình thành từ sự phát nguyện đi trên con đường giải thoát, giác ngộ. Con đường ấy tối thượng nhất vẫn là được mang hình tướng đầu tròn áo vuông, nhận và gìn giữ giới bản của người xuất gia, rồi thứ lớp thọ trì giới (nguyên tắc đạo đức) lên đến bậc Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni… 


Giới là thầy, là bậc hướng đạo đầy nguyên tắc nhưng cũng thật từ bi bởi sự điều chỉnh của vị thầy này sẽ giúp cho mình được định tâm, sáng suốt, lòng từ bi, sự nhu hòa, nhẫn nhục được có mặt một cách thường xuyên. Đó chính là những yếu tố tạo nên nhân cách cao thượng, sự giải thoát và là mẫu mực để cho những chúng sinh còn trầm luân hướng về quy ngưỡng, nương tựa. Tất nhiên, tùy theo người hành trì mà sự định tâm, trí tuệ của hành giả ấy là sâu rộng hay không. Nhưng, nếu được mang hình tướng đẹp đẽ, trong màu huỳnh y vàng trang nghiêm ấy chính là phước lớn của một người nào đó.


Nhân là lời nguyện, là công hạnh sống một đời sống từ hòa, nhẫn nhục, là giảm thiểu tham ái… đã “biến” một người còn lăn lộn trong sáu nẻo luân hồi trở thành bậc “xuất trần thượng sĩ”. Từ “biến” được hiểu là đã đủ lượng nên tự nhiên thành chất mới. 


Cũng vậy, một người cư sĩ khi nuôi lớn Bồ-đề tâm đến một độ nào đó thì tự khắc sẽ phát tâm xuất gia, cần cầu đạo giải thoát để tu tập tiếp, làm việc Tăng sai - Phật sự theo những hạnh nguyện nào đó của mình. Giống như nước trong một cái chén được đổ vào dần, đến một lúc nào đó sẽ đầy, và chỉ một giọt cũng sẽ làm cho chén nước tràn ra vậy. 


Khi đã đủ “độ” để xuất gia thì dù ai có cột mình lại, có rù quến hay khuyến dụ mình bao nhiêu món ngon trong ngũ dục của thế gian cũng không thể cản bước chân mình. Còn cái duyên để đi đến quyết định ấy (hay còn gọi là nguyên nhân trực tiếp) thì có thể là thuận duyên hay nghịch tăng thượng duyên thì trong cái nhìn của đạo Phật đó cũng là duyên lành bởi nó là “bệ phóng” cho ra đời một người xuất gia.


Bước đầu của việc chọn con đường xuất sĩ, trở thành “Thích tử thiền môn” là một điều đáng quý, đáng trân trọng, nhưng đó cũng chỉ là bước đầu tiên trên lộ trình đi tìm con đường giác ngộ, giải thoát. Người xuất sĩ ấy còn phải nuôi dưỡng tâm Bồ-đề từ khi thế phát cho đến khi xả báo thân này, đồng thời tiếp tục phát nguyện sâu dày rằng sẽ mãi đi trên con đường sáng đẹp ấy, mãi nương tựa ba ngôi báu và sinh ra nơi nào cũng gặp Phật pháp để tu hành…

Tất cả những lời nguyện với niềm tin sâu sắc cùng công hạnh “làm tất cả các việc lành, đoạn tất cả các việc ác” sẽ là những nhân-duyên lành tốt tiếp theo, tạo ra bệ phóng tiếp theo để người ấy đạt đến sự giải thoát trên suốt con đường giải thoát mà mình đi. Đó cũng là điều mà tôi tâm đắc từ bài viết của thầy Viên Ngộ trên Giác Ngộ Online ngày 21-9-2011 rằng: “Sư em phải biết rằng, khi mới tu học thì con người của mình còn nhiều tạp nhiễm, thô tháo như mảnh vườn hoang phế không có ai chăm sóc. 


Trong mảnh vườn tâm ấy có nhiều hạt giống lẫn lộn khác nhau. Biết cảm thông và chia sẻ niềm an vui với huynh đệ, lắng nghe và chấp nhận yếu kém của người khác để cùng nhau tinh tiến tu học, đó là những hạt giống thiện lành. Nhưng trong tâm tư của mình cũng có nhiều hạt giống tiêu cực như đố kỵ, giận hờn, trách móc, giải đãi, lười biếng, cống cao ngã mạn…


 Những hạt giống tốt và xấu ấy đều có đầy đủ ở trong tâm. Khi tiếp xúc với những điều kiện tốt đẹp, công việc suôn sẻ, người đối diện dễ thương thì hạt giống thiện lành trong ta sinh trưởng. Còn khi gặp hoàn cảnh trái ý nghịch lòng thì tâm thức sẽ biểu hiện ra với mọi hành xử thô tháo và nặng nề. Đó là lẽ thường tình mà người vừa mới xuất gia chưa gạn lọc được tâm ý tạp nhiễm, nên dễ bị mắc phải.


 Vì thế, sư em cần phải tìm hiểu, học hỏi các phương pháp để chăm sóc, nuôi dưỡng thân tâm, tạo ra nhiều hoa trái dễ thương nhằm hiến tặng cho cuộc đời. Sư em nên biết rằng, trong tâm thức của mỗi người được ví như cái kho cất chứa đồ đạc, nó có khả năng tiếp nhận tất cả mọi thứ cho dù xấu hay tốt, khi ta đưa vào thì sẽ được lưu lại trong đó…”.


Hay như một chia sẻ của vị sư gửi cho tôi những hình ảnh mà tôi kể ở trên, sư nói: “Tại ngôi chùa nơi tôi trú tu học, vào một buổi chiều tà, trong màu nắng chiều vàng rực càng tô đậm thêm nét đẹp của một nhà sư đang từng đường dao phủi từng múi tóc của hai chú tiểu mới phát tâm xuất gia. 


Tôi tự hỏi, phải chăng những tâm hồn thơ ngây bé bỏng đã ngộ được cảnh đời đầy khổ lụy đau thương mà lìa bỏ, hay hiểu được kiếp phù sinh như giấc mộng? Hay, phải chăng túc duyên đời trước các chú đã sớm gieo trồng với Phật pháp, nay đủ duyên thì liền phát tâm xuất gia…Cứ xem đó là một trong những lý do để hiểu và thương các chú hơn; đáng quý, đáng kính những thiên thần đã sớm xa lánh trần duyên mà sống đời thiện lành khi mới chập chững vào đời…”.

Nghe chừng đó tâm sự, chia sẻ để rồi thương và quý, và hy vọng vào những người trẻ hôm nay đã chọn con đường cao quý mà đi, tương lai đạo pháp cũng sẽ được đặt một phần lên vai quý vị. Xin hãy đi trọn con đường, và nhớ hoài, nhớ mãi thi kệ: “Tóc vừa cạo, tơ lòng đoạn phủi/ Cuốn sổ đời, tên tuổi đã bôi…”. Đó cũng là nhớ: “Cạo đầu đâu dễ cạo tâm đâu/ Cạo tâm mới thực tâm cầu đạo”. 


Thích nữ Như Hòa

Nguồn: giacngo.vn