Năm Thìn kể chuyện rồng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 44 | Cật nhập lần cuối: 2/11/2024 6:37:07 AM | RSS

Nam Thin ke chuyen rongTheo kinh Phật, loài rồng có chia nhiều hạng, tùy theo cho ở. Rồng ở trên cõi trời gọi là Thiên Long, rồng ở giữa không trung gọi là Không Long, rồng trên mặt đất là Lục Long, rồng nằm dưới biển gọi là Hải Long.

Rồng là nhân vật thần thoại được nghe nói nhiều hơn là thấy, những câu chuyện dính líu tới Rồng vì thế đều mang tính chất huyền bí.

Theo kinh Phật, loài rồng có chia nhiều hạng, tùy theo cho ở. Rồng ở trên cõi trời gọi là Thiên Long, rồng ở giữa không trung gọi là Không Long, rồng trên mặt đất là Lục Long, rồng nằm dưới biển gọi là Hải Long. Trong Tương ưng bộ kinh, Phật nói loài rồng sanh bằng bốn cách: Biến hóa, sanh từ trứng, sanh từ bào thai, sanh nơi ẩm ướt. Trong đó loài sanh bằng cách biến hóa là có thần thông hơn hết. Phật cũng gọi rồng là một hạng A-tu-la của cõi súc sanh. A-tu-la là loài có phước lực hơn người, chỉ kém trời nhưng rất dễ sân hận. Có lẽ vì thế nên loài rồng cũng rất dễ giận hờn và đổ quạu.

Trong chuyện Tây Du, vua Rồng sông Kinh, nghe đồn Trường An có ông thầy bói, gieo quẻ rất tài, trăm chuyện trúng đủ trăm, bèn giả làm thư sinh đến thử tài, hỏi thăm chuyện mưa nắng. Ông thầy bói là chú ruột của quan coi về đài thiên văn, gieo quẻ đoán sáng ngày mai có mưa, Long vương hỏi thăm giờ khắc, lượng nước mưa bao nhiêu, thầy bói đều nói đủ.

Long vương (giả dạng thư sinh), bèn giao hẹn nếu đúng sẽ thưởng vàng, nếu sai sẽ đập tiệm, đuổi đi nơi khác. Trở về thủy cung, Long vương nắm phần thắng trong tay, bởi vì mình là người coi về chuyện mưa nắng của thế gian, kẻ thế gian làm sao dám đoán được chuyện của vua Rồng. Ai dè phút chốc có chiếu chỉ của Thượng đế, bảo ngày mai phải làm mưa giờ đó, số lượng nước y như ông thầy cho biết. Long vương tức mình, ngày mai cố ý mưa trễ giờ, bớt số nước cho trật với lời thầy bói, để giành phần thắng về mình. Rồi giả dạng lên Trường An, đến thẳng chỗ tiệm bói, làm hung dữ nạt nộ, chê thầy bói dở, đòi dẹp tiệm, đuổi thầy…

Ông thầy thủng thẳng cho Long vương hay mình đã biết tung tích và cho biết thêm vì tội “mưa sái giờ, bớt nước” vua Rồng sẽ bị chém đầu.

Tuy là kể chuyện thần tiên, nhưng chúng ta cũng thấy cái hậu quả tai hại của một cơn giận không suy tính. Vì thế, Đức Phật xếp loại rồng vào hàng A-tu-la – Rất sân hận – không phải vô lý.

Cuộc đời Đức Thế Tôn cũng thường hay gặp rồng, chưa kể hội thuyết pháp của Ngài trong số thính chúng được ghi nhận có hàng trời, rồng dẫn quyến thuộc đến nghe pháp.

* Khi Đức Phật vừa mới đản sanh, có chín con rồng hiện lên phun nước tắm - tắm kiểu này mà sao không ngộp? Ông Phật sơ sinh cũng phải có bản lĩnh lắm mới chịu chín cái vòi xịt một lượt. Cỡ chúng ta một cai vòi phun nhằm cũng đủ… xỉu. Không tin hôm nào mời bạn thử nghe một câu mích lòng!

Ngày nay các chùa ở miền Bắc có truyền thống thờ tượng đức Thích-ca đản sanh đứng giữa chín cái đầu rồng bao quanh, gọi là tòa Cửu Long.

* Trong thời gian thiền định dưới cội Bồ-đề, bên dòng sông Ni-liên, một hôm mưa to gió lớn, trời đất rúng động, sấm chớp vang rền, vua Rồng hiện lên cuộn tròn chung quanh tòa cỏ của Đức Phật, xoè chín cái đầu che chung quanh chỗ Người ngồi như một cái lọng lớn, không để một giọt mưa nào rơi trúng Đức Thế Tôn.

* Sau khi thành đạo, hóa độ xong năm anh em ông Kiều Trần Như và nhóm trưởng lão Da-sá, Đức Phật đi đến chỗ của Ca-diếp thờ lửa. Đó là ba anh em: Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Già-da Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp theo đạo thờ lửa, có uy tín nhất trong xứ Ma-kiệt-đà, mỗi ông có hàng trăm đồ đệ.

Đức Phật đến chỗ ông anh cả – Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp nói chuyện đạo lý để giáo hóa ông. Ca-diếp không thể nào tin Đức Phật, một nhà tu vô danh nhỏ tuổi hơn mình, chưa có đồ đệ đông đảo. Đức Phật xin ngủ lại một đêm trong cái hang nghe đồn có mot con rồng rất dữ trong đó. Nửa đêm rồng hiện ra phun lửa, phun khói mịt mù, Đức Phật từ bi thuyết pháp cho nghe và thu phục rồng vào trong bát.

Sáng ngày nhóm Ca-diếp tin chắc Phật đã bị hại rồi, nhưng Phật bước ra khỏi hang, chìa cho xem cái bát có con rồng nằm hiền lành trong đó. Trước uy lực Phật, Ca-diếp và đồ đệ xin quy y với Ngài, quăng hết cả đồ thờ lửa, hỏa khí xuống sông. Hai ông em Già-da Ca-diếp và Na-đề Ca-diếp ở cuối dòng sông, thấy đồ thờ của anh trôi lỉnh nghỉnh, tưởng đâu anh bị tai nạn gì, bèn chạy lên tìm, đến nơi cũng quy y Phật thành một đoàn Sa-môn. Sau chuyện này, uy tín Đức Thế Tôn lan rộng trong giới ẩn sĩ, ngoại đạo thời ấy.

* Bộ kinh Thập thiện nghiệp đạo được Đức Phật thuyết giảng tại cung rồng Ta-kiệt-la, tham dự đủ mặt cư dân vùng biển: Vua rồng, Hoàng hậu rồng, Công chúa rồng, Hoàng tử rồng…

Thập thiện nghiệp là mười điều lành của thân miệng ý. Thân không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. Miệng không nói dối, nói hai chiều, nói ác, nói dua nịnh. Ý không tham, sân, si. Mười điều lành là căn bản để xây dựng một con người tốt đẹp, khi người người đều tốt đẹp thì cảnh giới chung quanh cũng tốt đẹp. Kinh không nói ở cõi người, cõi trời mà nói ở cõi súc sanh với ngụ ý rằng vì thiếu phẩm chất người nên mới mang một phần phẩm chất thú, may thay còn biết nghe kinh, xin hãy tập theo mười hạnh lành để bắt đầu làm con người thực thụ.

Trong tương giao chúng ta cần tình người, cần sự tin tưởng (bớt trộm cắp, dối gạt) cần hòa bình (bớt ác tính, sát sanh) cần lễ nghĩa (bớt tà hạnh)… Dù có Phật, không có Phật, những điều ấy là quy tắc chung. Bộ kinh Thập thiện mãi mãi là bộ kinh cần thiết cho chúng ta.

* Thời Phật còn tại thế, trong sông Hằng có một con rồng lớn, mỗi nửa tháng hiện lên giữa sông, đem theo cô gái rồng xinh đẹp của mình, và cô con gái này hát bài hát đố:

Với quyền lực nào được gọi là vua?
Ông vua nào chịu sự thống trị của dục vọng?
Bằng cách nào ông ta thoát khỏi quyền lực của dục vọng?
Như thế nào gọi là người ngu?

Vua rồng hẹn rằng ai trả lới được bài hát đố sẽ gả con gái cho và tặng thêm nhiều quyền phép, tài sản của Long cung.

Nhiều năm trôi qua, dân cư hai bên bờ sông tìm đủ lời giải đáp mà không trúng ý của rồng. Một hôm, Đức Thế Tôn đi ngang qua khúc sông, biết chuyện, Ngài gọi một thanh niên Bà-la-môn tên Uttara đến, dạy cho câu giải đáp và bảo đi tìm gặp vua rồng. Phật dạy: Này Uttara, ngươi hãy trả lời về câu hát đố đó như sau:

Người làm chủ lục căn ấy là vua.
Người nào vui thích với lục căn là chịu lệ thuộc tham dục.
Người nào không vui thích với lục căn là thoát khỏi tham dục.
Người nào vui thích với lục căn đó là người ngu.

Này Uttara, khi ngươi trả lời xong, cô công chúa rồng sẽ hát tiếp:

Bởi đâu người ngu tái sinh?
Bằng cách nào người trí được tự tại
Bằng cách nào chứng Niết-bàn?
Hãy trả lời câu hỏi của ta.

Ngươi nên đáp như sau:

Do lòng tham ái người ngu tái sinh
Do ý chí người trí được tự tại
Vượt tất cả ràng buộc là chứng Niết-bàn.

Uttara ghi nhớ câu trả lời Phật dạy, ngay lúc đó chứng Sơ quả. Chàng đi ra bờ sông, hát đối đáp với cô rồng con. Vua rồng nghe câu hát, biết rằng Đức Phật đã ra đời trên nhân gian, ông nghĩ thầm: “Ta chưa hề nghe câu trả lời nào như vậy suốt thời gian giữa hai Đức Phật (Phật Ca-diếp và Phật Thích-ca). Hôm nay, Đức Thế Tôn đã xuất hiện”. Tim nhà vua tràn ngập niềm vui và quẩy mạnh chiếc đuôi khổng lồ, một lượn sóng lớn dâng lên, quét mạnh hai bên bờ làm cư dân đang đứng rơi tõm xuống nước. Vua rồng bèn đưa lưng đỡ lên bờ, hỏi Uttara:

- Này chàng trai, Đức Phật hiện giờ ở đâu?

- Ngài đang ngồi dưới cội cây trong rừng kia.

- Chúng ta hãy đến đó.

Đám đông kéo theo sau vua rồng và Uttara đến chỗ Phật. Vua rồng đảnh lễ Phật xong, ngồi một bên và khóc.

- Có điều gì vậy đại vương! - Phật hỏi.

- Bạch Thế Tôn! Con đã là đệ tử của Phật Ca-diếp, đã trải qua hai chục ngàn năm hành thiền, nhưng công phu ấy không giúp con tránh được khỏi quả báo. Con phải tái sanh trong loài rồng, suốt thời gian giữa hai Đức Phật, con không được làm người, chẳng được gặp Phật, chẳng được nghe pháp.

Nghe vậy, Phật bảo:

- Đại vương! Thật khó được thân người. Khó được gặp Phật pháp! Chư Phật ra đời cũng khó gặp!

Ngài nói kệ:

Được sống nơi cõi người
Gặp Như Lai thị hiện
Gặp chánh pháp trụ đời
Hơn mò kim đáy be.

(Pháp cú 182)

* Đoạn kết kinh Tứ thập nhị chương, Đức Phật dạy rằng: “Ta xem địa vị vương hầu như bụi qua kẽ hở, xem những vàng bạc ngọc ngà như ngói gạch… xem sự thuận nghịch như sáu con rồng múa…”.

Sáu con rồng múa đầu đuôi lẫn lộn, không thể phân biệt được, khi thì cuộn lên cuộn xuống, lúc qua, lúc lại. Chúng ta dùng vọng niệm so đo (Biến kế chấp) nên thấy có thuận có nghịch, thuận thì mừng, nghịch thì ghét nhưng trong con mắt Phật thuận nghịch luôn luôn đắp đổi nhau, không có giá trị cố định.

Thiền sư Vân Phong Văn Duyệt lúc đầu đến tham học với ngài Đại Ngu, gõ cửa phương trượng xin chỉ dạy tâm pháp. Đại Ngu không chịu dạy nói: “Bánh xe Chánh pháp chưa quay mà bánh xe cơm gạo đã quay trước. Những kẻ hậu sinh khỏe mạnh như ngươi sao không chịu đi xin ăn cho chúng tăng? Ta chịu đói không nổi, rảnh đâu mà nói thiền với ngươi.” Sư không dám cãi lời xuống bếp lo coi sóc chuyện ăn uống cho chúng Tăng.

Sau Đại Ngu dời qua Thúy Nham, Sư cũng sang theo và xin Thúy Nham dạy thiền. Thúy Nham bảo: “Phật pháp chưa sáng tỏ, nay mùa tuyết lạnh hãy kiếm than cho chúng tăng”. Sư vâng lời thầy dạy đi kiếm than củi.

Lúc trở về Thúy Nham lại cử Sư giữ chức Thư lại trong chùa. Sư rất buồn vì luôn luôn bị sai khiến làm những việc không dính dáng với mục đích học đạo của mình.

Ngày kia ngồi làm việc sau hè, cái ghế gỗ Sư đang ngồi bị rớt ra, Sư té nhào, và Sư thấy ra cái điều mình lau nay tìm kiếm. Sư vội khoác áo tìm đến thầy, ngài Thúy Nham vừa thấy Sư, mỉm cười chào đón và bảo: “Này Duy-na, mừng cho việc lớn đã xong”.

Đó là một chuyện tu hành trong nghịch cảnh. Thường thường người ta nói nghịch cảnh dễ ngộ đạo, còn thuận quá khó tu. Xin kể lại chuyện Mã Lão Mẫu. Bà già họ Mã là người có Tha tâm thông, đọc được ước muốn của các thầy Tỳ-kheo và luôn luôn cung cấp đầy đủ sở nguyện để các vị dễ tu tập. Các vị Tỳ-kheo thường khen ngợi bà với Đức Phật, rằng bà là một vị thí chủ chu đáo rất mực, sau khi ở chỗ bà về thầy nào cũng lên ký-lô.

Có một vị Tỳ-kheo trẻ, nghe nói vậy bèn xin Phật đến chỗ của bà tu thử. Vừa mới đến thầy ước được uống nước chanh, liền có nước chanh, ước được một căn phòng không nóng quá, không lạnh quá… liền được xếp đặt y như ý. Lúc đầu thầy rất vui nhưng suy nghĩ lại đâm ra sợ, e rằng những ý tưởng bất thiện của mình sẽ được bà già đọc vanh vách như được rọi bằng quang tuyến X.

Thầy bỏ trốn về, thưa Đức Phật không dám ở chỗ Mã lão mẫu, vì bà đã chứng Sơ quả có thần thông. Còn thầy thì lậu hoặc chưa sạch. Đức Phật khuyên thầy nên trở lại cứ tiếp tục tu. Và nhờ sự tận tâm ủng hộ của bà, còn phần thầy cứ ráo riết canh chừng ý niệm của mình không dám buông lơi, thiền định miên mật, sơ hở ra là quê với thí chủ. Sau ba tháng an cư thầy chứng quả A-la-hán.

Nhân chuyện thuận nghịch, tôi chỉ đưa ra hai chuyện tiêu biểu, về phần đời thiền sinh của chúng ta chuyện thuận nghịch gặp hằng ngày như ăn cơm bữa, cái thuận không hẳn thuận, cái nghịch không hẳn nghịch, phải vậy không?

Trở lại chuyện con rồng.

* Thiền sư Cốc Tuyền người Tuyền Nam, lúc nhỏ rất thông minh, ăn ở dơ bẩn. Lớn lên thiếu khiêm nhường, người đời không ai ưa, bỏ tục làm tăng, đến chỗ nào cũng bị đuổi. Đến khi gặp ngài Phần Dương, Ngài được mật thọ ký. Trở về miền Nam đến Đạo Ngô gặp ngài Từ Minh. Đạo Ngô có ao lớn, là chỗ ẩn của rồng độc, rồng rất dữ, chỉ cần một chiếc lá rung động nước, tức thì nổi mưa gió sấm sét tối ngày, người đi qua đó không dám thở mạnh.

Sư cùng với Từ Minh, buổi chiều về, trời mùa thu đang nóng, Sư nắm áo Từ Minh rủ xuống ao tắm, Từ Minh vẫy tay đi thẳng. Còn lại mình Sư cởi áo nhảy xuống ao, sấm sét thình lình nổi lên, gió lạnh thổi mưa, cây rừng ngã rạp. Từ Minh ngồi trong đám cỏ nghĩ Sư chắc đã chết. Khoảnh khắc mưa tạnh, chợt thấy Sư thò đầu trên mặt nước, an toàn.

Sư trụ trì Bảo Chân, ban đêm ngồi dưới ngọn núi Chúc Dung, có một con trăn lớn quấn quanh. Sư cởi dây lưng cột trói lại. Sáng ra xách tích trượng đi tìm, thấy dây lưng treo trên ngọn tùng. Té ra cây tùng là yêu.

Cuộc đời của Sư rất nhiều chuyện khác thường. Người như Sư xuống nước rồng dữ không hại, ngồi thiền yêu quái đến không sợ. Đạo lực nào giải thích được điều đó? Bài học sau đây của Sư, chúng ta thấy ngay:

Ta lại quản gì trời của anh
Quản gì đất của anh
Mặc cái áo giấy rách
Một bề nằm ngủ khò
Mặc kệ mặt trời lên phương Đông
Mặt trăng lặn bên Tây
Vinh nhục ăn thua gì đến ta
Hưng vong cóc để ý
Một cây trụ trượng
Một bầu hồ lô
Chạy hết núi Nam qua núi Bắc
Nuôi một đầy tớ tên điều cổ
Tự sai lượm củi, cấp nước suối
Hoặc lên ngồi gần trong núi đá.

* Kano Tanyu là một họa sĩ danh tiếng của Nhật Bổn, câu chuyện ông vẽ rồng trên trần pháp đường của Diệu Tâm Tự (Myoshinju) cũng là một giai thoại thiền.

Thiền sư Gudo, trụ trì Diệu Tâm tự, muốn trang hoàng ngôi chùa của mình, Sư đến mời họa sĩ Tanyu, yêu cầu vẽ một con rồng sao cho giống như thật, họa sĩ nhận lời nhưng than phiền rằng mình chưa được thấy con rồng sống bao giờ.

Sư bảo họa sĩ nên cố gắng nhìn thấy một con rồng càng sớm càng tốt.

Tanyu ngạc nhiên:

- Tôi có thể thấy con rồng sống ở đâu? Chúng trú ngụ nơi nào?

- Ồ, không sao, tại chỗ tôi có rồng sống, hãy đến nhìn thử và vẽ lấy một con.

Tanyu vui mừng theo Thiền sư về chùa, vừa đến nơi, vội hỏi:

- Tôi đến đây để thấy rồng, chúng nó ở đâu?

Thiền sư nhìn chung quanh phòng nói:

- Chúng ở đấy cả, anh không thấy sao? Thật tội nghiệp!

Tanyu theo Gudo hỏi bí quyết để nhìn thấy rồng. Sư dạy anh ngồi thiền để hết chú tâm vào con rồng cho đến khi anh biến thành rồng, và thực sự vẽ lại chân tướng đó.

Tanyu ngồi thiền trong hai năm, cho đến lúc con rồng từ tâm thức anh chuyển mình hiển hiện. Tanyu mừng rỡ chạy nhào đến báo tin cho thầy Dugo. Sư hỏi tiếp:

- Anh đã thấy rồi à? Tốt! Nhưng hãy nói cho tôi biết tiếng rống của nó như thế nào?

Với câu hỏi này họa sĩ lại luống cuống và thêm một năm nữa chuyên cần ngồi thiền. Vào cuối năm thứ ba, Tanyu vẽ bức tranh rồng cho chùa, một kiệt tác tột bực trong lịch sử nghệ thuật. Ai đến ngắm cũng tưởng con rồng đang uốn khúc vùng vẫy trên trần pháp đường – Người ta nói họa sĩ đã truyền cuộc sống của mình vào đó.

Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy:

Tâm như người thợ vẽ
Vẽ tất cả thế gian.

Rồng là một con vật huyền thoại mà còn có thể vẽ được, huống chi trong đời sống thực tế của chúng ta có thể vẽ đủ mọi thứ có thật cho mình, cho người. Sử dụng tâm hồn mình như một ngọn bút tài hoa, để những bức tranh chung quanh đều hớn hở hoa cười, chim hót. Điều đó có nên hay không, thưa chư hiền hữu?

Như Đức/Báo Giác Ngộ
Nguồn: giacngo.vn