Nhổ mũi tên phiền muộn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 25 | Cật nhập lần cuối: 4/8/2024 9:49:45 AM | RSS

Nho mui ten phien muonNếu đã từng tham gia một cuộc họp qua Zoom, chúng ta sẽ nhận ra rằng nếu ai đó mở hai micro trong cùng một phòng, thì âm thanh sẽ phát ra tiếng vang và lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây được gọi là vòng tròn phản hồi tích cực - không phải vì đó là một điều tốt mà vì nó đã tự củng cố chính mình.

Tâm trí của chúng ta cũng như vậy. Khi bạn phán xét về điều gì đó đang xảy ra, thì ngay lập tức nó sẽ quay cuồng và lặp đi lặp lại trong tâm trí bạn. Giống như có rất nhiều tiếng nói đồng ý phát ra từ bên trong, vì vậy, bạn sẽ cảm thấy những lời bình luận của mình ngày càng có vẻ thực tế và đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến bạn phát điên, bởi nếu bạn đơn độc mang theo bên mình một cái buồng chứa toàn tiếng vang của chính mình, khi chúng đã được khuếch đại, phóng to và lặp lại nhiều lần thì sẽ thực sự trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp cho tâm trí của chính bạn.

Tất nhiên, thời của Đức Phật không có Zoom, nhưng có cồng chiêng. Đức Phật dạy rằng hãy rèn luyện tâm mình sao cho an tịnh như một cái chiêng bị nứt. Mọi người có thể đánh nó, như nó không có tiếng vang. Những gì người khác và thậm chí cả chính bạn nói ra, “đập” vào tai bạn, hãy để chúng ngay tại đó, và không thêm thắt bất kỳ hồi âm nào.

Đây là một trong những lời khuyên của Đức Phật giúp bạn đối phó với những lời khó chịu. Hãy tự nhủ rằng: “Một âm thanh khó chịu đã chạm vào tai tôi. Khi âm thanh này dừng lại, sự tiếp xúc cũng kết thúc, vậy là xong.” Bất cứ điều gì vượt ra ngoài những lời này đều là sự phán xét và khuếch đại của chính bạn hay sự thêm thắt của bạn vào nỗi đau khổ, ban đầu chúng vốn rất nhẹ nhàng.

Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho cả nỗi đau thể xác. Sự phán xét của chúng ta về vết thương thường khó chịu hơn nhiều so với nỗi đau thực sự. Chúng ta hoàn toàn có thể bực tức về một cảm giác nào đó mà không cần xem xét kỹ lưỡng mọi thứ liên quan. Cách tốt nhất để chấm dứt những lời bình luận này là nhìn thẳng vào cảm giác thực sự để xem bên trong đó có gì. Tuy vậy, đa số chúng ta lại không thích làm điều đó.

Lời bình luận bên trong của bạn liên quan đến hai cấp độ tạo tác: tạo tác bằng lời nói (là những cuộc trò chuyện bên trong về nỗi đau) và tạo tác trong tâm (là những nhận thức và hình ảnh mà bạn lưu giữ trong tâm về nỗi đau đó). Vì vậy, một câu hỏi quan trọng cần được đặt ra là cảm giác của bạn về nỗi đau và cảm giác thực sự mà nỗi đau gây ra cho bạn có phải là một hay không.

Để trả lời được câu hỏi đó, bạn hãy tự hỏi xem điểm đau đớn nhất hiện giờ đang nằm ở đâu. Bạn sẽ nhận thấy rằng khi tập trung vào nó, nó sẽ chuyển động và đi đến nơi khác. Bạn cứ theo dõi nó như vậy cho đến khi cảm giác cơn đau và cơ thể tách rời nhau như kem tách khỏi sữa sau một thời gian.

Ngày xưa chưa có sữa đóng hộp sẵn như bây giờ, tôi nhớ có lần người đưa sữa đến đặt sữa ở cửa sau chùa. Sẽ có khoảng một inch kem trên đầu mỗi chai. Chúng sẽ tự nhiên tách ra. Tương tự như vậy, khi bắt đầu đặt câu hỏi để nhận định chính xác nỗi đau, bạn sẽ nhận thấy rằng cảm giác cơ thể và cảm giác đau đớn có thể tách rời nhau. Đôi khi cảm giác đau đớn tách ra và biến mất. Đôi khi nó lơ lửng ở đó, tách rời khỏi cơ thể. Đôi khi nó tách ra khỏi cơ thể, len lỏi vào tâm trí bạn và biến mất ở đó.

Bằng cách này, bạn sẽ thay đổi những sự phán xét của mình, thay đổi cả những điều bạn nói với chính mình và học cách phát biểu những lời lành mạnh hơn.

Sau đó, bạn có thể áp dụng kỹ năng này vào các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Nếu thấy khó chịu về một sự cố nào đó trong cuộc sống gia đình, tại nơi làm việc hay bất cứ điều gì vang vọng, lặp đi lặp lại trong tâm trí, thì bạn có thể đặt câu hỏi: Điều gì thực sự đã xảy ra? Hiện tại nó đang ở đâu? Cảm nhận về nó như thế nào? Đó đã là sự va chạm của tâm. Tại sao bây giờ phải quấy rầy tâm trí trong khi chuyện đã xảy ra lâu rồi? Hoặc thậm chí khi nó xảy ra ngay bây giờ, thì tại sao bạn phải phán xét về nó theo cách phát điên như vậy? Bạn hoàn toàn có sự lựa chọn riêng cho chính mình.

Thông thường, khi đang đau khổ, mọi người sẽ không thấy có bất kỳ sự lựa chọn nào khác dành cho họ. Họ cảm thấy bản thân phải chịu đựng đau khổ như một phần của cuộc sống. Già yếu, bệnh tật hay chết chóc là một phần của cuộc sống nên chúng ta cần phải chịu đựng nó. Vâng! Chúng ta chấp nhận rằng chúng sẽ xảy ra, nhưng đừng nghĩ rằng chúng ta phải chịu đựng chúng.

Nhưng kỳ lạ là khi bạn bắt đầu học cách không phải chịu đựng chúng ngay bây giờ, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tạo điều kiện cho tương lai sau này. Nói cách khác, bạn có thể tìm thấy cái bất tử khi bạn đặt câu hỏi về cách bạn sắp xếp mọi thứ ở hiện tại. Hãy nhớ rằng hiện tại là một cấu trúc. Nguyên liệu thô là nghiệp quá khứ của bạn. Bất kỳ hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác hay ý nghĩ nào hiện lên trong tâm đều là kết quả của nghiệp quá khứ. Đức Phật dạy hãy nhìn mọi sự việc theo cách đó. Nhưng nghiệp quá khứ không phải là tất cả. Cách bạn kết hợp mọi thứ lại với nhau cũng rất quan trọng. Trên thực tế, đó chính là điều tạo nên sự khác biệt giữa việc bạn có phải chịu đau khổ từ nghiệp quá khứ hay không.

Cũng giống như khi vào bếp, bạn mở tủ lạnh ra và không có gì ngoài trứng sống. Bạn vốn không muốn ăn trứng nhưng đó lại là tất cả những gì bạn có, vì vậy, bữa ăn hôm nay đều là trứng. Tuy nhiên, bạn không cần phải ăn trứng sống, bạn có thể luộc, chiên, hấp hay xào tùy thích.

Vì vậy, có những thứ là kết quả của nghiệp quá khứ, nhưng quan trọng là bạn chọn làm gì với chúng, về cách bạn thở, cách bạn nói chuyện với chính mình, và lựa chọn những hình ảnh lưu giữ lại trong đầu. Hãy học cách đặt câu hỏi về những điều đó. Hãy đặt câu hỏi về cách mà bạn thở. Chúng ta thường nghe rằng: “Khi bạn thiền quán hơi thở, hãy để hơi thở tự nhiên. Đừng cố gắng kiểm soát nó.” Nhưng bạn cũng có thể khiến cho nó thực sự dễ chịu, Đức Phật cũng khuyến khích bạn làm điều đó. Như Ngài đã dạy, bạn hãy rèn luyện hơi thở vào ra gắn liền với niềm vui và hỷ lạc. Những điều đó không tự nhiên xảy ra, bạn không thể ngồi và chờ chúng xảy ra. Bạn có thể thay đổi cách thở để khiến bản thân tràn đầy hỷ lạc. Có rất nhiều khả năng thay đổi ở đây. Thậm chí, ngay cả những nhận thức mà bạn ghi nhớ cũng có thể thay đổi được.

Bằng cách này, bạn sẽ thấy rằng trong thời điểm hiện tại có khả năng đau khổ nhưng cũng có khả năng không đau khổ. Chúng ta đang rèn luyện kỹ năng làm thế nào để không đau khổ cho dù có bất cứ điều gì xảy ra đi nữa.

Đó là món quà của Đức Phật dành cho chúng ta. Vì vậy, đừng để nó trên kệ. Hãy lấy nó xuống và sử dụng.

Phổ Tịnh lược dịch/Báo Giác Ngộ
Nguồn: giacngo.vn