Chữ Trí trong Nho giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4508 | Cật nhập lần cuối: 12/3/2018 10:31:36 AM | RSS

Chữ Trí trong Nho giáoNhân dịp ngày Hội Ngộ Liên Tôn lần VIII với chủ đề “Hiểu biết Phụng sự Nhân sinh” và cũng là dịp Kỷ niệm 120 năm từ trần của Cụ Pétrus Trương Vĩnh Ký, một danh nhân văn hóa Việt Nam, chúng tôi xin trình bày đề tài “Chữ Trí trong Nho giáo”.

Do vị trí của nước Việt Nam ở Đông Nam Á, chúng ta đã tiếp nhận nhiều nền văn hóa, tôn giáo, triết học, khoa học từ khắp nơi trên thế giới, nên tiếng Việt rất phong phú. Có nhiều chữ nói đến sự hiểu biết, với ý nghĩa được dùng trong nhiều phương diện từ chiều rộng đến chiều sâu, từ vật thể đến tâm linh:

Chữ Tri nói đến sự hiểu biết nói chung, rộng hay sâu.

Chữ Trí nói đến sự tìm hiểu cho thấu đáo đến tột cùng để biết thật rõ.

Chữ Minh nói đến sự hiểu biết làm sáng tỏ nội tâm, phù hợp với chân lý.

Chữ Trí huệ, Trực giác hay Trí bác nhã nói đến sự biết có tính cách đốn ngộ, tức thời qua năng khiếu tâm linh.

Nho giáo hay Khổng giáo có nói đến chữ Tri, Trí, Minh và có dạy Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Khoảng bảy mươi năm trước, ở các trường sơ đẳng, chúng tôi có học môn Cách Trí, đó là môn Khoa học Tự nhiên.

Trong Nho giáo, sách Đại Học có dạy “Cách vật, Trí tri”. Sách Minh Lý Yếu Giải viết như sau:

Theo thầy Châu Tử giải, cách vật trí tri là: “Tức vật cùng lý”. Nghĩa là xét ngay mỗi vật để tìm lẽ phải tới rốt ráo (vì mỗi vật đều có lý của nó). Nói cách khác: Học hỏi, nghiên cứu mỗi vật để mở mang trí thức, hiểu biết cho nhiều cho rộng.

Theo ông Vương Dương Minh giải, cách vật là “Cách chánh sự vật”, nghĩa là: Đổi sửa mỗi việc ra ngay thẳng, lành tốt. Nói cách khác: Xét mỗi việc cho biết lành dữ, rồi quyết định chọn lành bỏ dữ (trong ý niệm). Còn trí tri là phát triển lương tri, làm thế nào cho nó càng ngày càng thêm sáng suốt mãi, cho đến khi nó rọi chiếu khắp nơi, không còn để một chỗ nào u ám.

Nghĩa của thầy Châu Tử thiên về trí thức, như khoa học bây giờ. Còn nghĩa của ông Vương Dương Minh trọng chỗ phân biệt dữ lành, gần với thuyết luân lý.

Lại thêm nghĩa trong việc tu thân, được giải như sau:

Cách vật là dừng cho sự vật chi phối tâm mình, lúc nào cũng phải chống trả với tình tham dục, thói bất chánh. Trí tri là phát triển lương tri, làm cho nó đặng trọn sáng suốt, cần có sức mình tỉnh ngộ, tự cường mới được.

Cách vật trí tri theo nghĩa sau cùng nầy cũng giống như câu trong Lão giáo “Hư tâm thực phúc”, là trống lòng người, đầy lòng đạo.

Trong Nho giáo, sách Trung Dung chủ về Thiên đạo có nói đến đạo trung và ở chương 1 có dạy về Trí Trung Hòa trong câu:

“Trí trung hòa: thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.”

Dịch nghĩa như sau:

Suy tột (thực hiện đến cực điểm) hai chữ trung hòa, thì trời đất yên ngôi, muôn vật thỏa sống.

Trung là không nghiên ngã chênh lệch, không thái quá hay bất cập (không quá hơn quá kém). Mừng, giận, buồn, vui chưa phát hiện, tánh chưa bị vật cảm xúc, chưa dựa theo bên nào thì gọi là trung. Khi phát hiện rồi mà đặng nhầm lẽ, tình không có gì chống trái đối với mọi người cùng vạn vật thì gọi là hòa.

Bao nhiêu năm qua, các tiểu vũ trụ trong mỗi con người không suy hiểu và thực hiện đến tột cùng hai chữ trung hòa, nên đã ảnh hưởng đến vũ trụ vật chất, làm khí hậu mùa màng thay đổi quá nhanh và đến Đại vũ trụ tâm linh, Thượng Đế cùng các đấng Thiêng Liêng không thể ngồi yên mà phải giáng giáng thăng thăng và xuống trần thế tại nhiều nơi trên địa cầu để cứu độ chúng sanh, tái lập thời Thượng nguơn Thánh đức hòa bình an lạc.

Về chữ Minh sách Trung Dung chương 21 có dạy:

“Tự thành minh vị chi tánh, tự minh thành vị chi giáo, thành tắc minh hĩ, minh tắc thành hĩ.”

Dịch nghĩa: Do đức thành thật mà đặng sáng tò, ấy là tánh. Do sáng tỏ mới đặng thành thật, ấy là giáo. Hễ thành thật thì đặng sáng tỏ, hễ sáng tõ thì đặng thành thật.

Giải nghĩa rộng: Do đức tánh thành thật tự nhiên của Thánh nhân mà đặng sáng tỏ, đó là Thánh đạo. Còn trước cần học và hiểu biết rõ điều thiện, rồi sau làm cho điều thiện hiện bày, đó là đạo người vậy.

Sách Trung Dung chương 24 lại viết:

“Chí thành chi đạo khả dĩ tiền tri.”

Dịch nghĩa: Người được đạo chí thành có thể biết trước được mọi việc.

Điều nầy cũng có phần giống như Trí huệ trực giác trong Phật giáo.

Nho giáo có nói về Vô CựcThái Cực trong Dịch lý. Năm 1936, Đức Cao Đài Thượng Đế có dạy về Ngôi Thái Cực toàn tri toàn năng trong Kinh Đại Thừa Chơn Giáo như sau:

“… Chữ Vũ Trụ nó có gồm cái nghĩa cả không gian và thời gian… Không gian ấy là Vô Cực. Trong Vô Cực ấy lại có một cái nguyên lý thiên nhiên tuyệt diệu tuyệt huyền, rồi lại có thêm một cái khí tự nhiên nữa... Chừng đúng ngày giờ, khối ấy mới nổ tung ra một tiếng vang lừng dữ dội phi thường..., bèn có một điểm linh quang từ trong tiếng nổ ấy văng ra... Ấy là Ngôi Chúa Tể của càn khôn vũ trụ đã biến hóa ra vậy; mà vũ trụ từ đây mới bắt đầu có Ngôi Thái Cực trọn lành, trọn tốt, toàn tri, toàn năng, thiên biến, vạn hóa, vô tận, vô cùng, nắm trọn quyền hành, thống chưởng cả Càn Khôn Vũ Trụ, và lấy cơ thể âm dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái Hư Vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật.”

Đến năm 1958, nhà thiên văn học Maarten Schmidt nhận xêt có sự lệch qua phía đỏ của quang phổ ánh sáng khí hydrogen của các ngôi sao từ mọi hướng trong vũ trụ, nên kết luận rằng có cuộc Nổ lớn (Big Bang) khi vũ trụ được tạo lập khoảng 14 tỷ năm trước.

Mấy mươi năm trước đây, một số tiểu bang ở Mỹ cấm dạy thuyết biến hóa hay tiến hóa của các sinh vật do nhà bác học Darwin chủ xướng, vì thuyết nầy có thể dẫn đến vô thần. Nhưng gần đây, để dung hòa với thuyết biến hóa, Thiên Chúa giáo có dạy về Đức Sáng tạo Thông minh (Intelligent Design) của Thượng Đế.

Trong Kinh Thánh, Ngôi Lời (Logos) được đồng nhất với Đức Chúa Trời, cũng như Ngôi Thái cực toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hóa nói trên được đồng nhất với Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì Ngài cũng có danh xưng là Thái Cực Thánh Hoàng. Nói cách khác, trong Thiên Chúa giáo cũng như Nho giáo, Trời vô ngã đồng nhất với Trời hữu ngã.

Những điều trình bày ở trên cho ta thấy Nho giáo cũng có dạy phần thế đạo và thiên đạo cả sâu lẩn rộng, tương đồng vói các tôn giáo khác và với khoa học cận đại. Sự dung hòa của Nho giáo cùng các tôn giáo khác sẽ rất cần thiết và hữu ích cho một thế giới văn minh tiến tới một nền hòa bình vững bền trong thời Thượng Nguơn Thánh Đức.

Rất Lòng Thành Tín.

ĐT. Đại Bác
Minh Lý Đạo