Phát biểu khai mạc HNLT XI: "Hiệp lực giải thoát nhân sinh"

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 896 | Cật nhập lần cuối: 10/29/2021 1:01:51 PM | RSS

Hội ngộ Liên tôn lần thứ XI
“Hiệp lực giải thoát nhân sinh”

Phát biểu khai mạc HNLT XI: Phát biểu khai mạc HNLT XI: Kính thưa Quí Chức sắc và quí đạo hữu các tôn giáo,

Thay mặt cho Ban Tổ chức, trân trọng kính chào quí vị,

Vì lý do an toàn trong mùa đại dịch, nên buổi Hội ngộ chiều nay được phát trực tuyến. Vì thế tôi cũng trân trọng kính chào quí vị và anh chị em đang tham dự từ xa.

Trước khi bắt đầu, chúng ta tưởng nhớ Đại lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa viên tịch ngày 21/10, và 2 Vị Chức sắc Minh Lý Thánh Hội đã qui thiên do cao niên trong 6 tháng vừa qua.

Chúng ta vui mừng gặp lại nhau trong buổi Hội ngộ Liên tôn lần thứ XI tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn – Tp. HCM, trong bối cảnh Sài Gòn vừa đứng dậy sau thời gian gần 6 tháng từ khi đại dịch bùng phát vào ngày 27.04.2021. Quả thật, đại dịch đã gây ra biết bao thiệt hại và đau thương cho người dân Sài Gòn trên mọi cấp độ, từ cá nhân, gia đình, đến xã hội, quốc gia; và trên mọi bình diện, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, đến tâm lý và tâm linh. Tính đến ngày 26.10.2021, đã có 426.090 người nhiễm, 16.384 ca tử vong. Cả triệu người lâm cảnh thiếu thốn; cả chục ngàn gia đình mất người thân, trong số đó, có cả thân nhân và tín đồ các tôn giáo của chúng ta; chưa kể hàng ngàn trẻ mồ côi bơ vơ vì cha mẹ đã mất vì Covid.

Tuy nhiên giữa những tháng ngày đau thương đen tối này, lại sáng lên một nét đẹp cao cả của người dân thành phố, cách riêng là của các tôn giáo. Lòng trắc ẩn đã thúc đẩy mọi người chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua chặng đường khó khăn. Lá lành đã đùm lá rách để giúp nhau giữ vững niềm hy vọng. Các tôn giáo đã vào cuộc với niềm hăng say nhiệt tình chưa từng có. Các tín đồ đã đi vào từng ngõ hẻm để chia sẻ phân phối lương thực, đến tận nhà những người nghèo để giúp đỡ tiền bạc, thuốc men. Làm sao có thể quên hình ảnh các thiện nguyện viên của các tôn giáo lăn lộn trên khắp nẻo đường để chuyển lương thực cho những khu xóm bị cách ly. Làm sao quên được khuôn mặt của anh Nguyễn Mạnh Cường, biệt danh là “Cường béo”, đã dành cả cuộc đời cung cấp cơm chay miễn phí cho người nghèo để rồi cuối cùng bị nhiễm virus và qua đời trong sự thương tiếc mến phục của người dân. Anh đã xứng đáng được Chủ tịch nước ca ngợi biểu dương.

Một hình ảnh còn cao đẹp hơn nữa khi hằng trăm tu sĩ và tín đồ các tôn giáo lên đường phục vụ tại các bệnh viện điều trị covid: 139 tình nguyện viên Phật giáo, 8 TNV Tin Lành, và 532 TNV Công giáo, tổng cộng là 679 tình nguyện viên.

Đã bao giờ có ai thấy đại đức, tăng ni, làm việc bên cạnh các linh mục tu sĩ Công giáo, cùng giúp bệnh nhân ăn uống, thay tã, cùng làm vệ sinh, cùng chuyển lương thực, rồi cùng ăn cùng cười trong lúc nghỉ ngơi! Ngày 25/10, tại buổi đón tiếp và tri ân các thiện nguyện viên hoàn thành tháng phục vụ tại bệnh viện Trưng Vương, đại đức Thích Nguyên An đã phát biểu: chưa bao giờ thấy các tu sĩ và tín đồ Phật giáo và Công giáo sống chan hòa như anh chị em một nhà!

Sự hiệp lực của các tôn giáo đã gây ấn tượng tốt đẹp và tạo được tình cảm quí mến nơi cộng đồng xã hội và đặc biệt nơi các vị lãnh đạo thành phố.

Đại dịch tại Sài Gòn đã tạm lắng xuống. Sài Gòn chưa khỏe, nhưng Sài Gòn đã đứng dậy. Giờ đây nhìn lại 6 tháng qua, người ta nhận ra một thông điệp lớn từ đại dịch, đó là nhân loại tồn tại được là nhờ tình liên đới, nhân loại chỉ có thể vượt qua đại dịch nếu biết liên đới hiệp lực với nhau. Sự hiệp lực giữa các tôn giáo lại càng tạo nên sức mạnh có thể giải thoát nhân sinh khỏi những đau khổ thể xác cũng như tinh thần. Đại dịch là cơ hội để các tôn giáo thể hiện sự hiệp lực và tình liên đới, và chúng ta sẽ còn tiếp tục thể hiện trong tương lai.

Đối với các tôn giáo, sự hiệp lực để giải thoát nhân sinh khỏi đau khổ không chỉ phát xuất từ lòng trắc ẩn, nhưng còn từ ý thức phẩm giá cao cả mà Thiên Chúa ban tặng cho từng người. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh điều này trong thông điệp Fratelli tutti (Mọi người là anh chị em) về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, được công bố ngày 03.10.2020: “Các tôn giáo khác nhau đều góp phần quý giá xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công lý xã hội, khởi đi từ sự tôn trọng mỗi con người như một thụ tạo được Thiên Chúa mời gọi làm con của Ngài. Tín đồ các tôn giáo đối thoại với nhau không chỉ để tỏ ra biết ngoại giao, hòa nhã hay khoan dung… Mục đích của đối thoại là để thiết lập tình hữu nghị, hòa bình, hòa hợp và để chia sẻ các giá trị và kinh nghiệm tâm linh và đạo đức trong tinh thần mến yêu và tôn trọng sự thật” (số 271).

Niềm tin vào Thiên Chúa là nền tảng tối hậu cho tình huynh đệ: “Là tín hữu, chúng tôi tin rằng: nếu không hướng về Thiên Chúa là Cha của mọi người, thì sẽ không có lý do khả tín và vững chắc nào để mời gọi con người sống tình huynh đệ. Chúng tôi xác tín rằng: chỉ với ý thức chúng ta là con chứ không phải là những trẻ mồ côi, thì chúng ta mới có thể sống hòa thuận với nhau” (số 272).

Quả vậy, giả sử những người con trong gia đình không ý thức mình là con cái của một người cha chung, thì mỗi người sẽ sống khép kín, ích kỷ, chỉ lo bảo vệ quyền lợi cá nhân, và như vậy chắc chắn không thể giữ tình huynh đệ bền chặt dài lâu, thậm chí còn có thể gây nên những cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Dù mỗi tôn giáo có thể gọi Thiên Chúa bằng những danh xưng khác nhau, nhưng tất cả đều tin vào một Đấng Thần linh, Đấng Tuyệt đối, Đấng Cao cả, Đấng ấy tạo dựng nên muôn loài và là Cha của mọi người, và vì thế mọi người là anh chị em.

Nếu niềm tin vào Thiên Chúa nối kết nhân loại thành anh chị em, thì ngược lại, loại bỏ Thiên Chúa sẽ gây ra đau khổ cho nhân loại: “Từ kinh nghiệm đức tin của chúng ta và từ sự khôn ngoan tích lũy qua bao thế kỷ, nhưng cũng từ những bài học thâu lượm từ những yếu kém và thất bại của mình, chúng ta, những tín đồ của các tôn giáo khác nhau, đều biết rằng: khi làm chứng về Thiên Chúa, thì cũng mang lại lợi ích cho xã hội chúng ta… Khi nhân danh một ý thức hệ, là người ta có ý loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội, rốt cuộc người ta sẽ đi đến chỗ tôn thờ ngẫu tượng, và chẳng bao lâu sẽ lạc đường, đồng thời phẩm giá của họ sẽ bị chà đạp và quyền lợi của họ sẽ bị xâm phạm. Quý vị đã quá rõ sự phủ nhận tự do của lương tâm và tự do tôn giáo đã gây ra biết bao đau khổ, và những vết thương này khiến cho nhân loại trở nên cùng khốn vì thiếu niềm hy vọng và những lý tưởng dẫn đường” (số 274).

Chúng ta tham dự cuộc Hội ngộ Liên tôn lần thứ XI này để nói lên niềm xác tín đó. “Chúng ta sẽ đồng hành với thế giới, nâng đỡ niềm hy vọng, trở thành dấu chỉ cho sự hiệp nhất, xây dựng những cây cầu, phá đổ những bức tường, và gieo những hạt giống hòa giải” (số 276).

Thời gian đại dịch vừa qua là cuộc trắc nghiệm và là bài tập cho các tôn giáo về sự “hiệp lực để giải thoát nhân sinh”, về khả năng đối thoại và cộng tác để xây dựng một thế giới mới, thế giới của hòa bình và yêu thương, trong đó mọi người đều được tôn trọng; sự sống, phẩm giá và các quyền cơ bản của con người được bảo vệ. Chúng ta có thể làm được điều đó và chúng ta phải làm, vì đó là sứ mệnh của chúng ta.

Cầu chúc cuộc Hội ngộ lần XI thành công tốt đẹp.

Kính chúc quí vị bình an và dồi dào phúc lành của Thiên Chúa.

TTMV 27.10.2021
Giuse Nguyễn Năng
TGM TGP Sài Gòn – Tp.HCM