Một buổi sinh hoạt có sức đánh động…

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1209 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Gặp gỡ một thần học gia


Sự kiện linh mục tiến sĩ Peter Phan Đình Cho, Giáo sư Đại học Georgetown, nguyên Chủ tịch Hội Thần học Công giáo Hoa Kỳ nói chuyện về đề tài “Đa nguyên tôn giáo và Mầu nhiệm Giáo hội: GIÁO HỘI HỌC TRONG VIỄN TƯỢNG LIÊN TÔN” lúc 15g00 ngày Thứ Bảy 10.11.2012 vừa qua, vốn là một trong những sinh hoạt chuyên đề của Học viện Mục vụ TGP. Dẫu vậy, buổi sinh hoạt này đã mang lại cho các tham dự viên (TDV) một nhãn giới mới về căn tính của mình trong tương quan với các tôn giáo. Ai cũng nhìn nhận buổi tọa đàm này thật hấp dẫn, diễn ra trong không khí vui tươi và gợi mở ra nhiều suy nghĩ nơi cử tọa, với những ý kiến khác nhau xoay quanh chủ đề.


Người viết cảm thấy nhu cầu biểu lộ niềm tin qua việc “tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi”, cùng bày tỏ lòng biết ơn đến những vị Chủ Chăn đáng kính, vì nhờ ơn Chúa và Giáo hội mà lần đầu tiên chúng tôi - những học viên giáo dân - có dịp trực tiếp nghe một thần học gia quốc tế, gốc Việt, thuyết trình về một vấn đề mang tính thời sự thần học.


Con người hiện đang sống trong một thế giới phẳng – trong một ngôi làng lớn, nên vấn đề đa nguyên tôn giáo là một thực tế cần được đánh giá và nghiên cứu dưới ánh sáng đức tin, để có những thái cử hành xử phù hợp giữa người với người, giữa Kitô hữu với tín đồ thuộc các niềm tin tôn giáo khác. Nhưng cũng chính vì thế, mà thần học về Giáo Hội cũng cần được suy tư lại một cách khác, để có thể dấn bước trên những lộ trình mới mà công đồng Vatican II đã dọn đường từ 50 năm qua. Khi nghĩ đến đây thì người viết mới hiểu ra ý nghĩa của chủ đề buổi tọa đàm “GIÁO HỘI HỌC TRONG VIỄN TƯỢNG LIÊN TÔN” do Ban tổ chức nêu lên.


Thao thức vì được đánh động


Suy nghĩ của người viết lúc này cứ cuồn cuộn trong tâm trí, tình cảm vui vui … mến mến… phấn chấn… băn khoăn… rồi lại hi vọng… cứ đan xen vào nhau.


Buổi tọa đàm thật là vui vì diễn giả là một người đã có bề dày kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới trong Giáo Hội và xã hội, ở quốc nội và quốc tế… nên chuyện lịch sử và văn hóa Đông – Tây của cha nói, nó vừa gần với khúc ruột dân Việt, mà có lúc lại dắt chúng tôi đi đến vùng địa lý xa xôi nào đó, nghe đến đâu là thích đến đó. Ngài lại có khả năng hài hước, dí dỏm lạ, có không ít lần cả giảng đường phải bật cười và vỗ tay vì không thể nhịn cười được !


Tình cảm và tự hào dành cho thuyết trình viên, người viết không dấu diếm, vì biết ngài là người gốc Việt, nhưng đa số thời gian sống và hoạt động lại ở nước ngoài, vậy mà khả năng nói của cha thể hiện được sự trong sáng của tiếng Việt. Ngài còn phân tích rõ những đặc điểm của ngôn ngữ mẹ đẻ, những dị biệt mà phong phú trong các phương ngữ… khiến cho sự đồng cảm giữa người nói và người nghe được tài bồi rất nhanh. Có lúc cao trào, khi nghe giọng ngài vang lên to hơn, mình lại nghe âm giọng lơ lớ (như người ngoại quốc nói tiếng Việt), không hiểu sao, lòng kính phục của mình đối với cha lại dâng dâng, cảm động hết sức.


Tham dự buổi tọa đàm, cảm nhận được một sự phấn chấn trong tâm thức của mình, vì đây là một buổi sinh hoạt chuyên đề nặng tính thần học. Mà nói đến thần học thì đa số giới giáo dân ta chỉ xin “ngưỡng vọng từ xa”. Ấy vậy nhưng trong thực tế, chúng tôi đã lần lượt được nghe về hai nội dung “hóc búa” - một cũ một mới - của thần học: “Ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ !” và “Giáo Hội học trong viễn tượng liên tôn”.  Với đề tài cũ thì ngài đề nghị nhìn lại cho đúng lịch sử xuất xứ của nhận định trên để hiểu cho đúng. Với đề tài mới thì ngài giới thiệu “văn kiện” ngắn nhất của Công Đồng Vatican II: Tuyên ngôn Nostra Aetate (*). 


Mình cũng được hân hạnh là học viên tại Học viện Mục vụ qua vài giảng khóa. Với “đề tài cũ”, cũng đã được các cha giáo chỉ bảo cho một số quan niệm trong thực hành. Ví dụ phải hiểu câu đó là: 1/ Thiên Chúa cứu độ con người ngang qua Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập. 2/ Cần phải loan báo Tin Mừng để làm Phép Rửa cho những người chưa nhận biết Thiên Chúa. 3/ Sự khác nhau giữa Đàn Chiên trong Đoàn và đàn chiên ngoài Đoàn. 4/ Giáo Hội là hết thảy mọi người, được nhìn theo ý định từ thủa ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng, và còn nhiều quan niệm khác nữa… Nhưng hôm nay, Cha Peter Cho lại cho chúng tôi một hướng nhìn lịch sử, để thấy nguồn gốc và bối cảnh xuất hiện nhận định trên. Tạ ơn Chúa, ai nghe sao, hiểu sao thì tùy, còn mình thì lại được đánh động để quyết tâm sống Đạo tốt hơn kẻo “bị té ra ngoài Giáo Hội”.


Với đề tài “Giáo Hội học trong viễn tượng liên tôn.” Nội dung bài nói khởi đi từ lịch sử tính của các tôn giáo lớn trên thế giới, liên hệ đến mối tương quan trên nhiều lĩnh vực của đời sống giữa người với người từ trước khi có những phân định của từng tôn giáo, sự phát kiến ra những tân thế giới, những chuyện vui buồn của Giáo Hội từ xưa đến nay… Ngài chốt lại ở Văn kiện Notra Aetate (NA) rồi đặt vấn đề mở cho chủ đề về Giáo Hội học. Người viết cũng may mắn được học qua về văn kiện này, thế nhưng, lại cắc cớ tự hỏi: “không biết có bao nhiêu người Công giáo Việt Nam biết về văn kiện này?” Mình có thắc mắc vì những lí do sau: 1/ Từ năm 1978, mình đã được học về các văn kiện của CĐ Vatican II, nhưng chẳng hề nghe cha giáo nhắc đến N.A, mà phải đến năm 2010 mới được học. 2/ Chương trình đào tạo của HVMV có đến hàng chục môn thần học, nhưng chỉ có giảng khóa “Giáo huấn Giáo Hội về Đối thoại liên tôn” mới dạy về văn kiện N.A. Môn học đã hiếm, người học lại càng hiếm hơn! (HVMV đành phải gác lại môn này cho học kỳ sau, vì không đủ sĩ số tối thiểu học viên đăng ký để mở giảng khóa). 3/ Bộ môn thần học tôn giáo và Đối thoại liên tôn cũng chỉ mới chính thức được đưa vào chương trình đào tạo tại Đại Chủng viện và các Học viện được hơn 5 năm. Dẫu sao, con cũng tạ ơn Thiên Chúa vì đã được chỉ bảo, nên con cũng chia sẻ niềm xác tín với những vị chủ chăn trong hoạt động đối thoại liên tôn tại Giáo phận nhà. Nghĩ và tâm niệm thế, nên lòng phấn chấn hẳn, tin vào một ngày mai thật đẹp và hạnh phúc khi gặp được tình huynh đệ đại đồng của những con người đến từ nhiều niềm tin khác nhau.

 

Nhưng sự phấn chấn của bản thân dường như chưa trọn vẹn, có lẽ vì đó mới là suy nghĩ hướng nội, còn suy tư hướng tha cứ đeo đẳng theo người viết mãi, bởi trước đó đã được đọc bài viết tường thuật về buổi “Hội Thảo Thần Học: Phúc Âm hóa và Đối thoại Liên tôn” tại Học viện dòng Phanxicô. Xin trích dẫn một đoạn bài đã đăng: “… Sau bài nói chuyện của cha (Peter Phan Đình Cho) là một chứng từ về hoạt động Đối Thoại Liên Tôn tại VN do Cha Trưởng Ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn của TGP TP. HCM trình bày. Cha cho thấy hoạt động Đối Thoại Liên Tôn là một con đường ít người đi, nhưng xác tín cái nhìn Đối Thoại Liên Tôn như là thành phần và cách thế của công cuộc Loan báo Tin Mừng, như Liên Hội Đồng Giám mục Á châu (FABC) nói đến cuộc đối thoại tam diện: với người nghèo, với các nền văn hóa và với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, giữa xác tín đó và hành động thực tế đang còn có khoảng cách với những vấn nạn mà giới quan tâm đặt ra: Hội Đồng Giám mục vẫn chưa có một Ủy Ban về Đối Thoại Liên Tôn, các Giáo phận chưa có Ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn...” (nguồn: fmmvn.net). Lòng mình cũng băn khoăn thế nào ấy, khi thấy như thể lập trường của công đồng Vatican II do các nghị phụ xác lập chưa được mọi thành phần Dân Chúa hiểu biết, chia sẻ và áp dụng tại địa phương.


Kết luận


Buổi tọa đàm kết thúc trong bầu khí vui vẻ và thân ái, mỗi thành phần của Giáo Hội mang về những hoa trái do Chúa Thánh Thần ban tặng. Có thể kể một số vấn đề cần tiếp tục được suy tư và trao đổi:


-  Vì ích lợi của Giáo hội, có nên làm phong phú thêm nhân sự giảng dạy tại Đại Chủng viện và các học viện bằng việc mời những người giáo dân đủ điều kiện chuyên môn, bao gồm cả nam và nữ giáo sư?


-  Vì sao thần học gia của Giáo hội Việt Nam còn khan hiếm? Làm thế nào để xây dựng và phát triên thành phần này trong Giáo hội?


-  Đối thoại liên tôn thuộc về căn tính của người Kitô hữu, vậy làm sao để mọi người nhận ra căn tính đó và sống đúng như “tôi là…”?


-  Làm cách nào để cùng với anh chị em không Kitô gọi tên Chúa Thánh Thần bằng ngôn ngữ của họ - trong Thánh Ý của Thiên Chúa?


Ngước mặt nhìn trời cao, tin-cậy-mến dâng trào.


Nhìn đến anh chị em đồng loại, thân thương-trân trọng-lắng nghe-hiệp lực.


Cùng nhau sống Năm ĐỨC TIN, chúng con lại hi vọng…


TSG

------------------------------

(*) Nội dung của bài nói chuyện, xin mời quý độc giả tham khảo thêm:

Đa nguyên tôn giáo là gì? - Lm. Peter Phan Đình Cho