Ðối thoại với các tôn giáo trong sự hiểu biết...

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 257 | Cật nhập lần cuối: 10/19/2023 4:52:52 PM | RSS

Doi thoai voi cac ton giao trong su hieu biet...Tại hội nghị thường niên kỳ II năm 2023 của HĐGMVN, mục vụ đối thoại với các tôn giáo nằm trong số những vấn đề được quan tâm thảo luận. Cũng trong tháng 9 vừa qua, Ban Mục vụ đối thoại liên tôn TGP TPHCM liên kết với Học viện Mục vụ đã mở các khóa học “Kitô giáo và các tôn giáo khác”, “Công giáo và Phật giáo”… Như vậy, phải chăng sự hiểu biết về đối thoại với các tôn giáo đang ngày càng trở nên cần thiết trong đời sống của các tín hữu? Báo Công giáo và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc - Trưởng ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP TPHCM xoay quanh vấn đề này.

CGvDT: Thưa cha, trong bối cảnh ngày càng phát triển của xã hội, cha nhận định gì về vai trò của đối thoại liên tôn hiện nay?

- Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc: Theo Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), đối thoại liên tôn là thành phần trong cuộc đối thoại tam diện (đối thoại với người nghèo, với các nền văn hóa và với các tôn giáo) để loan báo Tin Mừng tại châu lục đông dân nhất này. Châu Á vốn là chiếc nôi của nhiều tôn giáo lớn, lâu đời như Ấn giáo, Nho giáo. Đạo giáo, Phật giáo, Kitô giáo; hơn nữa, còn có gần 1 tỷ tín đồ Islam đang hiện diện. Rồi làn sóng di dân, toàn cầu hóa tạo nên nhiều cuộc giao lưu văn hóa và đạo hữu các tôn giáo khác nhau được gặp gỡ thường xuyên trong môi trường giáo dục, chức nghiệp, du lịch… Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, đặc biệt các cổng thông tin điện tử chính thức của các tôn giáo giúp người ta hiểu biết nhiều hơn về giáo lý và sinh hoạt của các tôn giáo. Ngay cả trẻ em khi đi học cũng tiếp xúc với các trẻ khác đạo; hay với các sinh viên ở giảng đường và trong môi trường chức nghiệp sau này, việc giao lưu với các tôn giáo là chuyện thường ngày. Do đó, việc đối thoại trong hiểu biết, tôn trọng khác biệt là điều quan trọng trong gia đình có nhiều tôn giáo, trong xã hội cũng như trên thế giới.

Với Giáo hội Công giáo, việc đối thoại với các tôn giáo khác hiện có được như mong muốn ? Theo cha, phải nên làm thêm những gì để việc này mỗi ngày một tốt đẹp hơn?

- Nói chung, sự hiểu biết của người Công giáo về các tôn giáo khác còn khiêm tốn và việc gặp gỡ giữa hàng linh mục, tu sĩ Công giáo với các chức sắc hay người của tôn giáo khác cũng còn hạn chế. Thực ra, ở các học viện Công giáo, trong chương trình đào tạo linh mục - tu sĩ, đã có những môn Truyền giáo học hay Thần học tôn giáo, Mục vụ đối thoại liên tôn… Lý thuyết thì có dạy tại một số học viện, nhưng việc gặp gỡ thực tế thì chưa nhiều, nên thiết tưởng cần tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tín đồ các tôn giáo khác, như thế người Công giáo sẽ hiểu biết nhờ tương quan. Hơn nữa, tương giao giữa Kitô hữu với các tôn giáo khác cũng làm chứng cho tình huynh đệ đại đồng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong thông điệp “Fratelli tutti” (Tất cả là anh em)… Hiện tại chỉ có TGP Huế, TGP TPHCM là đã có Ban Mục vụ đối thoại liên tôn; ở giáo phận Cần Thơ thì có linh mục phụ trách về tương quan giữa Công giáo với các tôn giáo khác… Là thư ký của Văn phòng Mục vụ đối thoại đại kết và liên tôn (trực thuộc HĐGMVN), tôi biết Đức cha phụ trách Giuse Châu Ngọc Tri vẫn ước muốn mỗi giáo phận đều có Ban Mục vụ đối thoại liên tôn, hay ít ra là có một linh mục đặc trách. Nhiều giáo phận chưa hình thành Ban chuyên trách này, có lẽ do chưa đủ nhân sự.

Chúng con được biết, tại Học viện Mục vụ TGP đang diễn ra các khóa học liên quan đến đối thoại liên tôn như “Kitô giáo và các tôn giáo khác”, “Công giáo và Phật giáo”… Xin cha cho biết mục đích của các khóa này?

- Học viện Mục vụ đã có những khóa đào tạo về đối thoại liên tôn khá lâu rồi, bắt đầu từ năm 2007. Từ đó, mỗi năm đều có các khóa, thường mỗi học kỳ mở 2 khóa, còn chương trình tổng thể thì nhiều hơn. Hai khóa “Kitô giáo và các tôn giáo khác”, “Công giáo và Phật giáo” là 2 khóa nằm trong học kỳ 1 của năm học 2023-2024… Việc đào tạo nhằm mục đích giúp học viên hiểu biết một cách hệ thống, đúng đắn về giáo lý căn bản và thực hành của các tôn giáo khác, so với Kitô giáo; kế đến là tạo cơ hội cho học viên gặp gỡ tín đồ hay chức sắc các tôn giáo bạn. Nói chung, Học viện Mục vụ muốn đào tạo giáo dân thành những Kitô hữu trưởng thành, là những linh hoạt viên tích cực trong đoàn thể, giáo xứ và là chứng nhân trong môi trường chức nghiệp cũng như xã hội, mà việc hiểu biết về các tôn giáo khác là cần thiết. Người ta thường nói “vô tri bất mộ”, không hiểu biết thì không yêu mến. Hiểu biết mà không chính thống thì dễ ngộ nhận, dẫn đến hiểu lầm về nhau, cũng như về chính mình. Khi học về các tôn giáo khác, giáo thuyết và thực hành, biết về những cái hay của họ thì người Công giáo cũng sẽ nhận ra cái độc đáo của Kitô giáo ở chỗ nào. Hơn nữa, Công đồng Vatican II, trong Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo có nói :“Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy” (Nostra Aetate 2). Rồi trong Ad Gentes, Sắc lệnh Truyền giáo, các nghị phụ Công đồng Vatican II yêu cầu người Công giáo “phải làm quen với những truyền thống và tôn giáo” của nhóm người mình chung sống và “phải lấy làm vui khi khám phá ra hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn nơi họ” (AG 11)… Điều này thuộc huấn quyền của Giáo hội, chứ không phải là một tùy chọn. Muốn loan báo Tin Mừng cho tha nhân, người môn đệ Chúa Kitô cần hiểu biết và lắng nghe họ. Tìm hiểu về niềm tin và đời sống của các đạo hữu khác là điều kiện để hiệp hành với đồng bào và loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam, một đất nước đa tôn giáo, đa văn hóa cũng như đa sắc tộc.

Cha có thể nói qua vài nét về nội dung của hai khóa học trên?

- Với khóa “Kitô giáo và các tôn giáo khác”, học viên lần lượt được tìm hiểu các tôn giáo có mặt tại Việt Nam như Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo, Islam, Baha’i, Cao Đài, tín ngưỡng thờ Trời và thờ Mẫu… Rồi so sánh, đối chiếu giáo lý và thực hành của các tôn giáo này với giáo lý, thực hành của Công giáo, đặc biệt là qua những điểm ăn chay, bố thí, cầu nguyện. Đi chuyên sâu vào từng tôn giáo như khóa “Công giáo và Phật giáo” thì tìm hiểu lịch sử, sự phát triển, cách đào tạo tu sĩ hay là tăng ni bên Phật giáo giống và khác nhau như thế nào với Công giáo; những điểm tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo và Công giáo, chẳng hạn như hạnh phúc, đau khổ, con đường giải thoát và cứu độ… theo niềm tin của hai tôn giáo này. Hay ý nghĩa, sự giống và khác nhau trong cách cầu nguyện, ăn chay, bố thí giữa Phật giáo và Công giáo… Mỗi khóa gồm 30 tiết, kéo dài trong 15 buổi. Hiện khóa “Kitô giáo và các tôn giáo khác” học vào chiều thứ Hai hằng tuần, còn “Công giáo và Phật giáo” học vào sáng thứ Bảy. Chương trình có dự kiến cuối khóa cho học viên đến thăm một nhà thờ, nhà chùa hoặc một cơ sở tôn giáo để có tương giao trực tiếp.

Thành phần ban giảng huấn thì thế nào, thưa cha?

- Tôi và linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền phụ trách trình bày các đề tài Công giáo. Cha Phêrô Hiền là Trưởng ban Mục vụ giáo lý của Tổng Giáo phận, cũng thường cùng tôi tiếp xúc trong các cuộc hội ngộ liên tôn tại Trung tâm Mục vụ nên ngài cũng có sự hiểu biết, tương giao trước với các tôn giáo bạn… Đối với khóa chuyên như “Công giáo và Phật giáo” thì có thêm các giảng viên của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Hòa thượng Thích Minh Thành giúp điều phối, mời các giảng viên Học viện Phật giáo, mỗi vị đứng một bài mà bản thân họ tâm đắc.

Cha kỳ vọng gì ở các khóa học này?

- Trước hết, chúng tôi mong giúp cho người Kitô hữu và tín đồ của các tôn giáo khác hiểu biết nhau hơn, góp phần xây dựng mối tương quan huynh đệ trong gia đình (khác đạo) và xã hội. Và xa hơn nữa, là từ tương giao thân hữu này, các đạo hữu có thể cộng tác với nhau trong hoạt động từ thiện, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng…

Chúng con xin cảm ơn cha!

Liên Giang (thực hiện)
Nguồn: cgvdt.vn