Du Xuân Đà Lạt

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 608 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Để Tết Nhâm Thìn thật đầy đủ ý nghĩa, thì ngày tết gồm những ngày nghỉ ngơi, ngày sum họp, ngày no đủ lương thực, ngày hi vọng những điều tốt đẹp cho năm mới, ngày cầu an và phước lành … Với mong muốn chính đáng trong lòng của một người Việt, thì việc đến những nơi thờ phượng theo niềm tin tôn giáo cũng là một hoạt động tâm linh tự nhiên.


Là người Công Giáo thì ba ngày Tết với các thánh lễ: Mùng một cầu bình an, Mùng hai kính nhớ và báo hiếu tổ tiên-cha mẹ, Mùng ba xin thánh hóa công ăn việc làm … Đó là ba lễ ai ai cũng cố gắng tham dự đầy đủ. Trong ơn gọi Đối thoại liên tôn, chúng tôi còn được Thần Khí Thiên Chúa dẫn đến “Ăn Tết” tại những tụ điểm xuân khác “cùng với Bạn Đạo ngẩng mặt xin Trời”: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại ĐạoMinh Lý Thánh Hội. Năm nay được như thế cũng xin tạ ơn Trời lắm, nhưng từ mấy năm trước mình đã biết quý anh chị Phật tử có hoạt động tâm linh rất hay là “hành hương thập Tự” vào dịp đầu xuân; lòng ước ao được một lần tham dự nhưng chưa thực hiện được ! Xuân này, quả là được “cưỡi rồng”. Người viết đã được viếng cảnh chùa.


Du Xuân Đà LạtVòng vèo, quanh co trên đường đèo Prenn, rồng chuyển mình đưa đoàn chúng tôi lên cao, đến chân mây là điểm nối giữa trời và đất thì gặp Thiền Viện Trúc Lâm (TVTL). Ối ! thiền viện ôi, mình nhớ quá, kể cũng đến mười năm chưa gặp rồi còn gì. Để vào được Chánh điện Lễ Phật, người ta phải khổ công để tỏ lòng thành, bằng những bước chân nặng nề của nam, phụ, lão, ấu đi lên những đoạn bậc thang cao … vừa mỏi chân thì thấy Phật. Chánh điện thờ Phật được xây dựng nơi cao nhất của khuôn viên TVTL, hàng hàng lớp lớp người vào ra, ở ngoài ồn ào rền rỉ thế, mà đến trước thềm thì lẳng lặng cởi dép, rón rén tiến vào. Mình đứng ngay thềm Chánh điện nhìn vào thấy đông nghịt người im lặng khấn vái theo nhịp chuông gõ của một vị Tăng, chỉ có âm thanh của tiếng chuông cho tất cả Phật và người … coong … coong … mình cúi chào Phật xong lại hướng mắt ra ngoài để nhìn bá tánh. Họ lễ Phật xong rồi vãn cảnh chùa, Phật tử có, tăng ni khách có, người mê cây cảnh cũng có… tha hồ ngắm, …


Bản ngã: vút tầm mắt xuống hồ Tuyền Lâm nước trong và phẳng lặng để gởi bài ‘Thu điếu” của cụ Nguyễn Khuyến:


“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

 Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

 Sóng nước theo làn hơi gợn tí

 Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo …”

Nếu có ai thắc mắc, xuân mà lại đi ngâm Thu  điếu,  thì xin thông cảm, niệm cảm trong lòng mỗi người tự trổi lên chứ mình chưa khiển được nó!


Thiền một tí: nhìn xuống những luống hoa khoe sắc rực rỡ, những chậu kiểng bonsai. Ban đầu mình thấy đẹp. Tự hỏi: “nó đẹp ở chỗ nào?”. Nhìn kỹ,… đẹp ở chỗ nó không phát triển tự nhiên! Ví dụ nếu là cây thông, thì thân phải thẳng và cao lớn ngạo nghễ theo hình ảnh mô tả của cụ Nguyễn Công Trứ:


kiếp sau xin chớ làm người

 Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

 

Đàng này, cây thông của TVTL lại thấp độ nửa mét, mất luôn thế trực, thân bị ép cong gập cúi xuống sát đất (cho mình ý niệm dường như thân cây bị bẻ gẫy từ thủa cây còn nhỏ híu, nhưng vẫn không chết) từ cái thân ấy nó trổ nhánh vươn cành cũng cong queo khúc khuỷu nhưng lá cành lại che mát cả một không gian dưới tán (mình có hồi niệm: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã từng nhờ tán cây bồ đề che chở để ngài tọa thiền tầm Đạo) lại miên man nghĩ: Cây thông không còn dáng xưa  (không còn ý niệm cũ tự thân của nó) giờ vẫn còn hiện hữu nhưng với dáng vẻ của một cây đã từng chịu nhiều bão táp (đã kinh qua nhiều trầm luân khổ ải của biển đời) cây thông giờ đã được định hình thành một “giá trị văn hóa vật thể cao cấp” đem lại niềm vui và trí lự sâu sắc cho con người (đã được uốn nắn, sửa dạy, giáo hóa … từ bỏ được tham sân si … đạt đến cảnh giới giác ngộ và giác tha).


Du Xuân Đà Lạt


Mình dạo từ tưởng này đến tưởng kế, thấy cũng vui vì một chút ngộ: con người trong bể khổ, khổ ải trầm luân, nếu biết quay đầu thành tâm hướng Phật và tu … thì sẽ giác ngộ và từ đó “ta là thông và thông là ta … đều là Phật”


·   Chứng quả: Nghĩ đến đây thì cũng vừa kịp lúc chân học trò cửa Thiền dừng trước tảng đá to có khắc bài thơ:


Cuộc đời qua mắt tôi

Chiếc thân tứ đại khói

Sinh hoạt thế gian mây

Thành công khối nước đá

Thất bại chùm bọt tan

Nhục vinh bong bóng nước

Thương ghét hạt sương mai.

Khổ vui trong giấc mộng,

Lành dữ bóng chim bay.

Tháng ngày cái chớp mắt,

Còn mất nước trăng lay.

Chung cuộc cơn gió thoảng,

Viên mãn bầu trời trong.  

Hòa Thượng Thích Thanh Từ (06.1984).