Hành hương Hòa bình trên chuyến tàu lịch sử

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 582 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Hành hương Hòa bình trên chuyến tàu lịch sửNgày 27.10.2011 với biết bao thời sự quốc tế hay quốc nội, liên quan đến cộng đồng hay cá nhân … rồi cũng đi qua. Thời gian trôi qua, nhưng lịch sử ở lại và nhân chứng xuất hiện… Chúng tôi đang nói đến “Những dấu ấn mang lại giá trị AN HÒA - THIỆN HẢO” cho thế giới nói chung, cho Tổng Giáo Phận Tp. HCM (TGP) và những anh chị em đang dấn thân Đối thoại liên tôn (ĐTLT) nói riêng, qua việc tổ chức ngày HỘI NGỘ “CHUNG TAY XÂY DỰNG BÌNH AN”.


Người viết xin kính mời tất cả những ai “Tâm thành” cùng nhau làm một chuyến Hành hương Hòa bình ngược dòng lịch sử đến thời điểm 1986. Qua chuyến đi này, chúng tôi tin chắc: “Chúng ta sẽ nhận được nhiều quà lắm từ Thiên Chúa Ba Ngôi!”. Xin phép gọi quý vị là "Đồng hành viên" (ĐHV). Ban Tổ chức xin thông báo đến quý ĐHV ba điều: 1. Hành trang cá nhân là “HÃY MỞ LÒNG RA.” 2. Phương tiện di chuyển là “một chuyến tàu với hai đường ray, một đường ray ở quốc tế, một đường ray ở quốc nội. 3. Lộ trình mang tên “Tinh thần Assisi từ 1986 đến nay.” Xin hỏi: “có ai chưa hiểu không ạ?”. Mà nếu có, cũng chẳng sao, vì không thắc mắc thì mình tham gia khám phá làm gì ! Nào, kính mời mọi người “xuất hành”.


A. Khám phá “Tinh thần Assisi”


Đầu tiên chúng ta ghé “Ga 1986”, cả đoàn thấy “Con tàu” lắc lư, lổm nhổm dữ! Hỏi ra mới biết nguyên nhân: Số là, đường ray quốc tế gặp phải những chướng ngại vật “hai Cực” với những phi đạn hạt nhân siêu công phá và dễ kích nổ của Mỹ và Liên Xô! dọc đường ta bắt gặp những vẻ mặt đầy ưu tư, lo lắng bùng nổ chiến tranh hạt nhân của các nhà lãnh đạo tôn giáo hay không tôn giáo. Bên đường ray quốc nội: cũng lắm dập dềnh, nào chiến tranh Tây-Nam, nào biên giới phía Bắc, rồi cả “sự chuyển mình lên con dốc ĐỔI MỚI … Toàn cảnh “Ga 1986” ở quốc tế và quốc nội bi đát quá! Các tấm biểu ngữ ghi dòng chữ “CHỐNG BÙNG NỔ CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ III” giăng đầy đường … Đoàn tàu đến nước Ý. Ồ ! “Tướng Tinh” xuất hiện! Bộ dạng của ngài: một tay cầm “Cẩm nang Phanxicô”, một tay cầm bản “Danh sách các tôn giáo trên thế giới” Miệng hô to ‘Hãy cầu nguyện”. Bản lĩnh anh hùng của ngài ở chỗ: đang khi người ta bát nháo nhào vì lo sợ, còn ngài thì cầu nguyện! Lúc các quốc gia đi xếp hàng theo CỰC để biểu dương lực lượng, thì ngài lại mời các đại diện của các Giáo hội Kitô và các tôn giáo của toàn thế giới quy tụ để “cầu nguyện cho hòa bình thế giới” vào ngày 27.10.1986. Con người ấy chính là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với lời loan báo trước các vị lãnh đạo kể trên, với báo giới, khách mời và khách hành hương tại Vương cung thánh đường thánh Phanxicô: “Chúng tôi sẽ không dùng một bữa cơm nào, như thế chúng tôi sẽ ý thức hơn về nhu cầu của thế giới về thống hối và thay đổi bên trong. Các truyền thống của chúng ta vừa có nhiều đa dạng, nhưng đều phản ánh ước muốn của những người nam người nữ qua các thời đại là đi vào trong tương quan với Hữu thể tuyệt đối. Việc cầu nguyện đòi hỏi từ phía chúng tôi sự hoán cải con tim, điều này có nghĩa là đào sâu nhận thức của chúng tôi về thực tại tối hậu. Và chính vì lý do này mà chúng tôi đồng ý quy tụ về nơi này”.


Kết thúc ngày đáng ghi nhớ ấy, ngài nói: “Chúng tôi mời gọi các vị ấy ghi nhận việc chúng tôi khiêm tốn khẩn cầu Thiên Chúa ban cho hòa bình, nhưng chúng tôi cũng xin các vị ấy nhìn nhận trách nhiệm của các vị và dấn thân với một nỗ lực mới để thực hiện nhiệm vụ xây dựng hòa bình với` lòng can đảm và sáng suốt.”


Kính thưa ĐHV, những dòng chữ đậm và nghiêng trên chính là nói lên Tinh thần Assisi.


Đoàn tàu tiếp tục lăn bánh đưa chúng tôi tham quan những ‘Cột mốc hòa bình”:


• 1985 – 1989 có hình hai vị tổng thống Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev đang ngồi bên nhau, cùng ký quyết định “Chế giảm các vũ khí và phi đạn hạt nhân” , thế là cuộc chiến tranh hạt nhân được ngăn chặn.


Tạ ơn Chúa vì đã nhậm lời cầu nguyện của nhân loại


Hành trình được tiếp tục sau khi chúng tôi nghỉ ngơi bồi sức. “Ga 1991” đã hiện ra trong tầm mắt chúng tôi với bối cảnh “Anh em sống ở bán đảo Bancăng tương tàn”. Những tượng đài diễn tả nội dung chiến tranh và bạo động đã khiến lòng người ĐHV đau xót và thương cảm cho Châu Âu hoa lệ … và, kìa ! theo dòng lịch sử - xe lăn bánh tiếp … chúng tôi nhìn thấy cũng tại Assisi, có nhiều người, trong đó có người Do Thái và Hồi Giáo đang cùng với “Tôi tớ thứ nhất của Thiên Chúa đứng giang tay ngửa mặt lên trời, tiếng cầu nguyện đồng thanh vang lên: “Khẩn cầu vị Chúa Tể của lịch sử, chắc chắn được Người lắng nghe … vị Chúa Tể mà sau cuộc cầu nguyện 1986, đã ban những dấu chỉ, phải nói là khả xúc nữa, là Người đã lắng nghe.”


Phía cuối “Ga 1991” có trưng bày kinh nghiệm của Chân Phước Gioan Phaolô II: “Đối lập lại chiến tranh và các xung đột, chúng tôi muốn khiêm tốn, nhưng cũng mạnh mẽ, đưa ra quang cảnh sự đoàn kết của chúng tôi, sự tôn trọng căn tính của mỗi người” . “Sẽ không có hòa bình nếu không có việc quay về với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trong việc cầu nguyện, nhưng cả trong việc từ bỏ các tham vọng, khao khát quyền lực, ý muốn đè nén kẻ khác, thiếu tôn trọng các quyền của người khác. Quả thật, đấy chính là những nguyên nhân đưa tới chiến tranh”.


Mỗi ĐHV được phát cho một tờ cẩm nang với nội dung trên để nghiền ngẫm. Thời gian suy nghĩ vừa “chín” cho ĐHV thì cũng là lúc tấm bảng lịch sử bừng sáng rực lên giúp chúng tôi đọc rõ nội dung: “Hiệp ước Dayton (Hoa Kỳ) – Chấm dứt cuộc khủng hoảng Bancăng ngày 21.11.1995”.


Nói về đường ray ở quốc nội, lịch sử giới thiệu với ĐHV hai tấm hình “Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình gặp gỡ liên tôn tại TGM” (năm 1963) và “Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình gặp Lãnh đạo Chính Thống Giáo” (khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ 20) Đoàn ĐHV chúng tôi bất ngờ quá! Hóa ra Vị chủ chăn đáng kính trước đây của TGP cũng rất tâm huyết với hoạt động ĐTLT. Vừa xem hình, chúng tôi vừa nghe văng vẳng có tiếng nói của một người lớn tuổi: “Cha sai con đi học ngành Mục vụ ĐTLT nhé!” “Dạ, con xin vâng” (năm 1998).


“Tạ ơn Chúa vì đã nhậm lời cầu nguyện của nhân loại”


Hành trình tâm linh của chúng ta đi sang thiên niên kỷ thứ ba – 2001, chúng tôi được giới thiệu những thành tựu vĩ đại của nhân loại: tin học, thông tin, y tế, kinh tế - thương mại, nền sản xuất tự động hóa – cơ khí hóa gần như hoàn toàn … cả đoàn đi từ trầm trồ đến thán phục bao tài năng kiệt xuất của chính loài người mình. Tự hào quá đi thôi! … Bỗng những tiếng động “ầm ầm ầm” ngắt quãng, rồi vang dậy liên tục bao “long trời lỡ đất” gây đinh tai nhức óc khiến chúng tôi giật mình, ngó dáo giác … Wòoa… kinh hãi thay! Tòa tháp đôi, niềm hãnh diện trong nhiều lĩnh vực của một nước hùng mạnh như Hoa Kỳ sụp đổ tan tành vào ngày 11.09.2001. Mọi người không hẹn mà cùng thất kinh hét lên: KHỦNG BỐ !!!”


Theo lời kêu gọi của Đức Gioan – Phaolô II: “Để Danh Thiên Chúa đừng bị xúc phạm vì bị biến thành dụng cụ của hận thù và để các tôn giáo là một “nhân tố giúp sống liên đới và hòa bình … Ngày cầu nguyện cho hòa bình không hề nhắm dung dưỡng chủ trương chiết trung tôn giáo. Điều sẽ hợp nhất tất cả các tham dự viên là niềm xác quyết rằng hòa bình là ân ban của Thiên Chúa … Trên nền tảng ấy, những người nam người nữ thuộc các tôn giáo khác nhau không những có thể cộng tác, mà còn phải dấn thân ngày một hơn vào việc bảo vệ và cổ võ cho sự nhìn nhận đích thực các nhân quyền, như là điều kiện cần thiết để có một nền hòa bình trung thực và bền vững”.


Thế là nhiều chức sắc tôn giáo lại qui tụ về thành phố của thánh Phanxicô, từ người Sikh, Islam, Kinh sư Do Thái, người Đạo Khổng, Phật giáo đến anh em các Giáo hội Kitô khác đã cầu nguyện cho hòa bình vào ngày 24.01.2002. Vào thời điểm này, những người con của TGP cũng được tiếp cận gần hơn với tinh thần Assisi, góp lời cầu nguyện cho hòa bình bằng cả xác tín trên đường ray quốc tế này.


Tạ ơn Chúa vì đã nhậm lời cầu nguyện của nhân loại


Chúng tôi được cỗ xe lịch sử đưa đi đến Roma, thăm Tòa Thánh Vatican, nghe giới thiệu Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối thoại liên tôn (thành lập năm 1964) và một số hoạt động thiết thực … đồng thời, cũng được cho xem toàn cảnh thế giới với những thương tích gây đau đớn: môi trường sống bị hủy hoại, ô nhiễm, chiến tranh, đánh bom cảm tử, đói nghèo về tinh thần hay vật chất, độc tài, luật rừng … càng xem, càng biết, càng xác tín rằng: lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cần được cử hành trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, nhưng cũng cần thể hiện trong hoạt động đối thoại liên tôn...

Tại Sài Gòn, trong cuộc tiếp xúc với các chức sắc tôn giáo tại Tòa Tổng Gia1m mục ngày 5.10.2011, Đức TGM Leopoldo Girelli đã nói: “Người tôn giáo là con người ĐTLT” và Lời Chúa cũng dạy qua thư của thánh Giacôbê Tông Đồ: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. “Đức tin của tôi đang sống hay chết rồi?”, tôi thầm nghĩ. Đến đây là kết thúc Hành trình về nguồn theo “Tinh thần Assisi”. Bây giờ, kính mời quý ĐHV cùng chúng tôi đến tham dự một sinh hoạt Công Giáo của TGP chúng tôi ngày 27.10.2011 với chủ đề:


B. “Tinh thần ASSISI” – Chung tay xây dựng bình an

Ban tổ chức xin được chia sẻ vài tâm sự để mọi người đồng cảm. Ngày Hội ngộ này hình thành do mong muốn của vị Cha chung TGP, đồng thời cũng đến từ ý hướng của anh chị em Phan sinh Việt Nam, hầu thể hiện sự hiệp thông với cuộc gặp gỡ các nhà Lãnh Đạo tôn giáo trên thế giới tại Assisi, theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Ban Mục Vụ ĐTLT (trong đó có 3 tu sĩ Phan sinh) nhận trách nhiệm cùng gia đình Phan sinh xây dựng Ngày Hội ngộ này. Xin ghi lại ít hoa trái làm quà cho quý ĐHV:


1. Ngày Hội Ngộ này có sự hiện diện của những người trách nhiệm trong Giáo hội Công giáo: Đức Hồng Y G.B, Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy Ban Giáo lý-Đức tin, Đức Cha Phêrô Giám Đốc Trung tâm mục vụ, cùng nhiều vị Bề Trên Thượng Cấp của các Dòng và Gia đình Việt Nam.


2. Đây là sự hợp tác tổ chức trên quy mô cấp Giáo phận giữa một Ban Mục Vụ với một Dòng tu: đúng hơn là toàn thể Gia Đình Phan Sinh (gồm Anh em hèn mọn, Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ, Phan Sinh Tại thế và Cựu Phan Sinh) và Ban MV ĐTLT TGP.


3. Thành phần tham dự gồm quý Chức sắc của 6 tôn giáo và những bằng hữu ngoài Công giáo, gần 200 vị Đại diện Hội đồng mục vụ giáo xứ của TGP, 20 Đại diện Hội Đoàn, hơn 30 Đại diện các Dòng tu, Học viện và Chủng viện.


4. Chương trình sinh hoạt từ 8g đến 16g30, phong phú về nội dung lẫn hình thức, đặc biệt là vở kịch “Thánh Phanxicô gặp gỡ vua Hồi Giáo” và múa minh họa “Khát vọng hòa bình” của anh chị em tu sĩ Phan Sinh. Phục vụ cho chủ đề ngày hội, mỗi bên đều góp một bài hát: “Tinh thần Assisi” và thái độ “Mở rộng con tim” (tên 2 nhạc khúc của Lm Xuân Thảo và Bùi Đức Hà).


5. Cuộc triển lãm mang tên “Tinh Thần Assisi” cũng góp phần tạo bầu khí an hòa cho cuộc Hội ngộ: trang nhã trong bài trí, gắn kết về bố cục chủ đề, giá trị biểu tượng nghệ thuật của các nghệ nhân Thiên Ân, Trần Mừng, Thiên Sơn, Văn Chương, ... Một số đầu sách, báo, tạp chí của các tôn giáo cũng được trưng bày để tham dự viên có thể tiếp cận với kinh sách của đạo khác. Ngoài ra những tấm ảnh cũng chấm phá đôi nét về lịch sử những cuộc gặp gỡ và đối thoại liên tôn của Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương.


6. Ngày hội này “thiếu sót” ở chỗ có các Ban Tổ chức, Tiếp tân, nhưng lại chẳng có Ban Trật tự. Tuy nhiên, trật tự, an bình và niềm vui thanh thoát của ngày hội, thì hầu như ai tham dự cũng cảm nhận được. “Ban Tiếp Tân nhiệt tình, hiếu khách và dễ thương”, vài vị khách ghi nhận.


7. Lần đầu tiên trong TGP, diễn ra sự cầu nguyện cho một ý hướng chung (Hòa bình) với sự tham gia của 6 đại diện tôn giáo: Baha’i, Cao Đài, Islam, Minh Lý Thánh Hội, Phật Giáo, Tin Lành và kết thúc bằng lời kinh Hòa Bình. Nửa giờ cầu nguyện này như còn mang chút chiều kích quốc tế khi vị Mục sư Grace cầu nguyện bằng tiếng Anh (trong số tham dự viên còn có tu sĩ Phan Sinh người Mỹ và một chị người Châu Âu thuộc phong trào Focolare cổ võ cho sự hiệp nhất).


8. Khi chương trình cầu nguyện bắt đầu lúc 16 giờ, thì cũng là thời điểm Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phát biểu khai mạc tại Assisi. Sự tương phùng về thời gian này biểu thị cụ thể bầu khí hiệp thông trong Đại gia đình Giáo Hội.


9. Vào đêm vọng (26.10.2011), tại Dòng Đức Bà và giáo xứ Phanxicô Đakao, gia đình Phan Sinh đều có giờ canh thức cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi và trung Tâm Mục Vụ. Ban Mục vụ Truyền thông TGP cũng hỗ trợ đưa lên phương tiện truyền thông các bài viết về Đối thoại liên tôn và Tinh thần Assisi để chuẩn bị tâm tình cho mọi người cử hành sự kiện ý nghĩa này. Gia đình Cát Minh đó đây đã hiệp tâm cầu nguyện cho ngày kỷ niệm 25 năm Assisi. Riêng các thành viên Ban MVĐTLT đã làm “tuần bát nhật” chuẩn bị cho Ngày Hội ngộ, và có những phút giây thánh thiêng với Kinh Hòa bình lúc 21g00. Mọi người hiệp cùng thánh Phanxicô, Chân phước Gioan Phaolô II, Đức TGM Phaolô và bác Phaolô Quý (thành viên của Ban đã qua đời), để nhờ các ngài chuyển cầu cho cuộc gặp gỡ ngày 27.10.2011 được diễn ra như lòng Chúa mong muốn.


Quả vậy, Chương trình ngày Hội Ngộ diễn tiến tốt đẹp, các bài thuyết trình sâu sắc, những vấn nạn của tham dự viên biểu lộ sự chăm chú theo dõi của cử tọa. Sự hiểu biết thêm về hoạt động Mục vụ ĐTLT và tinh thần Assisi đã giúp mọi người ý thức và xác tín hơn trách nhiệm Loan báo Tin Mừng bình an bằng con đường Đối thoại liên tôn. Chỉ tiếc rằng không đủ thời giờ để giải đáp mọi vấn nạn, nhưng hy vọng người trách nhiệm có thể giải đáp qua phương tiện truyền thông.


Gia đình Phan sinh Việt Nam và Ban MVĐTLT TGP xin chân thành cám ơn tất cả mọi người đã cầu nguyện, cộng tác trực tiếp hay gián tiếp, để cùng nhau cử hành và sống cách cô đọng "Tinh thần Assisi" trong Ngày Hội ngộ "Chung tay xây dựng bình an".


*  *  *

Mừng 25 năm biến cố Assisi, mong sao cho “Tinh thần Assisi” được rực sáng trong lòng mọi người, để có thể mạnh dạn ra khỏi "cái tôi" chật hẹp của mình, hầu mở lòng đến với anh chị em cùng sống chung một nhà, một xóm, trong một cộng đồng… Đức Hồng Y G.B đã làm sống động gương thánh Phanxicô, hoạt động của Chân phước Gioan-Phaolô II và chỉ cho chúng ta cách thế xây dựng bình an, mà Ngày Hội ngộ là một thể nghiệmthể hiện. Mỗi Kitô hữu chúng ta đáp trả thế nào đây? Hy vọng nhiều lời đáp trả sẽ được tìm gặp trong cuộc sống...

(Bài viết có sử dụng tư liệu từ bài thuyết trình của Lm P.X Vũ Phan Long, ofm)

 

BVHH