Nhân Bản Cao Đài

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3592 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Cao Đài là tôn giáo nhân bản. Giá trị nhân bản của tôn giáo Cao Đài được cô đọng qua lời Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy như sau:

“Thượng Đế Chí Tôn đã mở con đường cho nhân loại trở về với Thượng Đế: Con người cho thiệt con Người.” [1]

Vậy mục đích của đạo Cao Đài là xây dựng, hoán cải cho con người trở nên hoàn thiện, hoàn mỹ, tinh anh để xứng đáng với danh vị là Người (chữ N viết hoa). Con Người đó là con người nhân bản.

Cao Đài quan niệm nhân bản là gì?

Nhân là con người; bản là cái gốc. Nhân bản là cái gốc của con người. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:

“Từ lâu vẫn nghe nói đến vấn đề nhân bản và bảo phải gìn giữ nó cho nguyên vẹn, trường tồn. Vậy thế nào là nhân bản? Là gốc của con người chăng? Khái quát là như vậy.” [2]

Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy:

“Người sanh ra bởi Đạo, thì Đạo tức là người.” [3]

Vậy, cái gốc thiêng liêng của con người là Đạo.

Từ đó đưa đến hệ quả này: con người không có Đạo là con người mất gốc, vong bản. Đức Cao Đài dạy quyết liệt hơn:

Các con phải biết: Hễ là người thì phải biết Ðạo; không biết Ðạo không phải là người. [4]

Đạo là gốc con người, Đạo là nhân bản. Con người đều do Đạo sinh ra, vậy con người dù hình thức bên ngoài khác biệt nhau, nhưng về bản thể thì đồng nhất.

Đức Di Lạc Thiên Tôn dạy:

“Kìa nhìn qua tất cả vạn vật, hình thức vẫn khác nhau, danh tánh khác nhau, nhưng tựu trung vẫn có một điểm Đạo, đó là Thượng Đế Chí Tôn, đó là nhân bản, đó là Thánh Hiền Tiên Phật.” [5]

Lời dạy này cho thấy nhân bản chẳng phải chỉ là điểm đồng nhất giữa người với người, mà còn là điểm đồng nhất giữa người với các Đấng thiêng liêng mà ta gọi là Trời, là Chúa, là Phật Tiên Thánh Thần, v.v…

Do đó Đức Cao Đài (Thầy) dạy rằng con người và Thượng Đế đồng bản thể:

Con là một thiêng liêng tại thế

Cùng với Thầy đồng thể linh quang…[6]

Thượng Đế là Đại Linh Quang (ánh sáng thiêng liêng lớn). Con người là tiểu linh quang (ánh sáng thiêng liêng nhỏ). Vậy chỗ đồng bản thể giữa Trời và người là linh quang, là ánh sáng thiêng liêng.

Sự tương đồng giữa Trời và người còn được Đức Cao Đài diễn tả cách khác:

“Nên chi các con là Thầy, Thầy là các con.[7]

Là tôn giáo nhân bản, giáo lý Cao Đài xác định con người có một giá trị thiêng liêng cao cả. Ngay khi mới mở đạo Cao Đài. Đức Chí Tôn đã dạy:

“Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy. Các con là chư Phật, chư Phật là các con. Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có các chư Thần Thánh, Tiên Phật.” [8]

*

Hai chữ nhân bản còn được Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch giảng dạy là bản vị con người.

Trên thế giới, từng có thời gian dài mà giá trị của một đồng bạc được bảo đảm bằng hàm lượng vàng tương đương. Đó là kim bản vị hay bản vị vàng (gold standard).

Hai chữ bản vị 本位 trong tiếng Anh gọi là standard, nghĩa là tiêu chuẩn, chuẩn mực.

Vậy, khi Đức Lý Giáo Tông dạy rằng nhân bản là bản vị con người, chúng ta hiểu rằng nhân bản là cái chuẩn mực để đo giá trị con người, để phân biệt con người với các giống khác trong muôn vật giữa thế gian. Mất bản vị này, con người không còn là con người đích thực nữa.

Đức Lý Giáo Tông dạy:

“Cái bản vị cao quý nhất của con người đối với vạn vật vạn linh cũng là cái rất quan trọng với chính nó trong cuộc sống xã hội nhân sinh. Cái chỗ chứng đắc của con người toàn diện là sống theo đúng bản vị của con người trong ý nghĩa bất tử bất biến.” [9]

Do đó, suy ra con người nhân bản là con người sống đúng theo bản vị bất biến, bất hoại của mình. Đó là sống nhân bản.

Sống nhân bản bằng cách nào?

Đối với từng người, làm thế nào để sống nhân bản?

Theo Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch, trước tiên con người phải hiểu rõ ràng mình sinh vào cõi thế gian này với mục đích gì?

Trước tiên mình phải hiểu mình

Sinh trong cái cõi nhân sinh làm gì? [10]

Chắc chắn mục đích của đời người không phải là vất vả lo toan làm giàu để rồi cuối cùng chết đi chỉ mang hai bàn tay trắng trở vào lòng đất, còn linh hồn mình thì chẳng biết đi đâu, về đâu.

Lời Chúa nhắc nhở chúng ta:

“Vì nếu người ta được cả thế gian mà phải đánh mất linh hồn mình, thì đâu ích lợi gì?” (Matthêu 16:26)