Sự bình đẳng nam nữ trong Cao Đài giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3348 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đạo Cao Đài coi trọng sự bình đẳng nam nữ trong xã hội, nên đã sớm chủ trương nam nữ bình quyền.


Đạo Cao Đài khai sáng năm 1925, ở một nước thuộc địa, lẫn phong kiến, mà chủ trương Nam Nữ bình đẳng, là đi trước thời cuộc và xã hội, do đó chính quyền thực dân phong kiến đã cho rằng Đạo Cao Đài có màu sắc chính trị [Le Caodaisme (quyển VII), Hà nội 1934].


Đức Chí Tôn giáng dạy “Hễ bao nhiêu Nam tức cũng bấy nhiêu Nữ, Nam Nữ vốn như nhau, nên Thầy đến phong cho Nữ phái buổi lập Pháp Chánh Truyền”  [Tân Luật, Pháp Chánh Truyền].


Đức Lý Giáo Tông cũng dạy: “Nam Nữ vốn đồng quyền..., Giáo hữu Nam phái cũng chịu dưới quyền Giáo sư Nữ phái” [Tân Luật, Pháp Chánh Truyền]. Trong khi phụ nữ Hồi giáo không được đến nhà thờ, phụ nữ Thiên Chúa giáo không được làm Linh Mục…


Nhất là Bát Nương, tư tưởng gia của nền Đại Đạo, thì phát biểu mạnh mẽ rằng:


“Ôm ấp mãi lấy phần nhi nữ,

Cửa công khanh đoán thử bao người?”

                                                                                                   [Đàn cơ 2-8 Đinh Hợi 1947]


Hoặc khi Ngài giáng cơ thấy vắng mặt Giáo hữu Hương Hồ, vì cô này có kinh nguyệt, không dám hầu đàn, thì Bát Nương phán rằng:


“Thể chất phàm phu trược đã đành

Đừng vì nguyệt huyết kỵ anh linh.

Thợ Trời nào nỡ chê đồ tạo,

Xấu tốt sạch dơ bởi miệng mình.”

                                                                                              [Thánh giáo Bát Nương]


Quả thật là một cuộc cách mạng to lớn. Dù trong thời kỳ kinh nguyệt, nữ giới vẫn sinh hoạt cả thể chất lẫn tâm linh bình thường, miễn là vén khéo giữ vệ sinh sạch sẽ. Trong lúc xã hội còn nặng hủ tục, đối với nữ phái thì “Khuê môn bất xuất”, “Chồng chúa vợ tôi”, giáo lý Cao Đài đã giải phóng phụ nữ trước thời đại; lớn hơn tầm vóc họ đang mong quá nhiều.


Ngay trong cửa Đạo, phái nữ cũng đạt được cái ngôi vị Thần Thánh Tiên Phật như nam giới. Ngay trong phạm vi sinh hoạt xã hội, cũng như trong hành chánh Đạo, Cao Đài Giáo đặt Nữ phái ngang hàng với Nam giới, cũng có quyền ứng cử phái viên, nghị viên tham dự ba Hội Lập Quyền Vạn Linh đó là Hội Nhơn sanh, Hội Thánh và Thương hội. Nữ phái cũng có quyền tự do tham gia bầu cử, ứng cử vào các cơ quan hành chánh đạo, cùng đóng góp ý kiến và kiểm soát các sinh hoạt của Đạo từ địa phương đến trung ương, thông qua Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh nêu trên. Đây là một nét đặc trưng của thể chế Cao Đài, khác xa với các tôn giáo. Chỉ có nữ giới Cao Đài mới có quyền thể hiện quyền bình đẳng và tự do dân chủ trong tôn giáo mình một cách tham dự như vậy.


Tuy nhiên về mặt huyền vi, dịch lý với bản chất “âm tiêu, dương trưởng”, với hai phẩm vị tối cao trong cửa Đạo, đó là ngôi vị Giáo Tông và Chưởng Pháp (dương vị) thì nữ giới không được giữ. Trong chú giải Pháp Chánh Truyền, Đức Phạm Hộ Pháp khẳng định rằng đây là mệnh lệnh của Thượng Đế, người đã tuyên bố rằng nam tượng trưng Dương, nữ tượng trưng Âm. Nếu nữ giới nắm những chức vị đó, tức là Âm thịnh Dương suy, nếu nữ giới lên ngôi vị Chưởng Pháp, Giáo Tông sẽ đi đến sự hủy diệt.


Việc không cho nữ phái lên các phẩm Chưởng Pháp, Giáo Tông cũng còn có những lý do vì Thượng Đế yêu thương nữ phái, không muốn phận nữ nhi phải chịu nhiều trách vụ nặng nề. Bởi lẽ lên phẩm vị càng cao, trách nhiệm công việc càng lớn, đó là một gánh nặng vô cùng mệt mỏi, mà nữ phái thì làm việc theo xu hướng tình cảm, cho nên nếu gánh trách nhiệm nặng nề, thì dễ dẫn đến những việc không hay có thể xảy ra trong quá trình làm việc, đó là điểm yếu. Còn nam giới, làm việc vốn xu hướng theo lý trí, nên khi đối mặt những khó khăn sẽ có thể bình tâm, tỉnh trí để xử lý những việc trọng đại sao cho hiệu quả và công tâm nhất.

 

Dã Trung Tử

Tạp chí Cao Đài, số 8 (10/2011), tr.11.