Đất Nam Kỳ tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4583 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


IV. TÍNH ĐA DÂN TỘC VÀ ĐA TÍN NGƯỠNG CỦA ĐẤT NAM KỲ


1. TÍNH ĐA DÂN TỘC


Theo Huỳnh Lứa: “Nam Bộ [Nam Kỳ] nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, ngay trong buổi đầu khai phá, đã có nhiều dân tộc sống chung, xen kẽ với nhau. Đó là một điểm đáng chú ý so với bất cứ vùng nào trên đất nước Việt Nam.” [1]


Thực vậy, tính luôn người Việt (còn gọi là người Kinh), trên toàn lãnh thổ Việt Nam có năm mươi bốn dân tộc khác nhau. Riêng ở Nam Kỳ, ngoài người Việt (Kinh) và Hoa (Hán) ra, có bảy dân tộc khác như sau: Khơ-me (Khmer), Cơ Ho (K’Ho), Chăm (Chàm), Mnông, Xtiêng (Stieng), Mạ và Chu Ru.[2]


Dân tộc Vit. Người Việt vào khai phá và định cư ở Nam Kỳ từ thế kỷ 17. Quá trình di dân liên tục của người Việt diễn ra đồng thời với chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Cuộc di dân càng ồ ạt khi các chúa Nguyễn thi hành chính sách Nam tiến.[3]


Dân tộc Hoa. Cuối thế kỷ 17, theo Huỳnh Lứa, người Hoa từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam đã đến lập nghiệp ở Nam Kỳ (Mỹ Tho, Biên Hòa, Hà Tiên, đồng bằng sông Cửu Long).[4]


Dân tộc Khơ-me. Trước thế kỷ 17, theo Đinh Văn Hạnh, khi chưa có những đợt di cư của người Việt, người Hoa và người Chăm tới Nam Kỳ thì người Khơ-me và văn hóa Khơ-me giữ vai trò chủ thể ở miền đất này.[5]


Theo Đinh Văn Liên, dân số người Việt, Hoa và Khơ-me ở Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 như sau:[6]


 

VIỆT

HOA

KHƠ-ME

1862-1888

1.629.224

56.000

151.367

1895

1.967.000

88.000

170.488


Dân tộc Chăm. Vào thế kỷ 17, 18 một số người Chăm ở miền nam Trung Kỳ đã sang Cao Miên và Xiêm (Thái Lan), đã tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của các nhóm dân cư gốc Mã Lai và Ấn Độ. Đầu thế kỷ 19, trở về định cư ở Châu Đốc và một số tỉnh khác ở Nam Kỳ, họ đã mang theo ít nhiều ảnh hưởng văn hóa của người Miên, Xiêm, Mã, Ấn.[7] Năm 1880, dân tộc Chăm ở Châu Đốc có khoảng 13.200 người.[8]


Các dân tộc khác. Ngoài các dân tộc đã có mặt sẵn ở Nam Kỳ trước khi người Việt đặt chân tới, còn có các giống dân từ nước ngoài cũng sớm tìm đến. Sự kiện này được ghi nhận trong vài tác phẩm viết vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Chẳng hạn:


Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) ghi nhận điều ấy như sau: “Gia Định là đất phương nam của nước Việt. Khi mới khai thác, lưu dân nước ta [Việt] cùng người kiều ngụ như người Đường [Hoa], người Cao Miên [Khơ-me], người Tây phương, người Phú-lang-sa [Pháp], người Hồng mao [Anh], người Mã-cao [Macao], người Đồ-bà [Java] ở lẫn lộn nhưng về y phục, khí cụ thì người nước nào theo tục nước ấy.”’[9]


Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, tương truyền của Ngô Nhơn Tịnh (?-1813), kể rằng khi người châu Âu da trắng, người Chà-và (Java) da đen với mớ tóc quăn xoăn tít xuất hiện ở Nam Kỳ, bề ngoài khác lạ của họ đã từng khiến cho con gái đi chợ bỏ chạy, còn bọn trai chèo ghe thì tò mò nhìn theo:([10])


Lũ Tây dương da trắng bạc,

Mồm giột giạt, miệng xếch xác, hình vóc khác,

Giống thần quỷ, thần ma, thần sát.

Con bưng rổ te te chạy vát.

Quân Ô Rồ mặt đen thui,

Thể lọ nồi, đầu quăn riết, miệng trớt môi.

In thiên bồng, thiên tướng, thiên lôi,

Thằng cầm chèo hất hất đứng coi.([11])


Các dân tộc cư trú ở Nam Kỳ đến và bắt đầu có mặt ở miền đất này vào những thời điểm không giống nhau, trình độ kinh tế, tổ chức xã hội, tôn giáo có nhiều điểm khác biệt. Chẳng hạn, cách thức tổ chức làng xã không chặt chẽ như Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Làng Nam Kỳ được tạo lập trong quá trình người Việt cùng khẩn hoang và cộng cư với nhiều dân tộc khác (Khơ-me, Chăm, Hoa).([12])Điều đó có ý nghĩa trong việc giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau về phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng giữa các dân tộc.” ([13]) Thạch Phương cho rằng: “Nhiều yếu tố văn hóa thực tiễn của bà con người Hoa, người Khơ-me, người Chăm đã được lưu dân Việt chọn lọc, tiếp nhận một cách hồn nhiên, không dị ứng, không định kiến.” ([14])


Nhờ vị trí thuận lợi của Nam Kỳ, sự giao lưu văn hóa không chỉ diễn ra giữa các dân tộc đang sinh sống trên miền đất này mà còn với cả các dân tộc ở bên ngoài như Mã Lai, Xiêm (Thái Lan), Java... và có liên hệ với nền văn minh Nam Á đã lâu đời.([15])


Đinh Văn Hạnh thấy rằng: “… sống giữa cộng đồng các dân tộc Khơ-me, Hoa, Chăm vốn sẵn tinh thần bao dung về mặt tín ngưỡng, nên tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt ở Nam Bộ [Nam Kỳ] cũng hết sức độc đáo và đa dạng. Nam Bộ [Nam Kỳ] là mảnh đất có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo nhất nước ta, với những nét đặc thù mà nơi khác không có. Quá trình hình thành, du nhập và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Nam Bộ [Nam Kỳ] gắn liền với lịch sử thăng trầm và đặc điểm kinh tế, văn hóa-xã hội riêng biệt của vùng đất này.” ([16])


● Tóm lại, trước khi đạo Cao Đài ra đời, hoàn cảnh sinh sống vừa quần cư vừa xen kẽ giữa dân tộc Việt với nhiều dân tộc khác trên mảnh đất Nam Kỳ trải qua hơn hai trăm năm đã tạo ra cho miền đất mới một điều kiện văn hóa mở và thoáng, dễ dàng cho những cơ hội giao lưu, hội nhập. Có thể nói ngay từ buổi đầu hình thành miền đất mới, Nam Kỳ đã sớm có xu thế văn hóa đa hệ, cho nên Nam Kỳ không hề dị ứng với một tín ngưỡng tổng hợp như Cao Đài. Đó là lý do khi hạt giống đạo Cao Đài gieo xuống đất Nam Kỳ, dù trong lịch sử không tránh khỏi có nhiều lúc thời tiết quá khắc nghiệt, hạt giống ấy vẫn mau lẹ nảy mầm và trổi lớn thành tàn lá sum suê cho đến ngày nay.


2. TÍNH ĐA TÍN NGƯỠNG


Tính đa dân tộc của Nam Kỳ tất yếu đưa đến tính đa tín ngưỡng. Giải thích lý do đa tín ngưỡng, Hồ Lê viết: “Thời gian dài hơn hai trăm năm, bắt đầu từ thế kỷ 17 sang nửa cuối thế kỷ 19 này, cũng là thời gian lắm chinh chiến, loạn ly. Bao nhiêu người bị nạn dưới làn tên mũi giáo. Bao nhiêu gia đình tan tác, cha lìa con, vợ xa chồng... Đi khai hoang nơi ‘biên địa’ đã là một sự đánh cuộc với đời, phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn nữa. Trong khung cảnh như vậy, người dân Nam Bộ [Nam Kỳ] tự nhiên phải tin tưởng nhiều vào sự hên, xui, may, rủi. Và để khỏi bị xui, bị rủi thì họ phải khấn vái, cầu xin sự phò hộ độ trì của Trời Phật, thần linh, tổ tiên ông bà và cả những người ‘khuất mặt’. Nam Bộ [Nam Kỳ] là mảnh đất của nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng một phần là vì thế.” ([17])


Đinh Văn Hạnh xác nhận: “So với các nơi khác, Nam Bộ [Nam Kỳ] là vùng đất có nhiều loại hình tôn giáo và số lượng tín đồ chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn quốc.” ([18])


Tuy khảo sát chưa đầy đủ, về mặt tín ngưỡng của các dân tộc cùng sống xen kẽ với người Việt ở Nam Kỳ, có thể nói vắn tắt rằng ngoài Tam giáo (Nho, Thích, Lão) và Thiên Chúa giáo ra, đất Nam Kỳ có nhiều sắc thái tín ngưỡng như sau:


Người Khơ-me theo Phật giáo tiểu thừa, cũng gọi Phật giáo nguyên thủy (Theravada).([19]) Vì tin có kiếp sau, có luân hồi nên họ sống hiền lành, không đua chen giành giựt. Khi dành dụm được nhiều tiền, họ thường lập chùa, nuôi sư để tích phước cho kiếp sau.([20]) Con trai Khơ-me lớn lên phải vào chùa để học chữ và giáo lý trong ba năm. Sau đó hoặc tu luôn hoặc hoàn tục.([21])


Người Chăm (Chàm) theo chế độ mẫu hệ,([22]) chịu nhiều ảnh hưởng Hồi giáo (Islam), Ấn giáo (Bà la môn giáo).([23]) Họ tin có ngày tận thế, tin có cuộc phán xét cuối cùng, có sự tái sinh ở kiếp sau.([24])


Người Xtiêng thờ đa thần, trong đó quan trọng nhất là thần mặt trời.([25])


Người Chu Ru theo chế độ mẫu hệ, nơi thờ cúng thường là một cổ thụ gần làng.([26]) Nói khác đi, họ theo tín ngưỡng vật linh (animism).


Người Hoa đến Nam Kỳ từ nửa sau thế kỷ 17, đưa vào miền đất mới những tập quán tín ngưỡng riêng của họ. Hơn thế, họ còn mang vào Nam Kỳ xu hướng truyền thống là lập hội kín, pha trộn chính trị và đạo giáo.([27])


Mặc dù đa tín ngưỡng, Nam Kỳ không phải chịu xung đột về tôn giáo. Huỳnh Lứa viết: “Sự hỗn hợp dân cư thuộc nhiều nguồn gốc địa phương, nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác biệt, nhiều trình độ phát triển về mặt xã hội trong nhiều thế kỷ qua đã không hề là yếu tố cản trở sự đoàn kết gắn bó nhau giữa các tộc người cùng chung sống trên địa bàn Nam Bộ [Nam Kỳ].([28])


Huỳnh Lứa nhận xét: “Điều đáng lưu ý trong đời sống văn hóa tinh thần ở nơi đây là trong quá trình cộng cư giữa người Việt, người Khơ-me, người Hoa, người Chăm đã diễn ra hiện tượng tồn tại đan xen nhiều tôn giáo khác nhau, trong khi giữa các dân tộc ấy vẫn giữ được tinh thần bao dung về mặt tín ngưỡng.” ([29])


Không thể kể hết sự giao lưu văn hóa người Việt với các dân tộc khác trong vùng trên tất cả các lãnh vực (...). Trong sự giao lưu đó, trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, nền văn hóa của người Việt trong vùng đã được nâng lên, được làm phong phú thêm với nhiều nét đặc sắc.” ([30])


● Như vậy, với tinh thần tín ngưỡng hòa đồng, bao dung, người Nam Kỳ đã hoàn toàn không thấy có điều gì ngăn ngại khi tiếp cận và chấp nhận đạo Cao Đài. Về phần mình, đạo Cao Đài không chỏi nghịch với các tín ngưỡng sẵn có ở Nam Kỳ.([31]) Điều đó giải thích vì sao Nam Kỳ đã là xuất phát điểm thành công của đạo Cao Đài vào đầu thế kỷ 20.


V. CÁ TÍNH NGƯỜI NAM KỲ


Một hạt giống gieo trên đất màu mỡ sẽ lớn lên nhanh và tươi tốt hơn so với khi nó được gieo ở đất cằn. Một thân cây trồng trong chậu gốm nhỏ sẽ bị thúc ép, gò bó hơn nhiều so với một cây trồng thẳng xuống đất vườn rộng rãi và có phân nước đầy đủ. Một vùng đất với thổ nghi đặc trưng thường cho một sản vật ngon ngọt đặc trưng. Sơn Nam viết: “Người ta là hoa của đất, đất nào sanh ra hoa lá của đất ấy. Đại khái, có thứ đất sinh ra trái cam chua, có thứ đất sinh ra trái cam ngọt, khó thay đổi.”.([32]) Không phải vô lý mà từ lâu đời dân gian đã thừa nhận giá trị những đặc sản địa phương như: bưởi Biên Hòa, cam Cái Bè, sầu riêng Cái Mơn, xoài cát Hòa Lộc, măng cụt Lái Thiêu...


Con người cũng thế. Cá tính con người không thể không chịu sự chi phối của môi trường thiên nhiên, của vùng đất người đó sinh sống.([33]) Do đó, khi nói đến cá tính Nam Kỳ thì cũng cần biết qua về thiên nhiên Nam Kỳ.


1. NAM KỲ: THIÊN NHIÊN KHẮC NGHIỆT


Khi Nam Kỳ còn là đất hoang, chưa được khai phá, thiên nhiên miền đất mới này cực kỳ khắc nghiệt. Huỳnh Lứa viết: “Nam Bộ [Nam Kỳ] là một vùng đất có môi trường thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, vừa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn đối với cuộc sống con người.([34])


Theo Sơn Nam, đất Nam Kỳ là “thiên đường của cọp, sấu, rắn độc, muỗi mòng với bệnh sốt rét, ẩm thấp, mặt đất lè tè, sông rạch khá nhiều với nhiều ao vũng, đầy chim cò vùng ngập nước. Đồng cỏ vàng lườm, cháy khô vào mùa nắng nhưng mưa đến là mọc nhanh, cao khỏi đầu.([35])


Nhiều thế hệ lưu dân đã nối tiếp nhau tìm đến Nam Kỳ khai khẩn rừng hoang, cải tạo các trũng thấp sình lầy để trồng cấy và sinh sống. Phong trào khẩn hoang này phát khởi từ thời Chúa Nguyễn (thế kỷ 17).


Trong quá trình Nam tiến, các lưu dân phải liên tục chống chỏi với các loài thú dữ, cá sấu, rắn rết, muỗi mòng, sơn lam chướng khí, và bệnh tật. Thiên nhiên Nam Kỳ buổi ấy đã làm giàu cho tiếng Việt những câu nói và ca dao của một thời phá rừng dựng nước:


– Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh.


– Cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy.


– Tới đây nước mặn đồng chua,

Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng.


– Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,

Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma.


– Đồng Nai xứ sở lạ lùng,

Dưới sông cá lội trên rừng cọp um.


– Tới đây xứ sở lạ lùng,

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh.


Năm 1753, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) đặt chân đến Nam Kỳ sau khi miền đất này đã có hơn một trăm năm được khai phá, thế mà ông vẫn còn phải buồn bã ghi nhận rằng: 殘荷帶濕, 折柳霑泥. Tàn hà đái thấp, chiết liễu triêm nê. (Sen tàn hơi ẩm thấp; khí hậu độc địa, nhánh cây bần gãy rụng đẫm bùn.)

Ông cũng ghi nhận: 千家流到蠻夷土. 水多鱷魚陸蛇虎. Thiên gia lưu đáo man di thổ. Thủy đa ngạc ngư, lục xà hổ.([36]) (Ngàn nhà đi tới đất hoang dã. Dưới nước nhiều cá sấu; trên đất lắm rắn, cọp.)


Sang thế kỷ 19, sau hai trăm năm đã được lưu dân khai phá, thiên nhiên Nam Kỳ vẫn còn làm cho thực dân Pháp kinh sợ. Theo Sơn Nam, khi mới cướp được Nam Kỳ, thực dân Pháp rất bi quan, nhận định rằng không thể nào định cư ở đây được. Họ sợ muỗi mòng rắn rết, sợ nắng chói chang oi bức và những cơn mưa sấm chớp liên hồi.([37])


Thiên nhiên khắc nghiệt đó góp phần hình thành cá tính người Nam Kỳ ra sao? Huỳnh Lứa trả lời: “... môi trường thiên nhiên Nam Bộ [Nam Kỳ] với những đặc điểm riêng biệt của nó, cũng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần cũng như trong việc hình thành tính cách của con người sinh sống ở đây.” ([38])


Những đặc trưng của lưu dân ở Nam Kỳ qua nhiều đời đã dần dần kết tụ thành cá tính Nam Kỳ. Cá tính này bộc lộ rất mạnh vào nửa cuối thế kỷ 19, mà theo Hồ Lê, đó là “tính cách năng động, ít thủ cựu, dám tiếp cận cái mới”.([39])


2. CÁ TÍNH NGƯỜI NAM KỲ: KHÁI QUÁT MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG


a. Tính cởi mở, phóng khoáng


Nói về cá