Đóa sen họ Ngô

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1330 | Cật nhập lần cuối: 1/13/2021 10:04:19 AM | RSS

Đóa sen họ NgôKitô giáo có Cứu Chúa Jesus. Phật giáo có Như Lai Thích Ca. Cao Đài giáo có ai?

Cao Đài giáo cộng hòa vạn giáo, do Thượng Đế tá danh Cao Đài giáng lập tại Việt Nam bằng thần quang linh điển, dạy Đạo qua người cầm cơ bút theo phép cầu tiên cơ truyền.

Để có người làm mẫu Đạo thanh tịnh vô vi và dễ bề khẩu truyền tâm ấn pháp tu kín, Thượng Đế mượn xác người đệ tử đầu tiên tên là Ngô Văn Chiêu, pháp danh Minh Chiêu ngồi tu.

Đức Ngô Văn Chiêu (1878–1932)
(ảnh Việt Hiền sưu tầm)

Theo Kinh Hoa Nghiêm: “Như Lai tùy ý chúng sinh, hiện mỗi nơi một thân hóa làm vô lượng Phật”. Theo Kinh Thánh Kitô giáo: “Thiên Chúa đến thế gian nhiều lần nhiều cách”. Lần Tân Ước, Thiên Chúa xuống thế gian làm người với tên Jesus, còn lần này là lần thứ ba, Thượng Đế mượn xác Ngài Ngô Văn Chiêu ngồi tu bí pháp, đắc đạo. Kể từ thời ấu thơ, đến thời viên tịch, Ngài Ngô Văn Chiêu đúng là đóa hoa sen Cao Đài giáo, người Cao Đài kính là vị Đại Tiên, là Phật. Bài này xin kể một số điểm về Ngài Ngô.

“Sen mọc ở đầm ở ao,
Lá xanh bông thắm ai nào sánh đôi?”.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng,
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ngài Ngô Văn Chiêu, con nhà nghèo, ham học mà mẹ già không có phương tiện. Tuy mới 12 tuổi mà Ngài Ngô dám đến quan Đốc phủ Sủng nhờ chỉ dẫn làm đơn và giới thiệu với quan chủ tỉnh Mỹ Tho xin vào trường Trung học Mỹ Tho học nội trú. Năm 21 tuổi đậu bằng thành chung, làm việc tại sở Tân Đáo, Sài Gòn. Việc Ngài đi làm là để có tiền nuôi mẹ, không vì mục đích làm tay sai cho thực dân.

Ngài Ngô không làm cách mạng, chính trị mà lại thương dân, đức tính Ngài thanh liêm, chính trực, thường giúp khó trợ nghèo.

Năm 1917, thi đậu Tri huyện, đổi ra Hà Tiên, các bạn thân tri thức tiễn hành, có bài thơ chúc tụng:

“Nhóm bạn vàng đủ mặt hiền lương,
Dâng lời chúc đưa người phước đức
Từ thi đỗ ông lên quan chức
So tánh thường Người ở trung dung
Tổng làng cám cảnh không cùng!
Há phải quan yêu thì bạn ghét
Dân chúng kính thương chi xiết.
Thiệt là gần mến, lại xa trông!
Tánh thanh liêm giữ mực chí công
Lòng trung hậu vẹn câu chỉ tín…”

Khi làm quan, Ngài hay giải hòa mọi vụ kiện tụng, tìm cách cứu giải những bị can chính trị. Người con trai lớn của Ngài Ngô kể lại: “Có một người, có lẽ là người làm Cách mạng, nhờ ơn quan phủ cha tôi cứu giải có mang đến nhà tư một số trứng gà đựng đầy hộp lớn để biếu đền ơn, các con trong nhà ai thấy đều biết bữa nay mình có món ăn ngon, không ngờ quan phủ cha tôi không nhận một trứng”. Ngài Ngô có khi đi mua hoa về dâng lễ, mua hoa héo về, các con hỏi: “Cha mua hoa này về cúng chi?” Ngài Ngô đáp: “Ta thấy người bán hoa chẳng ai mua, mà hoa héo cả, ta mua cho họ có tiền chút thôi, còn Trời Phật chuộng tình thương yêu chứ cần chi hoa! Miễn tinh thần mình đủ kính thành, lấy công phu tu luyện đủ Tinh Khí có Thần Thượng Đế hiệp một thành Tam Bửu là tốt. Đạo Thầy cúng hoa trà để tượng trưng tinh thần”. Quan phủ Ngô Văn Chiêu có trách nhiệm giam giữ số tù nhân đủ loại, ngày Tết Nguyên Đán sắp tới, Ngài Ngô hỏi ý tù nhân nào ưng về thăm nhà ăn tết thì cho về thăm, mà phải hứa đúng ngày trở lại đây như cũ. Số tù nhân mừng quá, biết lòng nhân đức của quan lớn, xin được về và trở lại đúng, khỏi liên lụy đến quan.

Người viết bài này, đã tôn vinh Tôn sư mình (Ngô Đại Tiên):

“Chí họ Trang không ham tể tướng,
Cánh chim Bằng chẳng vướng trần lung;
Cá Côn rạch nước nghìn trùng,
Ve sầu chim sẻ sánh cùng được đâu?
Ngô Minh Chiêu tiêu dao chí ấy
Đạo vô vi biết mấy là cao!
Người trao Pháp Nhãn thưở nào,
Về Trời để lại Ngôi Sao không lời”.

Nói rõ, khi còn sống tuân lệnh bỏ tiền may sắm mũ áo Giáo Tông, nhưng không dám nhận chức Giáo Tông. Bộ mũ áo Giáo Tông vẫn có giá thay Ngài ở Tây Ninh… Lý do không nhận chức Giáo Tông, suy theo Kinh Dịch thì sự ấy hợp với câu: “Thiên Đức bất khả vi thủ”. Phải chăng Ngài Ngô có ý tương tợ nghĩa lý của câu: “Quần Long vô thủ, kiết”?

Đến nay, biết nội bộ Cao Đài ở Tòa Thánh Tây Ninh đã bị chia chi, rẽ phái. Nếu năm 1926, Ngài Ngô làm Giáo Tông thì Lý Đại Tiên Trưởng Nhứt Trấn Oai Nghiêm không kiêm chức Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Bây giờ, cơ Đạo có thế nào thì quyền pháp Giáo Tông ở Đức Lý vẫn xử lý điều hành mặt vô hình, không ai tự ý mưu sự tại nhơn, vạn sự như ý mình!!! Việc vận chuyển các chi phái hòa hiệp về một Tổ Đình, xưa nay có người lo liệu đều chưa đạt đích, nhưng sẽ có đường hướng bởi Thượng Đế, Lý Giáo Tông, tất nhiên có cả chư Thánh Tiền khai Đại đạo chung lo dịch sử cách mầu nhiệm. Ngài Ngô Minh Chiêu cũng có phần trọng trách cho chơn truyền không sai lệch, tin rằng ngày thống nhứt Giáo hội Cao Đài, Đóa Hoa Sen họ Ngô được mọi người Cao Đài chú trọng.

Vì sao? Ngài không làm Giáo Tông, không ai biết Ngô Đại Tiên là gì, lắm người phê phán thị phi, Ngài Ngô vẫn như hào Sơ cửu quẻ Bát Thuần Kiền: “Tiềm Long vật dụng”.

Khi đổi ra Hà Tiên làm tri huyện, cùng một ít bạn tổ chức lễ cầu tiên, có một Tiên Cô khuyên quan tri huyện:

“Văng vẳng nhạn kêu bạn giữa thu
Rằng trời rằng đất vẫn xa mù
Non Tây ngoảnh lại đường gai góc
Gắng chí cho thành bậc trượng phu.

xxx

Ngần ngần trăng tỏ giữa trời thu,
Cái cảnh Tây Phương vẫn mịt mù!!!
Mắt tục nào ai trông thấy đấy?
Lắm công trình mới đúng công phu!”

Làm việc ở Hà Tiên non tám tháng, ra trấn nhậm quận Phú Quốc từ năm 1920 đến 1924, tại Phú Quốc, Ngài Ngô tuân lệnh Cao Đài Thượng Đế ăn chay trường và được mặc tuyên đại ngộ pháp môn tính mạng song tu. Trước ngày về Sài Gòn, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:

“Kín ngoài rồi lại kín trong,
Đường xa phong cảnh thưởng lòng để vui.
Công đầu chịu cực đừng lui,
Thiên tào thăng thưởng đạo mùi ngọt ngon.
Ba năm lòng sáng như son,
Trèo non xuống biển vuông tròn công phu.
Chớ phiền mỏi mệt lòng tu,
Trăng kia mây vẹt Đường Ngu gặp hiền
Mựa toan vụ thấy thanh thiên
Các đào rõ biết mối truyền chánh tông
Giờ này Thầy điểm thâm công
Ngày sau con sẽ cỡi rồng về nguyên

Ngoài trong sạch tợ bạch liên
Khá lòng gìn giữ mối giềng chớ xao
Chiêu Chiêu nguyệt thấu thanh thao
Trên đầu cũng có Thiên Tào xét xem”.

Ngài về Sài Gòn năm 1924. Ở Sài Gòn, các Ngài Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Lê Văn Trung, Nguyễn Trung Hậu đương làm việc trong cơ quan, công sở trong bộ máy chính quyền thực dân như nhiều người, được ơn trên hóa độ dâng lễ cải tà quy chánh, vọng Thiên cầu Đạo, được lệnh tìm gặp Ngài Ngô Văn Chiêu, có dạy cho biết mọi sự Chiêu là Anh Cả. Hai bên Phú Quốc, Sài Gòn gặp nhau, tỏ bày mọi sự về Thượng Đế dạy Đạo, cùng nhìn nhận nhau một Thầy một Đạo. Ngài Ngô trao tặng các Ngài kia Thánh tượng Con Mắt để thờ.

Thượng Đế tá danh Cao Đài là chủ, và tại sao ở Phú Quốc lại cho Ngài Ngô tìm dấu thờ và hiện một Con Mắt sáng chói cho Ngài Ngô thấy để tin thờ Thượng Đế qua Thánh tượng Con Mắt đó? Phải chăng Ngài Ngô có sứ mạng lớn: “Phá nhứt khiếu chi huyền quan, thống tam tài chi bí chỉ. Đa thi huệ trạch, vô lượng độ nhơn” như Cổ Phật Nhiên Đăng thời hỗn độn, Dương và Âm chưa phân nghi, chưa Minh Chiêu Nhật Nguyệt, thì Như Lai vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, khác gì Thiên Chúa tự hữu hằng hữu.

Người viết muốn nhấn mạnh rằng Ngài Ngô Minh Chiêu là Đóa Hoa Sen, sinh nhằm thời Việt Nam nô lệ, chuyên lo tu hành, dầu làm quan mà không tham nhũng, tàn ác, hại dân.

Vậy ai tin hay không tùy ý rằng Cao Đài Giáo có Đóa Hoa Sen họ Ngô đáng tôn kính. Song xin kết luận chỉ một câu: Ngài Ngô gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Le Fol, Thông soái Nam Kỳ dặn các tay sai: “Chiêu est un Bouddha, laissons le tranquille” – Ông Chiêu là một vị Phật, chúng ta để yên cho Ông, đừng đụng chạm! Cao Đài giáo đã có một vị Phật, hãy về nương!

Có thể nói, Ngài Ngô Văn Chiêu ví như:

“Hoa sen mọc bãi cát lầm.
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen
Đố ai mà được như sen?
Lá xanh bông thắm giữa chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ngài Ngô vì nghèo, làm việc này việc nọ cho có tiền nuôi vợ nuôi con chẳng có ý đồ danh lợi. Theo thói thường làm quan dễ tham nhũng, thế mà suốt đời Ngài thanh liêm chính trực, dân chúng kính thương chi xiết. Trong đầm Việt Nam gì đẹp bằng sen họ Ngô!

Ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Thân, Ngài viên tịch trên Cửu Long giang khi đang ngồi trên đò sang sông, ứng nghiệm lời Thượng Đế cho biết trước: “Ngày sau con sẽ cỡi rồng về nguyên”. Cỡi rồng về nguyên là: “Phi long tại thiên”.

Theo Thánh ngôn Cao Đài công trình tu luyện Thần hiệp cùng Tinh Khí của Ngài Ngô là công chủ yếu của Thầy.

Ngài Ngô viên tịch năm 1932, Tòa Thánh Tây Ninh xậy dựng móng nền giống hình Ngài Ngô ngồi tu luyện, tức là Cao Đài lấy hình thanh tịnh làm móng nền!

Và, đến Đại Hội Long Hoa, Đại Tiên Ngô Minh Chiêu làm chủ.

Nói cách khác, Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế mượn xác Ngài Ngô Văn Chiêu ngồi tu luyện làm mẫu Đạo thanh tịnh vô vi, để có người khẩu truyền tâm ấn cho người tín ngưỡng. Sau khi viên tịch, ba Đấng Giáo chủ Tam Giáo giáng cho Kinh Chúc Tụng:

“Thiên ngôi Ngọc Đế sắc ban
Điểm linh cho xuống thế gian cứu đời
Gieo truyền Đại Đạo khắp nơi
Cứu nguy sanh chúng biết thời Tam ngươn
Mãn căn Ngọc Đế ban ơn
Đại Tiên ngọc sắc Thiên ân rõ ràng.
Tam Thanh chưởng hội thế gian
Long Hoa sắc lịnh Đạo tràng độ an
Phong thần lãnh mạng Thánh Hoàng
Trừ tà khử mị Thiên phan đả thần”…

Tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đại Tiên Ngô Minh Chiêu viết rõ:

“CHRIST đến lần ba
NGÔ Đạo mở sơn hà
ĐẠI đồng quy vạn chủng
TIÊN Phật cũng là Ta” .

Toàn bộ Hội Thánh Truyền Giáo đều kính Đại Tiên là Tôn sư.

Người viết bài này xin tôn vinh Ngài là Đóa Hoa Sen họ Ngô.

Thừa Sử Quân Hồ Tân Sinh
Nguồn: hocdaocaodai.com