Lịch sử Đạo Cao Đài - Phái Đạo Cao Đài Tiên Thiên (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 8534 | Cật nhập lần cuối: 4/30/2018 2:46:20 PM | RSS

(tiếp theo)

Lịch Sử Đạo Cao Đài (quyển II)

Truyền Đạo

Từ Khai Minh Đến Chia Chi Phái (1926-1938)

2. Những bước đầu tiên hình thành Hội Thánh

a. Khai hội Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhơn Hoàng

Khác hẳn các tác giả trước đây từng viết về lịch sử phái đạo Tiên Thiên, mà hầu hết đều cho rằng phát xuất từ Giáo Hữu Ngọc Chính Thanh (Nguyễn Hữu Chính) tách ra từ Tòa Thánh Tây Ninh khoảng năm 1930 [1], Bộ phận phụ trách viết sử Cao Đài Tiên Thiên [2] khẳng định rằng nguồn gốc chi đạo Tiên Thiên đã có từ trước. Tiên Thiên chính thức khởi đầu việc hình thành Hội Thánh sau khi Ơn Trên mở ba cuộc Hội làm tiền đề: Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhơn Hoàng.

“- Ngày mùng 9 tháng giêng năm Giáp Tý (1924) khai hội Thiên Hoàng (Thiên Khai ư Tý, cũng là Thượng Nguơn).

- Ngày rằm tháng 10 Ất Sửu (1925) hội Địa Hoàng (Địa Tịch ư Sửu, cũng là Hạ Nguơn).

- Ngày rằm tháng 7 năm Bính Dần (1926) khai hội Nhơn Hoàng (Nhơn Sanh ư Dần, cũng là Trung Nguơn) [3].

Các cuộc Hội này thiết lập tại Lư Bồng Đạo Đức (Láng Biển), không qui tụ nhiều nhơn sanh, chỉ như là tạo dấu ấn vô vi. Một trong những bài thơ được ghi nhớ vào giai đoạn này là bài:

“Thay Trời đổi Đất hội Thiên Hoàng,

Làm chủ mười hai hội Tý sang.

Đại Đạo hóa thành sanh vạn pháp,

Phật Tiên Thần Thánh thọ cơ quan.

Tam Kỳ tá thế ban ân điển,

Danh ngã Cao Đài cứu thế gian.

Hũu phước chơn sư truyền chánh giáo,

Bền lòng tu niệm hưởng thanh nhàn”.

b. Bước sơ khởi hình thành Hội Thánh

Thời điểm năm Đinh Mão (1927), nhiều vị có uy tín, danh phận ngoài đời như các vị: Phan Văn Tòng, Lê Kim Tỵ, Nguyễn Thế Hiển, Trần Lợi, Nguyễn Tấn Hoài… đã đồng hợp tác trong hoạt động đạo đức. Chư vị thường tựu về Lư Bồng Đạo Đức (Láng Biển) hầu đàn và luận bàn đạo sự cùng nhau. Ơn Trên nhân đó gieo ý thức cho chư vị về việc lập thành chi Đạo Tiên Thiên.

Trong một buổi đàn năm ấy (8.1. Đinh Mão – 1927), tại Thiên Thai Tịnh, Đức Chí Tôn dạy:

“Ngọc chiếu năm châu thế giới hòa,

Hoàng cầu tận độ Hạ nguơn ba.

Thượng khai Đại Đạo quy Tam giáo,

Đế hiệp Ngũ Chi thể một nhà.

Tiên bút Cao Đài Đinh Mão giáng.

Thiên ban mầu nhiệm buổi Long Hoa.

Lập thành quốc đạo Nam Hồng Lạc;

Giáo lý Đại đồng khắp quốc gia”.

(Quán thủ: “Ngọc Hoàng Thượng Đế Tiên Thiên lập giáo”).

Hôm ấy, sau khi dạy chư vị ý thức được tầm quan trọng của việc khai mở nền Đạo Tiên Thiên, Thầy ban lịnh:

“Thầy linh cho các con phải lập cho hoàn thành Thất Thập Nhị Tịnh Trường Tiên Thiên, vô cùng mầu nhiệm, nghe à!” [4]

c. Đại Hội Chiêu Thánh – Thiên Phong Thất Thánh

Sang qua năm 1928, Cơ Đạo Tiên Thiên tiến thêm một bước:

“Ngàymùng 9 tháng giêng năm Mậu Thìn (1928), khai Đại Hội Chiêu Thánh tại Thiên Thai Tịnh, thành lập giáo quyền trung ương buổi sơ khai, do tập thể Thất Thánh lãnh đạo, bảy vị Thất Thánh gồm những vị lãnh đạo các nhóm tu học Tiên Thiên từ các nơi được Thánh lịnh gọi hợp tác lại. Danh sách Thất Thánh được Ơn Trên điểm sau đây:

1. Phan Văn Tòng

2. Nguyễn Hữu Chính

3. Nguyễn Thế Hiển

4. Lê Kim Tỵ

5. Trần Lợi

6. Nguyễn Bửu Tài

7. Nguyễn Tấn Hoài

Mặc dù Ơn Trên điểm danh từ lúc này, song các vị Thất Thánh chưa về đủ mặt”. [5]

Nhìn chung, Thất Thánh là yếu tố nhân sự nòng cốt đầu tiên, từ đó hình thành Hội Thánh Tiên Thiên. Trong giai đoạn đến năm 1932-1933, chư vị cũng còn đang dần dần quy tụ về.

Sau khi tìm hiểu về tiểu sử của Thất Thánh, chúng ta nhận thấy một số vị như quý ngài: Nguyễn Hữu Chính, Lê Kim Tỵ, Nguyễn Tấn Hoài… đã nhập môn tại Tây Ninh (hay những đàn phổ độ trực thuộc), cộng thêm với cách thờ phượng, kinh, lễ, kinh cầu cơ… tại các nhà đàn (sau này là các Thánh tịnh), cũng như cách ghi năm Đạo in trong các quyển kinh đầu tiên, do vậy, dù muốn hay không, “Yếu tố Tây Ninh” vẫn có ảnh hưởng mức độ nào đó trong quá trình hình thành chi đạo Tiên Thiên.

d. Từng bước hình thành giáo quyền Trung Ương

Thành lập một Hội Thánh, Ơn Trên thường ngay từ đầu đã xếp đặt nhân sự vào hệ thống giáo quyền Trung Ương chặt chẽ, với đầy đủ chức sắc từ thấp lên cao. Nhưng trường hợp chi đạo Tiên Thiên, Ơn Trên vận dụng phương thức hơi khác: buổi đầu chỉ hình thành bộ khung (Thất Thánh), còn lại, dù có một số vị được ban phong chức sắc, nhưng chưa hình thành hệ thống giáo quyền. Sau một thời gian, Ơn Trên mới bổ nhiệm nhân sự đầy đủ vào các phẩm: Giáo Tông, Chưởng Pháp và Đầu Sư.

Từ khoảng năm 1930 đến 1932, cơ đạo Tiên Thiên còn khá êm ẩn, chỉ mới nổi ở một số địa phương riêng lẻ (như kể ở phần trước), chưa tập hợp đủ mạnh để có tiếng nói của mình.

Một thí tụ cụ thể là: trong cuộc Hội Lý Đạo tổ chức tại Phước Long (Minh Chơn Đạo) tháng 5 năm 1934 (xin xem thêm ghi chú s61 218, trang 506), ban tổ chức đã không xếp Tiên Thiên thành một phái đạo bên cạnh Tây Ninh, Cao Đài Tam Giang, Cơ Đốc giáo, Phật giáo… mặc dù trong bản đúc kết trong đại hội có nhắc đến một Thánh Giáo tại Thánh tịnh Long Hoàng Am Tự (Vĩnh Long).

Ngay từ trong nội bộ, vào thời điểm này dường như chưa có nhiều người ý thức được rõ ràng về nhánh đạo Tiên Thiên của mình (có lẽ tổ chức Hội Thánh chưa hoàn chỉnh). Quyển Kinh Bát Môn xuất bản năm 1933, tại Thiên Thai Tịnh, ngoài bìa ghi: “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ - Mỹ Phước Tây”, dù có thêm câu: “Tiên Thiên Nguơn Hội”, nhưng không cho thấy rõ nét “Tiên Thiên” ngay tại nơi sắp gọi là Tòa Thánh. [6]

Để điều hành hoạt động của Tiên Thiên, Ơn Trên cũng đã sử dụng phương cách đặc biệt. Do phương tiện giao thông vùng sông nước miền Tây lúc này còn khá chật vật, nhưng bù lại mỗi địa phương đều có bộ phận thông công, các Đấng đã trực tiếp chuyển lệnh cho từng nơi để cùng cộng tác đạo sự.

“Cứ trung bỉnh 5, 3 tháng có một kỳ Đại Hội, nhân dịp tạo tác khánh thành một Thánh tịnh mới. Mỗi lần tạo tác xây dựng một Thánh tịnh mới và tổ chức như thế đều do lệnh cơ bút điều động (…). Cơ bút mỗi nơi tự vận chuyển bổn đạo tham dự. Đến ngày khởi công tạo tác thì bổn đạo khắp Tam Giang tự kéo đến xin làm công quả”. [7]

Có lẽ nên nói thêm về vấn đề cơ bút ở chi đạo Tiên Thiên, đây cũng là điều khá đặc biệt.

“… Ra đời đến cuối năm 1934, chưa đầy 4 năm đã bành trướng khắp Tam Giang, đã xây dựng gần đủ số 72 Thánh tịnh như đã dự định. Sở dĩ được như thế là nhờ huyền diệu cơ bút, nhờ Thần Tiên vận chuyển. Phái Tiên Thiên có 12 cặp đồng tử chính thức và những cặp phò loan phụ tá, nên nơi nào cũng có đàn cơ, có Thấn Tiên giáng dạy (…).

Có lần 3 đàn cơ (ba cặp đồng tử), hoặc 5, 7 đàn cơ cùng lập một lượt, bài trí tại Chánh Điện, bên trong 3 đàn cơ, bên ngoài 2 bàn cơ. Có nơi cả trên Hiệp Thiên Đài thiết 2 bàn cơ nữa. Mỗi bàn có một bộ phận đồng tử, pháp đàn, độc giả, điển ký riêng. Ví dụ 5 bàn cơ cùng làm việc một lần, mỗi bàn cơ có một vị Thiêng Liêng khác nhau giáng dạy, nhưng đến đoạn văn trường thiên thì lại chung một bài. Tuy cơ cùng viết một lượt, nhưng khi cơ ra lệnh đọc, điển ký bàn cơ 1 đọc lên một đoạn, đến bàn cơ 2 tiếp đọc theo đoạn 1, rồi bàn 3 tiếp bàn 2, bàn 4 tiếp bàn 3, bàn 5 tiếp bàn 4, cuối cùng bàn cơ 1 tiếp bàn cơ 5 là kết thúc, thành ra một bài văn trường thiên dài mạch lạc, văn chương và đầy ý nghĩa.

Đó là những điều huyền diệu thông thường, ngoài ra, mỗi kỳ hội còn có những huyền diệu khác để mọi người tin phục, như những trường hợp trả lời những mật khải của những vị ngoại đạo muốn thử Thần Tiên, phạt hữu hình những người đến phá cuộc lễ, phạt chết giấc tại chỗ chẳng hạn…

Nhờ vậy, mỗi kỳ Đại Hội, người đạo càng hăng hái lên, người ngoài đạo cũng muốn nhập đạo thêm vào. Phái Đạo Tiên Thiên bành trướng mau chóng là vậy”. [8]

Sau khi điểm danh bảy vị vào hàng Thất Thánh, Ơn Trên điểm thêm bảy vị khác vào hàng Thất Hiền.

“… Lần lượt sau đó, Đức Chí Tôn điểm nhuận hình thành “Thất Hiền” gồm:

1. Lê Thành Thân

2. Nguyễn Phú Thứ

3. Lâm Quang Tỷ

4. Đoàn Văn Chiêu

5. Phan Lương Hiền

6. Trương Như Mậu

7. Phan Bá Phước” [9]

Thời điểm Ơn Trên điểm danh Thất Thánh và Thất Hiền chưa thống nhất giữa các sử liệu, hiện đang được các nhà nghiên cứu về Tiên Thiên kiểm tra lại. Có điều rõ ràng: Đó chính là thời điểm Ơn Trên lập thành Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên; đi kèm một yếu tố quyết định nữa, đó là Tòa Thánh của chi đạo mới này.

(còn tiếp)

Lịch Sử Đạo Cao Đài (quyển II)

Truyền Đạo - Từ Khai Minh Đến Chia Chi Phái (1926-1938), NXB Tôn Giáo, tr. 518-527.

= = = = = = = = = =
Bài liên quan:

Chú thích:

[1] Trong quyển Tiểu sử Đức Giáo Tông Thiện Pháo, do Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên “sao y bản chính” (in năm 2003), nơi trang 13, Ngài Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài đã ghi: “Ông Nguyễn Hữu Chính tách Tây Ninh từ lâu lập phái Tiên Thiên”. Bản tiểu sử này Ngài Thiện Pháp viết năm Bính Thân (1956), và câu trên có lẽ đã làm cơ sở cho các tác giả khác căn cứ theo đó ghi lại lịch sử Tiên Thiên: “do Giáo Hữu Chính lập thành”.

[2] Hội Thánh Tiên Thiên đã được Ơn Trên lưu ý về việc viết lại lịch sử Tiên Thiên từ khoảng năm 1960, nhưng do nhiều trở ngại, mãi đến ngày 14.4.1997, đoàn Tín sử Cao Đài Tiên Thiên mới được Hội Thánh thành lập. Thời điểm này, nhân chứng và tư liệu lịch sử của Tiên Thiên hầu như không còn, tất cả chỉ được ghi lại qua ký ức của một số vị cao niên (như đã đề cập ở phần trước), vì vậy còn phải sưu tầm thêm nhiều tư liệu hơn nữa để phối kiểm.

[3] Đề cương lược sử Đạo Cao Đài Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, bản dự thảo, in năm Tân Tỵ (2001), trang 25.

[4] Đạo huynh Truyền Trạng Nguyễn Văn Cung (đại diện Cao Đài Tiên Thiên tỉnh Đồng Tháp, con trai thứ 7 của Anh lớn Đầu Sư Thái Nhi Tinh), đang lưu giữ một số Thánh giáo Tiên Thiên trong đó có các bài Thánh giáo nêu trên.

[5] Sự kiện lịch sử Cao Đài Tiên Thiên, trang 27.

Xin xem tiểu sử chư vị Thất Thánh ở phần phụ lục Bổ sung, từ trang 631 đến trang 646.

[6] Xin xem bìa quyển kinh Bát Môn chụp lại, in nơi trang 574.

[7] Thanh Long, Hồi Ký (đánh máy), trang 49.

[8] Thanh Long, Hồi ký (đánh máy), trang 70.

Cụ Lương Vĩnh Thuật (Lương Tam Sách) thọ nhân đạo hiệu Thanh Long ngày mồng 1 tháng chạp năm Quí Dậu (1934) tại Thánh tịnh Đại Thanh. Là một đồng tử cùng thời với các sự kiện trên, cụ đã có nhiều lần tham gia vào trong các buổi đàn như đã kể.

[9] Đề cương Lược sử Đạo Cao Đài Tiên Thiên, Ban Tín sử Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, 2001, trang 74.