Tìm hiểu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (2): Cơ cấu tổ chức hành đạo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4427 | Cật nhập lần cuối: 11/7/2018 11:55:42 AM | RSS

Tìm hiểu Tôn giáo Bạn - Ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn tiếp tục giới thiệu về Cơ cấu tổ chức hành đạo của Cao Đài, trích từ chương III của Hiến Chương Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh xuất bản năm 2007.

A. CƠ CẤU TỔ CHỨC HÀNH ĐẠO TẠI TRUNG ƯƠNG TÒA THÁNH

Điều 16: Thường Trực Hội Thánh

Chánh Phối Sư nam, nữ là Thường Trực Hội Thánh, có nhiệm vụ điều hành nền Đạo, chăm lo sự nghiệp tu hành cho Chức sắc, Chức việc và toàn đạo; thay mặt Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh trước pháp lý Nhà nước và trong các mối quan hệ của Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh với các pháp nhân khác.

Thường Trực Hội Thánh mỗi tháng họp một kỳ để giải quyết các công việc Đạo.

Điều 17: Cửu Trùng Đài

- 3 vị Chánh Phối Sư nam đứng đầu 3 phái: Thái, Thượng, Ngọc và nữ Chánh Phối Sư điều hành Cửu Viện.

- Chánh Phối Sư nam phái và Chánh Phối Sư nữ phái do các vị Phối Sư cùng phái công cử được cấp trên phê chuẩn. Trường hợp chọn không được cấp Phối Sư cùng phái làm Chánh Phối Sư thì chọn Phối Sư phái khác hoặc Chức Sắc cấp dưới đảm nhiệm Quyền Chánh Phối Sư.

- Chánh Phối Sư nữ phái hiệp cùng Chánh Phối Sư nam phái chung lo việc Đạo và điều hành các Viện nữ phái.

Dưới quyền các nam Chánh Phối Sư có 9 Viện:

Trực thuộc Thái Chánh Phối Sư:

1. Hộ Viện (thủ quỹ tài chánh)
2. Lương Viện (lương thực)
3. Công Viện (xây dựng, tu bổ)

Trực thuộc Thượng Chánh Phối Sư:

4. Học Viện (giáo dục tu sĩ)
5. Y Viện (chăm sóc sức khỏe)
6. Nông Viện (sản xuất)

Trực thuộc Ngọc Chánh Phối Sư:

7. Hòa Viện (hòa giải, trật tự)
8. Lại Viện (nhân sự)
9. Lễ Viện (nghi lễ)

Dưới các Viện có các ban trực thuộc.

Mỗi Viện có vị Thượng Thống, Phụ Thống.

Các Văn Phòng hành đạo trung ương có các chức danh Tổng Quản Văn Phòng, Quản Văn Phòng và các Chức Sắc nhơn viên công quả phụ trách do Hội Thánh bổ nhiệm.

- Thượng Thống được chọn từ hàng phẩm Phối Sư và tương đương trở xuống.
- Phụ Thống, Quản Văn Phòng được chọn từ hàng phẩm Giáo Sư và tương đương trở xuống.
- Trường hợp khuyết Chức Sắc cấp trên thì chọn Chức Sắc cấp dưới bổ nhiệm làm Quyền.

Điều 18: Hiệp Thiên Đài

Cơ quan luật pháp Đạo: đứng đầu là 1 Chức Sắc Hiệp Thiên Đài có phẩm cao nhứt, có trách nhiệm giám sát việc hành đạo, đề xuất Hội Thánh điều chỉnh hoặc xử lý kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm luật Đạo, luật Đời.

Các bộ phận sau do Hiệp Thiên Đài phụ trách:

- Cơ Quan Phước Thiện là cơ quan trực thuộc Hội Thánh. Cơ Quan Phước Thiện có nhiệm vụ làm âm chất, tạo nền nhân cội nghĩa của Đạo, chuyên lo về mặt sản xuất, lương điền, công nghệ, kinh doanh thu hoa lợi để hỗ trợ phương tiện, vật chất cho việc từ thiện, xã hội để tế độ người tật nguyền cô độc, kẻ gặp tai ương thống khổ.

Cơ Quan Phước Thiện có Thập nhị phẩm cấp từ trên trở xuống gồm: Phật Tử, Tiên Tử, Thánh Nhơn, Hiền Nhơn, Chơn Nhơn, Đạo Nhơn, Chí Thiện, Giáo Thiện, Hành Thiện, Thính Thiện, Tân Dân, Minh Đức.

- Bộ phận tu chơn gồm 3 cung: Trí Giác Cung, Trí Huệ Cung và Vạn Pháp Cung dành cho những tu sĩ nam, nữ theo đường tu chơn, mỗi cung có 1 Ban Cai Quản, nhiệm kỳ là 3 năm công cử lại 1 lần, và phải được sự phê chuẩn của Hội Thánh

B. VIỆC TỔ CHỨC HÀNH ĐẠO TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Điều 19: Ban Đại Diện Hội Thánh tại Tỉnh, Thành Phố.

- Ở tỉnh, thành phố, có nhiều Họ Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh thì Hội Thánh bổ nhiệm Ban Đại Diện Hội Thánh tại Tỉnh, Thành Phố.

- Ban Đại Diện Hội Thánh gồm 1 Trưởng Ban và từ 2 đến 5 Phó Trưởng Ban chọn từ hàng Giáo Hữu nam, nữ và tương đương trỡ lên do Hội Thánh bổ nhiệm.

Ban Đại Diện Hội Thánh làm phận sự truyền đạt và hướng dẫn các Ban Cai Quản Họ Đạo thông hiểu và tổ chức thực hiện đúng các Đạo Lịnh, Thánh Lịnh, Huấn Lịnh, Thông Tri về đạo sự của Hội Thánh tới các Họ Đạo, đồng thời phản ảnh tình hình đạo sự ở địa phương và thỉnh nguyện của Chức sắc, Chức việc, tín đồ lên Hội Thánh; quan hệ với chánh quyền, Mặt trận Tổ quốc và các pháp nhân khác ở tỉnh, Thành phố, quận, huyện, thị xã để giải quyết những việc đạo sự cần thiết theo sự ủy nhiệm của Hội Thánh.

Nơi làm việc của Ban Đại Diện Hội Thánh đặt tại văn phòng Ban Cai Quản của Họ Đạo thích hợp trong tỉnh, Thành phố.

Điều 20: Ban Cai Quản Họ Đạo.

- Nơi có 500 tín đồ trở lên trong phạm vi một xã hoặc liên xã thì được thành lập một Họ Đạo. Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu là nơi thờ tự của Họ Đạo.
- Nơi có tín đồ và chưa có Họ đạo thì thành lập Ban Nghi Lễ (có lập Thiên bàn cúng, lễ) để phục vụ lễ nghi cho tín đồ.
- Ban Cai Quản Họ Đạo có nhiệm vụ quản lý hướng dẫn Chức Việc chăm lo việc đạo cho tín đồ trong Họ Đạo.
- Ban Cai Quản có 5 thành viên, gồm:
• 1 Cai Quản
• 3 Phó Cai Quản nam, nữ
• 1 Thư Ký

Ngoài ra còn có bộ phận tứ Vụ (Lương Vụ, Công Vụ, Lễ Vụ, Hộ Vụ).

- Hội Thánh chọn từ phẩm Lễ Sanh và tương đương trở lên bổ nhiệm làm Cai Quản, Phó Cai Quản, nhiệm kỳ 3 năm.
- Thư Ký và Ban Tứ Vụ do Chức Việc kiêm nhiệm được Họ Đạo tín nhiệm công cử, được Hội Thánh phê chuẩn.
- Các thành viên Chức việc nam, nữ như Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự, phải do tín đồ tại Họ Đạo tín nhiệm công cử, được Ban Cai Quản Họ Đạo đồng ý, Hội Thánh phê chuẩn.
- Chức năng của Chức việc là phụ trách việc hướng dẫn các mặt nghi lễ cho tín đồ trong phạm vi địa bàn được tín đồ công cử theo Pháp Chánh Truyền quy định.
- Ban Nghi Lễ do Chức Việc nam, nữ đảm trách được Hội Thánh phê chuẩn.

Điều 21: Các chức danh khác

a/ Các chức danh Khoa mục:

- Luật Sự, Đầu phòng văn nam nữ, do Hội Thánh mở khoa thi và chọn bổ dụng giúp việc cho các Văn Phòng hành đạo ở Tòa Thánh, Ban Đại Diện Hội Thánh các tỉnh, thành phố.

- Hội Thánh mở khoa thi Lễ Sĩ, Giáo Nhi, Nhạc Sĩ cùng với chức sắc Nhạc để phục vụ nghi lễ tại Tòa Thánh, chọn bổ dụng hướng dẫn về chuyên môn cho các bộ phận phục vụ lễ nghi tại các Ban Cai Quản Họ đạo khi có yêu cầu.

- Các phẩm cấp nhạc từ trên trở xuống gồm: Tiếp Lễ Nhạc Quân, Nhạc Sư, Đốc Nhạc, Đề Nhạc, Lãnh Nhạc, Quản Nhạc, Đội Nhạc, Cai Nhạc, Bếp Nhạc, Nhạc Sĩ.

b/ Các chức danh nghiệp vụ chuyên môn về thợ hồ, thợ mộc, Thuyền bát nhã:

- Tổng giám, Phó Tổng giám, Tá lý và Công thợ viên, do Hội Thánh thâu nhận và bổ dụng để giúp việc xây dựng, cơi nới, trùng tu, sửa chữa nâng cấp các cơ sở thờ tự và cơ sở phục vụ cho Đạo từ Tòa Thánh đến địa phương như Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu và các công trình phụ tại các Họ đạo khi có yêu cầu.

- Tổng giám, Phó Tổng giám, Tá lý Thuyền Bát Nhã (xe tang) do Hội Thánh thâu nhận để phục vụ về mai táng ở Tòa Thánh và bổ dụng để hướng dẫn về chuyên môn cho các đội xe tang của Ban Cai Quản Họ đạo khi có yêu cầu.

- Từ Tòa Thánh đến các Ban Cai Quản Họ Đạo được thành lập Đội Mai Táng, có Thuyền Bát Nhã (xe tang) theo mô hình thuyền rồng do Hội Thánh quy định và bộ phận Nhạc, Lễ, Đồng Nhi để phục vụ nghi lễ của tôn giáo cho đồng đạo qui vị (từ trần) và phục vụ cho xã hội khi có yêu cầu.

- Các chức danh trên được đối phẩm với Chức Việc, Chức Sắc Hội Thánh.

Điều 22: Ấn Tín

a/ Các khuôn dấu sau đây có giá trị pháp lý trong quan hệ với Nhà nước và các pháp nhân khác:

- Khuôn dấu của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh)
- Khuôn dấu Ban Đại Diện Hội Thánh tại các tỉnh, thành phố.
- Khuôn dấu Ban Cai Quản Họ đạo.

b/ Các khuôn dấu chức danh sau đây dùng để ấn ký các văn bản ban hành mang tính giáo quyền, có giá trị trong nội bộ tôn giáo:

- Khuôn dấu của 3 vị Đầu Sư (Phái Thái, Phái Thượng, Phái Ngọc) và Đầu Sư Phái nữ
- Khuôn dấu của 3 vị Chánh Phối Sư (Phái Thái, Phái Thượng, Phái Ngọc) và Chánh Phối Sư Phái nữ.
- Khuôn dấu của Cửu Viện nam, nữ.
- Khuôn dấu của Cơ Quan Phước Thiện,
- Khuôn dấu Cơ Quan Pháp Luật Đạo (Hiệp Thiên Đài)

Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh

Nguồn: Hiến Chương Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ - 2007

-----------------------------------

Xem thêm: Tìm hiểu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (1): Danh hiệu - Giáo lý - Tôn chỉ.