Bài giảng tĩnh tâm dành cho giáo triều Mùa Vọng 2023 (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 57 | Cật nhập lần cuối: 1/20/2024 8:48:27 PM | RSS

Bai giang tinh tam danh cho giao trieu Mua Vong 2023 (2)Sáng thứ Sáu ngày 22.12.2023, với Bài giảng thứ hai có chủ đề: “Em thật có phúc, vì đã tin!” Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, đã kết thúc buổi tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2023 với sự tham dự của Đức Giáo hoàng Phanxicô và giáo triều. Sau đây là nội dung Bài giảng của Đức Hồng y:

BÀI 2: “EM THẬT CÓ PHÚC, VÌ ĐÃ TIN!”

Sau thánh Gioan Tiền hô, hôm nay chúng ta hãy để Mẹ Chúa Giêsu nắm tay dắt chúng ta “đi vào” mầu nhiệm Giáng Sinh. Trong bài Tin Mừng ChúanNhật IV Mùa Vọng vừa qua, chúng ta đã nghe câu chuyện Truyền Tin. Câu chuyện này nhắc nhớ chúng ta về việc Đức Maria thụ thai và sinh hạ Đức Kitô ra sao – và đến lượt mình, chúng ta cũng có thể cưu mang và sinh ra Người như thế nào – đó là nhờ đức tin! Nhắc đến khoảnh khắc này, chúng ta nhớ tới lời bà Elizabeth thốt lên: “Em thật có phúc, vì đã tin” (Lc 1, 45).

Thật không may, những gì đã xảy ra với thần tính của Chúa Giêsu cũng xảy ra với đức tin của Đức Maria. Trong khi những người theo lạc giáo Ariô tìm mọi cơ hội để đặt vấn nạn về thần tính trọn vẹn của Đức Kitô để thoái thác không tin vào thần tính của Chúa Giêsu, thì các Giáo Phụ đôi khi đưa ra một lời giải thích có tính “sư phạm” về những bản văn Tin Mừng dường như thừa nhận sự tiến triển của Chúa Giêsu trong việc hiểu biết và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Một trong những bản văn này là Thư gửi tín hữu Do Thái, trong đó Chúa Giêsu “đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 8), và một bản văn khác là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Gethsemane. Nơi Chúa Giêsu, mọi sự đều phải được trao ban và hoàn hảo ngay từ đầu. Giống như các triết gia Hy Lạp, họ cho rằng sự trở thành không thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của vạn vật.

Theo tôi, điều tương tự cũng được ngầm lặp lại đối với đức tin của Đức Maria. Người ta coi là hiển nhiên rằng Mẹ đã thực hiện hành vi đức tin của mình vào lúc Truyền Tin và Mẹ đã giữ vững đức tin đó suốt cuộc đời, giống như một người, với giọng hát của mình, đột nhiên chạm đến nốt cao nhất và sau đó duy trì nốt đó cho đến hết bài hát. Một lời giải thích mang tính trấn an đã được đưa ra cho tất cả những bản văn có vẻ nói ngược lại với giả định đó.

Ân sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội, cùng với sự đổi mới của khoa Thánh Mẫu học, là việc khám phá ra một chiều kích mới trong đức tin của Đức Maria. Công đồng Vatican II khẳng định, Mẹ Thiên Chúa “đã tiến triển trong cuộc lữ hành đức tin” (LG, 58). Đức Maria không tin một lần thay cho tất cả, nhưng Mẹ bước đi trong đức tin và lớn lên trong đức tin đó. Tuyên bố này đã được Thánh Gioan Phaolô II tiếp nối và trình bày rõ hơn trong thông điệp Redemptoris Mater:

Những lời của bà Elizabeth: “Em thật có phúc, vì đã tin” không chỉ áp dụng vào thời điểm cụ thể của biến cố Truyền Tin. Chắc chắn, việc truyền tin tượng trưng cho đỉnh cao đức tin của Mẹ Maria trong việc mong chờ Đức Kitô, nhưng nó cũng là điểm khởi đầu, mà từ đó Mẹ bắt đầu cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa, của toàn bộ hành trình đức tin của mình. (RM, 14).

Trên hành trình này, Đức Maria đã đạt tới “đêm đức tin” (RM, 18). Những lời của Thánh Augustinô về đức tin của Đức Maria được nhiều người biết đến và thường được lặp đi lặp lại: “Đức Maria đã sinh hạ bởi đức tin Đấng mà Mẹ đã thụ thai nhờ đức tin” (1). Chúng ta phải hoàn tất danh sách với những gì đã xảy ra sau biến cố Truyền Tin và Giáng Sinh. Bằng đức tin, Mẹ dâng Hài Nhi vào Đền Thờ; bằng đức tin, Mẹ âm thầm đi theo Đức Giêsu trong đời sống công khai; bằng đức tin, Mẹ đứng dưới chân thập giá; và bằng đức tin, Mẹ chờ đợi sự Phục sinh của Người.

Chúng ta hãy suy tư về một số khoảnh khắc trong hành trình đức tin của Mẹ Thiên Chúa. Điều thiên thần truyền tin cho Mẹ là một điều chưa từng xảy ra trước đây và sẽ không bao giờ xảy ra sau đó. Phản ứng của Mẹ thế nào? Mẹ “rất bối rối” trước những lời đó (Lc 1, 29). Thuật ngữ được sử dụng trong Tin Mừng cho thấy một vấn đề sâu xa, khi cuộc đời đột nhiên chuyển sang một bước ngoặt hoàn toàn mới. Câu trả lời của thiên thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà …” là đủ để Mẹ thưa “Xin vâng” hoàn toàn vô điều kiện: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa”. Mẹ cũng bắt đầu cuộc hành trình của mình giống như Abraham, mà không biết mình sẽ đi đâu; Mẹ không biết Thiên Chúa dành sẵn điều gì cho mình, nhưng Mẹ chấp nhận mà không do dự.

Rồi đến giây phút tràn đầy hân hoan đối với Đức Maria: một thời điểm trong đó mọi sự đều triển nở và được nhân lên trong niềm vui! Đó là khoảnh khắc Mẹ gặp bà Elisabeth. Trước những lời khen ngợi tuyệt mỹ, Mẹ không chối bỏ nhưng Mẹ dâng lại cho Thiên Chúa bằng lời kinh Magnificat.

Thật dễ dàng để tin tưởng trong những khoảnh khắc đầy đặc ân này, nhưng những khoảnh khắc khác cũng đến với Mẹ, những khoảnh khắc thử thách và đen tối trong đó Mẹ được hướng dẫn đến một đức tin đòi hỏi khắt khe hơn. Rõ ràng là có những sự thật mâu thuẫn nhau mà Đức Maria phải đối diện với chính mình mà không hiểu. Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa Tối Cao” mà lại nằm trong máng cỏ! Mẹ ghi nhớ mọi thứ trong lòng và để nó lên men trong sự mong đợi. Mẹ nghe lời tiên tri của ông Simeon và mau chóng nhận ra điều đó đúng như thế nào! Tất cả những thăng trầm trong cuộc đời Con của Mẹ, tất cả những hiểu lầm, những sự ruồng bỏ ngày càng gia tăng xung quanh Đức Giêsu, đều in sâu vào tâm hồn Mẹ. Mẹ bắt đầu trải nghiệm điều này khi lạc mất Con trong Đền Thờ: "Sao cha mẹ lại tìm con? … Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2, 49).

Cuối cùng là thập giá. Mẹ ở đó, bất lực trước việc con trai mình bị hành quyết, nhưng Mẹ chấp nhận trong tình yêu. Đây là bản sao của vở kịch mà Abraham đã trải qua, nhưng đòi hỏi khắt khe hơn nhiều! Với Abraham, Thiên Chúa dừng lại vào giây phút chót, còn với Mẹ thì không. Với trái tim tan nát, Mẹ chấp nhận hiến tế và trao nộp Con cho Chúa Cha, nhưng Mẹ vẫn đứng vững, mạnh mẽ trong đức tin không lay chuyển. Đây chính là lúc giọng hát của Đức Maria đạt đến nốt cao nhất. Có thể nói, những gì Thánh Tông Đồ nói về Abraham trong Rm 4, 18 cũng được áp dụng cho Đức Maria nhưng với lý do sâu sắc hơn nhiều: Đức Maria đã tin tưởng, hy vọng ngay cả khi không còn gì để hi vọng, và do đó Mẹ đã trở thành mẹ của mọi dân tộc. Mẹ của chúng ta trong đức tin!

Đã có lúc mà sự cao cả của Đức Maria được thể hiện trước hết qua những đặc ân mà người ta cố gắng nhân lên, dẫn đến kết quả là xa cách thay vì liên kết Mẹ với Đức Kitô, Đấng đã trở nên “giống chúng ta trong mọi sự”, kể cả cám dỗ, nhưng chỉ trừ tội lỗi. Công đồng hướng dẫn chúng ta hãy nhìn sự cao cả của Mẹ trước hết trong đức tin, đức cậy và đức ái. Hiến chế Lumen gentium nói rõ:

Khi cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, khi dâng Người lên Chúa Cha trong đền thánh, và cùng đau khổ với Con mình chết trên Thập Giá, Mẹ đã cộng tác vào công trình của Đấng Cứu Thế một cách hoàn toàn riêng biệt, nhờ sự vâng phục, với đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Chính vì thế, trên bình diện ân sủng, Đức Maria thật là Mẹ của chúng ta (LG, 61)

Chúng ta hãy cùng Đức Maria tin tưởng!

Việc đổi mới khoa Thánh Mẫu học mà Vatican II thực hiện có công rất lớn của Thánh Augustinô (có lẽ là phần thiết yếu). Chính thẩm quyền của thánh nhân trước hết đã thúc đẩy một số nhà thần học và sau đó là Đại hội Công đồng đưa cuộc thảo luận về Đức Maria vào hiến chế Lumen gentium về Giáo hội, thay vì đưa ra một tài liệu riêng về Đức Mẹ. Khởi đi từ nguyên tắc “toàn bộ lớn hơn bộ phận”, Thánh Augustinô đã viết rằng:

Đức Maria thánh thiện, Đức Maria được chúc phúc, nhưng Giáo hội quan trọng hơn Đức Trinh Nữ Maria. Tại sao vậy? Bởi vì Đức Maria là một phần của Giáo Hội, một thành viên thánh thiện, xuất sắc, trổi vượt hơn tất cả những thành viên khác, nhưng Mẹ vẫn là một phần của toàn thân thể. Nếu Mẹ là một chi thể của toàn thân thể thì chắc chắn thân thể quan trọng hơn một chi thể. (2)

Giờ đây, cũng chính Thánh Augustinô là người gợi ý cho chúng ta giải pháp cần thực hiện sau khi đã quay lại lộ trình đức tin của Mẹ Thiên Chúa một cách ngắn gọn. Ở cuối bài giảng về đức tin của Đức Maria, thánh nhân gửi đến thính giả của mình một lời khuyên nhủ hùng hồn cũng có giá trị đối với chúng ta ngày nay: “Đức Maria đã tin, và điu Mẹ tin đã trở thành hiện thực trong cuộc đời Mẹ. Chúng ta cũng hãy tin rằng điều đã thành hiện thực nơi Mẹ cũng có thể mang lại lợi ích cho chúng ta!” (3)

Kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal – điều mà Đức Thánh Cha muốn nhắc nhở Giáo hội bằng Tông thư ngày 19 tháng 6 – giúp chúng ta đưa ra nội dung hiện tại cho lời kêu gọi: “Chúng ta hãy cùng Đức Maria tin tưởng!” Một trong những “ duy” nổi tiếng nhất của Pascal có đoạn sau:

Trái tim có lý lẽ mà lý trí không biết […]. Chính trái tim, chứ không phải lý trí, cảm nhận được Thiên Chúa. Đức tin là thế này: Thiên Chúa được cảm nhận bằng trái tim chứ không phải bằng lý trí. (4)

Đây là một tuyên bố táo bạo, nhưng nó dựa trên nền tảng vững chắc nhất đó là Kinh Thánh! Tông đồ Phaolô biết và thường dùng từ nous, từ này tương ứng với khái niệm hiện đại về tâm trí, trí thông minh, hoặc lý trí; nhưng khi nói về đức tin, ngài không nói “mente creditur”- người ta tin bằng tâm trí - mà nói “corde creditor” (kardia gar pisteùetai) - người ta tin bằng trái tim (Rm 10, 19).

Như Pascal nói, Thiên Chúa “được cảm nhận bằng trái tim chứ không phải bằng lý trí” vì lý do đơn giản là “Thiên Chúa là tình yêu” và tình yêu không được nhận thức bằng trí tuệ mà bằng trái tim. Đúng là Thiên Chúa cũng là sự thật (“Thiên Chúa là ánh sáng”, Thánh Gioan viết trong Thư thứ nhất) và sự thật được nhận thức bằng trí tuệ; nhưng trong khi tình yêu đòi hỏi kiến thức thì kiến thức không nhất thiết phải giả định tình yêu. Bạn không thể yêu mà không biết, nhưng bạn có thể biết mà không yêu! Một nền văn minh như của chúng ta biết rõ điều này, tự hào vì đã phát minh ra trí tuệ nhân tạo, nhưng lại quá thiếu thốn về tình yêu thương và lòng trắc ẩn.

Thật không may, không phải “lý trí của trái tim” của Pascal đã định hình nên tư duy thế tục và thần học trong 3 thế kỷ qua, mà đúng hơn là Cogito ergo sum “Tôi tư duy, do đó tôi tồn tại” của người đồng hương Descartes, ngay cả khi đi ngược lại ý định của Descartes, người luôn là một Kitô hữu ngoan đạo và một tín hữu. (Tôi nhớ đã đọc tên ông trong danh sách những người hành hương nổi tiếng đến đền Đức Mẹ Loreto!).

Hậu quả là chủ nghĩa duy lý đã thống trị và áp đặt luật pháp trước khi đi đến chủ nghĩa hư vô hiện nay. Theo như tôi biết, kể cả ngày nay, tất cả các bài phát biểu và tranh luận diễn ra đều tập trung vào “Đức tin và Lý trí” chứ chưa bao giờ tập trung vào “Đức tin và trái tim”, hay “Đức tin và ý chí”. Nhưng chính Pascal, trong một suy tư khác, nói rằng đức tin đủ minh bạch đối với những ai muốn tin và đủ mù mờ đối với người không muốn tin (5). Nói cách khác, đức tin là vấn đề của ý chí hơn là của lý trí và trí tuệ.

Ở điểm này, tôi muốn đề cập đến bài học thứ hai mà Pascal để lại cho chúng ta và Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trong Tông Thư của ngài: vị trí trung tâm của Đức Kitô đối với đức tin Kitô giáo: Vị triết gia viết, chúng ta chỉ biết Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Nếu không có Vị Trung Gian này thì mọi sự thông truyền với Thiên Chúa đều bị cắt đứt”. Và trong tác phẩm Tưởng Niệm (Memorial), tiếng vang của một đêm ánh sáng đáng nhớ, Pascal đã thốt lên: “Thiên Chúa của Abraham, của Isaac,của Giacóp, không phải của các triết gia và các nhà hiền triết.… Ngài chỉ được tìm thấy dọc theo những lộ trình được Phúc âm giáo huấn”.

Pascal thường được trích dẫn liên quan đến “rủi ro được tính toán” hoặc canh bạc sinh lời. Ông viết, khi phải lựa chọn giữa đức tin và sự không tin, hãy đặt cược vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, bởi vì “nếu bạn thắng, bạn giành được tất cả, còn nếu bạn thua, bạn chẳng mất gì cả” (6). Nhưng Pascal cũng biết điều này: Rủi ro thực sự của đức tin là một rủi ro sâu xa hơn: đó là đặt Chúa Giêsu Kitô vào trung tâm. Đây là một rủi ro lâu dài! Chúng ta hãy nhớ lại những gì đã xảy ra ở Athens, nhân bài phát biểu đáng nhớ của thánh Phaolô tại Areopagus (Cv 17,16-33).

Vị Tông Đồ bắt đầu bằng việc nói về vị Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ và “chúng ta là dòng dõi của Ngài”. Những người hiện diện nắm bắt được sự ám chỉ đến câu thơ của một trong những thi sĩ của họ và chăm chú lắng nghe. Nhưng chẳng bao lâu sau Phaolô đi thẳng vào vấn đề. Ngài nói về một người được Thiên Chúa chỉ định làm thẩm phán vũ trụ, và chứng minh điều này bằng cách làm cho người đó sống lại từ cõi chết. Sự thu hút đã kết thúc! “Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: "Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy” (Cv 17, 32).

Điều gì đã làm họ bối rối đến thế? Tất nhiên, ý tưởng về sự sống lại từ cõi chết hoàn toàn trái ngược với những gì mà cũng tại đây, Plato đã dạy: Thân xác là “nấm mồ của linh hồn”, vì vậy dù có chết đi, thân xác không đáng được mang theo bên mình. Nhưng có lẽ họ còn hoang mang hơn nữa khi nghĩ rằng số phận của toàn nhân loại phụ thuộc vào một sự kiện lịch sử duy nhất và vào một con người cụ thể. Một thế kỷ sau, triết gia Platonic Celsus đã ném những lý do gây ra cớ vấp phạm đối với người Hy Lạp vào mặt những người theo Kitô giáo: “Con Thiên Chúa, một người sống cách đây vài năm ư? Một người từ ngày hôm qua hay ngày hôm kia ư? Một người sinh ra tại một ngôi làng ở Judea, con của một người thợ dệt nghèo ư?” (7)

Rủi ro thực sự của đức tin là bị vấp phạm bởi nhân tính và sự khiêm hạ của Đức Kitô. Đó là trở ngại lớn nhất mà chính Thánh Augustinô phải vượt qua để gắn bó với đức tin Kitô giáo, như ngài viết trong cuốn Tự Thú: “Không khiêm nhường, tôi không thể chấp nhận Chúa Giêsu khiêm h là Thiên Chúa của tôi” (8). Chúa Giêsu đã nói đến khả năng Người trở thành “cớ vấp phạm”, vì Người xa cách với ý niệm của loài người về Đấng Mêsia, và Người kết luận bằng câu nói: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,2-6).

Cớ vấp phạm ngày nay ít phô trương hơn cớ vấp phạm của người Areopagites, nhưng không kém phần hiện diện trong giới trí thức. Hậu quả – còn tai hại hơn cả sự từ chối – là sự im lặng về Người. Tôi đã theo dõi nhiều cuộc tranh luận cấp cao trên Internet về sự hiện hữu của Thiên Chúa: hầu như chẳng bao giờ tên của Chúa Giêsu Kitô được đề cập đến. Như thể Người không thuộc về cuộc thảo luận về Thiên Chúa!

Đây phải là cam kết chính của chúng ta trong nỗ lực Phúc âm hoá. Thế giới và các phương tiện truyền thông - như tôi đã nói trong một dịp khác cũng tại đây- làm mọi thứ có thể (và đáng tiếc là họ đã thành công!) để tách biệt danh Đức Kitô, hoặc bị im lặng, trong mọi cuộc thảo luận của họ về Giáo hội. Chúng ta phải làm mọi điều có thể để giữ Người luôn hiện diện một cách có chủ ý. Không phải để trốn đằng sau Đức Kitô và im lặng trước những thất bại của chúng ta, nhưng vì Người là “ánh sáng của các dân tộc”, “danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”, “đá góc tường” của thế giới và của lịch sử.

Hãy quay về với trái tim!

Chúng ta hãy trở lại những lời của Pascal về Thiên Chúa, Đấng “được cảm nhận bằng trái tim”, không còn coi đức tin là đối tượng của những cân nhắc về lịch sử và thần học nữa, mà là một quyết định mang tính cá vị và thực tiễn. Pascal là một môn đệ nhiệt thành của Thánh Augustinô, đến mức đã chia sẻ ngay cả một số điều thái quá và sai lầm của ông, chẳng hạn như sự tiền định thần linh kép - vinh quang hay sự đọa đày- được những người theo thuyết Jansenist chấp nhận. Ngoài ra, lời kêu gọi trái tim của Pascal cũng chịu ảnh hưởng của vị tiến sĩ thành Hippo. Khi chú giải về câu của ngôn sứ Isaia: “Phường ngỗ nghịch, hãy trở về với trái tim! (redite, praevaricatores ad cor)” (Is 46, 8, Vulgate), trong một bài diễn văn với dân chúng, Thánh Augustinô đã nói:

Hãy trở về với trái tim!... Hãy trở về từ những cuộc lang thang đã khiến bạn lạc lối; hãy trở về với Chúa. Ngài đã sẵn sàng. Trước hết, hãy trở về với trái tim mình, hỡi người đã trở nên xa lạ với chính mình khi lang thang bên ngoài. Bạn thậm chí không biết chính mình và bạn muốn tìm kiếm Đấng đã tạo dựng nên bạn! Hãy quay trở lại với trái tim, tách mình ra khỏi thân xác… Hãy đi sâu vào chính mình: và thông qua những gì bạn nhìn thấy ở đó, có lẽ bạn có thể nhận thức được về Thiên Chúa, bởi vì tâm hồn bạn là hình ảnh của Thiên Chúa. Đức Kitô ngự trong nội tâm con người. (9)

Chúng ta gửi tàu thăm dò đến vùng ngoại vi của hệ mặt trời và xa hơn nữa, nhưng lại bỏ qua những gì xảy ra ở độ sâu vài nghìn mét dưới lớp vỏ trái đất, do đó gặp khó khăn trong việc ngăn chặn động đất. Đó là hình ảnh của những gì cũng xảy ra trong lĩnh vực tinh thần và trong đời sống của chúng ta. Tất cả chúng ta đều sống phóng chiếu ra bên ngoài, hướng về những gì đang xảy ra xung quanh mình mà không chú ý đến những gì đang diễn ra bên trong mình. Sự thinh lặng khiến chúng ta sợ hãi.

Greccio 1223

Giáng Sinh năm nay đánh dấu kỷ niệm 800 năm việc dựng cảnh Chúa Giáng Sinh đầu tiên ở Greccio. Đây là kỷ niệm thứ nhất trong 3 kỷ niệm trăm năm của thánh Phanxicô. Tiếp theo là vào năm 2024, kỷ niệm Dấu Thánh của thánh nhân, và vào năm 2026, kỷ niệm ngày ngài qua đời. Bối cảnh này cũng có thể giúp chúng ta quay về với trái tim. Người viết tiểu sử đầu tiên của thánh Phanxicô, Tommaso of Celano, thuật lại những lời mà Poverello giải thích sáng kiến của ngài:

Ngài nói, tôi muốn gợi lại ký ức về Hài Nhi sinh ra ở Bêlem, và bằng cách nào đó tận mắt nhìn thấy những khó khăn mà Người phải chịu đựng do thiếu những thứ cần thiết cho một em bé sơ sinh, Người đã được đặt vào nôi như thế nào và nằm giữa con bò và con lừa ra sao. (10)

Thật đáng tiếc, theo thời gian, cảnh Chúa giáng sinh đã khác xa với những gì nó được thánh Phanxicô thể hiện. Cảnh Chúa giáng sinh thường trở thành một hình thức nghệ thuật hoặc trang trí mà người ta ngưỡng mộ khung cảnh bên ngoài hơn là ý nghĩa thần bí của nó. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, cảnh Chúa giáng sinh vẫn hoàn thành chức năng của nó như một dấu chỉ và sẽ thật ngu ngốc nếu từ bỏ nó. Ở phương Tây, các sáng kiến đang được nhân lên nhằm loại bỏ tất cả những liên quan mang tính Tin Mừng và tôn giáo khỏi lễ trọng Giáng sinh, biến ngày lễ thành một cử hành thuần tuý mang tính nhân bản và gia đình với nhiều câu chuyện cổ tích và các nhân vật hư cấu thay cho những nhân vật Giáng sinh thực sự. Một số người thậm chí còn muốn thay đổi tên của ngày lễ.

Một trong những lý do cho điều này là để thúc đẩy sự chung sống hòa bình với các tín đồ của các tôn giáo khác, cụ thể là với tín đồ Hồi giáo. Thật ra, đây là cái cớ của một thế giới tục hoá nào đó không muốn những biểu tượng này, chứ không phải là mong muốn của người Hồi giáo. Trong Kinh Qur'an có một Sura dành riêng cho sự ra đời của Chúa Giêsu rất đáng được biết đến. Đoạn đó như sau:

Các thiên thần nói: “Ôi Maria! Allah mang đến cho cô một tin vui từ Lời của Ngài, tên của Người sẽ là Mêsia, Giêsu, con trai của Maria; Người sẽ được tôn vinh ở thế giới này và thế giới mai sau, và Người sẽ là một trong những vị thân cận nhất với Allah˺. Khi còn trong nôi và khi một người trưởng thành, Người sẽ nói chuyện với mọi người và sẽ là một trong những người công chính”. Maria thắc mắc: “Lạy Chúa! Làm sao tôi có thể có con khi chưa có người đàn ông nào chạm vào tôi?” Một thiên thần trả lời: “Sẽ đúng như vậy. Allah tạo ra những gì Ngài muốn. Khi quyết định một việc gì đó, Ngài chỉ cần nói, ‘Hãy thành sự!’ Và xảy ra đúng như vậy! (11)

Một lần nọ, khi tôi đang giải thích Tin Mừng Chúa nhật trên đài truyền hình RAI của Ý vào các tối thứ Bảy, tôi đã nhờ một người Hồi giáo đọc Sura này. Anh ấy nói rằng anh rất vui khi bằng cách này, anh được góp phần xóa tan sự hiểu lầm gây bất lợi cho họ, dưới cái cớ là được ưu ái. Cách đây vài năm, sự tôn kính mà Kinh Qur'an tưởng nhớ về sự ra đời của Chúa Giêsu và vai trò của Đức Trinh Nữ Maria đã nhận được sự công nhận bất ngờ và đầy xúc động. Tiểu vương Abu Dhabi đã quyết định cung hiến đền thờ Hồi giáo xinh đẹp của tiểu vương quốc mà trước đây mang tên vị sáng lập, Sheikh Mohammad Bin Zayed, cho Mariam, Umm Eisa, “Maria, Mẹ của Chúa Giêsu”.

Vì vậy, cảnh Chúa Giáng Sinh là một truyền thống hữu ích và đẹp đẽ, nhưng chúng ta không thể hài lòng với những cảnh Chúa Giáng Sinh truyền thống bên ngoài. Chúng ta phải dựng nên một hang đá Giáng sinh khác cho Chúa Giêsu, đó là hang đá của trái tim. Corde creditur: với trái tim bạn tin tưởng. Như vị Tông Đồ cũng nói tương tự: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn”, (Eph 3, 17).

Đức Maria và phu quân là Giuse tiếp tục gõ cửa từng nhà một cách thần bí, như các ngài đã làm vào đêm hôm ấy ở Bethlehem. Trong sách Khải Huyền, chính Đấng Phục Sinh đã phán: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ” (Kh 3, 20). Chúng ta hãy mở rộng cánh cửa trái tim mình cho Người. Chúng ta hãy biến tâm hồn mình thành cái nôi cho Hài nhi Giêsu, mong sao Người cảm nhận được, trong sự lạnh giá của thế giới, hơi ấm của tình yêu và lòng biết ơn vô hạn của chúng ta!

Đây không phải là một câu chuyện hư cấu đẹp đẽ và thơ mộng mà đó là công việc khó khăn nhất trong cuộc đời. Trong trái tim chúng ta có chỗ cho nhiều vị khách, nhưng chỉ có một người chủ. Sinh hạ Chúa Giêsu có nghĩa là để cho “cái tôi” của mình chết đi, hoặc ít nhất là đổi mới quyết định không còn sống cho chính mình nữa, nhưng cho Đấng đã sinh ra, đã chết, và đã sống lại vì chúng ta (x. Rm 14,7-9). Chủ nghĩa hiện sinh vô thần đã khẳng định: “Nơi Thiên Chúa sinh ra, con người chết đi”. Đúng vậy! Tuy nhiên, kẻ chết là con người cũ, hư hoại và có số phận phải chết, trong khi những gì được sinh ra là “con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để sống thật sự công chính và thánh thiện” (Eph 4, 24), và được định để sống đời đời. Đây là một quyết tâm sẽ không kết thúc vào lễ Giáng sinh, nhưng có thể bắt đầu từ đó.

Xin Mẹ Thiên Chúa, Đấng “đã cưu mang Đức Kitô trong tâm hồn trước khi cưu mang Người trong thân xác”, giúp chúng ta thực hiện quyết tâm này của mình.

Chúc mừng sinh nhật Chúa Giêsu – và xin gửi đến tất cả quý vị: Đức Thánh Cha Phanxicô đáng kính – quý Cha, quý anh chị em kính mến- Giáng sinh vui vẻ!

Nt. Anna Ngọc Diệp
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org
Nguồn: hdgmvietnam.com

______________________________

Chú thích:

(1) Augustinô, Bài giảng, 215: “quem credendo peperit, credendo conceptit.”

(2) Augustinô, Bài giảng, 72,7 (ed, in Miscellanea Agostiniana, I, Roma 1930, p.163).

(3) Augustinô Bài giảng, 215,4.

(4) Blaise Pascal, Pensées, 277-278, ed. Brunschvicg.

(5) Cf. Ib., 430, ed. Br.

(6) Ib., 221, Br.

(7) Cf. Origen, Contra Celsum, I, 26.28; VI, 10.

(8) Tự thú, VII, 18,24.

(9) Về Tin Mừng Thánh Gioan, 18,10.

(10) Thomas of Celano, Vita Prima, 84-86.

(11) Quran, Sura III, 45-47.