Giáo lý Tín lý - Bài 12: Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi bà Maria trọn đời đồng trinh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 653 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo bài 11)

 

Nhận định chung: Nếu chúng ta mở Thánh Kinh và đọc Lc 1,26-38 thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy Tín Điều học hôm nay phát xuất từ đâu? Có thể nói, câu trong Kinh Tin Kính này đã dùng nguyên văn của Thánh Kinh: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần”= “Chúa Thánh Thần, xuống trên bà và quyền phép Đấng Tối Cao bao phủ bà” (Lc 1,35); “Người xuống thai sinh bởi bà Maria” = “Bà sẽ thụ thai và sinh một người con trai” (Lc 1,31); “Trọn đời đồng trinh” = “tôi không biết người nam” (Lc 1,34).


Chúng ta có thể diễn tả vắn tắt Tín Điều trên bằng 4 chữ: “Mầu nhiệm Nhập Thể”, và cũng là điều Thánh Gioan đã ghi rõ ràng, vắn tắt: “Ngôi Lời đã nhập thể” (Ga 1,14).


Để giúp hiểu Tín Điều chúng ta sẽ tìm hiểu 3 điểm sau đây.


1. Con Một Chúa xuống thế làm người


Đây là một điều rất khó chấp nhận đối với Dân Do Thái, Dân đã được chọn để đón nhận và bảo tồn Mạc Khải, cũng như đối với văn hoá Hy Lạp, nền văn hoá tiến bộ và phổ thông nhất thời đó.


Đối với Do Thái, tư tưởng “Chúa thành người” được coi như trái ngược hẳn với quan niệm Chúa cực siêu việt, cực thánh, như đã được Mạc Khải trong Cựu Ước.


Đối với Hy Lạp vốn coi khinh thể xác, vật chất, tư tưởng “Chúa làm người” vừa phi lý, vừa không cần!


Chúng ta có thể áp dụng lời Thánh Phaolô vào chỗ này:

   “Đối với Do Thái, là điều vấp phạm: đối với Hy Lạp là điên rồ”! (1Cr 1,23b)


Thế nhưng, Chúa quan phòng và khôn ngoan đã dành mạc khải Mầu Nhiệm Nhập Thể, và đi theo là Mầu Nhiệm Phục Sinh thể xác, vào đúng lúc mà những hoàn cảnh tâm lý con người xem như không thuận tiện để đón nhận và lĩnh hội!


Quả vậy, những người vốn tự nhiên không sẵn sàng chấp nhận mà sau đó lại chấp nhận và rao giảng những sự việc “trái ngược” với tâm lý tự nhiên của mình, đấy mới là điều bảo đảm sự có thật khách quan thực sự! Các tông  đồ không sẵn sàng tin Thiên Chúa làm người, mà sau cũng đã rao giảng Chúa Giêsu là Chúa thật sự! là “Chúa nhập thể”! Và lại giảng cho một thế giới nhận văn minh Hy Lạp!… Cuộc thất bại của Phaolô ở Nhã Điển thực là một điển hình, nhưng cũng là một bảo đảm cho Sự Thật (Cv 17,32). Cũng như lòng cứng tin của Tôma trước tin nói Chúa sống lại (Ga 20,24-28).


Vậy, mầu nhiệm “Con Chúa xuống thế làm người” thật sự như thế nào?


“Con Chúa”, như bài trước đã nói, cũng là chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng toàn năng phán một lời muôn vật đều có! Đấng duy nhất đó bây giờ trở thành một trong các loại chính Ngài đã dựng nên! một người!


Một người thật sự, chứ không phải “bóng dáng” như các bè rối thời đầu Giáo Hội chủ trương (Thuyết Khả Tri).


Một người hoàn toàn, chứ không phải thiếu hồn (như bè rối của Ariô), thiếu “trí” (như chủ thuyết Apollinaire), thiếu ý chí, thiếu khả năng hoạt động, thiếu “tự lập” (thuyết Độc thể).


Nhưng con người thật sự, hoàn toàn đó lại thật sự kết hợp nên một với Con Một Thiên Chúa, đến nỗi chỉ có một chủ thể: Chúa Giêsu Kitô, hay Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Mọi công việc con người sinh bởi Đức Maria làm, thì cũng chính là việc của Ngôi Hai Thiên Chúa làm. Chúa Giêsu nói:

   “Chúa Cha làm gì, Ta cũng làm điều đó (Ga 5,19)

   “Chúa Cha ở trong Ta, Ta ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38)

   “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 13,9)

   “Chúa Cha và Ta là một” (Ga 10,30)

   “Mọi cái Chúa Cha có cũng là của Ta” (Ga 16,15)…


Và cũng chính Chúa Giêsu đó nói:

 “Hãy để mặc Chị, chính vì để dùng vào ngày mai táng Ta, mà Chị giữ dầu thơm này!” (Ga 12,7)

 “Một người trong các con sẽ nộp Ta!” (Ga 13,21b)

“Con Người cũng phải bị treo lên” ( Ga 13,14)

“Tâm hồn Ta bị xao xuyến” (Ga 12,27)


Giáo Hội dựa vào những lời đó và nhiều lời khác giống vậy để kết luận: Trong Chúa Giêsu có hai bản tính riêng biệt, không lẫn lộn với nhau, đó là Bản Tính Thiên Chúa và bản tính loài người; hai bản tính đó thuộc về một Ngôi Vị duy nhất, đó là Ngôi Hai Thiên Chúa. Sự kiện Ngôi Hai Thiên Chúa kết hợp với một bản tính loài người, đấy chính là Mầu Nhiệm Nhập Thể, Mầu Nhiệm Con Chúa làm người.


Sự kiện một con người được nâng lên một địa vị tối cao đến trở thành của riêng Thiên Chúa, nên một với Ngôi Hai Thiên Chúa, sự kiện này có một hậu quả vĩ đại và toàn diện đối với cả loài người (do những liên hệ trong cùng một loài với nhau) và đối với cả thế giới tạo vật (vì những liên hệ đối với loài người). Ơn Cứu Chuộc loài người và nói rộng hơn nữa, mọi ơn Chúa ban cho mọi thụ tạo đều khởi nguồn từ sự kiện Nhập Thể này (Ep 1,1-14).  Sự kiện Nhập Thể chính là tột đỉnh hoạt động ngoại tại của Thiên Chúa, và cũng là vinh dự tột đỉnh của toàn thể tạo vật.


2. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần


Như đã nói ở bài 11, vì phần tín điều về Chúa Giêsu chen lẫn vào phần tín điều về Chúa Ba Ngôi trong Kinh Tin Kính, nên tuy chưa nói về Ngôi Thứ Ba: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” mà đã phải nói đến Chúa Thánh Thần ở đây rồi! Vì những điều nói về Chúa Thánh Thần trong bài này, cần phải được tìm hiểu rõ hơn ở bài dành riêng cho Ngài sau này.


Chúa Thánh Thần hiện diện trong Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Chúa Cha; cũng như “Thần Trí Chúa bay lượn trên nước tiên khởi” (St 1,2) ngày Thiên Chúa tạo dựng mọi loại bằng Ngôi Lời của Ngài (Ga 1,3); hoặc Chúa Thánh Thần từ nơi Chúa Cha đến sẽ làm chứng về Chúa Con (Ga 15,26): tất cả đều cho ta thấy hoạt động của Thiên Chúa là hoạt động của Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi Thiên Chúa cùng tạo dựng, cùng cứu thế, cùng thánh hoá; tuy công việc tạo dựng thường được coi như việc của Chúa Cha cách riêng, việc cứu thế của riêng Chúa Con và việc thánh hoá của riêng Chúa Thánh Thần.


Nếu nhìn chung trong suốt đời sống của Con Thiên Chúa Nhập Thể, chúng ta còn thấy Chúa Thánh Thần hiện diện ở nhiều lần khác nữa. Và có thể nói như Thánh Phaolô: “Thần trí Chúa Giêsu” hay “Chúa Thánh Thần” là một (Gl 4,6-7 và Rm 8,14-17).


Riêng ở đây công việc tác tạo nên bản tính nhân loại của Chúa Giêsu trong lòng Đức Maria đã được kể như là công việc của Chúa Thánh Thần (Lc 1,35). Và nếu nói theo kiểu thông thường, thì đây là một phép lạ do Chúa Thánh Thần: một trinh nữ thụ thai mà không cần người nam. Đấy cũng là điều mà Thánh Kinh có ý cho ta thấy khi nói đến: “Sức mạnh Đấng Tối Cao” (Lc 1,35) và “không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1,37).


3. Mẹ của Con Chúa xuống thế là Đức Trinh Nữ Maria


Để được trở nên một người thật và thuộc về loài người thật, Con Thiên Chúa xuống thế phải do một người trong loài người sinh ra. Người được Chúa chọn đó là Đức Maria thuộc dòng dõi vua Đavit (theo tương truyền trong Giáo Hội). Thánh Kinh không nói tới dòng dõi của Đức Maria, vì Thánh Kinh bận tâm đến phương diện pháp lý, tức theo phía cha dù chỉ là cha nuôi (Mt 1,1-16; Lc 3,23-38).


Thiên Chúa có thể trực tiếp dựng nên một bản tính nhân loại như Chúa đã dựng nên con người nguyên thuỷ, ông Adong. Nhưng như thế, con người của Con Thiên Chúa xuống thế, đâu có thuộc về loài người này. Và công việc nhập thể cũng chẳng phải là nhập thể theo đầy đủ ý nghĩa!


Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Chúa không chọn cả cha cả mẹ ở trần gian này, mà lại phải làm một phép lạ “Người Mẹ đồng trinh”?


Đấy chỉ là một thắc mắc thuần lý thuyết, vì sự việc đã xẩy ra rồi! Lý do, chúng ta chỉ có thể suy luận với nhau thôi. Nhiều Giáo  Phụ nghĩ là, vì Chúa Giêsu chỉ muốn có một Cha ở trên trời!… Chúng ta có thể nghĩ: vì nếu con người Chúa Giêsu cần phải do loài người sinh ra để có thể là loài người thật sự, nhưng con người Giêsu cũng còn phải là hiện thân của Ơn Chúa ban (Is 9,5; Ga 3,16)! Để thể hiện phương diện thứ hai này một cách đặc biệt, Thiên Chúa đã làm phép lạ bằng cách trực tiếp tạo dựng bào thai con người Giêsu.


Chúa Giêsu đã sinh ra bởi Đức Maria, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: Đức Maria vì thế là Mẹ Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đầu Giáo Hội: Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, Mẹ chúng ta: vì chúng ta, Giáo Hội, là Nhiệm Thể Chúa Giêsu.


Vinh dự đó cắt nghĩa những ơn đặc biệt Chúa ban cho Đức Maria, và cũng cắt nghĩa lòng tôn kính mến yêu đặc biệt Giáo Hội dành cho Đức Maria.

 

 

Đề tài trao đổi

1. Bạn hãy giải thích theo Thánh Kinh Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người.

2. Chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu có phải chỉ vì Ngài là vị Giáo Chủ Đạo Công Giáo cũng như anh em Phật tử  tôn thờ vị Giáo Chủ là Đức Phật không ? Nếu không, thì tại sao ?

 

Lm. Antôn Trần Văn Trường

Nguồn: giaolyductin.com


 (còn tiếp)