Giáo lý Tín lý - Bài 13: Chịu nạn đời quan Pontiô Pilatô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá chết và táng xác...

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 638 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo bài 12)

 

Nhận định chung: Một lần nữa chúng ta nhận thấy kinh Tin Kính các Tông Đồ gần với nguồn Thánh Kinh như thế nào! Đó là một bản kinh ghi nhận những biến cố lịch sử, chưa suy nghĩ, chưa nhận định hay phản tỉnh thần học. Đây là một điểm khác các bản kinh Tuyên Xưng Đức Tin sau này, kể cả bản kinh khá cổ kính đọc trong Thánh Lễ của Công Đồng Nicée-Constantinople.

 

Theo cách diễn tả thần học, tín điều học hôm nay có thể nói vắn tắt là: “Mầu Nhiệm Cứu Thế”! cũng như bài trước là “Mầu Nhiệm Nhập Thể”.

 

“Mầu Nhiệm Cứu Thế” đây hiểu theo nghĩa hẹp, như sẽ trình bày dưới đây; vì theo nghĩa đầy đủ, công việc Cưú Thế thực sự bắt đầu ngay từ việc Nhập Thể, và hoàn tất bằng việc Phục Sinh của toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức Giáo Hội những người được chọn, trong Trời Mới Đất Mới, nhà Thiên Chúa ở vĩnh viễn với nhân loại.

 

Trong bài về “Mầu Nhiệm Cứu Thế” hôm nay, chúng ta nhận định phần chính yếu là “Cuộc tử nạn cưú thế” của Đức Kitô, và các chi tiết phụ đó là: chết vì đóng đinh, chết thời quan toàn quyền Pontiô Pilatô, táng xác trong mồ, xuống ngục tổ tông.

 

1. Cuộc tử nạn cứu thế của Chúa Kitô

 

Cuộc tử nạn của Chúa Kitô được chính Ngài nói tới rất nhiều, nhờ đấy ta biết được ý nghĩa chính xác của cuộc tử nạn cứu thế của Ngài.

 

Trong ba lần báo trước cuộc tử nạn của Ngài (Mt 16,21; 17,22; 20,18), cũng như lúc mà cuộc tử nạn bắt đầu trong vườn Giệt (Mt 26,54.56) và cả sau khi từ cõi chết sống lại (Lc 24,25-27.44.46), Chúa Kitô luôn luôn coi cái chết đau khổ và nhục nhã của Ngài như là một điều đã được ấn định trước, được loan báo trước, mà bây giờ bổn phận Ngài là phải thi hành đúng như thế để Thánh Kinh (báo trước) được thi hành trọn vẹn (Mt 26, 56), Chúa Kitô coi đó như là một điều kiện tiên quyết để được vinh hiển (Lc 24, 26) là mục đích của đời Ngài (Ga 12, 27), vì đó là ý muốn của Cha Ngài (Ga 18, 11).

 

Vậy Thánh Kinh đã loan báo trước như thế nào?

 

Chúng ta có thể lược tóm vào bốn ý niệm sau đây:

 

- Ý niệm Cứu Chuộc

- Ý niệm Đền Tội

- Ý niệm Giao Ước

- Ý niệm kính tin Chúa tuyệt đối.

 

a. Ý niệm cứu chuộc

“Cứu sống” bằng cách “chuộc” lại, chuộc bằng tiền (“mua lại”) bằng lễ vật. Nghi lễ đặc biệt nhất về vấn đề này là Nghi lễ Chuộc Con Đầu Lòng (Xh 13,13-15). Vì con đầu lòng thuộc về Chúa (Xh 13,1-2). Nghi lễ này càng thêm giá trị và ý nghĩa khi được móc nối với việc Chúa giết hại các con đầu lòng Ai Cập và tha con đầu lòng các nhà Do Thái có bôi máu chiên trong ngày Vượt Qua (Xh 12). Sau này Isaia nói :

 

Chúa đã chuộc Israel bằng “giá” Nước Ai Cập…, vì Israel có “giá” trước mặt Chúa…; Chúa chuộc, nên Israel thuộc về Chúa(Is 43,1-7).

 

b. Ý niệm Đền Tội :

Máu chiên máu bò thường được dùng trong các nghi lễ Đền Tội (Lv 16,14-16). Vì máu tượng trưng sự sống mà tội nhân nhìn nhận mình đáng phải mất, con vật làm hy lễ sẽ thế mạng cho.

 

Trong bài ca của Vị Tôi Tớ Thiên Chúa, Isaia đã nói đến “Người Tôi Trung” bí nhiệm của Thiên Chúa sẽ chết thay cho chúng ta (Is 53, 5.8).

 

c. Ý niệm Giao Ước

Trong các nghi lễ giao ước quan trọng đều có điều kiện mạng sống được đặt ra: mỗi bên giao ước đều cam kết giữ lời Giao Ước dù phải chết, hoặc nếu không giữ, thì đáng chết. Để diễn tả điều đó, người ta dùng mạng sống hay máu loài vật, gọi là Máu Giao Ước (kiểu gần như “bức huyết thư” ta nói ngày nay) (St 15,7-11; Xh 24,5-8)

 

d. Ý niệm kính tin Chúa tuyệt đối

Abraham đã trở thành ông tổ mọi tín hữu vì lòng tin kính một cách tuyệt đối trong việc tế lễ Isaac (St 22,1-19).


Bốn ý niệm cô đọng các lời loan báo của Thánh Kinh về cuộc hiến tế Tân Ước, Chúa Kitô đã ý thức rất rõ và đã thực hiện đầy đủ trong cuộc tử nạn của Ngài. Chính vì thế, lúc Chúa tắt thở trên Thánh Giá, màn che nơi Cực Thánh trong Đền Thờ bị xé bỏ (Mt 27,51), để chỉ sự thay thế hoàn toàn mọi hình bóng tiên báo của Cựu Ước bằng sự thật Tân Ước.


Chúa Kitô đã chuộc chúng ta bằng giá rất đắt, giá máu Ngài (1 Cor 6,20 ; Ep 1,7; Mt 20,28); Chúa Kitô là “Chiên Vượt Qua” thật (1 Cor 5,7): Chúa Kitô là của lễ đền tội chúng ta bằng máu của chính Ngài (Dt 9,11-14), Ngài chính là Tôi Tớ của Đức Giavê mà Tiên Tri Isaia đã nói (Cv 8,32-35); trong Bữa Tiệc Ly chính Chúa Kitô đã trao các Môn Đệ chén Máu Giao Ước mới (Mt 26,28); và sau hết cuộc tế lễ Isaac vốn được Giáo Hội từ xưa coi như là hình ảnh cuộc tự hiến của Chúa Kitô (Dt 11,19), và Chúa Kitô vẫn coi cuộc tử nạn như là tột đỉnh lòng kính yêu Chúa Cha (Ga 14,31).


Chúa Kitô đã hoàn toàn thực hiện các lời loan báo của Thánh Kinh; mà còn đi xa hơn nữa! Vì Ngài đã nhờ cuộc tử nạn của Ngài mà đưa nhân loại đến chỗ làm Con Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần (Rm 8,14.16), và hòa giải cả mọi tạo vật với Thiên Chúa nữa (Ep 1,10).

 

2. Vài vấn đề khác


a. “Đời quan Pontiô-Pilatô”.

Ông quan đại diện chính quyền bảo hộ La Mã này nổi tiếng nhờ vụ án Chúa Kitô. Ông làm đại diện cho Hoàng Đế Tibêriô từ năm 26-36. Thường ông ở thành Césarée, nhưng ông hay lên Giêrusalem vào các dịp lễ lớn của Do Thái, nhất là Lễ Vượt Qua. Ngoài Phúc Âm ra, còn nhiều sử gia khác nói tới ông, như Philon, Fl. Joseph, Tacite. Ông là một con người cứng đầu, tham nhũng và khinh người; chính vì vậy, ông đã gây nhiều căm hờn nơi dân thuộc địa… Chúa Giêsu có nói tới một vụ tàn sát không rõ căn duyên của ông (Lc 13,1). Sau cùng, ông bị cách chức cũng là tại sinh sự và đàn áp vô cớ người Samari.

 

Đối với vụ án Chúa Kitô ông đã tỏ ra là một vị chánh án rành tâm lý. Ông đã chỉ muốn hạ nhục người Do Thái bằng bản án này. Nhưng Do Thái ranh mãnh đánh vào yếu điểm của ông bằng cách kéo danh dự Hoàng Đế vào vụ án và vì thế địa vị của ông bị đe dọa (Ga 19,12-16) nên ông đã phải nhượng bộ mặc dù ông biết rõ ràng Chúa Giêsu vô tội. Sở dĩ dân Do Thái phải chạy đến ông, vì dưới chế độ bảo hộ lúc đó, Do Thái không có quyền tuyên án tử hình (Ga 18,31).

 

b. “Chịu đóng đinh trên Thập Giá”

Đây là một tử hình đau khổ và nhục nhã, nên có luật cấm không được áp dụng cho công dân La Mã. Nạn nhân sau khi bị đánh đòn, sẽ bị điệu ra pháp trường vai vác khổ giá (thanh ngang của thập giá) tay bị trói luôn vào khổ giá. Đến nơi, nạn nhân nằm dưới đất, người ta lấy đinh đóng qua cổ tay vào khổ giá, rồi dựng nạn nhân dậy, nâng lên và đóng khổ giá vào cột chôn sẵn. Sau đó bắt chéo hai chân, chân trái bên trên, đóng một đinh suốt qua hai bàn chân. (Thói quen La Mã đóng mỗi chân một đinh). Còn bản án (kể tội nạn nhân) thì nạn nhân phải mang nơi cổ trên đường đi đến pháp trường. Sau khi đóng đinh, bản án sẽ được treo trên đầu nạn nhân. Bản án của Chúa Kitô là: “Giêsu Nazareth Vua Dân Do Thái” và được viết bằng ba thứ tiếng Do Thái, Hy Lạp, La Tinh (Ga 19,19). (Thường viết tắt ở các ảnh Thánh Giá là: INRI do bốn chữ la tinh Iesus Nazarenus Rex Iudeorum = “Jesus người Nazareth, Vua của các người Do Thái).

 

Nạn nhân sẽ chết vì ngạt thở sau khi các bắp thịt bị co rút rất đau đớn; nạn nhân thường cố gắng đứng thẳng lên để bớt sức kéo hai tay và thở được một chút. Chính vì thế muốn nạn nhân chóng chết, người ta đánh dập hai ống chân nạn nhân (Ga 19, 32).

 

Áo quần nạn nhân là thuộc quyền các lính thi hành bản án. Theo tục Do Thái, nạn nhân còn được mặc một thứ quần đùi.

 

Trở lại bản án đóng đinh, lại một lần nữa, những điều Thánh Kinh đã nói trước, điều phải được linh nghiệm. Dân Do Thái có thể giết Chúa bằng cách ném đá (Ga 8, 5) hoặc xô Ngài xuống vực thẳm (Lc 4, 29) khỏi cần đến tòa án Philatô. Nhưng không, Thánh Kinh đã nói Con Người sẽ bị treo lên (Ds 21,8-9; Ga 3, 14); “Chúng sẽ chia nhau áo Ngài” (Tv 22, 19; Ga 19,23-24). Chính Chúa Giêsu cũng biết rõ ràng như vậy (Ga 18, 32; 3, 14).

 

c. Táng xác

Nói đến an táng xong xuôi là nói lên con người ấy đã chết thực sự. Chúa Giêsu đã chết thật: không chết vì đóng đinh ngạt thở (Ga 19,33) thì cũng phải chết vì lưỡi đòng đâm thấu tim (Ga 19,34-35).

 

Ông Giuse người Arimathie đã xin được phép mai táng Chúa Giêsu, Phúc Âm nói tới thuốc thơm ướp xác (Lc 23,56; Ga 19,39)nhưng chắc chắn không phải là ướp xác thực sự theo kiểu Ai Cập tức là phải moi óc, moi phổi tim, ruột gan ra, ngâm nước thuốc, rồi nhét thuốc thơm vô. Công việc đòi hỏi cả tháng trời mới xong…! Nhưng đây chỉ là một lối làm đơn giản, để thuốc thơm áp ngoài thân thể rồi lấy vải quấn lại (Ga 19,40). Rồi đặt xác ấy trên một bệ đá trong ngôi mồ khoét ngang vào đá, rồi lăn một tảng đá lấp cửa mồ lại (Mt 27,60).

 

d. “Xuống ngục tổ tông”:

“Ngục tổ tông” là nơi ở của những người đã chết (St 37,35; 1 Sm 2,6; Tv 89,49). Vì thế nói “xuống ngục tổ tông” có thể hiểu đơn sơ là “chết thật, chết hẳn” vì xuống ở với những người chết rồi.

 

Dân Do Thái tin, ai xuống ngục đó không thể ra khỏi đó được (G 7,9) và tưởng tượng cửa ngục được canh gắc cẩn mật, khóa chốt rất kỹ… Chúa Giêsu đã dùng “Cửa Ngục Chết” để tượng trưng cho sức mạnh ghê gớm (Mt 16,18).

 

Chúa Giêsu sống lại là vượt ngục đó: sức mạnh ghê gớm ngục đó cũng không giữ Ngài lại nổi (Cv 2,24). Và một khi Ngài thắng được “Cửa Ngục Chết”, Ngài mang đến cho mọi người công chính đã chết và sẽ chết một ơn giải thoát khỏi cái chết để gặp lại sự sống (Cl 1,18; 1 Cr 15,20-22.26). Ngài cũng ban quyền thắng “Ngục Chết” cho chính Giáo Hội (Mt 16,18) vì Giáo Hội có quyền tha tội, dẫn con người từ chỗ chết trong tội lỗi, đến chỗ sống trong Ơn Nghĩa. 

 

Đề tài trao đổi

1. Thánh Kinh đã nói trước về cái chết của Chúa Giêsu thế nào?

2. Chúa Giêsu đã thực hiện Thánh Kinh trong cái chết của Ngài thế nào? 

 

 (còn tiếp)

 

Lm. Antôn Trần Văn Trường

Nguồn: giaolyductin.com