Giáo lý Tín lý - Bài 14: Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 592 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo bài 13)


Nhận định chung:  

Một con người có tên là Giêsu Kitô đang sống như bao người khác như ta ngày nay, bị án tử hình, chết, chôn rồi sống lại, sống lại không như đời sống trước nữa, tuy cũng như con người xưa, cũng xác, cũng hồn, cũng kiểu ăn nói trước, nhưng nay tất cả đã được biến đổi nên như loài thiêng; và bước vào một đời sống khác hẳn đời sống con người trần thế này, đời sống ngoài những điều kiện thời gian và không gian.

 

Đó là nội dung Tín Điều ta tìm học hôm nay.

 

Ta nhận thấy trong những nét được mô tả trên có những nét mà khoa học lịch sử có thể ghi nhận được như: có một người tên là Giêsu Kitô ở nước Do Thái, người đó sống thế nào, chết thế nào… chôn thế nào…, và sau đó không còn trong lịch sử nữa, kể cả cái xác ở trong mồ cũng không còn.

 

Tất cả những sử gia trung trực hay nếu là đồng thời, mọi nhà báo săn tin đứng đắn đều có thể ghi nhận được rõ ràng; cảnh sát, tòa án nếu cần cũng có thể điều tra tới nơi tới chốn.

 

Nhưng cũng có những nét vượt quá phạm vi của một sử gia, của một cuộc điều tra cảnh sát, đó là một thế giới khác thế giới này, một nếp sống không lệ thuộc không –  thời – gian, một nhận thức về tôn giáo thuần túy, một niềm tin !

 

Lịch sử hay tòa án nào có nói gì về việc “Bà” hiện ra ở Lộ Đức với Bernadette là Đức Mẹ Maria? Hay về việc Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa?… Vì các tiêu chuẩn để nhận định những sự việc đó vượt phạm vi của khoa học thực nghiệm ! Có cùng lắm là sử gia ghi lại lời người này nói thế này, thế nọ…, hoặc như sử gia Pline le Jeune ghi lại bài ca của một số người tự xưng là đồ đệ Ông Giêsu Kitô, bài ca suy tôn Ông là Chúa Tể!

 

Nhận định như vậy rồi, bây giờ chúng ta đề cập tới Tín Điều: Chúa Phục Sinh.

 

1. Sự kiện lịch sử về việc Chúa sống lại

Chúng ta sẽ lần lượt bàn tới hai dữ kiện sau đây

- Tài liệu lịch sử ghi chép về việc Đức Giêsu Phục Sinh

- Giáo Hội Kitô giáo từ đầu cho tới ngày nay

 

a. Những tài liệu lịch sử

 Tài liệu lịch sử có thể kể:

- Tài liệu nói về cái chết thực sự của Đức Giêsu

- Ngôi mộ trống, không còn xác

- Những chứng nhân của các cuộc hiện ra

 

a.1. Tài liệu nói về cái chết thực sự của Đức Giêsu

Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử đó là điều mà ta đã học trong bài 11 trước đây. Con người đó, dĩ nhiên cũng như mọi con người khác, dù có nói đến hay không, đã có ngày chết! Nếu không chúng ta sẽ có một ông Bành Tổ sống gần hai nghìn tuổi và còn sống nữa!!! Phương chi cái chết của con người đó đã được nhiều sử gia nói tới và nói với chi tiết rõ ràng mà ngày nay chúng ta cũng thấy nhất định như vậy là phải chết! (Ga 19,34 ; Mc 15,37)

 

Ấy là chưa nói đến cái chết này được theo dõi và kiểm sóat chặt chẽ do số người chủ mưu, có quyền hành và đầy căm phẫn (Mc 15,29-32 ; Mt 27,62-66).

 

Vì thế, những giả thuyết cho là Đức Giêsu chưa chết thật, nhưng chỉ là xỉu đi, đều là tưởng tượng và mơ hồ!

 

a.2. Ngôi mộ trống không còn xác

Một điều mà cả bốn Phúc Âm đều thuật lại, mỗi Phúc Âm một cách, đó là xác Đức Giêsu không còn trong mộ (Mt 28,6; Mc 16,6; Lc 24,6; Ga 20,2). Xác không còn, nhưng lại còn khăn liệm (Ga 20,5-7).

 

Và điều thứ nhất các người chứng kiến nghĩ tới đó là: xác bị ăn trộm! Chứ chả ai nghĩ tới sống lại! Rồi phía môn đệ thì hoảng hốt sợ hãi, chạy đến tận nơi xem xét sự tình (Ga 20,3-4). Nhưng nếu ăn trộm thì ai ăn trộm? Ăn trộm mà còn có giờ tháo gỡ khăn liệm cuốn lại đàng hoàng?! (Ga 20,7).

 

Maria Magdalena thì nghĩ “bên kia” ăn trộm (Ga 20,2.15), còn bên lính gác mộ thì phao tin các môn đệ ăn trộm (Mt 28,13). Nhưng nếu phía môn đệ ăn trộm thì phải cắt nghĩa làm sao việc qua mắt lính gác, việc các môn đệ hoảng sợ, nhất là việc các môn đệ can đảm, liều chết giảng Chúa sống lại sau này, đang khi các ngài quê mùa, chất phác không thuộc hạng lừa bịp, đồng thời chả được lợi lộc gì, bị đe dọa liên miên, sau cùng đã chết vì điều mình giảng!

 

Còn nói phía kẻ thù Đức Giêsu ăn trộm…, thì không hiểu việc ăn trộm đó có ích gì mà chỉ thấy hoàn toàn trái ngược với điều họ sợ trước (Mt 27,64).

 

Có thứ người giàu tưởng tượng nghĩ rằng: vụ động đất nói tới trong Mt 27,51 sẽ còn tiếp tục nuốt mất xác!… Nhưng có điều lạ, là nếu dựa Thánh Kinh mà nói vậy thì sẽ cắt nghĩa thế nào vụ khăn liệm quấn quanh xác còn lại? Rồi có thứ nứt nẻ đất thế nào mà mộ đá còn, chỉ xác mất?

 

Có người khác tỏ ra thông thạo lịch sử chủ trương: lạc xác chứ không phải mất xác! Lạc xác, vì theo họ xác các nạn nhân tử tội thường được quăng xuống một hố chung!… Thế nhưng không hiểu tác giả thuyết này sẽ viện lẽ gì để ngang nhiên vứt bỏ những đoạn trong Phúc Âm nói về việc chôn cất hẳn hoi và có đầy đủ chi tiết đứng đắn hợp với một tài liệu lịch sử?

 

Như vậy, giả thuyết “ăn trộm”, giả thuyết “động đất”, giả thuyết “hố chung” đều không đứng vững, vậy xác Đức Giêsu đi đâu? Nếu không muốn nhận sống lại thì chỉ còn cách nói như trên kia, Đức Giêsu chưa chết, sau cơn xỉu, Ngài tỉnh lại rồi tìm cách ra khỏi mồ!

 

Thế nhưng, ngoài cái khó khăn cắt nghĩa chưa chết…, còn vấn đề sau đó Đức Giêsu đi đâu? làm gì?… Cả một phong trào lừa bịp thiên hạ nói Ngài sống lại, phong trào phạm thượng dám tôn vinh Ngài lên ngang hàng Thiên Chúa của các môn đệ sau đó, hỏi một con người đạo đức thánh thiện hoạt động như Đức Giêsu có thể ngồi yên để các môn đệ của mình làm vậy sao? Rồi chính các môn đệ có đủ khả năng để lừa bịp như vậy không?

 

Đến đây chúng ta có thể kết luận một cách thẳng thắn là: nói như Phúc Âm là hợp lý, hợp khoa học nhất! Mặc dù nhiều điều trong Phúc Âm vượt quá giới hạn của khoa học thực nghiệm!

 

a.3. Những nhân chứng thấy Ngài sống lại:

Đối với những sự việc chúng ta không thấy được (hoặc vì ở xa, đã qua hay thuộc một thế giới khác) thì chúng ta dựa vào sự đứng đắn hợp lý của các chứng nhân. Các chứng nhân đó chính là lý chứng lịch sử.

 

Việc Đức Giêsu chết thật và không còn xác ở trần gian này là điều ta vừa chứng minh là đúng sự thật. Sự việc Ngài sống lại và đi vào một thế giới khác, thì đó là việc vượt quá tầm vóc của khoa học lịch sử. Nhưng những chứng nhân nói là đã thấy Ngài sống trong thế giới khác, những chứng nhân đó vì là người còn sống ở đời này như ta, nên thuộc phạm vi sử học.

 

Nghĩa là ta có thể đặt vấn đề: chứng nhân đó có đáng tin hay không? Đáng tin hay không đáng tin, điều đó tùy thuộc sự đứng đắn, sự thánh thiện và “khả năng” của người làm chứng. Chữ “khả năng” đây hiểu là “không bị lừa”, “không lầm”, “không bệnh hoạn nhất là bệnh hoạn tâm lý”, trái lại có “đủ điều kiện để làm chứng điều mình làm chứng”.

 

Các chứng nhân đặc biệt là các tông đồ, thực sự đã hội đủ những điều kiện đó. Đời sống luân lý và đạo đức đặc sắc của các ngài chứng minh các ngài là những chứng nhân đứng đắn, thánh thiện nữa! Không thể bảo các ngài bịa chuyện đánh lừa một cách qui mô và đối với một vấn đề quan trọng như thế.

 

Còn nói các ngài bị lừa, thì ai lừa các ngài? chả lẽ Đức Giêsu (đứng đắn và thánh thiện hơn các ngài gấp bội)?! Chả nhẽ kẻ thù Đức Giêsu ?! Mà nếu bị lừa, sao không bị lật tẩy trong một vấn đề dễ bị lật tẩy như vậy?!

 

Chỉ còn vấn đề bị lầm, lầm vì yên trí, vì tưởng tượng, vì bệnh hoạn!

Đây là vấn đề mà một số người đã tận lực khai thác. Họ nói các môn đệ vì quá thương nhớ Thầy nên mơ hay tưởng tượng thấy Thầy sống lại!… Rồi một người mơ, hai người mơ… Cứ vậy lây sang nhau.

 

Nhìn vào thực tế như trong Phúc Âm ghi lại, thì có lẽ ta phải nói: người nghĩ ra cái thuyết trên mới chính là người “mơ”!

 

Các môn đệ là những người lao động làm nghề chài lưới, đâu có phải là hạng hay mơ màng! Dễ tin chuyện tưởng tượng! (Mc 16,11-13; Ga 20,25) Chúa phải trách họ cứng lòng tin (Lc 24,25; Mc 16,14). Gặp Chúa hiện ra, điều họ nghĩ đầu tiên là: “ma!” (Lc 24,37) chứ đâu có phải là như chuyện nhớ thương quá rồi nhìn gà hóa quạ! Rồi tưởng tượng gì mà cả bao nhiêu người tưởng tượng cùng một lúc và y như nhau! Sách “Tông Đồ Công Vụ” nói có lần hơn 500 người thấy cùng lúc  (Cv 15,6)!

 

Đàng khác, có thể nói, Chúa Giêsu đã phải huấn luyện các môn đệ, để các môn đệ tin thật đúng là Ngài đã sống lại, Chúa giải thích Thánh Kinh (Lc 24,27); Chúa làm lại những cử chỉ quen thuộc xưa : “bẻ bánh” (Lc 24,30); kêu tên “Maria!” (Ga 20,16). Chúa để cho các môn đệ kiểm soát vết thương ở chân tay, cạnh sườn (Ga 20,27). Tuy Chúa vẫn hướng về tương lai và chúc phúc cho nhữg kẻ không thấy mà tin (Ga 20,29).

 

Cũng nên nói, những sự khác nhau về nơi chốn, cách thức… những lần hiện ra, không phải là bằng chứng để phi bác tất cả một sự kiện lịch sử Phục Sinh, một sự kiện còn dựa trên nhiều nền tảng khác có giá trị hơn nhiều! Nhưng chỉ là biểu hiện cho thấy có nhiều tương truyền khác nhau và độc lập với nhau! Và điều đó, xét về một phương diện,càng gia tăng giá trị lịch sử của sự kiện Phục Sinh. Vì nhiều nhân chứng vừa giống nhau, vừa khác nhau có giá trị hơn là một hay nhiều nhân chứng giống y như nhau để rồi người ta có quyền nghĩ là “sao y” bản chính!

 

Tóm lại, tài liệu ghi nhận những nhân chứng đã thấy Chúa sống lại, quả thật là một tài liệu có giá trị lịch sử đáng tin cũng như những phần khác của sách Phúc Âm.

 

Sau hết, có thể thêm vào phần chứng nhân này, một “chứng nhân” theo một nghĩa đặc biệt, nhưng có một thế giá vô song, đó là chính Đức Kitô : Ngài là chứng nhân cuộc Phục Sinh của chính Ngài, vì Ngài biết tương lai, nên Ngài nói rõ Ngài sẽ sống lại (Mt 16,2; Ga 10,17). Đức Kitô không thể nói không đúng vì thế giá đặc biệt của Ngài.

 

b. Giáo Hội Kitô giáo từ đầu cho tới ngày nay

Nhìn lại lịch sử, chúng ta phải công nhận như một nhận xét của một nhà bình luận độc lập kia: không thể cắt nghĩa được đám cháy vĩ đại Kitô giáo ngày nay, mà lại không cần có một mồi lửa tiên khởi đó chính là cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.

 

Giáo Hội Kitô giáo chính là một bằng chứng lịch sử cho sự kiện Phục Sinh của Đức Kitô.

 

Qua nhiều bài giảng trong Giáo Hội sơ khởi (Cv 2,22-32; 3,12-15; 4,8-10) chúng ta nhận thấy sự kiện Phục Sinh quả là trung tâm lời rao giảng của các Tông Đồ, và số những người xin tòng giáo cũng hoàn toàn vì “Giêsu Nazareth đã sống lại”.

 

Ngay từ  năm 36, Thánh Phaolô đã lãnh nhận một tương truyền, được coi như kinh Tin Kính thời đó, trong Giáo Hội. Tương truyền đó gồm: “Đức Kitô đã chết vì tội ta như lời Thánh Kinh, đã chôn trong mồ và sống lại ngày thứ ba như lời Thánh Kinh ! Ngài đã hiện ra với Céphas, rồi với mười một tông đồ…” (1 Cr 15,17).

 

Chính sự kiện Đức Kitô Phục Sinh đã phát sinh ra Giáo Hội Kitô giáo. Và cho đến ngày nay Mầu Nhiệm Phục Sinh vẫn là nền tảng của Kitô giáo. Không có Giêsu Phục Sinh không thể có Kitô giáo, Đạo Kitô giáo sẽ không còn!

 

Lời Thánh Phaolô xưa kia đã đúng, ngày nay vẫn đúng và sẽ còn đúng mãi:

“Nếu Đức Kitô không sống lại, Đức Tin anh em rỗng không” (1 Cr 15,17).

 

2. Đức Tin về Chúa Phục Sinh

 

a. Khoa Thần Học ơn Cứu Rỗi dựa trên Mầu Nhiệm Phục Sinh

Sau khi chính Ngài được kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh trên đường Đa-mát (Cv 9,1-6), cuộc kinh nghiệm quyết định đã làm Ngài “tái sinh” như đứa con sinh thiếu tháng (Cv 15,8) và ảnh hưởng đến suốt đời Ngài, Thánh Phaolô đã trở thành một nhà thần học về Ơn Cứu Rỗi xây dựng từ căn bản Mầu Nhiệm Phục Sinh.

 

Tư tưởng của Ngài tập trung vào hai điểm: Thân thế Đức Kitô và Phép Rửa Tội.

- Cuộc Phục Sinh đã làm cho Đức Kitô thành “Chúa Tể” trong Vinh Quang Chúa Cha (Pl 2,9-11) để thực hiện tất cả chương trình ý định của Thiên Chúa từ ngàn xưa, về nhân loại và về hoàn vũ (Cl 1,18-20; Ep 1,20-23).

- Chúa Kitô trong cái chết và sống lại của Ngài, đã trở nên gương mẫu và nguyên nhân thực hiện gương mẫu cho tất cả mọi tín hữu: Bí Tích Rửa Tội thực hiện điều đó! “Rửa Tội” hay nói cho đúng nghĩa chữ: “Dìm mình” xuống giếng Rửa Tội là chôn mình vào trong mồ, trong cái chết cùng với Chúa Kitô, và ra khỏi giếng Rửa Tội là như Chúa Kitô sống lại ra khỏi mồ! Và tất cả đời sống người Kitô hữu là sống Mầu  Nhiệm đó: chết cho tội, sống cho Chúa! (Rm 6,1-11). Chúng ta bắt đầu ngay từ bây giờ sự sống mới, sự sống Phục Sinh.

 

b. Mầu nhiệm Phục Sinh

Nếu sự kiện Phục Sinh rất am hợp với công việc Tạo Dựng con người có xác hồn kết hợp nên một vật sống, và cả xác lẫn hồn đều do Chúa dựng nên; vì thế ơn Cứu Độ con người phải ảnh hưởng đến cả con người toàn diện, nghĩa là cả hồn lẫn xác!

 

Nếu sự kiện Phục Sinh là một đích cùng mà đời sống người Kitô hữu cũng như toàn thể hoàn vũ hướng tới (Rm 8,19-23).

 

Sự kiện Phục Sinh không phải vì thế mà thôi là một “Mầu Nhiệm” theo nghĩa căn bản của chữ. Nghĩa là chúng ta vẫn chưa hiểu Phục Sinh sẽ thế nào ? Cái gì trong xác sẽ Phục Sinh? Cái gì sẽ tồn tại? Và cuộc biến đổi sẽ thế nào?… Phương chi còn “Trời Mới Đất Mới”?

 

Thực sự chúng ta chỉ nắm được hai đầu giây:

“Xác thịt như ta đang có bây giờ không thể vào Nước Trời được”(1 Cr 15,50) và “Thần linh Chúa sẽ ban sự sống cho chính thể xác chết của ta” (Rm 8,11).

 

Hai đầu giây đó nối liền với nhau thế nào do một cuộc “Biến Đổi” gọi là “Phục Sinh”, đó là điều còn đầy bí nhiệm!

 

Chúng ta chỉ biết là thực sự đã xảy ra nơi Chúa Kitô Sống lại, Mầu Nhiệm ta học hôm nay.

 

Đề tài trao đổi

- Phục Sinh như chúng ta thấy nơi Chúa Kitô, trả lời mọi khát vọng của con người như thế nào?

- Bạn hãy dẫn chứng cho thấy việc Chúa Giêsu sống lại là việc có thật.

 

 

Lm. Antôn Trần Văn Trường

Nguồn: giaolyductin.com


 (còn tiếp)