Giáo lý Tín lý - Bài 15: Lên Trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 682 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo bài 14)

 

Đức Giêsu được lên với Thiên Chúa (Lên Trời), được Thiên Chúa trao cho Vương Quyền của Ngài (ngự bên hữu Đức Chúa Cha), nên Đức Giêsu toàn năng toàn quyền (phép tắc vô cùng).


Nói cách khác, bài hôm nay chúng ta sẽ học về việc Thiên Chúa tôn vinh Đức Giêsu, hay dùng một hình ảnh: Đức Giêsu toàn thắng vinh qui.


“Lên Trời” vì thế gắn liền với “Phục Sinh” và là một tiếp tục đương nhiên phải có. Đàng khác, xét về phương diện thực hữu, sau khi sống lại, Chúa Kitô đã thực sự sống trong thế giới thần linh, “thế giới của Thiên Chúa” rồi ! Câu nói “Ta chưa về cùng Cha Ta” (Ga 20,17) đó chỉ là một kiểu nói cho loài người sống trong không thời gian.

 

1. Ý nghĩa việc Lên Trời


Thánh Kinh cho chúng ta nhiều ý nghĩa về việc Lên Trời của Chúa Kitô:

- Lên Trời như là một cuộc tôn vinh Chúa Kitô sau khi đã hoàn tất chương trình ý định của Thiên Chúa bằng cuộc tử nạn đau khổ nhục nhã để cứu thế (Pl 2,6-11 ; Cv 2,22-36 ; Lc 24,26).

- Với ý thức về Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, việc Lên Trời được kể lại như là việc trở lại tình trạng vinh hiển cũ của Con Thiên Chúa, sau thời gian che ẩn do việc Nhập Thể (Ga 6,62; 17,5).

- Việc Lên Trời còn được gắn liền với việc Trở Lại (Quang Lâm) để hoàn tất nơi mọi người Ơn Cứu Chuộc (Cv 1,11): Chúa đi để “dọn chỗ” cho chúng ta (Ga 14,2): dọn bằng cách ban Chúa Thánh Thần xuống để giúp ta ăn ở xứng đáng để có thể sống trong nhà Cha ngày Ngài trở lại trần thế.

- Thánh Phaolô còn cho ta một ý nghĩa khác nữa của việc Lên Trời: Chúa Kitô ngự trị như là một vị Chúa Tể trên tất cả mọi thụ tạo vô hình hay hữu hình, thần thánh, loài người và muôn vật… và ban phát nguồn ơn Cứu Độ và sinh lực cho tất cả (Ep 1,20-21; Cl 2,15; 1 Tm 3,16; Ep 4, 10).

- Sau hết, thư Do Thái coi việc Lên Trời như việc Chúa Kitô tiến vào Đền Thờ hoàn hảo vĩnh cữu với Của Lễ Hòa Giải vô giá… để chuyển cầu cho chúng ta (Dt 1,3-13; 4,14 ; 6,20; 9,24).

 

2. Thể thức trình bày (Văn thể, bố cục)


a. Đọc tài liệu


Trong bốn Thánh Ký, chỉ có hai Thánh Ký nói về việc Lên Trời, đó là Mac-cô và Lu-ca. Còn Mat-thêu thì kết thúc Phúc Âm ở cuộc hẹn hò trên núi ở Galilêa (miền Bắc); đang khi Gioan thì kết sách bằng cuộc đi dạo nói chuyện tâm sự ở bờ hồ Tibêriade, và cho biết là tám ngày sau khi sống lại Chúa còn hiện ra với các môn đệ (Ga 20,29) và lần hiện ra ở hồ Tibêriade là lần thứ ba (Ga 21, 14).


Trong hai Vị nói tới, thì Mac-cô nói rất vắn tắt, không nói rõ chỗ nào và sau khi sống lại bao lâu? Còn về Lu-ca, thì đọc sách Phúc Âm ta có cảm giác Chúa Lên Trời ngay ngày Sống Lại (Lc 24) và ở gần Bêthania, nhưng theo Tông Đồ Công Vụ, thì ta biết Chúa Lên Trời sau khi sống lại 40 ngày (Cv 1,3) và chỗ Lên Trời là núi Cây Dầu (gần Giêrusalem) (Cv 1,12).


Về văn thể, ta cần đặt những đoạn văn đó vào hoàn cảnh lịch sử của nó, ta mới hiểu đúng được ý nghĩa sự việc.


Trước hết là kiểu nói “Lên Trời”, “Xuống Thế”: Nếu chúng ta hiểu “Trời” là “nơi Chúa ngự trị”, còn “thế” là “cõi trần” của chúng ta, và “lên, xuống” theo nghĩa Kính Chúa thì đặt Chúa ở trên còn ta ở dưới, hiểu như vậy thì kiểu nói “lên Trời, xuống thế” chả còn đặt thành vấn đề nữa! (Như Kinh Lạy Cha hoặc Ga 3,13; 20,17).


Nhưng cái làm một số người ngày nay thắc mắc là cách hiểu theo nghĩa đen: “trời” là trời xanh, có tinh tú, có mặt trời, có mặt trăng…; và đem quan niệm tiến bộ về thiên văn của thế kỷ này áp dụng vào những kiểu nói thời xưa, mà nhiều khi rất gần những kiểu nói thi sĩ ngày nay: “Chúa nghiêng trời để bước xuống (Tv 144,5; St 17,22; Tv 104,3; Is 63,19).


Thế nhưng còn cái hiện tượng “Chúa lên trời có mây che” đàng hoàng, kể trong Tông Đồ Công Vụ 1,9 thì sao? Phải chăng đó chả là hiện tượng máy bay hay nhất là hỏa tiễn ngày nay? Và “Trời” đó chả đúng là “Trời” theo nghĩa đen?


Có thể! Nhưng chắc chắn người Do Thái thời đó không phải chỉ hiểu theo nghĩa đen như ta hiểu ngày nay. Nói “có thể”, vì rất có thể sự việc Chúa Lên Trời đã xảy ra như vậy thật, cũng như phép lạ Chúa đi trên mặt nước (Mt 14,25). Nhưng không phải Dân Do Thái khi nhìn hay nghe hiện tượng đó, mà chỉ hiểu theo nghĩa đen! Vì nếu vậy, mắc mớ gì Thầy Cả Thượng Phẩm xé áo và tuyên bố là nói phạm thượng khi Chúa Giêsu nói: Ngài “sẽ đến trên mây trời” (Ga 26,64)?


Khi Thánh Lu-ca kể lại sự việc Chúa Lên Trời  với chi tiết “đám mây che”, “tiếng thiên thần phán”…, không phải tác giả viết theo kiểu phóng sự nhà báo ngày nay, nhưng là theo cách thức của nhà thần học Thánh Kinh, “đám mây”, “thiên sứ” vốn là thuộc thành phần các yếu tố tạo khung cảnh cho Thiên Chúa tỏ mình ra trong Thánh Kinh (Xh 24,15-16; Lc 9,7; Dn 7,13; Mt 24,80; Kh 1,7). Những yếu tố đó có trong cuộc Đức Kitô về Trời, tức là nói  Đức Kitô là Thiên Chúa .


Sự kiện “bay lên khỏi đất” hoặc “bay lên Trời” là để nói Chúa về nơi Chúa ở trước (Trời là nhà Cha Ngài, Chúa không còn ở dưới trần thế như từ ngày Ngài Giáng Sinh cho đến hôm đó nữa)


Còn vấn đề “nơi” Chúa ở, “nhà” Cha, “Trời”… thực sự là nơi nào? ở đâu? chỗ nào?


Điều đó thực sự không ai biết được! và cũng chẳng hiểu được! Đó chỉ là kiểu nói, là khái niệm của loài người, cho loài người, loài bị lệ thuộc vào không thời gian! Thiên Chúa thiêng liêng (Ga 4,24) đâu có bị lệ thuộc vào không gian thời gian, mà nói chuyện nơi chốn! Còn thế giới vật chất này sẽ được “biến đổi”, như xác ta và cả Trời Đất trong ngày sau hết do Sức Mạnh của Chúa Phục Sinh (Ga 6,40 ; Kh 21,1.5), chúng ta biết được phần nào nơi xác Chúa Kitô sau ngày Sống Lại! Lúc đó có cần nơi chốn, có còn kích thước không gian không? Ai biết! Ngay vấn đề vũ trụ này vô cùng hay có giới hạn? Ngoài giới hạn đó là cái gì? Mà chả lẽ có thứ con số vô cùng?!… Đó là những vấn đề hiện thế mà làm ta điên đầu rồi! Phương chi thế giới mai hậu, nay chưa có!

 

b. Ý tứ thực sự cần ghi nhận


Giữa ngày Phục Sinh và ngày Lên Trời có một quãng cách thời gian, tuy Mầu Nhiệm Thăng Thiên theo nguyên tắc gắn liền với Mầu Nhiệm Phục Sinh. Quãng cách này trong thực tế, ta thấy có một ý nghĩa, đó là: nhờ khoảng thời gian đó, thời gian mà Chúa Giêsu Phục Sinh còn tiếp tục ở gần các môn đệ phần nào như xưa, để giúp các ngài có một ý niệm (mặc dầu không thể diễn tả được!) về cái thực hữu mới, thực hữu của thế giới Phục Sinh. Ý niệm này rất quan hệ vì Phục Sinh là cùng đích để người Kitô hữu tiến tới, và cũng là kết quả huy hoàng mà Chúa Kitô đã đoạt được bằng cái chết đau khổ (Lc 24,26) bằng cả đời sống đạo hạnh của Ngài (Dt 5,7-8; Pl 2,7-8). Cái thực hữu đó, cuộc sống Phục Sinh đó, dù là một thực hữu siêu việt không diễn tả được ở đời này, nhưng các môn đệ không thể chỉ biết được một cách mập mờ, chốc lát, trái lại, các ngài cần phải biết rõ, có kinh nghiệm nữa! Có vậy các ngài mới thực sự là nền tảng cho Đức Tin của ta ngày nay.


Ấy là chưa nói đến những việc khác Chúa Kitô làm trong thời gian đó: việc đặt nền tảng vững chắc cuối cùng cho Giáo Hội của Ngài: trao quyền lãnh đạo thực sự cho Phêrô (Ga 21,15-17); trao quyền tha tội thực sự cho các tông đồ (Ga 20,22-23) ; cho lệnh khởi hành công cuộc chinh phục thế giới cho Phúc Âm (Mc 16,15-16). Thánh  Lu-ca kể lại vắn tắt là Chúa nói chuyện với các môn đệ “về nước Thiên Chúa” (Cv 1,3).


Sau thời gian cần thiết để hoàn thành những sự việc đó, Chúa Giêsu đã nói về Cha Ngài như lời Ngài nói:

“Ta về với Cha Ta cũng là Cha của các con, với Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa của chúng con”(Ga 20,17).


Các môn đệ vui mừng chờ ngày Chúa Thánh Thần được ban xuống như lời Chúa Giêsu hứa (Cv 1,4-5) và nhất là chờ ngày Chúa Giêsu trở lại (Cv 1,11; Kh 22,20).


Sự kiện Chúa lên Trời như Tông Đồ Công Vụ kể lại (Cv 1,9) chỉ là dấu chỉ hữu hình nằm trong bối cảnh trên: từ nay Chúa Giêsu không ở với các môn đệ như trước nữa, vì Ngài về nhà Cha để “dọn chỗ” cho ta. Tuy nhiên Ngài vẫn ở với các môn đệ bằng cách khác (Mc 16,20; Mt 28,20)

 

Đề tài trao đổi

1. Bạn thử trả lời vấn nạn : “Chúa lên Trời ! Nhưng theo khoa học, trái đất cũng ở trên trời, vậy tại sao Chúa lại bỏ trái đất để về Trời?

2. Ngày nay Chúa vẫn còn ở với ta thế nào? Mặc dầu Thánh Kinh nói Chúa về Trời chưa trở lại?

3. Bao giờ Chúa trở lại?

 

Lm. Antôn Trần Văn Trường

Nguồn: giaolyductin.com


 (còn tiếp)