Giáo lý Tín lý - Bài 16: Bởi Trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 684 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo bài 15)


Nhận định


Tín điều trên gồm hai yếu tố tách biệt trong thời gian, nhưng sau lại liên kết mật thiết với nhau. Đó là:

1. Cuộc phán xét mọi người do Thiên Chúa, để thưởng hay phạt

2. Cuộc trở lại trần gian của Đức Kitô (Ngày Quang Lâm) để phán xét.

 

Cựu Ước đã nói đến yếu tố thứ nhất. Và Tân Ước đã lặp lại điều Cựu Ước nói nhưng là để móc nối với yếu tố thứ hai. Nói cách khác “Ngày của Đức Giavê” đã trở thành “Ngày phán xét chung do Chúa Kitô trong Ngày Quang Lâm”.


Để giúp ta hiểu sâu rộng tín điều học hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu căn bản Thánh Kinh nói về “Ngày của Đức Giavê” (hay vấn đề Phán Xét trong Cựu Ước) và “Ngày Quang Lâm” (hay vấn đề Phán Xét trong Tân Ước)


NB: “Kẻ sống và kẻ chết” nghĩa là những người đang sống lúc Chúa đến và những người đã chết từ trước (1 Tx 4,15).

 

1. Ngày của Đức Giavê

 

Theo Thánh Kinh “Ngày của Đức Giavê” là ngày Chúa củaIsraelsẽ đến để xét xử thưởng phạt: xét xử thưởng phạtIsraeltheo sự trung tín với Giao Ước hay không; rồi xét xử các dân tộc khác theo sự đối xử với Dân của Chúa thế nào, có nhận quyền phép Chúa hay không?

 

“Ngày của Đức Giavê” vì thế sẽ là “ngày  Giận dữ” (Is 2,9-11; Ca liên xướng Lễ Mồ), “Ngày ghê sợ” vì là ngày phạt tội (Am 5,18) “Ngày hạch tội” (Hs 4,1). Còn về phía người lành, vô tội, thì là ngày vui mừng (Tv 96,11-13; 98,7-9).

 

Nhưng “Ngày của Đức Giavê”  còn là ngày do Đấng Cứu Thế, Vua hòa bình thiết lập (Is 9,5-6; 11,6-8), ngày Chúa tái tạo Dân Chúa từ nội tâm (Gr 31,31-34; Ed 36,26-27) đến thể xác (Ed 37,1-14), và cả trời đất nữa (Is 65,17 ; 66,22). Nhưng trước đó sẽ có cuộc thử thách lớn lao, một cuộc đua tài giữa Lành và Ác…, tiếp theo là cuộc Phán Xét của Thiên Chúa (Dn 7,15-27). Trong cuộc Phán Xét cuối cùng này, ta thấy xuất hiện một nhân vật bí nhiệm:


“Con Người tiến tới Thiên Chúa để lãnh nhận mọi vương quyền” (Dn 7,13-14).

 

Với phong trào Thánh Vịnh và sách Khôn Ngoan, với ý thức về trách nhiệm và thưởng phạt cá nhân (Ed 14,12; 18,1-4), chứ không phải chung toàn dân, từng dân…, chúng ta cũng nhận thấy tư tưởng “Ngày Đức Giavê” đến xét xử được áp dụng phần nào trong phạm vi từng cá nhân (Tv 43,1; 62,13; 35,24). Song tất cả đều là cuộc xét xử để bênh vực người công chính bị áp bức.

 

2. Ngày Quang lâm

 

Hình ảnh “Con Người” bí nhiệm trong Dn 7,13-14 vào thời sau hết, được lấy lại trong Tân 

Ước dưới hai hình thức khác nhau:

- Hình thức đã xảy ra và đang xảy ra.

- Hình thức sẽ xảy ra vào ngày Quang Lâm.

 

Vì “Con Người” tiên báo trong sách Daniel chính là Chúa Kitô. Vậy Chúa Kitô đã đến, “thời sau hết” đã đến (Dt 1,2; Cv 2,17) cùng với các điềm lạ trên trời (Cv 2,20).

 

Cuộc Phán Xét cũng đã bắt đầu: Nước quỉ (hiện thân điều Ác) đã bắt đầu bị Chúa Kitô phá tan tành (Mt 4,1-11;13,41-42;12,28-30; Mc 1,24; Lc 11,21; Ga 12,31)

 

Chúa Kitô là Thiên Chúa hiện thân cũng đã dứt khóat phân xử tội phúc: Ga 3,18-19; Mt 10,32; 11,22.24; 24,51; 25,12.30; 22,13. Chúa chúc phúc: Mt 5,3-12, hay nguyền rủa: Mt 23,13-32.

 

Nhưng Chúa Kitô sẽ còn đến lại (Ngày Quang Lâm) (Cv 1,11) để hoàn tất nước Cha Ngài (1 Cr 15,28), sau một cuộc Phán Xét tối hậu và toàn diện do chính Ngài chủ tọa (Mt 24,30; 25,31; Cv 10,42;17,31; 2 Tm 4,1; 1 Pr 4,5) vì Chúa Cha đã trao quyền xét xử cho Ngài (Ga 5,22.27). Trong bài nói về ngày Phán Xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã nhắc lại mọi điềm đã được báo trước trong sách Daniel: thời gian thử thách đấu tranh trước; kẻ chết sống lại (Dn 12,2; Ga 5,28-29), điềm trời, “Con Người” đến trên mây trời (Mt 24,15-31).

 

Qua những điều mạc khải trong Thánh Kinh, chúng ta ghi nhận:

- Cuộc xét xử của Thiên Chúa nằm trong lịch sử do sự hiện diện của Chúa Thánh Thần (Ga 16,8-11).

- Một cuộc xét xử cuối cùng trong Ngày Sau Hết.

- Có cuộc xét xử riêng qua các dụ ngôn dạy phải tỉnh thức vì giờ chết bất ngờ (Mt 24,45-51 ; 25,1-13 ; 14,30).

- Có hai số phận sau khi sống lại : thưởng hay phạt (Thiên Đàng, Hỏa Ngục).

- Về luyện ngục, Thánh Kinh không nói rõ (1Cr 3,15), nhưng Công Đồng Lyon (1274) Florence (1445) Trente (1545-1563) đã nói rất rõ.

- Một “thế giới mới”, một “nhân loại mới” sau cuộc chung thẩm! Nước Chúa  hoàn hảo.

 

Đề tài trao đổi


1. “Ngày Quang Lâm” là ngày gì? Tại sao chúmg ta chờ ngày đó?

2. Những ai vui ai sợ ngày đó? Tại sao?

 

Lm. Antôn Trần Văn Trường

Nguồn: giaolyductin.com

(còn tiếp)