Giáo lý Tín lý - Bài 17: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 636 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo bài 16)


Nhận định chung:


a. Như đã nói trước đây khi học về Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con (bài 7 và 11), bài hôm nay thuộc phần Tuyên Xưng Đức Tin về Chúa Ba Ngôi. Vì thế, nếu phải nói cho rõ Tín Điều học đây, chúng ta phải nói:


“Tôi Tin Kính Đức Chúa Thánh Thần là Một Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con”.


Hoặc theo cách diễn tả vắn tắt mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: “Tôi Tin Kính Đức Chúa Trời là: Cha, Con và Thánh Thần”.


Như thế có nghĩa là: Chúa Thánh Thần cũng phải được tôn thờ như Chúa Cha hay Chúa Con; nhưng Chúa Thánh Thần không phải Chúa Cha và Chúa Con; nghĩa là nếu công việc tạo dựng, công việc là nguồn gốc phát sinh, được đưa về Chúa Cha; công việc Cứu Thế được coi như việc Chúa Con; thì Chúa Thánh Thần cũng sẽ có một công việc được coi như việc của Ngài. Chúng ta sẽ xem sau đây.


b. Về tên “Chúa Thánh Thần”: “Thần” là Thần trí, tinh thần, tâm thần. “Thánh Thần” là Thần trí thánh, tinh thần, tâm thần thánh. “Chúa Thánh Thần” là do Mạc Khải ta biết được: “Thần trí thánh trong Thiên Chúa là một Ngôi Vị như Ngôi Cha, Ngôi Con, nên ta gọi Ngài là “Chúa Thánh Thần”.


1. Mạc Khải về Chúa Thánh Thần


Nếu tìm lại nguồn gốc tiếng mà Thánh Kinh dùng để gọi Ngôi Ba Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ phải trở lui xa hơn là chữ “Thần trí” hay tâm thần của tiếng Việt.


Tiếng Thánh Kinh (tiếng Do Thái, Hy Lạp và La Tinh)dùng để gọi Ngôi Ba có nghĩa gốc là “hơi thở của vật sống” (St 6,17; Tv 104, 29-30; G 27,3) hay “gió” (St 3,8; Tv 104,3-4). Hơi thở thay đổi tùy theo tinh thần : tức giận, buồn… (St 41,48; 45,27; Tl 8,3). Hơi thở vì thế được dùng làm biểu dương cho mọi tinh thần, phần linh thiêng sống động trong con người, “hơi thở” lúc đó đồng nghĩa với “linh hồn” như ta nói ngày nay (Tv 31,6). Ở đây ta gặp được nghĩa gốc trong tiếng Việt: “Thở dài”, “thở ngắn”, “thở hổn hển”…, rồi “tắt thở”.


Thế nhưng, “tinh thần” dần dần như được nhân cách hóa. Lý do vì có những lúc đương sự như không làm chủ được tinh thần mình. Tinh thần được coi như một “sức mạnh vô hình” từ ngoài tới. Chính “tinh thần” này xâm nhập các vị lãnh đạo Dân Chúa: Các Án Quan (Tl 3,10; 11,29; 14,6), các Vua (1 Sm 11,6; 16,13), cả Đấng Cứu Thế được tiên báo (Is 11,2). Nhưng đặc biệt nhất là các Tiên Tri (Ed 11,5; Nh 9,30; Dc 7,12). Sách Khôn Ngoan nói: “Thánh Thần” huấn luyện (Kn 1,5) “Thánh Thần” chan hòa vũ trụ (Kn 1,7). Các Tiên Tri còn loan báo thời Giao Ước Mới, Thiên Chúa ban “Thần Trí” của Ngài cho ta (Ed 36,27; Ga 3,1-2).


Thế là công việc chuẩn bị của Cựu Ước cho việc Mạc Khải về Ngôi Ba Thiên Chúa đã đầy đủ, mà đồng thời vẫn bảo tồn được căn bản Độc Thần.


Với Tân Ước, công việc Mạc Khải về Chúa Thánh Thần sẽ hoàn toàn. Nhưng cũng như Mạc Khải về Chúa Con (bài 11), ý thức rõ ràng về “Thánh Thần” hoặc “Thần Trí” như là một Ngôi Thiên Chúa như ta có ngày nay, đã tiến triển từ từ, và không có phân điểm rõ ràng lúc nào là lúc ý thức đó dứt khoát.


Một hiện tượng đặc biệt là Ngày Hiện Xuống (Cv 2,1-4), ngày nhận sức mạnh từ trên ban xuống (Lc 24,49): “Gió Mạnh”, nghĩa gốc nguyên thủy (Tv 104,3-4), “Lửa”: là những yếu tố thường xuyên trong những lần Thiên Chúa hiện ra. Các môn đệ đầy Thánh Thần nói tiếng lạ… (Cv 2,4), Thánh Phêrô coi như lời tiên tri Giô-en nói về thời sau hết, đã được thực hiện (Ge 3,1-5; Cv 2,16); Các Ngài họat động theo Thánh Thần (Cv 6,3; 9,17; 11,24-28; 13,9); hoặc chống lại Thánh Thần (Cv 7,51) chữ Thánh Thần dùng trên đây thực sự đã khác nghĩa Cựu Ước, nghĩa là để chỉ một ngôi vị chưa?


Rất có thể  khác rồi! Nhưng chưa rõ ràng!


Muốn “là một ngôi vị” rõ ràng, chúng ta phải tìm ở những đoạn coi Thánh Thần ngang như một ngôi vị khác (Cv 5,32;15,28), Thánh Thần nói (Cv 10,19; Mt 10,20; Ga 15,26-27) hoặc sai phái (Cv 13, 2.4). Hoặc trong thư Thánh Phaolô:  1 Cr 3,16; 5,19; 12,13; 2 Cr 1,22; 5,5; Gl 4,6-7; Rm 8,14-17)


NB: Công Đồng Constantinople I đã xác định (chống với bè rối do Macedonius cầm đầu) Thánh Thần là một Ngôi Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là nguồn sống siêu nhiên.


Và sau đó, Giáo Hội cũng có dịp giải thích rõ là Chúa Thánh Thần do Chúa Cha và Chúa Con mà ra (Ga 14,16; 16,13-15).


2. Chúa Thánh Thần trong chương trình của Thiên Chúa về loài người


Ngày nay, với mạc khải đầy đủ về Chúa Ba Ngôi, cách riêng về Chúa Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba, chúng ta có thể nhìn ngược lại giòng lịch sử chương trình của Thiên Chúa, để nhận ra vị trí Chúa Thánh Thần.


Chúa Thánh Thần đã hiện diện ngay từ nguyên thủy: Ngài hiện diện trong việc tạo dựng (St 1,2), Ngài là sự sống cho con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa (St 2,7). Sau đó Ngài đặc biệt ở với Israel, “con cả” của Chúa, Dân Riêng của Chúa: Ngài hướng dẫn các vị lãnh đạo, đặc biệt là các tiên tri như lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nicée: “Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Chính Ngài hướng dẫn các Thánh ký ghi chép Thánh Kinh, cũng như chuẩn bị công việc đón nhận Đấng Cứu Thế.


Khi Chúa Giêsu đến, Chúa Thánh Thần đã có mặt thường xuyên trong cuộc đời Chúa Giêsu: lúc đầu thai (Mt 1,20), dâng vào Đền Thờ (Lc 2,26), khai mạc đời sống công khai (Mt 12,28; Lc 4,14), cả với các môn đệ Chúa Giêsu (Lc 12,11-12).


Ngược lại chính Chúa Giêsu đã nói về địa vị Chúa Thánh Thần trong chương trình Thiên Chúa về loài người:

Chúa Thánh Thần là nguồn sống (Ga 4,10; 14,26); Chúa Thánh Thần sẽ cho ta biết sự thật đầy đủ (Ga 14,26; 16,13); Chúa Thánh Thần giúp các môn đệ, cùng các môn đệ làm chứng về Chúa Giêsu (Ga 16,8-11; 15,26-27); Chúa Thánh Thần sẽ thay thế Chúa Giêsu ở với ta (Ga 14,16-18).


Vì thế, chúng ta cần sống theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để có thể sống làm con Chúa (Rm 8,14-16).


Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho ta được sống lại như Chúa Giêsu (Rm 8,11); cũng chính Ngài làmcho ta mong chờ tới ngày sống lại (Rm 8,23), ngày Chúa Giêsu trở lại để hoàn tất chương trình Thiên Chúa (Kh 22,17).

 

Đề tài trao đổi

1. Bạn hãy tìm những đoạn Thánh Kinh nói về Thánh Thần là một Ngôi Thiên Chúa.


2. Chúa Thánh Thần làm những gì cho ta ?

 

Lm. Antôn Trần Văn Trường

Nguồn: giaolyductin.com


(còn tiếp)