GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 19: Các Thánh Thông Công

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 670 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo bài 18)


Nhận định


Đây là một Tín Điều thêm sau này vào Kinh Tin Kính các Tông Đồ; rất có thể lần thứ nhất là vào thế kỷ V hay VI tại Pháp.


Anh em Tin Lành không chấp nhận Tín Điều này, vì họ cho như thế là ngược với trách nhiệm cá nhân và có vẻ vật chất hóa sự thánh thiện; đàng khác, nhiều tác giả coi việc cầu xin các Thánh (hậu quả của Tín Điều này) là một thứ Đa thần trá hình !…

 

1.  Ý nghĩa Tín Điều


Theo Giáo Hội Công Giáo, Tín Điều “Các Thánh thông công” có ý nói lên niềm tin vào sự liên lạc siêu nhiên mật thiết, sống động giữa các phần tử trong Giáo Hội, còn sống hay đã qua đời mà vẫn còn giữ được ơn nghĩa với Chúa, như các thánh trên Trời, các linh hồn ở luyện ngục. Nói cách khác, Giáo Hội Công Giáo quả quyết: giữa ba Giáo Hội: chiến đấu, vinh hiển và đau khổ, có một mối liên hệ siêu nhiên mật thiết với nhau! Tiếng “các thánh” dùng ở đây là dùng theo nghĩa căn bản: những người được ơn thánh hóa, Ơn Nghĩa (2 Cr 13,12).


Tín Điều này là căn bản cho việc tôn kính và cầu xin các Thánh, việc cầu nguyện hy sinh cho các linh hồn nơi luyện ngục và việc cầu nguyện cho nhau. Đàng khác, cũng còn là căn bản cho lý thuyết về Ơn Xá. Vì chính tại mối liên hệ mật thiết giữa các thánh, ta và các linh hồn ở luyện ngục, mà ta mới có thể xin lễ, làm việc lành, cầu nguyện cho nhau được, và mới có thể nhờ công nghiệp của nhau được!


Căn bản Thánh Kinh sau đây giúp ta hiểu và nhất là vững niềm tin hơn nữa!

 

2. Căn bản Thánh Kinh


Ngoài căn bản mối liên đới tự nhiên rất mật thiết về đồng loại trong loài người với nhau, mối liên đới mà trật tự siêu nhiên chẳng những không loại bỏ mà còn đòi hỏi, đặc biệt như trong lý thuyết về Ơn Cứu Chuộc bằng Nhập Thể. Mối liên hệ còn mở rộng ra cả giữa mọi loài thụ tạo với nhau: Thiên Thần cũng vui vì tội nhân trở lại (Lc 15,10), mọi tạo vật chờ ngày giải thoát “con cái Chúa” (Rm 8,19-21) để được vào “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1).


Sự liên hệ mật thiết giữa các phần tử trong Giáo Hội còn có những nền tảng thật vững chắc trong Thánh Kinh.

 

a. Trước hết là mối liên hệ của mọi “công dân” trong Nước Trời, Nước Chúa (Mt 4,23; 5,3; 6,10), Nước đó chính là Giáo Hội Chúa xây trên Phêrô (Mt 16,18-19); rồi nếu Thiên Chúa là Cha thì chúng ta là Anh Em trong gia đình (Mt 6,9) cùng hưởng gia nghiệp Cha (Rm 8,17); mối liên hệ giữa các tín hữu là mối liên hệ gia đình Cha trên trời.


Đàng khác, Thánh Kinh nhấn mạnh đến lòng yêu thương bác ái không ranh giới và tha thiết đến như thế nào ! Gương mẫu yêu thương đó chính là Chúa Giêsu (Ga 15,12) Đấng đã chết cho ta, trở nên của nuôi ta, nên một với ta! Như vậy mối liên lạc giúp đỡ, chuyển cầu, thông phần công nghiệp… cho nhau tại sao lại không có được?!

 

b. Nhưng đặc biệt nhất, sự thông công giữa các “thánh” dựa trên sự liên kết chặt chẽ mỗi người tín hữu với Chúa Kitô. Sự liên kết chặt chẽ đến nỗi Thánh Phaolô đã ví với sự liên kết trong một cơ thể! (1 Cr 12,12-27). Dù Thánh Phaolô có ý nói hay không có ý nói “Nhiệm Thể Chúa Kitô”, tư tưởng Thánh Phaolô vẫn là một!


Chúng ta đã nên một với Thân Thể phục sinh Chúa Kitô nhờ Phép Rửa Tội (1 Cr 12,13) và Phép Thánh Thể (1 Cr 10,16): chúng ta là những phần trong một cơ thể ! Chúa Kitô là Đầu, Giáo Hội là thân thể Chúa (Ep 5,23.30; Cl 1,18.24). Nên Chúa coi các tín hữu như là chính Chúa (Cv 9,5).

 

 Đề tài trao đổi


1. Tại sao chúng ta mừng lễ và cầu nguyện với các thánh? Xin lễ cầu hồn?

2. Bạn hãy diễn tả như bạn hiểu mối liên hệ giữa mọi tín hữu có ơn nghĩa Chúa với nhau dù còn sống hay đã qua đời.

 

Lm. Antôn Trần Văn Trường

Nguồn: giaolyductin.com

 

(còn tiếp)